Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó?
Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó?
Tự tin cũng có mặt trái. Thậm chí, đôi khi bạn cảm thấy bế tắc với việc trở nên tự tin bởi những nguyên do khách quan. Lòng tự trắc ẩn được xem là một phương thức thay thế giúp bạn có thể tránh được điều đó, nhưng vẫn có được hầu hết các lợi ích mà sự tự tin đem lại.
Tự trắc ẩn có nghĩa là đối xử tốt và hiểu rõ bản thân khi đối mặt với những trải nghiệm khó khăn và cảm xúc tiêu cực. Theo giáo sư Kristin Neff, người tiến hành nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này vào năm 2000, lòng tự trắc ẩn bao gồm 3 yếu tố:
1. Đối xử tốt với bản thân
Điều này bao gồm việc tự chấp nhận bản thân, kể cả những mặt tốt và chưa tốt, từ đó hoàn thiện mình. Con người không phải là một sinh vật hoàn hảo. Chúng ta có thể mắc rất nhiều lỗi lầm trong quá khứ, có thể dở tệ ở đa số các lĩnh vực và chỉ giỏi hơn một chút ở một số ít các lĩnh vực còn lại. Và bạn biết gì không? Điều đó hoàn toàn bình thường.
Khi bạn chấp nhận điều này, bạn sẽ vượt qua những cảm xúc tiêu cực với tâm thế bình thản hơn. Nhưng nếu chối bỏ sự thật này, bạn sẽ còn cảm thấy tệ hại, chán nản và căng thẳng hơn nhiều.
2. Tin rằng bạn không cô đơn trong cuộc chiến của riêng mình
Ai cũng có những “trận chiến” cá nhân. Có thể bạn là một người đang gặp khó khăn trong việc tự yêu thương cơ thể mình, hoặc bạn là một người trẻ đang mất phương hướng trên con đường sự nghiệp. Ngoài nỗi thất vọng, bạn còn có cảm giác như thể chỉ mỗi bạn làm sai hoặc phải chịu đựng những khó khăn này, và điều đó càng khiến bạn cảm thấy thất bại hơn nữa.
Hãy tin rằng bạn không cô đơn. Những gì bạn đã và đang trải qua cũng là trải nghiệm của rất nhiều người khác.
3. Chánh niệm
Chúng ta không thể chối bỏ những cảm xúc tiêu cực cũng như những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải. Càng chối bỏ cảm xúc của bản thân, những cảm xúc ấy lại càng trở nên mạnh mẽ. Điều này cũng tương tự như khi bạn đang buồn nhưng có ai đó lại an ủi là “thôi đừng buồn nữa” hoặc “hãy vui lên” vậy.
Thay vào đó, chúng ta có thể chấp nhận chúng mà không phán xét là đúng hay sai. Hãy đặt mình vào vị trí một “người quan sát” những cảm xúc và suy nghĩ của mình, thay vì là “người trong cuộc” và cố gắng chống lại nó.
Làm sao để rèn luyện lòng tự trắc ẩn?
Hãy thử từng bước đối xử với chính bản thân như đối xử với những người mà bạn quan tâm. Khi họ làm sai, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Sẽ tức giận với tông giọng gay gắt, hay an ủi thật nhẹ nhàng? Sẽ thất vọng vì họ làm sai, hay động viên rằng con người không ai là hoàn hảo?
Ngoài ra, bạn có thể tập thói quen viết nhật ký, ghi lại những khó khăn cũng như cảm xúc tiêu cực của mình. Cảm nhận và đừng phán xét chúng, sau đó hãy thử viết ra những điều mà bạn sẽ nói với người bạn yêu thương trong trường hợp tương tự.
Đừng quá khắc nghiệt với bản thân. Hãy cho phép bản thân mắc sai lầm, học hỏi từ đó, và dần dần bạn sẽ nhận ra sự tiến bộ của mình.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất