Lời tựa “Bộ sách xứ Hải Địa” – Ursula K. Le Guin
Bộ sách xứ Hải Địa: bản toàn tập kèm tranh minh hoạ Xứ Hải Địa xuất hiện lần đầu vào năm 1964 qua hai truyện ngắn tôi viết và...
Xứ Hải Địa xuất hiện lần đầu vào năm 1964 qua hai truyện ngắn tôi viết và cho xuất bản. Cả hai đều rất sơ sài; chẳng khác gì một thuỷ thủ chỉ tình cờ trông thấy vài ba hòn đảo chứ chưa phải đã tìm được cả một thế giới mới. Xứ Hải Địa tồn tại trong đó, nhưng cũng chỉ như Châu Mỹ tồn tại vào năm 1492 trên Đảo Watlings, nay được gọi là Đảo San Salvador.
Hai câu chuyện này kể về những Đảo, về vùng Ngoại Đảo, về các đảo thịnh vượng trong Quần đảo, những Eo biển Nội, những bến cảng buồm giăng trắng phau, cùng những mái vàng ở Havnor. Xứ Hải Địa hiện diện ngay đó, dù chưa được khám phá. Vài điều từng được nói đến sẽ không xuất hiện lại nữa, như quỷ khổng lồ và tà thuật. Nhưng mỗi yếu tố trong từng câu chuyện hoá ra sẽ góp phần vào cái kết cấu sâu xa của xứ Hải Địa. “Quyền lực của Tên gọi” [The Rule of Names] kể về loại pháp thuật hoạt động qua tên gọi và kiến thức, còn “Thần chú Khai mở” [The Unbinding Word] là lần đầu thoáng nhìn vào cõi bóng tối của người chết.
Phần còn lại của xứ Hải Địa vẫn chờ đợi, đến tận năm 1968, khi biên tập viên nhà xuất bản Parnassus Press ở Berkeley hỏi tôi có muốn viết tiểu thuyết kỳ ảo cho độc giả trẻ không. Khi đã hết cơn hoang mang, và câu chuyện lớn về một pháp sư trẻ tuổi đã dần tự thành hình trong đầu, việc trước tiên tôi làm là ngồi xuống vẽ bản đồ. Tôi mường tượng và đặt tên cho xứ Hải Địa cùng tất cả những hòn đảo ở đó. Tôi hầu như chẳng biết gì về chúng, nhưng tôi biết tên chúng. Trong tên gọi có phép màu.
Tấm bản đồ đầu tiên đó được vẽ trên một tờ giấy rất lớn, chắc là giấy gói thịt, vì tôi có sẵn mấy cuộn để dành cho bọn trẻ vẽ vời. Tấm bản đồ lớn đó đã biến mất nhiều năm rồi, nhưng trước đó tôi đã sao y một bản khổ nhỏ hơn, vừa tay cầm hơn, chính là tiền thân của tấm bản đồ trong quyển sách này. Và nó cũng là hình mẫu để nhiều hoạ sĩ minh hoạ chuyên nghiệp của các ấn bản khác nhau trên khắp thế giới vẽ theo thật cẩn thận giống tôi, nhưng khéo léo và tài tình hơn cả tôi.
Công dụng của nó với tôi rất thiết thực. Bởi hoa tiêu nào cũng cần hải đồ. Khi các nhân vật dong buồm ra khơi, tôi cần phải biết các hòn đảo cách nhau bao xa và theo phương hướng thế nào. Quyển sách đầu tiên đi theo một đường xoáy từ đảo Gont đến đảo Roke rồi lại đánh vòng xuống Astowell, toàn bộ đều ở trong Quần đảo. Đến quyển thứ hai, tấm bản đồ mở ra vùng đất người Karg trên đảo Atuan. Rồi sau đó, luôn có một đảo hay một nơi, cùng câu chuyện ở đó mà tôi vẫn chưa biết đến. Hòn đảo nào xa nhất về tây? Selidor… Nhìn Havnor kìa: lớn đến nỗi chắc hẳn có người sống sâu trong đất liền chưa thấy biển bao giờ. Thực sự dân đảo Paln đã dùng loại pháp thuật gì? Còn đảo lớn Hur-at-Hur của người Karg, một vùng đất xa tít về đông giống Astowell mà chẳng người Quần đảo nào biết tới: đã bao giờ có rồng ở đó không?
