Chức danh, tiếng tăm, thường là những điều chúng ta muốn theo đuổi, khi được ai đó khen, dù thực lòng hay dối trá, ta cũng thấy thích thú vì cái tôi đang được vuốt ve một cách mê mẩn, nó như một nhu cầu tất yếu giống việc ăn, ngủ và thở. Việc được một ai đó khen ta không nguy hại, nguy hại ở cách ta xử sự với lời khen ấy ra sao.
Ví như thực lực ta đáng giá 6 đồng, người khác lầm tưởng hoặc cố ý khen ta có tới 8 đồng. Một là làm ta khó chịu, bất an vì ta chỉ ở mức 6 đồng, 2 đồng kia không có thực, khiến ta áp lực gắng gượng, suy nghĩ lựa chọn giữa việc nói ra sự thực, hoặc che đậy chúng để tránh bị bẻ mặt. Hai là ta sẽ sung sướng và tự nhận mình ở mức 8 đồng, rồi say sưa sống trong cái ảo mộng ngắn hạn đó. Cái thứ hai nguy hại hơn, nó khiến cho ta mau chóng bại hoại, lụi tàn thảm thiết nếu như ko nhận ra sớm mà thay đổi, bởi lẽ những gì không có thực sẽ không thể trường tồn.
Nếu ta vào một công ty, trở thành giám đốc của một tập thể nhờ qua quen biết, thuộc thành phần con ông cháu cha, mà năng lực không xứng với vị trí đó, dẫn đến chuyện việc tới ta làm không được, thực lực ta chưa đến nơi, trách nhiệm ta không có. Khiến cho đồng nghiệp, cấp dưới bằng mặt không bằng lòng, họ khinh thường ta, vậy chả phải danh phận mà ta đang có hóa thành hư không hay sao. Nếu người chống lưng cho ta thất thế, chắc chắn ta sẽ ngã theo, ngã đau đã đành, những đồng nghiệp, cấp dưới còn sẵn sàng dẫm đạp lên ta khi họ có cơ hội, đó có khi là những người mà trước giờ ta tưởng là bạn, họ sẽ làm điều đó với một tâm thế ngang bằng sự uất ức nhịn nhục mà mấy lâu nay họ cố kìm nén. Chẳng phải là đau đớn lắm hay sao.
Vậy nếu thực lực ta đáng giá 9 đồng, nhưng ta không thể hiện điều đó ra bên ngoài, người đời lầm tưởng cười chê, bảo ta chỉ có 4 đồng. Khi ấy ta vẫn vô tư, vì 5 đồng còn lại vẫn nằm đó, không mất đi đâu, ta vẫn có 9 đồng bởi vì nó là sự thực. Với 9 đồng ta có thể làm được nhiều thứ, thực hiện được những điều mà ta muốn, tâm không lay chuyển khi người khác nghĩ sai về mình.
Đấy gọi là trí tuệ ổn định.
Bởi nên con người ta an nhiên hơn khi họ tối giản nhu cầu sống của bản thân. Họ ăn ít đi, thể dục nhiều hơn. Họ mặc ít đi, tiết kiệm nhiều hơn. Họ mang đôi giày đến mức cũ rích nhưng người đời không hề khinh khi, bởi họ được tôn trọng không phải nhờ giá trị ngoại thân, mà nó đến từ giá trị bên trong con người họ. Nó nằm ở một trình độ hoàn toàn khác với những bộ đồ, giày hiệu, những thứ đó có thể thấy tức thì bằng mắt thường. Còn giá trị hàm dưỡng nó phải đến từ một quá trình tôi luyện cực khổ mới đạt được chút đỉnh.
Làm những điều này, không cần thiết giải thích hoặc kể lại cho ai nghe, bởi Khiêm nhường mà tỏ ra cho thiên hạ biết mình khiêm nhường, vậy là không khiêm nhường. Hiểu được và vận dụng thành công.
Đấy gọi là cái dũng của Thánh Nhân.
Sự học là cả đời, và cái chết là điều sớm muộn sẽ đến. Ta cần khiêm tốn học hỏi, cho dù đang sống trong giai đoạn nào hoặc ở độ tuổi nào. Học không chỉ để giỏi lên, mà còn để cho mục đích sống của ta luôn có ý nghĩa. Ta có thể suy nghĩ về cái chết, nhưng đừng để mình đi theo lối mòn chỉ biết chờ chết. Một người sống không có lý tưởng, như là kẻ đã chết vậy.
"Khù khờ sinh phú quý, vô tri hưởng thái bình".
Biết khôn ngoan những chỗ cần khôn ngoan, khù khờ những lúc cần khù khờ.
Đạt được tới cảnh giới này, đấy gọi là Thần minh.
Khi đã lĩnh hội, vận dụng được chúng vào tâm pháp, ta cần gì người đời ban cho ta một cái danh phận, nếu ta coi trọng nó, khi nó mất đi, điều gì còn lại sẽ soi chiếu vào cuộc đời của ta. Nếu ta nhận ra chiếc áo này là vô thường, ta sẽ an nhiên sống phận đời còn lại.