Tôi rất thích một câu nói  của đại văn hào William Shakespeare rằng “Lòng tốt là thứ khiến người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy và người điếc cũng có thể nghe thấy”.
Trên lông mày tôi có một vết sẹo lớn, dài chừng 3cm. Tôi chưa bao giờ có ý định sẽ tẩy nó đi vì với tôi, nó là một kỷ niệm. Nó là hậu quả của một vụ tai nạn giao thông trong đêm nhiều năm về trước, khi tôi đang là sinh viên năm nhất đại học. Hôm đó, hai anh em chúng tôi về thăm ông, bà ngoại. Tôi chỉ nhớ trong khoảnh khắc phanh tránh va chạm với nhóm thanh niên đua xe, vượt đèn đỏ ngã tư Lý Thánh Tông - Nguyên Phi Ý Lan (Bắc Ninh), bánh trước trượt dài, trong tích tắc còn kịp nhận ra mặt đập mạnh xuống đường rất đau , rồi mọi thứ tối om.
Cũng trong cái tích tắc không thể tính bằng giây, những ký ức  chiếu nhanh lật chớp nhoáng từng khuôn hình, vô cùng cực rõ nét là tuổi thơ, là bàn tay của mẹ, là hình ảnh của bà, mới bắt đầu đi học, và nhiều thứ khác… Mở mắt ra là trong phòng cấp cứu, bác sĩ đã khâu xong, tê cứng nửa mặt. Có một bác gái nhặt rác đêm đó giúp đỡ anh em tôi lúc đó và liên lạc với gia đình.
Anh em tôi đi tìm bác suốt nhiều năm nhưng không có manh mối, và cũng không có thêm nhân chứng nào. Tài sản là xe máy, điện thoại… cũng được gửi cẩn thận ở công an phường.
Nhiều năm qua, mỗi khi đi ngang ngã tư ấy để về thăm ngoại, tôi luôn cố hình dung ra gương mặt ân nhân, chắc chắn đó là người tốt. Có lẽ điều ấy để củng cố cho tôi niềm tin mạnh mẽ vào lòng tốt của con người luôn hiện hữu. Cuộc sống quá mong manh để kịp hoài nghi lẫn nhau.
Sau vụ tai nạn, tôi dán các miếng decal nhỏ in tên, địa chỉ, số điện thoại người thân dán vào ví và các vật dụng cá nhân trong ba lô. Có thể đó là cách giúp bản thân và giúp cả một người tốt nào đó bớt khó khăn khi thực thi việc cứu người nếu không may xảy ra chuyện tương tự.
Tôi bắt đầu học cách sơ cứu, hình thành phản xạ giúp người bị nạn xa lạ ngoài đường mỗi khi họ cơ nhỡ. Khi gương mặt từng đẫm máu nằm áp suốt mặt đường lạnh ngắt đau đớn tuyệt vọng, chắc hẳn không riêng tôi, ai cũng vậy thôi đều mong chờ có  bàn tay giúp mình bằng cách nào đó.
Họ đáng quí bởi ai cũng biết rằng an bài, vô can luôn là một đáp số chuẩn mực.
Sáng sớm ngày 20/2, hàng chục cô, cậu học sinh có mặt ngay trước khu vực nhà hàng Mỹ Khê ra rong chơi dọc bờ biển. Có 8 em rủ ra lội nước, không may, sóng dữ cuốn trôi 3 em. Các em còn lại thất thanh kêu cứu. Tiếng thảng thốt ấy đến tai anh Phó, chị Tâm. Hai người không ngần ngại, nhắm thẳng hướng biển đang nổi sóng dữ mà chạy. Vì nơi đó, có 3 em đang bị sóng biển cuốn ra xa.
Cả anh Phó và chị Tâm đều bị đuối nước theo, vì sóng quá lớn. Nhưng chỉ mình chị Tâm thì mọi người cứu được, còn dáng người anh Phó chìm dần, mất hẳn trong những tiếng khản đặc, tuyệt vọng của mọi người.
Hai hôm sau, tức ngày 22/2, các lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của anh Phó, cách hiện trường khoảng 300m.
Tôi gọi anh Phó, chị Tâm là những người hùng. Những người hùng xả thân cứu nạn, bất chấp tính mạng của mình, bất chấp những khó khăn của gia đình mình.Hay gần đây là anh Mạnh, vốn là một người lái xe tải chở hàng hóa bình thường, khi đang đợi công việc gần một tòa chung cư đã cứu sống cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chiều 28-2. Tôi chẳng bàn đến việc ảnh có giơ tay ra đón bé hay không. Tôi chỉ tin rằng anh Mạnh leo lên mái tôn là để cứu bé. Càng tin rằng, anh là một người tốt, một người tử tế.
Không ít người bi quan cho rằng sự tử tế, lòng tốt đang ngày càng hiếm. Bất kể thiên đường hay mảnh đất nào có sự hiện diện của loài người thì nơi ấy hiển nhiên luôn tồn tại vô số điều cay đắng xấu xa và tất nhiên là cả lòng tốt.
Napoleon Bonaparte từng nói: "Xã hội sẽ trở nên tồi tệ không phải bởi quá đông kẻ xấu, còn bởi sự im lặng của những người tử tế".