Bộ phim sắp công chiếu của Việt Nam, được remake lại từ phim 200 Pounds Beauty (2006) của Hàn Quốc.
Ngoại hình đóng một vai trò nhất định trong thành công của một người, quy luật này không cần phải viện dẫn quá nhiều nghiên cứu để có thể rút ra.
Nhưng nếu mức độ thành công của một người có thể được đo đạc bởi, chẳng hạn, mức thu nhập của người đó, thì liệu mức độ tác động của ngoại hình lên thành công có thể đo đạc được hay không?
Có. Đó là câu trả lời của nhà kinh tế học Daniel S. Hamermesh trong cuốn Beauty Pays: Why Attractive People Are More Successful (Tạm dịch là Lợi thế sắc đẹp: lý do người quyến rũ thường thành công hơn). Ông cho rằng việc ngoại hình tác động đến thu nhập là một hiện tượng phổ quát toàn cầu, và sự tác động ấy hoàn toàn có thể đo đạc được. Cụ thể là thông qua số liệu thu thập trong một nghiên cứu năm 1971 ở Đại học Michigan (Mỹ), ông rút ra kết luận ở bối cảnh nước Mỹ những năm 70, người xấu có thu nhập thấp hơn mức trung bình 3- 22%, còn người đẹp thì có thu nhập cao hơn mức trung bình 3-4%. [1]
Và thông qua việc phân tích số liệu thống kê của nhiều nghiên cứu khác, Hamermesh đã mở rộng kết luận của mình ra rằng: nếu bạn có ngoại hình đẹp, bạn có nhiều cơ hội việc làm hơn, đạt hiệu quả công việc cao hơn, dễ kết đôi, lập gia đình với những người quyến rũ, thành đạt hơn, và thậm chí là vay nợ ngân hàng cũng nhanh chóng hơn.
Cuốn sách này do đó có vẻ đã đóng góp đáng kể cho hệ thống lý luận về đề tài tác động của vẻ ngoài lên đời sống con người, vì nó là công trình đầu tiên bàn về mối liên hệ giữa ưu thế ngoại hình và lợi ích kinh tế thông qua các nghiên cứu chọn mẫu dữ liệu đại diện toàn quốc. [2]
Tuy nhiên, chính cách làm này của Hamermesh vô tình khiến tác phẩm trở nên khiếm khuyết.
Cụ thể là, để sử dụng được số liệu, Hamermesh đã nghiêm ngặt tách biệt các thành tố cấu thành nên vẻ ngoài: gương mặt, chiều cao, cân nặng, cách ăn mặc, ngôn ngữ cơ thể, thần thái, khí chất; cho rằng cách phân định nhan sắc của một người đẹp hay xấu chỉ cần dựa vào gương mặt [3] và theo đó, chỉ đánh giá vẻ ngoài dựa vào tính hài hòa của gương mặt mà thôi. Điều này vô tình đã xem nhẹ mối liên hệ mật thiết giữa vẻ ngoài với các tính trạng khác như sự tự tin [4], sức khỏe hay trí thông minh [5]. Trong khi đó, chính những tính trạng kể trên cũng đóng góp không nhỏ đến thu nhập nói riêng và sự sung túc nói chung của một người. Và vì vậy, hầu hết các kết luận trong cuốn sách đều chỉ có độ chắc chắn ở mức tương đối.
Cũng từ lý do trên, việc đề xuất những giải pháp rõ ràng và quyết đoán về mặt pháp lý lẫn văn hóa xã hội cho tình trạng phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình trở nên vô cùng khó khăn. Chính Hamermesh cũng cũng thừa nhận nó trong một bài phỏng vấn với The Wall Street Journal. [6]
Nếu bạn tìm kiếm một quan điểm cấp tiến, mới lạ về đề tài lợi thế sắc đẹp, cuốn sách này có thể không phải là thứ bạn cần. Nhưng nếu bạn cần một một hệ thống luận cứ cho các giả thiết của mình về ưu thế mà ngoại hình mang lại riêng trong lĩnh vực kinh tế, chắc chắn bạn nên tìm đọc cuốn sách này.
P/S: Ai muốn đọc cuốn sách này thì liên hệ mình gửi ebook cho nhé! 

CÁC NGUỒN THAM KHẢO:
[1] Beauty Pays, Chapter 3: Beauty and the Worker, p.36 & p.50
[2] Beauty Pays, Preface, page 7
[3] Daniel Hamermesh trả lời câu hỏi của độc giả trên trang Freakonomics. http://freakonomics.com/2011/08/18/danhamermesh-answers-your-questions-about-beautypays/
[5] Bài review của PhD. Jason Collins: https://jasoncollins.org/2011/09/20/hamermeshsbeauty-pays/
[6] Daniel Hamermesh trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal: https://www.wsj.com/articles/SB10001424052970 203687504576655331418204842