Chúng ta thường coi trí thông minh vượt trội là một điều phước lành. Nhưng tôi tự hỏi, tại sao lại có rất nhiều đứa trẻ thông minh xuất chúng lại có cuộc đời khốn khổ vì sự xa lánh và tách biệt?
Tác giả: Maggie Fergusson, đăng ngày 29/04/2019 trên The Economist
Tom nhớ lại ngày cậu nhận ra mình muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn lý thuyết. Cậu đã đi sâu vào nghiên cứu về các lỗ đen và đã tích lũy được một chồng kha khá những ghi chép về các lý thuyết của mình. Lần đó cậu đã suy đoán về mối quan hệ giữa lỗ đen và lỗ trắng - các thiên thể giả định phát ra lượng năng lượng khổng lồ. Cậu nghĩ rằng các lỗ đen phải được liên kết xuyên không-thời gian với các lỗ trắng. “Cháu đặt chúng lại với nhau và nghĩ, ồ wow, rất hợp lý này! Đó là khi cháu biết mình muốn làm công việc này." Tom lúc đó không biết đủ về mặt toán học để chứng minh lý thuyết của mình, nhưng cậu vẫn còn nhiều thời gian để học. Cậu chỉ mới năm tuổi.
Tom bây giờ đã 11. Ở nhà, cách thư giãn yêu thích của cậu là viết ra các đề thi toán hoàn chỉnh có đính kèm tiêu chí chấm bài. Vào dịp Giáng sinh năm ngoái, cậu đã xin bố mẹ 125 bảng phí đăng ký để thi Chứng chỉ trung học phổ thông (GCSE) cho môn toán, một kỳ thi mà hầu hết trẻ em ở Anh đều tham gia khi 16 tuổi. Tom là con một, và ban đầu Chrissie, mẹ của cậu, nghĩ rằng sự yêu thích của cậu với những con số là một việc bình thường. Dần dần cô nhận ra không phải vậy. Cô đã đưa cậu đến các bài giảng về vật chất tối tại Đài quan sát Hoàng gia ở London và nhận thấy rằng không có đứa trẻ nào khác ở đó. Giáo viên của Tom nói rằng thay vì chơi bên ngoài với những đứa trẻ khác vào giờ nghỉ giải lao, cậu thích ở trong phòng và làm các phép tính.
Một ngày nọ, bố mẹ đưa Tom đến Milton Keynes để trí thông minh của cậu được đánh giá bởi một tổ chức có tên là Potential Plus, trước đây là Hiệp hội Quốc gia về Trẻ em Năng khiếu. “Chúng tôi nói với cháu rằng đó là một ngày của những câu đố,” Chrissie nói. “Hôm đó cứ như trong mơ vậy,” Tom nói. "Một nửa ngày chỉ toàn các bài kiểm tra!". Kết quả họ nhận được, Tom có trí thông minh thuộc top 0,1% ở Anh.
Những đứa trẻ bộc lộ trí thông minh sớm thường bị coi là sản phẩm của những bậc cha mẹ trung lưu, thích huênh hoang. Quá trình nuôi dưỡng và môi trường rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển trí tuệ của bất kỳ đứa trẻ nào. Nói chuyện với con về chính trị trên bàn ăn và nhiều khả năng chúng sẽ tự phát triển một cách tự tin hệ thống lập trường vững vàng về cách thế giới vận hành. Hay gợi ý cho trẻ ở độ tuổi 2-3 nghĩ về cách cắt một chiếc bánh thành các lát theo các góc độ khác nhau và chúng có thể sẽ sớm bộc lộ năng khiếu toán học. Practice can make perfect. Đứa trẻ có năng khiếu chơi piano nếu luyện tập năm giờ mỗi ngày sẽ có khả năng sau này sẽ biểu diễn ở Carnegie Hall hơn so với đứa trẻ có năng khiếu tương tự nhưng chỉ chơi đàn 20 phút mỗi tuần.
Nhưng những đứa trẻ như Tom thì khác. Cậu lớn lên ở một vùng nghèo khó ở phía nam London: 97% học sinh tại ngôi trường đầu tiên của cậu không nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Khi nói đến những con số - hoặc những niềm đam mê khác của cậu như tiếng La-tinh và vật lý thiên văn - cha mẹ của Tom gần như không biết cậu đang nói về điều gì. Sự thiên tài của cậu không phải do công dạy dỗ của họ.
