Tôi định viết một bài mô tả về sự “hồi đáp” giữa Lost In Translation và Her, nhưng sau khi viết xong về Lost In Translation, tôi nghĩ nó xứng đáng là một bài riêng. Bài hồi đáp kia, chắc có lẽ tôi sẽ viết sau.
Hoặc bạn cũng có thể xem đây là phần 1 về Lost In Translation và Her.
Những ngày đầu tháng 9 cách đây 17 năm, Sofia Coppola ly dị Spike Jonze. Khi đó, cô “nổi tiếng” nhờ vai Mary Corleone bị cho là thảm họa trong The Godfather phần 3, dù bộ phim đầu tay dưới vai trò đạo diễn là The Virgin Suicides (1999) nhận được đánh giá tích cực. Về phần Spike Jonze, anh đạo diễn các phim tâm lý đầy thú vị như Being John Malkovich (1999) và Adaptation (2002). Cả hai đều được chắp bút bởi Charlie Kaufman.
Đến tháng 10 năm 2003, Lost In Translation ra mắt.
Đó là một câu chuyện lãng mạn không-lãng-mạn, hoặc không lãng mạn lãng-mạn, tùy theo cách nhìn của người xem. Một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa Bob và Charlotte ở cái thành phố Tokyo nhộn nhịp, rực rỡ nhưng xa lạ và cô độc đối với những kẻ ngoại đạo.
Bob là một người diễn viên già, được trả cát-xê thật cao để sang Nhật Bản quay quảng cáo rượu. Có lẽ ngay từ cảnh đầu phim, với ánh nhìn lờ mờ pha chút hoang mang của Bob, ta đã mơ màng hiểu ra được Sofia Coppola muốn kể điều gì. Chiếc xe taxi tiến dần vào trung tâm Tokyo, phía trước là những bảng hiệu đèn neon sáng lóa, trên nền tiếng nhạc trầm buồn tha thướt lắng xuống khiến không khí vừa nặng lại vừa nhẹ. Đó là sự đối lập giữa bên ngoài và bên trong cánh cửa xe, cũng như bên ngoài đôi mắt và bên trong tâm khảm của Bob.


Thoáng chốc, Bob thấy tấm biển quảng cáo của chính mình. Ngay trong bức hình, trông ông cũng thấp thoáng một nỗi suy tư nặng trĩu.
Tình cảnh của Bob ở Tokyo là một sự lạ lẫm: từ thứ ngôn ngữ quái dị, những gã đàn ông thấp lè tè, gu âm nhạc khó cảm tới thứ vòi tắm lùn tịt hay chiếc rèm cửa phiền phức. Ở một đất nước mới mẻ như thế, tôi trộm nghĩ nếu như Bob lỡ “nhớ nhà”, có lẽ ông đã đỡ hơn rất nhiều. Ít ra khi ấy, Bob còn có chút cảm xúc.
Nhưng đáng buồn thay, Bob không nhớ nhà, mà “nhà” cũng chẳng nhớ ông. Những gì bà vợ Lydia nhắn đến Bob là sự trách cứ vì ông quên sinh nhật con và lời nhắc chọn đồ nội thất cho căn nhà. Trên những tờ giấy mà Bob nhận, ta có thể cảm nhận rõ sự lạnh lùng của người mà ông đã đầu ấp tay gối suốt 25 năm.
Cũng may là ở khách sạn Park Hyatt nổi tiếng kia, có một kẻ khác.
Charlotte thức dậy với một sự giận dữ được giấu kín sau khuôn mặt xinh đẹp. Bị người chồng vội vàng bỏ lại trong căn phòng khách sạn, cô trèo lên thềm cửa sổ và ngắm nhìn thành phố Tokyo. Trong giây phút ấy, tôi cá rằng Charlotte chẳng cảm nhận được gì cả. Có chăng, nó là một chút bối rối, giống như cái cách khung hình nhẹ nhàng lắc lư trước mắt người xem.

Tất nhiên, hai nhân vật như Bob và Charlotte thì phải gặp nhau thôi, bằng cách này hoặc cách khác.
Trong cái lần mà Charlotte đến ngồi kế bên Bob ở quầy bar, ta có thể thấy mức độ thông minh trong việc viết lời thoại của Sofia Coppola. Khi Charlotte hỏi Bob rằng ông đến Tokyo để làm gì, Bob trả lời:
“Làm một số chuyện thôi. Xa vợ một thời gian, quên đi sinh nhật con trai tôi và lãnh số tiền 2 triệu đô để quảng cáo cho một loại whiskey khi tôi có thể tham gia đóng kịch ở đâu đó.”
Đó là một câu nói thật nhưng dùng để cười vào hoàn cảnh của Bob: một người chồng không ở gần vợ, không nhớ về con và không vui vẻ với công việc mình đang làm. Không sai nếu nói đó là một sự khủng hoảng.

