---
Chữ Trí tạm thời ta chia làm 2 dạng. Trí thức & Trí Tuệ.
Một người trí thức chưa hẳn đã có trí tuệ, bởi trí thức là chỉ người có trình độ học cao, hiểu rộng, nhưng chưa được xếp vào hàng ngũ của người trí tuệ. Bởi trong Phật học, trí tuệ được gọi là ''Trí tuệ bát nhã''. Nghĩa là người có trí tuệ là người đã kiểm soát được:
Tham ái - Sân si - Ngã mạn - Đố kị. Là người đã kiểm soát được phần lớn cái khổ ải của con người thông qua việc tu thân, sửa đổi chính mình từ bên trong.
Nếu không để ý, ta thường nhầm lẫn giữa 2 khái niệm trí thức và trí tuệ. Ta cần hiểu biết và phân định rõ ràng giữa 2 khái niệm này. Người có trí thức chưa phải là người có trí tuệ. Ví như các quan đại thần, các giới chức sắc tôn giáo, họ là những người rất thông minh, hiểu rộng. Được gọi là trí thức chính trị, trí thức Phật giáo hay trí thức Tôn giáo..
Tuy nhiên không phải ai cũng là người có trí tuệ, có những người sa ngã, bị rơi vào vòng lao lý, một số khác thì đã được tôn như bậc Thánh hiền, nhưng vẫn bị tháo chức và trục xuất khỏi bộ phận. Vì sao vậy ? Vì họ có trí thức trình độ, học tài hiểu rộng, nhưng trí tuệ chưa có hoặc bị sa sút nghiêm trọng. Bởi trí tuệ cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, nếu không được luyện tập đều đặn thường xuyên, ắt hẳn sẽ bị mai một và sói mòn dần theo thời gian, sinh ra:
Tham tàn - Bạo ác - Ganh tị.
Trí thức mà không có trí tuệ, lâu dần sẽ thành một thứ đe dọa cho nhân loại, bởi người dốt, không biết chữ mà ác, thì tầm ảnh hưởng không quá đáng sợ, bởi chỉ gây hại cho số ít người. Người trí thức mà ác thì mới đáng sợ, bởi sức gây hại sẽ lan rộng đến nhiều người. Như chế tạo ra bom, vũ khí hạng nặng, gây ra chiến tranh, tham nhũng ngân sách, kinh doanh thuốc giả.. và còn nhiều thứ đáng sợ khác.
Nhưng nếu người dốt, không rành chữ mà có trí tuệ, họ biết cách tu thân và sửa đổi mình thì vẫn là người khôn ngoan, có giá trị và được xã hội trọng dụng. Họ vẫn sẽ có một đời đáng sống.
Như vậy, mục tiêu của trí thức chỉ là để ta sống tốt hơn những người có trình độ thấp kém hơn ta, hiểu biết ít hơn ta. Nhưng nếu ta muốn trở thành một người tiệm cận được chân lý, có giá trị thực thụ thì cần phải hội tụ đầy đủ 2 yếu tố.
Trí thức & Trí tuệ.
Theo đuổi trí thức, để ta nắm được cái nền sơ khai của kiến thức, tư duy. Từ đó xây dựng mọi thứ lên từ cái nền tảng thông tin thực tế. Theo đuổi trí tuệ, để ta thực hành là người có đạo đức, diệt trừ được tính ma trong ta. Xem sự học là việc để tu thân, học để hiểu mình chứ không phải học để kiêu căng, lấn lướt những người yếu thế hơn mình.
Năm mới xin chúc mọi người, những ai chưa phân định được 2 khái niệm này sẽ dần hiểu rõ hơn. Có cái nhìn về sự học sâu sắc hơn là chuyện học vì thành tích, điểm số.
---
Khai bút đầu xuân.
Đà Nẵng, mùng 1 tháng 1 âm lịch.