Câu chuyện cuối cùng về xứ Hải Địa, “Con Gái của Odren” [The Daughter of Odren], xuất hiện khi tôi nhìn vu vơ vào tấm bản đồ và tự hỏi không biết cuộc sống thời xưa ở đảo O như thế nào. Không ngờ nó lại có vài điểm tương đồng kỳ lạ với cuộc sống ở Mycenae.
Ngoại trừ phần tiêu đề tao nhã đầu mỗi chương mà Ruth Robbins vẽ cho ấn bản Pháp sư xứ Hải Địa [A Wizard of Earthsea] của Parnassus, cũng như phần tranh bìa theo phong cách khắc gỗ tuyệt đẹp tương tự mà Gail Garraty vẽ cho những ấn bản đầu của Atheneum, cho đến gần đây, bộ sách xứ Hải Địa vẫn chưa có một bức minh hoạ nào. Chuyện này một phần cũng do quyết định của chính tôi. Trừ bản bìa áo độc đáo có hình một khuôn mặt cách điệu màu nâu đồng rất đẹp mà Ruth đã làm cho ấn bản Pháp sư xứ Hải Địa đầu tiên, hầu hết tranh bìa những bản sau này đều vượt quá tầm kiểm soát của tôi. Kết quả có thể nói là khủng khiếp: một pháp sư trắng bóc ủ rũ trong bản bìa mềm của Puffin UK; hoặc một người đàn ông ngớ ngẩn bắn ra những chùm sáng từ các ngón tay thế chỗ người trước. Một số bìa khác nhìn thì đẹp đó, nhưng những nhân vật mảnh khảnh kiểu trung cổ, trên mấy hòn đảo quá hoàn mỹ, cùng lâu đài thành quách nhiều tháp nhọn lại không liên quan chút nào tới xứ Hải Địa mặn mòi, trần tục của tôi. Còn da đỏ, nâu hay đen, quên luôn đi! Cả xứ Hải Địa đã bị tẩy trắng.
Tôi rất xấu hổ về những cái bìa đã khiến độc giả hiểu sai về con người và nơi chốn. Tôi rất bực mình khi ban mỹ thuật các nhà xuất bản đã bác bỏ mọi đề nghị phải làm tranh bìa sao cho tương đồng với sự vật hoặc con người trong sách, rồi trịch thượng nói với tôi rằng họ Biết Rõ cái gì Bán Được (chỉ là một truyền thuyết chứ chẳng có hoạ sĩ bìa trung thực nào từng xác nhận hết). Nhà xuất bản bìa mềm thì muốn loại tranh bìa kỳ ảo đa dụng, dễ quảng cáo; ban tiểu thuyết giới trẻ [YA] thì không muốn có bất kỳ ngụ ý gì về những vấn đề người lớn. Vậy nên tôi đã từ chối mọi đề xuất làm tranh minh hoạ.
Khi danh tiếng bộ sách vang xa hơn, họ đã bắt đầu cho phép tôi có nhiều ý kiến về tranh bìa hơn, dù khá miễn cưỡng. Từ giai đoạn đó, từ năm 1991, đã có bốn bức tranh bìa áo tuyệt đẹp do Margaret Chodos-Irvine vẽ cho bốn quyển đầu (Atheneum), cùng bộ bìa kim loại lộng lẫy của hai quyển cuối (Harcourt). Hai cái cuối thành hiện thực được là nhờ công biên tập viên Michael Kandel đã ngoan cường đấu tranh cho tôi. Mấy năm sau, Michael đưa tôi xem bản phác hoạ đầu tiên mà ban làm bìa gửi cậu ấy: một con rồng xanh mập lù, rõ ràng bắt chước theo mấy con khủng long dây cót xinh xẻo biết phun tia lửa, với dáng ngồi thẳng như chó xin ăn giữa một đám hơi nước màu hồng. Thánh Michael đã đánh nhau với con rồng đó và chiến thắng nó, nhưng phải mất hàng tháng trời.
Một số hoạ sĩ thực thụ cũng vẽ bìa cho bản tiếng nước ngoài của bộ sách. Trong tất cả, tôi thích nhất bức hoạ tối màu mà tài tình vẽ Tenar với Therru của Inger Edelfeldt cho ấn bản Tehanu tiếng Thuỵ Điển.
