Lỗi ở các nhà kinh tế học?
Năm nay đánh dấu cột mốc 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Qua một thập niên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà...
Năm nay đánh dấu cột mốc 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Qua một thập niên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích và các think tank đã có nhiều xuất bản phẩm mổ xẻ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này. Và những người thường bị coi là tác nhân chính dẫn tới một giai đoạn khủng hoảng kéo dài chính là các nhà kinh tế học. Tuy nhiên, giáo sư BRADFORD DELONG - giáo sư Kinh tế học tại Đại học California ở Berkeley và cũng là một nghiên cứu viên ở Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kì - lại cho rằng sự sai lầm dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nằm ở các chính trị gia. Sau đây là bài dịch của bài viết "Blame the Economists?" bởi giáo sư DeLong tại link: https://www.project-syndicate.org/commentary/economists-and-the-financial-crisis-by-j--bradford-delong-2018-11?a_la=english&a_d=5bdb1b3a78b6c76218a8f5dd&a_m=&a_a=click&a_s=&a_p=%2Fsection%2Feconomics&a_li=economists-and-the-financial-crisis-by-j--bradford-delong-2018-11&a_pa=section-commentaries&a_ps=
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái kinh tế liền sau đó, các nhà kinh tế học đã bị chỉ trích vì đã không dự đoán được cuộc khủng hoảng và không thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách về những điều cần thiết phải làm. Nhưng những biến động của thập kỉ vừa qua là một sản phẩm của tính ngẫu nhiên lịch sử hơn là một thất bại kĩ thuật.
Giờ đây, chúng ta đang được chứng kiến một cuộc thoái trào lịch sử của phương Tây, điều đáng xem xét là các nhà kinh tế có thể làm được gì trong các thảm họa của thập kỉ qua.
Kể từ cuối Đệ nhị Thế chiến tới năm 2007, các lãnh đạo chính trị phương Tây ít ra đã hành động như thể họ quan tâm đến việc đạt được trạng thái toàn dụng lao động, bình ổn giá, phân phối thu nhập và của cải một cách công bằng, và thiết lập một trật tự quốc tế mở nơi mà tất cả các quốc gia có thể được hưởng lợi từ thương mại và tài chính. Đúng là những mục tiêu này thường xuyên xung đột nhau, nên đôi khi chúng ta ưu tiên tăng trưởng thu nhập hơn sự bình đẳng, và đặt sự cởi mở quốc tế lên trước những lợi ích cụ thể của người lao động. Tuy nhiên, sự thúc đẩy của các chính sách vẫn hướng về cả bốn mục tiêu trên.
Và rồi năm 2008 đến, khi mọi thứ thay đổi. Mục tiêu toàn dụng lao động đã bị loại bỏ khỏi tầm nhìn của các lãnh đạo phương Tây, cho dù không hề có mối đe dọa về lạm phát hay lợi ích nào từ việc gia tăng toàn cầu hóa. Một mục tiêu khác là thiết lập một trật tự thế giới để phục vụ mọi người cũng bị loại bỏ. Cả hai mục tiêu trên đã phải nhường chỗ cho việc khôi phục lại sự giàu sang của tầng lớp cấp cao, có lẽ với một hi vọng xa vời về lý thuyết kinh tế nhỏ giọt (trickle-down economics).
Ở cấp độ vĩ mô, câu chuyện của thập kỉ hậu 2008 luôn được hiểu là sự thất bại của phân tích kinh tế và truyền thông. Các nhà kinh tế học như chúng tôi được cho là đã thất bại trong việc truyền đạt tới các chính trị gia và các quan chức những điều cần được thực hiện, bởi vì chúng tôi đã không phân tích tình hình một cách đầy đủ và chân thực.
Một vài nhà kinh tế, như Carmen M. Reinhart và Kenneth Rogoff của Đại học Harvard, đã thấy trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng lại phóng đại mức độ rủi ro của việc gia tăng chi tiêu công để thúc đẩy tình trạng việc làm sau đó. Những người khác, như tôi, hiểu rằng các chính sách tiền tệ mở rộng là không đủ; nhưng bởi vì chúng tôi đã xem xét sự mất cân bằng toàn cầu theo cách sai lầm, chúng tôi đã bỏ lỡ nguồn gốc rủi ro chính - sự quy định tài chính lỏng lẻo ở Hoa Kì.
Vẫn còn có những người khác, như chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì Ben Bernanke, hiểu được tầm quan trọng của việc giữ lãi suất thấp, nhưng đánh giá quá cao độ hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ bổ sung như nới lỏng định lượng. Khía cạnh đạo đức của câu chuyện là giá như các nhà kinh tế chúng tôi lên tiếng sớm hơn, thuyết phục hơn về các vấn đề mà chúng tôi nhận thức đúng, và nhận ra những sai sót, thì tình hình hiện nay sẽ tốt hơn rất nhiều.
Sử gia Adam Tooze thuộc Đại học Columbia không để ý nhiều đến câu chuyện trên. Trong tác phẩm lịch sử mới của ông về thời kì hậu 2007, Crashed: How a Decade of Financial Crises Changed the World (Vụn vỡ: Phương thức một thập kỉ khủng hoảng tài chính làm thay đổi thế giới), ông cho thấy lịch sử kinh tế của mười năm qua đã bị chi phối bởi các dòng chảy lịch sử sâu sắc hơn nhiều so với các sai sót kĩ thuật của việc phân tích và truyền thông.
Cụ thể, trong những năm trước khủng hoảng, việc phi quy định hóa ngành tài chính và cắt giảm thuế đối với giới tài phiệt đã khiến cho tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công tăng trầm trọng hơn, trong khi sự bất bình đẳng cũng tăng cao. Như để khiến cho vấn đề càng tồi tệ hơn, chính quyền tổng thống George W. Bush đã quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh không hề được ủng hộ chống lại Iraq, làm mất uy tín của chính phủ để dẫn dắt vùng Bắc Đại Tây Dương qua những năm tháng khủng hoảng.
Cũng trong thời gian này, Đảng Cộng hòa bắt đầu hứng chịu sự thoái trào. Nếu như việc thiếu chuyên môn của tổng tống Bush và sự hiếu chiến của phó tổng thống Dick Cheney là chưa đủ tệ, nội bộ đảng bắt đầu bị phân hóa bởi sự nghi ngờ. Vào năm 2008, những đảng viên Cộng hòa đã ủng hộ người cùng tham gia tranh cử với thượng nghị sĩ John McCain- Sarah Palin, một người theo chủ nghĩa dân tộc và thậm chí còn không phù hợp với Phòng Bầu dục hơn cả Bush hay Cheney; và vào năm 2010, đảng đã hầu như bị áp đảo bởi phong trào Tiệc trà (Tea Party).
Sau cuộc khủng hoảng năm 2008 và cái được gọi là "Đại Suy thoái", những năm tăng trưởng kinh tế ảm đạm đã đặt nền tảng cho một cuộc biến động chính trị vào năm 2016. Trong khi các đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ một ngôi sao truyền hình lãnh khốc và đòi hỏi, Đảng Dân chủ lại ngây ngất với một thượng nghị sĩ theo chủ nghĩa xã hội tự xưng mà không hề có thành quả lập pháp nào. Tooze viết: "Sự hài hước này y như trong một bộ phim hoạt hình vậy.", như thể cuộc sống đang diễn biến y hệt theo series "Veep" trên kênh HBO vậy.
Tất nhiên, chúng ta vẫn chưa đề cập đến một điểm chính nữa. Giữa cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và cuộc khủng hoảng chính trị 2016 là nhiệm kì của Barack Obama. Năm 2004, khi còn là một thượng nghị sĩ mới nổi, Obama đã cảnh báo rằng thất bại trong việc xây dựng một "Hoa Kì màu tím" ủng hộ việc làm và tầng lớp trung lưu sẽ dẫn tới chủ nghĩa bản địa bài ngoại (nativism) và đổ vỡ chính trị.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng, chính quyền Obama lại thiếu đi những nỗ lực như thời tổng thống Franklin D. Roosevelt đã làm: "Đất nước này cần... một thử nghiệm kiên trì và táo bạo." Như Roosevelt đã nói vào năm 1932, trong thời kì đỉnh điểm của cuộc Đại Suy thoái: "Khi bạn biết một phương pháp và thử nó là điều rất đỗi bình thường; nếu nó thất bại, hãy thẳng thắn thừa nhận và thử lại phương pháp khác. Nhưng trên hết, hãy thử làm một điều gì đó."
Sự thật rằng tổng thống Obama thất bại trong việc thực hiện nhũng hành động mạnh mẽ cho dù đã nhận thức được sự cần thiết của nó là một minh chứng cho lập luận của Tooze. Các nhà kinh tế học chuyên nghiệp không thể thuyết phục những nhà cầm quyền về điều gì cần phải được thực hiện, bởi họ đang hoạt động trong bối cảnh đổ vỡ chính trị và mất đi niềm tin vào Hoa Kì. Với một nền lập pháp đã chịu ảnh hưởng xấu từ một chế độ tài phiệt đang trỗi dậy, các nhà kinh tế kêu gọi "thử nghiệm kiên trì và táo bạo" chỉ đang cố gắng bơi ngược dòng nước - cho dù các lý thuyết kinh tế đã đưa ra những lí do xác đáng cho việc đó.
Cho dù vậy, tôi vẫn không cho rằng lập luận của Tooze là chắc chắn như ông vẫn tưởng. Các nhà kinh tế học chúng tôi và các lý thuyết kinh tế đã thực sự tạo ra sự thay đổi lớn. Ngoại trừ Hi Lạp, các nền kinh tế phát triển không phải tái đối diện với một cuộc Đại Suy thoái, thứ vốn là một viễn cảnh ở thời kì đỉnh cao của cuộc khủng hoảng. Nếu chúng tôi thông minh hơn, ít bị chia rẽ và mất tập trung hơn bởi những sự kiện ngoài lề, chúng tôi có lẽ đã tạo ra một sự khác biệt lớn hơn. Nhưng nó không có nghĩa là chúng tôi không tạo ra bất kì sự khác biệt nào cả.
J. BRADFORD DELONG
Bài viết cũng được đăng trên Fanpage "The Keynesian".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất