Gần đây Vi gặp 1 khái niệm khá hay ho, "Lời nguyền kiến thức", nghe thú vị nhỉ =)) Thế nên Vi muốn note lại trong bài này, để chia sẻ và để mình củng cố não ko quên nhanh (não tớ hơi tàn nhẫn) :)))
Vi sẽ mượn khái niệm này để từ đó tám về 1 số trải nghiệm của Vi: việc truyền đạt kiến thức cho người khác, việc dạy dỗ trẻ con và việc bày tỏ quan điểm với người yêu. Mong là bạn khi đọc sẽ tìm kiếm được điều gì đó hữu ích cho mình nhé!

       1. Lời nguyền kiến thức là cái gì nhỉ?

Để giải thích khái niệm này, mình sẽ lấy ví dụ của Matt D'Avella: 
Đôi khi, người có 6 tháng kinh nghiệm chơi guitar thì lại giỏi hơn trong việc dạy một người mới chơi, hơn là người đã có 20 năm kinh nghiệm dạy.
Lí do là họ đã biết quá nhiều/ có quá nhiều kiến thức ở lĩnh vực đó, đến nỗi họ quên mất khi là một người mới bắt đầu thì cảm giác nó sẽ như thế nào.
Nói mội cách khác, đây là sự thiên vị về nhận thức, khi họ giao tiếp với đối phương, đã vô tình giả định rằng đối phương có đủ thông tin hoặc nền tảng để hiểu vấn đề.
=> Kiến thức đã “nguyền” họ.
Source: Dilbert
Và từ đó các vấn đề nảy sinh như:
- Lúc đi học ông thầy giảng 1 khái niệm mới, nhưng mà trong lúc giải thích, ông thầy lại sử dụng những thuật ngữ mới lạ vào và bạn thì kiểu ??:D?? ủa thầy ??:D??
- Thằng em mới học phép cộng trừ nhân chia đơn giản thôi. Bạn giảng cho thằng em phép tính nâng cao này a(b+c) bằng cách: "Mày cứ nhân phân phối vào là được: a.b + a.c". Rốt cục thằng em không hiểu gì hết. Trong đầu nó còn đang nghĩ nhân phân phối là cái gì, mà nó lại còn chưa biết 1 sự thực là dấu nhân (x) có thể rút gọn thành dấu chấm (.), và thậm chí không cần ghi trong 1 số trường hợp khác.
- Đùng 1 phát cô người yêu mới quen giận bạn. Lý do á? Không rõ luôn. 

       2. Thí nghiệm nho nhỏ:

Năm 1990, cô sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học trường ĐH Stanford tên Elizabeth Newton đã mô tả “lời nguyền kiến thức” thông qua thí nghiệm như sau: Cô phân nhóm người ra làm 2, nhóm “gõ bài hát” và nhóm “lắng nghe”. Mỗi người trong nhóm “gõ bài hát” được yêu cầu chọn 1 bài hát phổ biến, ví dụ như Happy Birthday, và sau đó gõ giai điệu bài hát lên bàn. Nhiệm vụ của nhóm “lắng nghe” là đoán bài hát.
Source: internet
Bạn đoán tỉ lệ đoán trúng bài hát sẽ là bao nhiêu?
Trong thí nghiệm của Newton, tổng có 120 bài hát được gõ. Kết quả là chỉ 3 bài hát được đoán đúng =>  Tỉ lệ đoán đúng là 2.5%.
Nhưng điều thú vị ở đây là trước khi đoán bài hát, Newton đã hỏi nhóm “gõ bài hát” rằng: “Bạn nghĩ tỉ lệ đoán trúng của nhóm lắng nghe sẽ là bao nhiêu?”. Họ đoán 50%. 
Tại sao lại như thế? 
Khi nhóm “gõ bài hát” gõ giai điệu lên bàn, đồng thời họ cũng đang nghe được giai điệu của bài hát đang ngâm nga trong đầu mình. Trong khi đó, nhóm lắng nghe phải cố gắng trầy trật để đoán được dòng mã Morse kì lạ này là bài hát quái gì =)) Và còn nhóm gõ bài hát thì ngạc nhiên tột độ khi mà nhóm đoán phải cố gắng cực kỳ để mà có thể đoán được giai điệu.
Vấn đề ở đây là một khi chúng ta đã có nền tảng/kiến thức/tri thức—ở đây là giai điệu bài hát—thật khó để chúng ta có thể tưởng tượng nếu không có nó, thì sẽ như thế nào.

        3.Quan sát be bé:

a. Chuyện truyền đạt kiến thức cho người khác:
Khi truyền đạt kiến thức của mình cho người khác, Vi nghĩ tốt nhất là nên xem đối tượng mình muốn truyền đạt tới là ai, và từ đó nên điểu chỉnh cách truyền đạt của mình đến với họ.
Ví dụ như thầy dạy tiếng Trung của Vi đã từng kể, đôi khi lúc dạy, thầy phát hiện ra có vài học sinh không biết danh từ, trạng từ hay tính từ là gì. Thầy đã phải dạy hẳn thêm một buổi thêm về các chức năng của từ để họ có căn bản để đi tiếp.
Vi nghĩ điều này cực kỳ quan trọng đối với ngành giáo dục, khi mà mình là giáo viên/người truyền đạt, để mà kiến thức có thể đến với học sinh/người nghe 1 cách tối đa, mình cần phải đặt bản thân vào địa vị của học sinh, để biết rằng khi là một người mới, chúng ta hay gặp những vấn đề, khó khăn gì, và từ đó tìm cách giải giảng 1 cách dễ hiểu và trực tiếp hơn.
b. Chuyện dạy dỗ trẻ con:
Vi gặp khá nhiều trường hợp gia đình ở VN xem việc học là việc quan trọng nhất đối với trẻ con và đồng thời xem nhẹ và thậm chí cấm cản những thứ phát triển về thể chất và sáng tạo như chơi thể thao, chơi game, đọc truyện vẽ, hát, đàn nhạc vân vân. Trong đầu họ chỉ nghĩ đến việc phải làm sao để có càng nhiều tiền, có địa vị càng cao thì càng tốt.
Chúng ta từ bé vốn được cha mẹ dạy từ những kĩ năng nhỏ, từ việc đánh răng 2 lần/ngày, phải trung thực, không được làm việc xấu, ngồi học phải thẳng lưng lên, phải tập thể thao để cao lớn vào, vv, từng mảnh ghép một được lắp vào tạo nên bức tranh tổng thể tạo nên con người chúng ta ngày nay. Nhưng khi lớn lên rồi, chúng ta quên bẵng đi rằng trẻ con hệt như tờ giấy trắng, giống như ta lúc nhỏ, cần được chỉ dẫn kiên nhẫn, cần được yêu thương. Chúng nó mới biết rung động lần đầu, và đôi lúc chúng nó chỉ cần bạn lắng nghe thôi là đủ. Nên mong bạn khi đối xử với một đứa trẻ con, mong bạn sẽ đặt bản thân vào vị trí của chúng, khoan hãy vội nói với trẻ rằng con phải lo học đi.
“Người lớn nào thì thoạt tiên cũng là trẻ con – Nhưng ít người trong số họ nhớ được điều đó”

c. Chuyện bày tỏ quan điểm với người yêu:
Vi từng nghe những câu chuyện về chị em con gái chúng mình, là hay bực mình người yêu vì chuyện gì đó mà lẽ ra họ phải hiểu=)) Ví dụ như đến mùa dâu bạn hay cáu gắt bực mình và không muốn rửa chén, và mặc định là chắc thằng người yêu biết đấy. Và ông người yêu của bạn thì ngáo ngơ (có lẽ vì chuyện chị em phụ nữ chẳng ai kể ổng nghe hết) và thế là bạn giận!
Chuyện này hay xảy ra cực, và không phải ông nào cũng may mắn có kinh nghiệm chuyện con gái chúng mình hết. Nên mong chị em chúng mình thôi mặc định rằng ông người yêu bạn hiểu bạn chỉ thông qua ánh mắt, và nói rõ cảm giác, quan điểm của mình cho họ nhiều hơn. 
Và các ông cũng phải vậy, phải nói ra tâm tư của mình nhá =)) 

Vi đã hơi chật vật để viết bài này, thiệt sự, huhu :))) Nhưng cũng đã cố gắng hoàn thành bài viết để chia sẻ và lưu lại. Nên có chỗ nào đọc câu cú lủng củng bạn hãy thông cảm cho Vi nhe (viết văn luôn là môn khiếp đảm với mình =))).
Dù sao thì, tháng 9 tuy mưa nhiều dễ buồn, nhưng mà chúc bạn 1 tuần mới thật vui <3 (hình như ko liên quan)
*búng tim*  (*゚ヮ゚*) ❤  

Những cuốn sách đề cập đến vấn đề này bạn có thể tham khảo:
1. The Knowledge Illusion/ Ảo tưởng kiến thức - Steven Sloman, Philip Fernbach: 

2. Made to stick/ Ý tưởng kết dính - Dan Health & Chip Health:

3. Irationally yours - Dan Ariel:
 Lần đầu Vi nghe đến khái niệm “The curse of knowledge” là từ mục trả lời câu hỏi độc giả này của Dan. 

Source: Irrationally yours