Ấn bản Pháp sư xứ Hải Địa năm 2015 của Folio Society là bản đầu tiên có tranh minh hoạ đầy đủ, vẽ bởi David Lupton. Tôi được phép có tiếng nói trong lúc chọn hoạ sĩ, và David đã rất hào phóng gửi tôi xem các bản phác hoạ, nhận phản hồi và lời khuyên của tôi, cũng như lưu ý thông tin nào dùng được từ những gì tôi nói. Tính khí cả hai kết hợp lại đã tạo ra một xứ Hải Địa gai góc, tối tăm. Tôi thích hình ảnh nhân vật chính đầy lo âu và u ám đó, và trong vài bức hoạ, tôi còn cảm thấy được cái kỳ lạ lớn lao, như thể pháp thuật đang thực sự xảy ra.
Còn bây giờ, với quyển xứ Hải Địa toàn tập có tranh minh hoạ đầu tiên này, tôi sẽ để tác phẩm của Charles Vess tự cất tiếng nói.
Tôi đã viết rất nhiều về chuyện làm sao và tại sao phải lâu đến vậy tôi mới xong sáu quyển sách về xứ Hải Địa, lâu đến nỗi câu chuyện đã hoá thành một quyển sách mà bạn phải đọc cho bọn trẻ mỗi tối suốt nhiều tuần liền – Bạn thực muốn nghe lại chuyện này sao? Ồ, được thôi, bắt đầu nào!
Tôi viết ba quyển đầu trong năm năm: '68, '70, '72. Lúc đó tôi đang gặp thời. Không quyển nào được sắp đặt hay trù tính kỹ lưỡng trước khi viết hết; phần lớn câu chuyện của từng quyển cứ tự nảy ra khi tôi đi theo con đường tất yếu hình thành từ những gì đã viết. Lúc bắt đầu viết quyển thứ tư tôi đã rất tự tin. Dĩ nhiên, nhân vật trung tâm sẽ lại là Tenar để câu chuyện được cân bằng. Tôi biết cô không ở lại học pháp thuật với Ogion mà cưới một anh nông dân rồi sinh con, và rồi câu chuyện sẽ mang cô và Ged về với nhau. Nhưng đến giữa chương một, tôi chợt nhận ra giờ đây tôi chẳng biết cô là ai. Tôi không biết gì về chuyện của cô, hay của Ged. Tôi không sắp đặt hay trù tính gì được. Tôi không viết được. Phải mất tới mười tám năm để tôi biết phải làm sao.
Năm 1972 tôi bốn mươi hai tuổi; năm 1990 tôi đã sáu chục. Suốt những năm đó, xã hội ngày một hiểu biết hơn đã thúc đẩy một quan điểm phát triển mạnh mẽ mà chúng ta buộc phải gọi là nữ quyền (dù thuật ngữ đối lập nam quyền rõ ràng không tồn tại). Cùng thời gian ấy, càng lúc tôi càng cảm thấy có thứ gì đó thiếu mất trong các sáng tác của mình, dù chưa xác định được nó là gì, nhưng nó đã bắt đầu làm tê liệt khả năng kể chuyện của tôi. Nếu không có những nhà văn, nhà tư tưởng nữ quyền vào thập niên 1970, 1980, chẳng biết đến bao giờ tôi mới xác định được cái thiếu vắng ấy chính là hình tượng người phụ nữ ở trung tâm.
Vì sao tôi, là một phụ nữ, lại hầu như chỉ toàn viết về những việc đàn ông làm?
Vì sao? Vì tôi là một độc giả đã đọc, đã yêu, và đã học từ những trang sách do nền văn hoá của tôi cung cấp; mà chúng hầu như chỉ toàn những việc đàn ông làm. Phụ nữ trong đó được thể hiện qua mối tương quan với đàn ông, tức về cơ bản không có sự hiện hữu độc lập với sự hiện hữu của đàn ông. Tôi biết những việc đàn ông làm, ở trong sách, cũng như biết cách viết về chúng. Nhưng khi nói đến những chuyện phụ nữ làm, hay cách viết về chúng, tất cả những gì tôi trông cậy được chỉ có kinh nghiệm bản thân – thứ không được chứng thực, không được chấp thuận bởi Hội đồng Phê bình vĩ đại, không được tán thành theo Chuẩn mực Văn chương, cố cao giọng đơn độc chống lại cả dàn hợp xướng khổng lồ hùng hậu và gần như đồng thanh chỉ toàn giọng đàn ông nói về đàn ông.
