Bài viết này được truyền cảm hứng từ chương sách “Vứt bớt đồ đạc, 12 điều thay đổi trong tôi” trong cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, tác giả Sasaki Fumio.

1. Hạnh phúc hơn

Mình tin rằng một trong những lý do lớn nhất hấp dẫn người ta tìm đến lối sống tối giản có lẽ chính là hiệu quả nâng cao hạnh phúc cá nhân mà lối sống này có thể mang lại cho chúng ta.
Giờ nếu như bạn hỏi mình rằng: - Dựa vào đâu mà bạn bảo sống tối giản làm cho người ta hạnh phúc hơn?
Thì mình sẽ thành thật trả lời rằng: - Mình cũng không rõ.
Đúng. Mình không hề có số liệu, bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào để bổ sung vào quan điểm này của mình hết.
Nhưng mình tin rằng hạnh phúc nó là một trạng thái, chứ không phải là một hiện tượng hay một đích đến để chúng ta có thể đo đạc và thống kế. 
Vậy nên khi mình nói rằng “Lối sống tối giản giúp mình cảm thấy hạnh phúc hơn”, thì đó cũng chính là những gì mình đang cảm nhận được ngay lúc này, sự hạnh phúc.
Dạo gần đây mình nhận ra một điều rằng các phương tiện truyền thông, quảng cáo từ lâu đã luôn khiến chúng ta hiểu nhầm rằng sở hữu càng nhiều thì chúng ta sẽ càng hạnh phúc, càng vui vẻ. “Sự sở hữu” mà mình muốn nói tới ở đây giờ đã không chỉ còn xoay quanh những chiếc xe sang hay quần áo đẹp nữa, mà giờ nó còn có thể liên quan tới cả “chàng trai hoàn hảo nhất” hay “cô gái tuyệt vời nhất”.
Sau khi đã thích ứng được với lối sống mới, cũng chính là lối sống tối giản như hiện nay, mình đã lần đầu tiên trải nghiệm được cảm giác đủ đầy và thỏa mãn với bản thân sau một thời gian rất rất dài. Đến ngày hôm nay, sau hơn 1 năm thực hành lối sống này, mình vẫn không thể nào quên được cảm giác hạnh phúc lúc đó.
Lối sống tối giản thường xuyên nhắc cho mình nhớ rằng mình đã có tất cả những gì mà mình cần rồi. Chỉ với suy nghĩ đơn giản đó thôi, có lẽ cũng đã đủ để một kẻ đơn giản như mình cảm thấy hạnh phúc rồi.

2. Tiết kiệm hơn

Theo quan điểm của mình, người sống tối giản là những người hiểu rõ những gì là cần thiết cho bản thân, vậy nên họ sẽ có thể dành nhiều năng lượng hơn cho những điều cần thiết đó, và đồng thời tối giản hết tất cả những thứ bên lề khác.
Cách hiểu này cũng với lối tư duy “mình đã có tất cả những gì mình cần rồi” đã trực tiếp giúp mình loại bỏ được tật xấu mua sắm quá độ. 
Đương nhiên là mình cũng không thể bỏ tật xấu này cái rụp được ngay theo kiểu “Giờ mình sống tối giản nên mình sẽ không mua sắm nữa”. Bởi lẽ đây đã là thói xấu bám sâu vào tâm trí mình từ lâu lắm rồi. 
Tuy nhiên, hiện giờ mình cũng đang khá là tự hào khi nhìn lại và nhận ra rằng trong suốt 4 tháng vừa qua mình không hề mua thêm một món đồ thừa thãi nào nữa rồi.
Trong hoàn cảnh chưa tìm được phương pháp tăng thêm thu nhập thì những phần tiết kiệm được nhờ lối sống tối giản thực sự rất có ý nghĩa với mình. Mình hy vọng từ giờ mình sẽ có thể đầu tư vào phát triển những trải nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc của mình nhiều hơn nữa.

3. Bảo vệ môi trường hơn

Tiêu thụ ít đi thì cũng sẽ đồng nghĩa với đào thải ít đi.
Mình khuyến khích các bạn hãy luôn tìm cách tái sử dụng hoặc đem từ thiện những món đồ mà các bạn không còn sử dụng nữa, thay vì cứ thẳng tay ném chúng vào thùng rác.
Mình tin rằng đây là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để chúng ta – những người dân bình thường – có thể giúp đỡ những người cần được giúp đỡ và đóng góp công sức vào nỗ lực bảo vệ môi trường sống xanh trên hành tinh này.

4. Ít gánh nặng hơn

Cá nhân mình tin rằng những đống đồ gọn gàng thì cũng vẫn là những đống đồ.
Mình đã từng rất tự hào về khả năng dọn dẹp và thu xếp đồ đạc ở bản thân. Nhưng hóa ra mình chỉ giỏi nhét những đồng lộn xộn vào trong các góc khuất, nơi mà mình và người khác sẽ không thể thấy được mà thôi.
Lối sống tối giản giúp mình nhận ra rằng gánh nặng tâm lý và gánh nặng vật chất hóa ra lại có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Lo lắng về vật chất tạo nên những gánh nặng tâm lý, và căng thẳng tâm lý tạo nên những đống bừa bộn vật chất.
Bấy lâu nay, những gánh nặng này đã luôn là những quả tạ níu chân mình lại trên con đường phát triển bản thân.
Vậy nên mình tin rằng mình nên học cách tháo nút để cho những quả tạ ấy rơi ra. Rằng mình không bao giờ nên níu giữ những thứ mà mình không còn cần tới, dù cho đó là trong túi, trong tủ, trong tâm trí, hay là trong trái tim.