Từ đó về sau, khán giả thường được thấy sự tự nhạo mình một cách khôi hài của Bob. Ông đáp lại những câu hỏi về mình như thế.
Hãy thử nghe thêm một đoạn nữa, khi Bob nói về cuộc hôn nhân 25 năm của mình:
“Cứ tính rằng… ta ngủ hết 1/3 đời mình. Có nghĩa là đã mất đi 8 năm rồi, nên chỉ còn có 16 năm và vài tháng lẻ thôi. Coi như là một đứa thanh niên chập chững bước vào hôn nhân, có thể lèo lái rồi nhưng vẫn có khả năng gây tai nạn.”
Một lời ví von vui nhưng đắng ngắt.
Hãy nói một chút về diễn viên, chủ yếu là Bill Murray – người đóng Bob. Tôi vẫn nghĩ một vai như thế này cần một người già và trải đời một chút. Tất nhiên, không phải chỉ có những kẻ lớn tuổi mới biết cô đơn. Người trẻ cũng thế thôi. Cái khác là khi trẻ, người ta còn ngập ngụa trong đống rác hiện sinh thì khi già đi, dù chưa thoát khỏi đống rác ấy, họ lại biết nhếch mép cười nhạo – nụ cười của kẻ trầy trật để tồn tại nhưng khó mà vui vì mình đã tồn tại. Những người trẻ, đơn giản là chưa đến lúc để làm như vậy.
Vì lẽ đó, Bill Murray là một sự lựa chọn đúng đắn. Ông cũng đem tới một màn trình diễn tốt: chừng mực, sâu sắc, từ tốn và hoàn toàn làm chủ tình hình ngay cả khi nhân vật của ông không thể kiểm soát các chủ thể xung quanh.
Về Charlotte, cô cũng có những phân đoạn mang tính mô tả tâm lý nhân vật rất cao. Trước khi có cuộc nói chuyện với Bob, để giải tỏa nỗi cô đơn, Charlotte đến thăm một ngôi chùa, nghe sư thầy đọc kinh. Cô còn học cắm hoa nữa. Nhưng đổi lại chỉ là sự vô vị. Cái chất Á châu chưa thể thấm vào tâm trí Charlotte. Tệ hơn, những người thân cận bên cô trở nên xa lạ. Cô lạc lối trong cuộc hôn nhân mới 2 năm của mình, bối rối về loại dầu gội lạ hoắc mà anh chồng John sử dụng. Có lẽ, hàng đêm lúc nằm trên giường, cô cũng bối rối về kẻ đang ở bên cạnh mình. Rồi cuộc điện thoại với người bạn tên Lauren càng tô thêm sự lẻ loi của Charlotte: ngay cả một đầu dây để tâm sự về cái tình huống éo le nơi đất khách quê người, cô cũng chẳng có. Một nỗi buồn hiện đại mà tôi chẳng muốn nhìn thấy chút nào.

Nhưng sau khi Charlotte gặp Bob, có một cảnh mà tôi thật sự thích. Một buổi sáng, cũng chia tay chồng thật vội vã, Charlotte lại đến kế bên khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Nhưng thay vì một góc nhìn tĩnh như cảnh mà tôi đã nhắc ở trên, lần này là một chuyển động ngang được lặp lại hai lần theo hướng ngược nhau. Ta chiêm ngưỡng một góc rộng hơn của Tokyo, và cũng thấy một phần gương mặt của Charlotte. Ánh mắt cô không đứng yên nữa, nó liếc sang bên này rồi bên kia, cứ như thể đó là một sự ngắm nhìn thực sự, thay cho cái vô hồn hồi đầu phim.  Điểm đặc biệt là có thêm tiếng nhạc nền, một bài nhạc buồn, nhưng kì lạ là nó chứa trong đó sự hy vọng. Một cảm xúc mới, đến từ Bob?
Thật hay khi xem được những thứ tinh vi như thế. Đó một trong những điều tôi thích nhất về điện ảnh.
Bước chuyển đến phần còn lại trong “mối quan hệ” này có lẽ được đánh dấu khi Bob gặp Charlotte ở hồ bơi. Có một sự ngại ngùng không hề nhẹ, nhưng đó chính là lúc ta biết cả hai người họ đều đã cảm thấy điều gì đó. Nếu không, sự ngại ngùng ở đâu ra?
Tiếp theo là trường đoạn Bob và Charlotte đi chơi với một đám bạn. Thật tình, tôi nghĩ đây là một bối cảnh hoàn hảo. Sẽ rất kì nếu hai người chỉ đi chung với nhau, và nó cũng sẽ quá sớm. Nếu ở cùng với những người khác, đạo diễn sẽ có cơ hội chỉ ra mối liên kết đặc biệt diễn ra bên trong nhóm người ấy.
Hãy nhớ về đoạn ở quán karaoke (nhân tiện, karaoke là từ tiếng Nhật, dịch ra tiếng Anh là “empty orchestra”. Is that hautingly beautiful?... Ai xem How I Met Your Mother sẽ hiểu), khi Charlotte giới thiệu Bob chuẩn bị hát. Trong một không gian như thế, thứ bạn muốn thấy nhất là ánh mắt mà người này dành cho người kia. Khi Bob cất giọng, góc máy làm mờ Charlotte ở phía sau, nhưng ta vẫn thấy rõ cô cười. Một nụ cười rất vui, rất thoải mái.

