Luddism - chủ nghĩa bài công nghệ và tính tất yếu của sự tiến bộ
Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm...
Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
Bữa trước trong lúc dọn nhà, mình có vô tình trông thấy một cái hộp các tông nằm lăn lóc ở thế hơi xiên, làm “trụ đỡ” cho vài cái hộp khác. Được cảnh đấy khơi cảm hứng, mình đã tí toáy thử với mớ bìa, và sau tầm chục phút thì đã cho ra được một cái kệ đỡ kindle như hình bên dưới.
Bênh cạnh việc giờ khỏi phải kê gối nâng đầu hay giữ máy mỏi tay khi nằm đọc, cái kệ đồng nát đấy còn gợi cho mình nhớ đến một mô típ khá thú vị mà thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong Sci Fi, ấy là Luddism và bản chất bất khả kháng của khoa học công nghệ.
Trước tiên nói qua về cái Luddism chút. Cái chủ nghĩa này lấy tên từ một giai thoại khá nổi ở Anh Quốc giai đoạn cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, xoay quanh một nhân vật có tên Ned Ludd. Đây là một anh thợ dệt học việc sống ở gần Leicester, và vào một ngày đẹp trời nọ, khi bị mấy thằng trẻ ranh trong làng trêu ngươi, anh ta đã tức tối xộc vào một nhà máy, đập vỡ hai cái khung dệt.
Vì cái này là một kiểu chuyện truyền miệng dân gian thế nên có rất nhiều dị bản về nguyên do Ludd đập máy dệt, và đến bản thân nhân vật Ludd cũng có khi chỉ là một cái bí danh, hay thậm chí là một người chưa bao giờ từng tồn tại, kiểu như Robin Hood hoặc Sasaki Kojiro ấy. Tuy nhiên, việc anh ta có tồn tại thật hay không không quan trọng, mà quan trọng là ý nghĩa biểu tượng của anh chàng này.
Cái thời giai thoại này bắt đầu nổi lên, cách mạng công nghiệp đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ, kéo theo hệ lụy là khiến rất nhiều người thợ thủ công bị máy móc cướp mất việc. Thế là nhân vật Ned Ludd kia tự nhiên lại trở thành một hình mẫu người hùng đối với những người thợ bất mãn, và một số người đã học tập Ned Ludd đi phá khung cửi hoặc máy móc tại nhà máy. Cứ khi nào một cái máy bị phá hoại mà không tra được thủ phạm, đặc biệt nếu nó là máy dệt, thiên hạ sẽ thường đùa nhau rằng thủ phạm chính là Ned Ludd.
Dần dần, đến khoảng thập niên 1810 thì vụ đập phá máy móc nó trở thành phong trào hẳn, với nhiều người ngang nhiên tự xưng mình là một “Luddite.” Họ thậm chí còn bảo rằng thủ lĩnh phong trào của mình là Vua Ludd (hoặc Đại úy Ludd/Tướng Ludd), và còn viết ra những bức thư với bản tuyên ngôn do Ludd ký tên.
Nhưng bất chấp nỗ lực của các Luddite, nền văn minh vẫn cứ lạnh lùng tiến tới, và khoa học công nghệ vẫn cứ không ngừng phát triển. Ngày nay, mặc dù chẳng còn ai phá máy dệt nữa, huyền thoại về chàng Ludd cùng “chiến tích” phá hoại của nhân vật ấy vẫn còn được lưu truyền, và Luddism trở thành một thuật ngữ chỉ tư tưởng bài khoa học công nghệ và những thứ mới mẻ nói chung, muốn phá bỏ tất cả đi và quay về với cái thời đơn giản ngày xưa (“xưa” ở đây là mốc nào thì tùy vào bản thân người Luddite đó nhé).
Đến đây anh em hẳn đã có thể nhân ra Luddism là cái mỏ vàng như thế nào đối với Sci Fi. Có rất nhiều khía cạnh ta có thể khai thác từ chủ nghĩa này cũng như cái tiền lệ lịch sử của nó. Một tác phẩm có thể tích hợp Luddism vào để cho thấy hành trình phát triển của khoa học công nghệ nó chông gai đến như thế nào, với sự bảo thủ là một rào cản lớn ra sao; hoặc nó có thể khai thác từ khía cạnh bước tiến của nền văn minh là bất khả kháng, cứ đập nát một cỗ máy hay đốt xong một quyển sách thì sẽ lập tức mọc lên một cỗ máy mới hay cuốn sách mới; hoặc thậm chí tác phẩm còn có thể đứng về phe các Luddite, chỉ ra cái giá của khoa học và những con người sẽ bị nghiền nát dưới bánh xe của nó, đồng thời cảnh báo rằng đừng nên phát triển vô tội vạ khi chưa sẵn sàng hay chưa có kế hoạch khắc phục hậu quả nó để lại.
Ví dụ đầu tiên ta có là bộ tiểu thuyết Wool của Hugh Howey. Trong truyện, một thảm họa tận thế đã xảy ra, buộc con người phải chui xuống dưới đất sống, với một xã hội pha trộn giữa thế giới hiện đại và lối sống thôn xã viễn Tây ngày xưa. Về sau, ta được biết tất cả mọi thứ xảy ra bởi vì nhân loại hồi trước từng phát minh ra một thứ vụ khí quá tối tân, đe dọa sẽ hủy diệt tất cả mọi thứ. Để tránh điều này xảy ra, một nhóm chính trị gia đã xây các hầm trú ẩn, cho người xuống đó sống, trong khi để thế giới trên mặt đất lụi tàn và phần lớn thành tựu công nghệ của con người mất đi.
Thú vị một điều là bản thân Luddite đầu têu cũng công nhận rằng kiểu gì thì kiểu, sẽ có ngày con người tái phát minh ra cái công nghệ ấy, nhưng tay Luddite này vẫn quyết định reset công nghệ thế giới về mức gần mo với hy vọng sẽ câu thêm được tầm vài thế kỷ bình yên.
Gần tương tự với Wool thì ta có bộ manga Dr. Stone của Riichiro Inagaki. Trong truyện, cả thế giới loài người đã bị hóa đá hết, và sau tầm mấy triệu năm sau thì chỉ một nhóm người mới phá vỡ được cái vỏ đá của mình và hồi sinh trở lại. Dù thế giới bây giờ đã bị reset về thời đồ đá, một thanh niên thiên tài tên là Senku vẫn quyết tâm sẽ dùng khả năng khoa học của mình kéo ngược nó lên thời hiện đại. Vấn đề là trong số những người hồi sinh thì có một tay không ưa gì công nghệ, nghĩ rằng nó là cội nguồn cho những thứ xấu xa của xã hội thời trước, và đã tìm cách trừ khử Senku để giữ cho thế giới đơn giản.
Tuy nhiên, cái tay Luddite trong Dr. Stone không diệt được Senku, và thậm chí về sau Senku còn được gặp một nhân vật sinh ra trong thời đồ đá, hoàn toàn không hề biết gì về khoa học công nghệ, nhưng vẫn đam mê tìm tòi và đã phần nào nắm được một số kiến thức cực kỳ đơn sơ về khoa học. Điều này đã khiến Senku nhận ra rằng kể cả nếu mình có bị tay Luddite kia giết chết, bước tiến của khoa học cũng sẽ chỉ chậm lại thôi chứ không đâm vào ngõ cụt hoàn toàn được, vì kiểu gì cũng sẽ có người tò mò về bản chất thế giới và tái phát hiện những kiến thức đã mất.
Một phiên bản cũng phần nào động đến sự tất yếu của tiến bộ khoa học công nghệ (dù không trực tiếp dính đến Luddism) là series tiểu thuyết Foundation của Isaac Asimov. Trong truyện, một người tên Hari Seldon đã phát minh ra một bộ môn khoa học mới, tích hợp giữa toán học và tâm lý học để dự đoán tương lai. Với cái môn khoa học này, ông tiên liệu được rằng Đế chế Thiên hà hùng vĩ của nhân loại bấy giờ rồi sẽ lụi tàn, và theo sau nó sẽ là một kỷ nguyên mông muội kéo dài mấy chục ngàn năm.