5. Ít căng thẳng hơn

Trong một bài báo mang tên The Unbearable Heaviness of Clutter, tổng hợp nhiều nghiên cứu khoa học xoay quanh mối liên hệ giữa số lượng đồ vật con người sở hữu và tình trạng stress, được đăng trên tờ The New York Times vào năm 2019. Chúng ta có thể thấy rằng khoa học cũng đang tìm ra thêm được nhiều mối tương quan giữa tình trạng mua sắm quá độ và chứng căng thẳng ở con người hiện đại.
Cá nhân mình đã luôn cảm thấy thoải mái và bình tâm hơn, ít căng thẳng hơn và cũng ít lo âu hơn sau khi mình thực hành áp dụng lối sống tối giản.
Mình nghĩ lý do là bởi giờ đây mình đã có thể dành ra nhiều năng lượng hơn để làm những gì mà mình muốn, trải nghiệm những gì mà mình yêu thích và rèn luyện được những đức tính có ích với mình – thay vì tiêu tốn năng lượng chỉ để chạy theo sau những món đồ vật.

6. Nhiều thời gian hơn

Lối sống tối giản tạo nên một môi trường phù hợp để mình có thể rèn luyện được các thói quen quản lý thời gian mà mình vẫn đang sử dụng cho tới hiện giờ. 
Mình cũng nhận ra rằng lối sống này đặc biệt giúp mình tiết kiệm thời gian trong khâu dọn dẹp nhà cửa. Cũng nhờ có ít đồ hơn mà một đứa lười như mình mới có thể rèn luyện được thói quen quét nhà, hút bụi và lau nhà mỗi ngày.
Liên hệ với ý trên, hiện giờ mình cũng đang có thể dành ra thêm nhiều thời gian hơn cho các hoạt động và sở thích có ý nghĩa với mình, cũng như là thời gian mình dành ra để ở bên gia đình và bạn bè cũng đã tăng thêm rất nhiều.

7. Ngăn nắp hơn

Các bạn đã bao giờ thử cân nhắc một sự thật rằng nếu như các bạn có ít đồ hơn thì có thể các bạn sẽ không cần phải cố gắng duy trì một cuộc sống ngăn nắp và gọn gàng hay chưa?
Một trong những điều thú vị nhất mà mình nhận ra ở lối sống tối giản của mình đó là các món đồ sau khi được tối giản thì dù có để ở đâu mình cũng đều thấy nó ngăn nắp hết.
Đương nhiên, đôi khi đây cũng chỉ là cái cảm giác thôi, mình khuyến khích các bạn hãy rèn luyện thói quen “lấy ra ở đâu thì cất vào ở đó” để luôn có thể đảm bảo tính gọn gàng cho không gian sống nhé.
Ít đồ đạc hơn thì sẽ đồng nghĩa với dọn dẹp dễ dàng hơn, ít thứ phải sắp xếp hơn, ít vật phải cất hơn, và chung cuộc là ít bừa bộn hơn.

8. Làm việc hiệu quả hơn

Trong bài viết Làm việc hiệu quả - hiểu thế nào cho đúng?, mình đã có chia sẻ rằng: Năng suất đối với mình của hiện tại chính là sử dụng thời gian hợp lý.
Với những lợi ích như nhiều thời gian hơn, ngăn nắp hơn, hay thậm chí là cả ít căng thẳng hơn và hạnh phúc hơn, lối sống tối giản cũng đang trực tiếp hỗ trợ mình nâng cao hiệu quả làm việc mỗi ngày.

9. Biết ơn nhiều hơn

Lối sống tối giản giúp mình tập trung nhiều hơn vào những giá trị quan trọng với mình, thay vì tập trung vào những giá trị vật chất.
Kết hợp thêm với lối tư duy “mình đã có tất cả những gì mình cần rồi”, mình của hiện tại vẫn thường nhìn quanh và cảm thấy trân quý tất cả những món đồ mà mình vẫn còn đang sở hữu. Thỉnh thoảng mình còn khẽ nói lời cảm ơn với một vài món đồ nữa cơ, haha.
Lối sống này đã thực sự giúp mình nhận ra rằng mình cần ít đến thế nào để được cảm thấy hạnh phúc, và hóa ra cuộc sống mang nhiều ý nghĩa thú vị hơn khi nó không còn xoay quanh các món đồ vật.

10. Tự do hơn

Cũng giống như hạnh phúc, mình tin rằng sự tự do là một trạng thái, chứ nó không phải một hiện tượng hay một đích đến để chúng ta có thể đạt được.
Lối sống tối giản đã giúp giải phóng mình khỏi những suy nghĩ so sánh. Từ so sánh bản thân với người khác, cho tới so sánh những người khác với nhau.
Mình nhận ra rằng mình đã tiêu hao quá nhiều năng lượng vào những món đồ chỉ bởi vì mình muốn được gây ấn tượng, muốn được đứng lên bàn cân để có thể được so sánh với người khác. Hay như trong cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, tác giả Sasaki Fumio viết: Tôi không còn tham gia vào cuộc thi “thiên hạ đệ nhất” nào nữa rồi.
Tư duy “mình đã có tất cả những gì mình cần” đã giúp mình nhận ra sự vô nghĩa của các suy nghĩ so sánh, rằng nó chẳng nói lên điều gì ở mình hay ở người khác hết, và rằng cái chuỗi của sự so sánh một khi đã bắt đầu thì nó sẽ không bao giờ kết thúc.
***
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.