Chà, vậy giờ, có thật thế không? Chẳng phải tôi đã đọc Jane Austen hay sao? Hay Emily Brontë? Charlotte Brontë? Elizabeth Gaskell? George Eliott? Virginia Woolf? Những giọng nói nín lặng trường kỳ khác của phụ nữ viết về cả phụ nữ lẫn đàn ông đang được cho in lại, cho sống lại. Chính trong khoảng thời gian đó tôi đã học được cách viết về và từ cơ thể của chính mình, giới tính của chính mình, bằng giọng nói của chính mình.
Nhân vật trung tâm của Mê cung xứ Hải Địa [The Tombs of Atuan] là nhân vật nữ, góc nhìn của cô cũng là góc nhìn chính. Nhưng Tenar chỉ vừa hết tuổi thiếu niên, còn chưa phải một phụ nữ thực thụ. Tôi đã không gặp vấn đề gì vào năm 1970 khi dùng kinh nghiệm cá nhân để viết về một bé gái, một cô gái trẻ. Nhưng điều tôi không làm được khi đó, và cũng không xong được vào năm 1990, là viết về một phụ nữ hoàn toàn trưởng thành ở trung tâm câu chuyện.
Cũng khá kỳ lạ khi một đứa bé lại là người đưa đường chỉ lối giúp tôi tiến vào quyển thứ tư về xứ Hải Địa. Một bé gái, sinh ra trong bần hàn, bị bạo hành, bị thương tật, bị bỏ rơi, chính Therru đã đưa tôi quay lại với Tenar, để tôi thấy được người phụ nữ cô đã trở thành. Và qua Tenar, tôi thấy được xứ Hải Địa, dù vẫn y nguyên, vẫn là xứ Hải Địa của mười tám năm trước, nhưng gần như đã thành một thế giới khác, bởi góc nhìn đã không còn đến từ đỉnh cao quyền lực, hay từ giữa cánh đàn ông quyền uy nữa. Tenar nhìn tất cả từ bên dưới, qua đôi mắt một kẻ bên lề, không có tiếng nói, không có quyền uy.
Bài tiểu luận “Xứ Hải Địa sửa đổi” [Earthsea Revisioned] (có in lại trong ấn bản này) bàn về sự thay đổi góc nhìn đó. Khi quyển Tehanu ra mắt, kha khá nhà phê bình lẫn độc giả chỉ coi nó như một thể hiện chính kiến về giới tính đơn thuần và cật lực chỉ trích rằng nó đã phản bội truyền thống lãng mạn về chủ nghĩa anh hùng. Như tôi cố nói trong bài tiểu luận: không thay đổi quan điểm, đối với tôi, mới chính là phản bội. Bằng cách đề cập đầy đủ về người phụ nữ trong câu chuyện, tôi đã đạt được hiểu biết sâu rộng hơn về thế nào là anh hùng, cũng như tìm được con đường đúng đắn hằng mong để quay lại xứ Hải Địa của tôi – giờ đã to lớn hơn, kỳ lạ hơn, nhiều chốn bí hiểm hơn cái thế giới từng xuất hiện trước kia rất nhiều.
Mặc dù Tehanu được đặt tên theo nhân vật đứa bé, cả nó và hai quyển kế tiếp đều không phải sách “thiếu nhi” cũng không thể xếp vào thể loại “giới trẻ” được. Tôi đã từ bỏ mọi cố gắng điều chỉnh hình ảnh xứ Hải Địa trong mắt tôi cho hợp với thể loại của nhà xuất bản hay định kiến của giới phê bình. Cái quan niệm thể loại kỳ ảo chỉ dành cho người chưa trưởng thành bắt nguồn từ những nhìn nhận sai lầm về cả sự trưởng thành lẫn trí tưởng tượng. Vậy nên, khi các nhân vật chính già đi, tôi để độc giả trẻ tự chọn có theo nữa hay không, cũng như khi nào sẽ chọn. Trong cái thế giới xuất bản định hướng PR này, làm như thế thực sự rất rủi ro, bởi vậy tôi hết lòng biết ơn các biên tập viên đã cùng chấp nhận rủi ro với tôi.
Nhưng có một chuyện về Tehanu mà bản thân tôi đã hiểu sai hoàn toàn khi tôi viết và cho xuất bản quyển sách. Tôi cứ nghĩ quyển thứ tư, cái quyển tôi đã kiếm tìm từ rất lâu này (với cái tựa trong đầu là Thà Trễ còn hơn Không) sẽ đánh dấu chấm hết cho câu chuyện của Ged và Tenar. Tôi còn ghi ngay trên bìa: Quyển cuối cùng về xứ Hải Địa.
Đừng bao giờ nói không bao giờ; đừng bao giờ nói cuối cùng!
Trong khoảng thời gian gần mười năm, tôi cứ tin rằng tôi đã có thể để hai người họ được sống yên ổn và mãn nguyện trong ngôi nhà của Ogion trên đảo Gont. Nhưng rồi người ta bảo tôi hãy viết một truyện ngắn xảy ra ở xứ Hải Địa. Tôi không biết mình có làm được không, nên đã quay lại nhìn một cái vào xứ Hải Địa. Ngay khi nhìn xong, tôi nhận ra mình phải trở về.
Từ quyển ba đến quyển bốn không có một lỗ hổng thời gian nào; sau khi Tehanu cho ta biết về những tháng năm cuộc đời của Tenar trên đảo Gont, thì con rồng đã mang Ged bay từ cuối quyển Bến bờ xa nhất [The Farthest Shore] vào thẳng câu chuyện. Nhưng nay, đã rất nhiều thời gian trôi qua cả ở đó lẫn ở đây. Nhiều thứ đã thay đổi. Và tôi phải đi hỏi xem có chuyện gì xảy ra từ khi Lebannen lên ngôi. Ai được chọn làm Tổng pháp sư? Cô bé Tehanu giờ đã ra sao? Những câu hỏi này lại mở ra nhiều câu hỏi lớn hơn – như ai có thể hoặc không thể làm pháp thuật, hoặc về sự sống sau cái chết, về loài rồng – toàn những chuyện chưa được giải thích trong bốn quyển đầu, những chuyện tôi muốn biết, những việc còn dang dở.
Như tôi có viết trong lời tựa quyển Truyện kể xứ Hải Địa [Tales from Earthsea] rằng “Nghiên cứu lịch sử không tồn tại là một phương thức để kể chuyện và tìm xem sự gì đã xảy ra.” Tôi đã làm vậy trong năm phần truyện, mà phần có tính lịch sử nhất chính là “Người Phát Hiện” [The Finder], cộng thêm một tóm tắt về xứ Hải Địa, chút tổng quan về địa lý, lịch sử, và nhân-rồng học mô tả. Quyển thứ năm này được xem là chuyện ngoài lề, nhưng lại rất cần thiết. Phần truyện dài cuối cùng, “Chuồn Chuồn” [Dragonfly], là phần chủ đạo trong toàn bộ câu chuyện về Ged và Tenar. Nó là chiếc cầu nối giữa Tehanu với Phương gió khác [The Other Wind]. Nó báo trước nhiều thông tin trong quyển đó như: sai lầm gì đã xảy ra trên đảo Roke, ngay tại trung tâm pháp thuật và thông thái; tại sao sự sống sau cái chết có được nhờ pháp thuật lại vô nghĩa; loài rồng là gì và là ai.
Vừa xong phần truyện đó, tôi đã bắt đầu viết quyển thứ sáu ngay. Phương gió khác tự hiện ra trong đầu tôi mà không cần giải thích gì, cấp bách, khẩn thiết, dứt khoát. Nếu một con rồng bay đến chỗ bạn và nói “Arw sobriost!”, bạn sẽ không hỏi gì hết. Bạn chỉ làm như nó bảo. Một bàn chân khổng lồ nhiều vuốt đặt trước mặt bạn như một cái bậc; còn bên trên là mấu đầu gối khuỵu xuống; và trên nữa là khúc xương vai nhô ra: một cái cầu thang. Bạn trèo lên đó, cảm nhận trái tim rực lửa trong cơ thể con rồng. Bạn ngồi xuống giữa đôi cánh mênh mông, tay nắm lấy cái gai lưng to bự ngay trước mặt. Rồi con rồng cất cánh, lao vút lên, mang bạn đến nơi bạn và nó phải đến, bay đi cùng phương gió khác, bay đi tự do.
–Ursula K. Le Guin, tháng Hai, 2016
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất