Cuốn sách “Luận anh hùng” – tác giả Dịch Trung Thiên là cuốn sách bàn luận về 5 vị anh hùng lịch sử: Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy và Ung Chính đặt trong bối cảnh của Tần Hán, Tam quốc, Đường, Minh Thanh. 
Tác giả Dịch Trung Thiên đã lựa chọn năm nhân vật trên là vì ông muốn kể câu chuyện của những kẻ “ngược dòng”, chính là dòng chảy của lịch sử, là sự phát triển tất yếu nhưng tàn nhẫn của hình thái xã hội, trong đó bao gồm cả sự chuyển dịch về tư tưởng, kinh tế và chế độ. Những con người muốn đi ngược dòng đại thế để thực thi lý tưởng của mình. 
 Câu chuyện ấy nằm trong một đại tự sự lớn hơn của cả Trung Hoa, với việc điểm qua các mô hình quản lý xã hội khác nhau dọc theo chiều dài lịch sử, với sự bóc tách đến tận cùng những mặt ưu và khuyết của các hình thức cai trị khác nhau như “đức trị”, “pháp trị”, “nhân trị”... Qua năm tháng, với bao thế hệ, đã có không biết bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ xuống sau những thử nghiệm chính sách thất bại, nhờ đó đã đem lại cho người đời sau những bài học quý giá về công tác trị quốc. Do đó, có thể nói rằng, cuốn sách mang mang tham vọng đánh giá lại dòng chảy phát triển của các mô hình quản lý xã hội Trung Hoa.


Ngoài ra, “Luận anh hùng” không chỉ có Hạng Vũ mà còn có cả Hàn Tín, Lưu Bang; không chỉ nhắc mỗi Tào Tháo mà còn có cả Viên Thiệu, Lưu Bị. Cuốn sách ngoài luận về Võ Tắc Thiên thì còn có phân tích về Địch Nhân Kiệt, về chế độ “cáo mật”; trong thời đại của Hải Thụy thì còn chép lại hành trạng của Trương Cư Chính, Thẩm Thời Hành và các cải cách thời Vạn Lịch. Thành ra, đọc một nhân vật nhưng lại biết được cái hay cái dở của nhiều nhân vật khác, tìm hiểu về một cá nhân nhưng qua đó cũng hiểu được một thời kỳ, đọc về thời đại này thì cũng dễ so sánh bối cảnh thể chế của nó với thời đại kia.
Cuối cùng, tuy bối cảnh của sách là Trung Hoa, nhưng những bài học đối nhân xử thế hay những kinh nghiệm về trị lý quốc gia sẽ hoàn toàn hữu ích và phù hợp cho những ai muốn tìm kiếm tri thức về các phương diện này, bởi chúng ta đều biết Việt Nam có sự tương đồng khá rõ về văn hóa và mô hình quản lý nhà nước với Trung Hoa. Trong bối cảnh quốc gia láng giềng phương bắc đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị và đem lại nhiều thách thức mới, thì việc trang bị cho bản thân những tri thức về lịch sử để hiểu rõ hơn khả năng của họ, tư duy của họ là hết sức quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam ở cả hai trường hợp xung đột và hợp tác.
Xin dẫn lại một câu nói của chính người Trung Hoa “Biết người biết ta, trăm trận không bại” để nói rằng, dù là trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc hay là trong việc hợp tác kinh doanh với họ, thì chúng ta buộc phải hiểu rõ cả mình lẫn họ để có cơ hội thành công. Và đọc “Luận anh hùng” cũng là một cách để “hiểu tình thế”, để “biết người biết ta” vậy.