Và rồi ta thấy Bob quay lại. Ánh mắt của hai người chạm nhau. Có một sự hứng khởi rõ ràng nơi đôi môi và sự rực nỡ trong đôi mắt Charlotte.
Đó là khoảnh khắc tôi có thể dùng để làm định nghĩa cho sự lãng mạn của riêng mình (chứ không phải là bất kì câu nói ngôn tình nào khác).
Kế đến là một cảnh biểu tượng mang tính đối xứng. Bob ra ngoài hành lang, ngồi xuống bên cạnh Charlotte, nhẹ nhàng cầm điếu thuốc trong tay cô. Charlotte đưa một ánh nhìn nghiêng đầu lả lơi đến mức tuyệt diệu về phía người đàn ông ấy, rồi ngả đầu xuống. Khi đó, tôi biết mọi thứ đã đủ. Cảm xúc trong câu chuyện giữa Bob và Charlotte đã ở mức cao nhất. Nó đạt tới sự thăng hoa mãnh liệt, dù chẳng có ai đứng lên hay ôm ấp nhau cả.

Vì sao tôi lại gọi như thế là thăng hoa? Bởi lẽ đó là lúc họ ngầm xác nhận mình “thuộc về nhau”. Hãy nhớ về lúc bạn và người chuẩn-bị-là-người-yêu của bạn xác nhận với nhau, bạn có thăng hoa như thế không?
Chắc vì vậy mà diễn biến sau đó mới là Bob đưa Charlotte đến bệnh viện khám vết thương, cả hai đi chơi riêng rồi xem phim chung, một chút “ghen” của Charlotte khi phát hiện Bob qua đêm cùng người đàn bà khác, một cuộc “cãi vã” nho nhỏ ở quán ăn, rồi cuối cùng là hành động bỏ qua cho việc hiểu lầm. Đó là những thứ ta thường thấy khi nhìn vào một mối quan hệ tình cảm.
Nhưng đừng vội nhầm, Bob và Charlotte không hề là “người yêu”. Chuyện danh xưng này chẳng quan trọng mấy, nhưng tôi chỉ muốn đảm bảo là bạn biết tôi không nghĩ như vậy.
Phần cuối phim là sàn diễn để Scarlett Johansson tỏa sáng. Người xem lần đầu được thực sự nghe Charlotte thú nhận về sự chật chội của mình, rằng cô mất phương hướng và chẳng biết làm gì cho nên hồn. Cái bằng tốt nghiệp ngành Triết học, trớ trêu thay, chẳng giúp ích được gì cả. Cô lắng nghe những chiêm nghiệm của Bob, và sau cái đêm nằm trên giường ông, ta thấy cô có chút thay đổi. Cô cười nhiều hơn, mạnh dạn hơn, rõ ràng hơn với ý muốn của mình. Cô thắng thắn bảo Bob ở lại với mình. Cô chia sẻ cùng ông một khoảnh khắc ngại ngùng nữa ở trong thang máy, với đầy những sự vui thích. Cô lại cười những nụ cười lả lơi nhưng tuyệt diệu.

Phim kết thúc bằng một cảnh thực sự ngọt ngào. Lời thì thầm của Bob chắc sẽ nằm mãi trong tâm trí tôi, dù tôi chẳng biết nó là gì, và tôi cũng chẳng muốn biết. Cùng với đó, là đôi mắt ngấn lệ của Charlotte.
Một nụ hôn, một nụ cười, một cái quay đầu, một bài hát vang lên, một nụ cười, và những bước đi…