Tuy nhiên, Seldon vẫn nhìn ra một điều là sau vài chục thiên niên kỷ ấy, một đế chế thứ hai kiểu gì cũng sẽ trỗi dậy, và lấy lại ánh hào quang ngày xưa. Vậy tức là trong Foundation, Asimov ngầm ám chỉ rằng ngay cả nếu con người có phải rơi vào một thời kỳ tăm tối, và khoa học công nghệ phải bước thụt lùi rất xa, nó kiểu gì cũng sẽ tiến lên một lần nữa, dù rằng rất ì ạch. Đây là một sự tất yếu của lịch sử, và sẽ không gì cản trở được sự hồi sinh của nền văn minh. Tất cả những gì Asimov để các nhân vật của mình làm trong tác phẩm này chỉ đơn thuần là rút ngắn quãng thời gian lê bước của khoa học lại thôi, chứ không phải là thay đổi vận mệnh hay gì hết.
Asimov rất thích chơi đùa với cái mô típ bước tiến công nghệ khoa học gặp trắc trở ấy, và ngoài Foundation ra thì từng một số tác phẩm tích hợp Luddism một cách trực tiếp hơn, với hai ví dụ tiêu biểu bao gồm cuốn tiểu thuyết The End of Eternity và mẩu truyện ngắn Trends.
Trong The End of Eternity, một tổ chức Luddite sở hữu công nghệ thọc ngoáy dòng thời gian cứ liên tục tìm cách bóp nghẹt tiến bộ khoa học của loài người để con người có thể sống được hạnh phúc hơn. Tuy nhiên về sau, họ nhận thấy rằng hóa ra những nỗ lực của mình chẳng khiến cho con người hạnh phúc hơn gì cả, mà thực chất chỉ trì hoãn điều không thể tránh khỏi, và thậm chí còn làm con người bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trends thì là một câu chuyện móc mỉa cái đám từng chế nhạo tính khả thi của việc bay lên mặt trăng ấy, với một nhà khoa học phải loay hoay chế tên lửa trong một thế giới lậm nặng Luddism. Rốt cuộc thì bất chấp sự gièm pha và thậm chí còn là phá hoại của đám Luddite, nhà khoa học ấy vẫn thành công, khơi dậy một phong trào phản đối tư tưởng bài khoa học thời bấy giờ.
Lạnh gáy hơn thì ta có bộ tiểu thuyết The Expanse của James S. A. Corey cùng series phim chuyển thể của nó. Trong bộ truyện này, thế giới loài người chia làm ba phe, liên tục đấu đá tìm cách kiểm soát lẫn nhau/vùng thoát khỏi sự cai trị của nhau: Trái Đất, Sao Hỏa, và Belters (dân sống trên các tiểu hành tinh vành đai ngoài hệ mặt trời). Cục diện về cơ bản đang ở trong thế bế tắc, không phe nào thực sự làm gì để bật được những phe còn lại. Nhưng rồi một ngày nọ, con người phát hiện ra một thứ chất ngoài hành tinh có tên protomolecule, sở hữu tiềm năng trở thành một loại vũ khí sinh học khủng khiếp, và sẽ làm cán cân lệch hẳn về bất cứ phe nào sở hữu được nó.
Series này thú vị ở điểm Luddite của nó lại là các nhân vật chính. Vì đã chứng kiến sự tàn khốc của protomolecule, họ bằng mọi giá tìm cách phá hủy hoặc ít nhất cũng là giữ cho cái thứ chất này không rơi vào tay phe nào cả. Tuy nhiên, về sau thì mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bọn họ, và Trái Đất cùng Sao Hỏa về cơ bản đã kiếm được một mẫu protomolecule cho riêng mình. Khi nhận thấy cứ tìm cách ngăn cản con người nghiên cứu protomolecule chỉ là vô dụng, họ đã từ bỏ cái chủ nghĩa Luddism và trao nốt mẫu vật protomolecule mình nắm giữ cho phe Belters để cả ba phe cùng có cơ hội phát triển như nhau.
Hài hước hơn nhưng cũng không kém phần lạnh gáy thì ta có series Silicon Valley của HBO. Series này ban đầu có tính Sci Fi cực kỳ thấp, chỉ xoay quanh việc một anh chàng coder của G̶o̶o̶g̶l̶e̶ Hooli tình cờ chế ra được một thuật toán s̶ó̶c̶ ̶l̶ọ̶ nén dữ liệu hiệu suất rất cao, và loay hoay mở công ty với nó. Nhưng đến mấy season cuối thì tính Sci Fi của nó bắt đầu tăng lên nhiều, với cái thuật toán ban đầu kia trở thành nền tảng cho một con AI hết sức mạnh mẽ, có thể phá được mọi hệ thống bảo mật trên đời. Điều này đồng nghĩa với việc thiên hạ có thể sử dụng nó để cho xe tự lái đâm đầu vào gốc cây, hoặc thậm chí phóng tên lửa hạt nhân đi khắp mọi nơi mình muốn.
Nhận ra rằng mình không thể để dân tình sờ được vào cái công nghệ này, anh coder kia quyết định sẽ không tung nó ra thị trường nữa. Tuy nhiên, cái anh này lại biết rõ một điều rằng ngay cả nếu mình xóa sạch con AI đấy đi, về sau kiểu gì cũng sẽ có người thử mày mò và phát minh ra được một phiên bản tương tự thế. Bởi vậy, anh ta quyết định vẫn cho ra mắt sản phẩm, nhưng tự tay phá thối buổi ra mắt, làm nó thất bại thảm hại đến mức không ai còn muốn nghĩ đến chuyện thử làm những gì anh ta từng làm. Nói cách khác, anh này hiểu rất rõ cái sự vô dụng của chủ nghĩa Luddism, và đã tìm cách ngăn chặn nó bằng mọi giá.
Trong những ví dụ ở trên, chủ nghĩa Luddism hầu như luôn phải lãnh phần thua. Điều này hoàn toàn có cơ sở thực tiễn, bởi lẽ ở ngoài đời, con người chúng ta vốn là những sinh vật rất hay táy máy tò mò. Sẽ luôn có một ai đó muốn biết cơ chế hoạt động của vạn vật là như thế nào, hoặc đơn thuần là chỉ muốn được… lười hơn, và sẽ bỏ công nghiên cứu tìm tòi để thỏa mãn óc tò mò/sự lười của bản thân. Ngay cả nếu thế giới có bị tống ngược về thời đồ đá và mất sạch mọi kiến thức về khoa học công nghệ, kiểu gì những thành phần đấy cũng sẽ xoay xở cho ra đời được những thứ thô sơ như cái thành phẩm #PrecisionĐôngLàoEngineering đã khơi ra toàn bộ bài này của mình, và từ đó về lại được cái mốc hiện đại của ngày nay. Vấn đề chỉ là thời gian thôi.
----- Bài đăng gốc:
Luddism - chủ nghĩa bài công nghệ và tính tất yếu của sự tiến bộ
Bữa trước trong lúc dọn nhà, mình có vô tình trông thấy một cái hộp các tông nằm lăn lthuóc ở thế hơi xiên, làm “trụ đỡ” cho vài cái hộp khác. Được cảnh đấy khơi cảm hứng, mình đã tí toáy thử với mớ bìa, và sau tầm chục phút thì đã cho ra được một cái kệ đỡ kindle như hình bên dưới.www.facebook.com
Bữa trước trong lúc dọn nhà, mình có vô tình trông thấy một cái hộp các tông nằm lăn lthuóc ở thế hơi xiên, làm “trụ đỡ” cho vài cái hộp khác. Được cảnh đấy khơi cảm hứng, mình đã tí toáy thử với mớ bìa, và sau tầm chục phút thì đã cho ra được một cái kệ đỡ kindle như hình bên dưới.www.facebook.com
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất