Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng: Khóc là biểu hiện của sự yếu đuối. Và tôi cũng đã từng như thế. Nhưng gần đây tôi lạ lắm…
Từ ngày trở về Việt Nam sau hơn 3 năm học tập tại Nga, mỗi khi xem một bộ phim cảm động, khi nghe một bài hát đượm buồn hay khi trực tiếp lắng nghe ai đó giãi bày tâm sự, tôi dễ dàng bị xúc động và khóc. Tuy không phải khóc oà như một đứa trẻ đang vòi vĩnh bố mẹ được xem điện thoại, nhưng rõ ràng hai mắt tôi rưng rưng ngấn lệ và sống mũi cay nghẹn.
Mọi chuyện đều có nguyên do của nó, để tôi kể bạn nghe một vài thứ mà tôi đã trải qua, khiến tôi trở thành một kẻ “mít ướt” thế này.
Từ khi biết nhận thức, tôi đã luôn gắn mình với hình ảnh một người con trai trưởng thành, mạnh mẽ, bản lĩnh, sẽ không bao giờ biết khóc. Và thật vậy, tôi không nhớ lần cuối mình khóc là khi nào, cho tới gần đây tôi mới lại có thể khóc được.
Những ngày tháng học tập tại Nga, biết bao lần tôi chia tay người yêu, gia đình gặp chuyện không may, bệnh tật, kết quả học tập dở tệ… Mọi chuyện càng lúc càng tồi tệ hơn và tôi đã dần quen với những chuyện như thế, cảm xúc của tôi dần trở nên trơ lỳ và chẳng thể rơi nổi một giọt nước mắt.
Trong khi tôi đang đau đớn vì bệnh tật, gia đình gặp chuyện phải suy nghĩ nhiều, dẫn đến không thể tập trung vào việc học và bỏ quên nhiệm vụ mình phải hoàn thành. Dù khi đó tôi đang yêu một người, nhưng lại chẳng thể nói với người ấy “tôi đang cảm thấy rất tệ”, mà luôn nói dối rằng "mọi chuyện đang rất suôn sẻ". Vì không muốn ba mẹ phải lo lắng thêm chuyện của mình nữa nên tôi cũng chẳng dám chia sẻ với bố mẹ. Kể cả với những người bạn bè sống cạnh tôi, tôi cũng lừa dối tất cả rằng “tôi rất ổn”.
Đêm trước ngày lên máy bay về nước, tôi có tò mò và xem bộ phim “Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7”. Khi xem đến cuối, tôi không nhận ra mình đã khóc từ lúc nào. Lần đầu tiên sau khoảng 5 năm trời tôi không thể rơi lấy một giọt nước mắt nào. Những giọt nước mắt ấy như tất cả những tâm sự của tôi chất chứa trong từng ấy năm được dịp phát tiết ra ngoài. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một năm tôi cảm thấy mình thực sự được sống. Ban đầu tôi khóc vì bộ phim rất cảm động, sau tôi khóc vì bản thân, hạnh phúc khi tôi vẫn có thể khóc. Nếu ngày đó tôi không thể khóc, có lẽ rất lâu sau tôi mới có thể cười lại được.
Sau ngày đó tôi đã đọc rất nhiều sách, khi tìm hiểu kỹ hơn về tâm lý học tôi mới biết trong suốt một thời gian dài tôi đã mắc bệnh trầm cảm. Đã có lúc tôi nghĩ đến cái chết, nhưng thật may là suy nghĩ ấy chỉ vừa loé lên đã bị tôi dập đi ngay, vì tôi biết mình còn muốn sống. Giá như  khi gặp chuyện tôi có thể khóc thật lớn và chia sẻ được vấn đề của mình với ai đó thì mọi chuyện đã khác.
Càng đọc nhiều, tôi càng cảm thấy hiểu bản thân mình hơn, rằng mọi chuyện đã xảy ra đều tuân theo quy luật nhân – quả. Tôi không ghét bỏ quá khứ đau buồn mà ngược lại, tôi cảm thấy trân trọng mọi chuyện đã xảy ra, nhờ đó mà tôi biết chấp nhận và yêu thương bản thân hơn, xác định được mục tiêu, lý tưởng sống của mình.
Cũng kể từ ngày đó, tôi trở nên cực kỳ dễ đồng cảm và khóc với những gì được tiếp nhận, từ một bài hát, một bộ phim, một câu chuyện cảm động tôi được nghe kể lại… Tôi thấy thương cảm trước những hoàn cảnh éo le, trước những số phận bi thảm, trước những mối tình dang dở… vì chính tôi cũng đã từng trải qua những cảm xúc như thế, chỉ không đến nỗi bi thương như trong phim, chuyện.
Khóc xong rồi thì sao? Tôi không ở đó chờ đợi một phép màu, vì trong thực tế sẽ chẳng có bà Tiên, ông Bụt nào hiện ra cả. Càng tuyệt vọng, càng đau buồn thì ý chí chiến đấu trong tôi lại càng mãnh liệt, tuy nhiên tôi không thể nào thay đổi được cái kết của câu chuyện. Nhưng tôi có thể thay đổi cuộc đời của tôi bằng chính thái độ đó. Việc gì cũng có cách giải quyết của nó dù tuyệt vọng, đâu buồn tới đâu.
Tuy nhiên cũng có đôi lần tôi đã khóc vì hạnh phúc vỡ oà, không chỉ trong phim mà còn trong chính cuộc sống của tôi. Với tôi, việc khóc đã trở thành một công cụ để giảm nhẹ gánh nặng trong lòng, giúp tôi sống thật với bản thân, bình tâm và chín chắn hơn để nhìn nhận lại mọi vấn đề.
Ngoài việc khóc, tôi còn biết đến một biện pháp còn hữu hiệu hơn để giải quyết được vấn đề khó khăn đang gặp phải, đó là chia sẻ với những người mà tôi tin cậy. Nói thì dễ, nhưng tôi biết với một số người sống hướng nội, nhạy cảm và nội tâm như tôi thì việc chia sẻ câu chuyện của bản thân thực sự rất khó khăn. Vì trước khi họ muốn nói một điều gì, họ sợ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người lắng nghe mình, hoặc câu chuyện của họ chẳng đáng để người khác quan tâm, thế rồi họ không nói gì nữa và tự mình ôm lấy mọi thứ.
Nếu bạn là một người hướng nội, nhạy cảm thì tôi mong bạn hãy dẹp bỏ ngay suy nghĩ mà tôi đã nói ở trên đi. Tự lập là tốt, nhưng bạn không thể tự mình gánh vác mọi thứ mãi được. Và khi có thể mở lòng chia sẻ, không chỉ bạn là người được nhận mà cả những người lắng nghe, giúp đỡ bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ bạn. Và biết đâu, chính những người lắng nghe bạn cũng có những câu chuyện muốn được bộc bạch, nhờ dịp này khiến chúng ta thấu hiểu nhau hơn và không còn là một cuộc nói chuyện một chiều nữa.
Tóm lại, tôi rút ra được hai điều về câu chuyện khóc của bản thân.
Một là: Thật tồi tệ khi trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất chúng ta lại không thể rơi lấy một giọt nước mắt.
Hai là: Khóc không thể hiện sự yếu đuối, vì thế đừng tiết kiệm những giọt nước mắt, hãy để chúng rơi vì những điều xứng đáng.
(Nếu các bạn có cho rằng tôi là một kẻ yếu đuối thì cũng không sao, quan điểm của mỗi người mỗi khác, tôi luôn tôn trọng tất cả. Có thể sinh ra tôi đã “mít ướt” như thế và tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái với điều đó) .
Thế nhé!