Bản thân chúng ta có lẽ ai cũng có không ít hay nhiều các mối quan hệ trong cuộc sống ví như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu đôi lứa hay những mối quan hệ không tên khác.
Tôi, tự nhận mình là một người sống khá cảm xúc với mối quan hệ bên ngoài với sự nhiệt tình, quan tâm, giúp đỡ hầu hết mọi người trong phạm vi môi trường sống của mình đặc biệt là ở công ty, có thể đó là môi trường tôi tiếp xúc nhiều nhất tại thời điểm bây giờ. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng tính cách đó là ưu điểm của tôi. Nhưng rồi có những lần khi bản thân tôi gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ từ họ (một số người) thì lại nhận được sự chần chừ, từ chối đặc biệt là từ một cô bạn mà tôi từng nghĩ là thân nhất với cô ấy. Điều đó khiến tôi rất buồn và dần cũng tự mình xa cách hơn với cô ấy. Hoặc có những lần tôi chủ động giúp đỡ một trong các sếp của tôi về hỗ trợ báo cáo của hai job mà trưởng nhóm trước nghỉ giữa chừng mà đó vốn không phải là trách nhiệm của tôi. Tuy nhiên cũng người sếp ấy, là người mắng và quát tôi nhiều nhất về job ấy dù kết quả hoàn thành khá ổn. Sau chừng ấy chuyện, tôi dần nhận ra nhiệt tình, chân thành quá lại chính là điểm yếu tự giết chết cảm xúc của chính mình.
Trích một đoạn trong quyển sách "Yêu những điều không hoàn hảo" của đại đức Haemin  mà tôi đã đọc cũng như suy ngẫm rất nhiều: 
"Nếu bạn đối xử tốt với người khác rồi lại hỏi họ: "Sao không đối xử tốt với tôi như tôi đã làm" . Rồi cảm thấy thất vọng về đối phương, thì ngay từ đầu đừng đối tốt với họ làm gì. Hoặc chỉ nên đối xử với họ ở mức độ không kỳ vọng họ sẽ báo đáp lại bạn mà thôi. Khi cảm thấy mình mong chờ điều gì đó từ đối phương, mối quan hệ sẽ bắt đầu trở nên khó xử."
Sau khi đọc xong quyển sách, và suy ngẫm nhiều đêm, tôi cũng đã tự mình điều chỉnh để cân bằng trạng thái của mình khi tiếp xúc với mọi người xung quanh để mọi thứ ổn định, không vượt quá kỳ vọng cảm xúc mình đặt ra. Bạn bè, đồng nghiệp công ty có lẽ cũng dần nhận ra sự thay đổi của tôi. Tôi cũng thấy sự thay đổi của chính mình, nhẹ nhõm hẳn, tâm tính bình lặng hơn, không bị cảm xúc chi phối nhiều như trước đó mặc dù đó có thể không phải sống đúng với bản thân mình mong muốn. Giai đoạn chuyển giao này có thể gọi là sự "trưởng thành" về mặt cảm xúc. 
Chúng ta có quyền lựa chọn cách sống của chính bản thân mình, có thể theo lý trí, có thể theo cảm xúc, người nào tốt hơn thì có thể dung hòa cả hai, miễn sao tâm chúng ta có thể yên, cảm xúc có thể vui và suy nghĩ luôn vui vẻ và tích cực.