Kết quả của các bài kiểm tra trí thông minh sẽ được đánh dấu “trên một đường cong”, nghĩa là một tập hợp các kết quả để so sánh điểm số của bạn và những người khác trên một biểu đồ cong hình chuông. Theo định nghĩa, kết quả sẽ được quy đổi thành thương số thông minh (iq) với mốc trung bình chính là 100. Đại đa số người tham gia nằm ở trong nhóm iq 85 - 115. Các trường hợp ngoại lệ là rất ít. Theo tỉ lệ, trong 100 người sẽ có 2 người có iq dưới 70, và 2 người khác có iq trên 130. Ở mức lệch trên hoặc dưới 45 điểm so với con số trung bình 100, tỉ lệ sẽ là 1/1000 người. Nhưng vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thực hiện các bài kiểm tra iq, nên việc xác định những đứa trẻ đặc biệt là rất khó. Hầu hết các trường đều không có học sinh nào ở nhóm này.Xã hội đề cao trí thông minh. Các thiên tài được kính trọng và được cho là chắc chắn sẽ thành công và có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, trí thông minh còn có một mặt tối. Giống như nhiều đứa trẻ có năng khiếu khác, tuổi thơ của Tom đa phần là không hạnh phúc. Ở tuổi lên năm, cậu từng nói về việc muốn kết liễu cuộc đời mình: cậu nói rằng mình định làm điều này bằng cách đập đầu liên tục vào tường. "Cuộc sống giống như một mê cung, chỉ có điều lớn hơn", Tom nói với mẹ. "Con cảm thấy như mình đang bị lạc." Bác sĩ gia đình nói rằng cậu đang bị trầm cảm nặng và cho rằng căn nguyên là do “sự thiên tài”, và cả sự thất vọng và cô lập mà nó gây ra cho Tom.
Tom cảm thấy khó kết nối với những đứa trẻ khác và có ít bạn bè. Ở trường, cậu hay trốn ra ngoài hành lang và văn phòng. “Lũ trẻ không muốn nó có mặt trong lớp vì nó toàn làm những việc khác lạ,” Chrissie nói. Để đánh lạc hướng tâm trí của mình khỏi "những suy nghĩ đen tối", Tom thường tìm đến các câu đố và phép tính, thường là đến tối muộn. Từ lâu cậu đã bị chứng mất ngủ. Sự căng thẳng ảnh hưởng đến cả gia đình: “Tôi không hiểu nổi những bậc cha mẹ muốn điều này cho con của họ, cho cuộc sống của họ,” Chrissie nói. “Tôi không biết làm cách nào với cuộc sống gia đình thế này cả. Tôi chỉ ước trí thông minh đó biến mất đi”.
Nhiều người khác cũng trải qua nỗi đau tương tự với Tom và gia đình cậu. Mensa, một tổ chức quốc tế được thành lập tại Anh vào năm 1946 để nuôi dưỡng những người thông minh nhất nước, có 20.000 thành viên (phải đăng ký để gia nhập). Khi tôi gửi yêu cầu qua Mensa để xin được nghe chia sẻ thêm từ những đứa trẻ có năng khiếu và cha mẹ của chúng, hộp thư đến của tôi đầy ngập email, nhiều cái chứa đầy nỗi thống khổ. Những người mà tôi đã trò chuyện cùng nói rằng, vì sợ khơi dậy sự ghen tị, họ không dám nói với người khác về khả năng của con mình. Giờ đây khi có một người sẵn sàng lắng nghe đầy cảm thông, họ trút những nỗi lòng tuyệt vọng của mình với những chia sẻ rất dài đến mức tôi bứt rứt đến tận tâm can khi phải xin phép cúp máy. Hầu hết đều sợ bị nhận dạng, và một mực đòi dùng tên giả.
Một số quốc gia coi trọng trí thông minh xuất chúng hơn những quốc gia khác và có những chương trình giáo dục đặc biệt cho những đứa trẻ như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi sự thiên tài được ngưỡng mộ, chú trọng và trau dồi, các vấn đề xã hội và tâm lý thường đi kèm với một đầu óc xuất chúng có thể khiến việc quá thông minh trở thành một món quà không mong muốn. Từ góc nhìn người trong cuộc - và đối với nhiều gia đình mà tôi đã nói chuyện – sự thiên tài giống như một lời nguyền hơn là một phước lành.
Hầu hết các chuyên gia sẽ dùng thuật ngữ “năng khiếu” để nói về những trẻ thể hiện được ba đặc điểm. Đầu tiên, những đứa trẻ có năng khiếu bộc lộ sự thành thạo một lĩnh vực cụ thể - ngôn ngữ, toán học hoặc cờ vua - ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với hầu hết người bình thường. Với chúng những thứ này rất dễ dàng, vì vậy chúng cũng tiến bộ nhanh hơn nhiều so với các bạn cùng tuổi.
Thứ hai, khả năng thành thạo này chủ yếu đạt được do tự thân chứ không phải là kết quả của sự tác động từ cha mẹ. Môi trường xung quanh và nền tảng kinh tế-xã hội chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ: có mối tương quan chặt chẽ giữa ‘số lượng từ mà cha mẹ nói với trẻ khi chúng lên ba’ và ‘thành công trong học tập của trẻ khi lên chín’. Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình có nền tảng học vấn tốt có thể được nghe nhiều hơn 4 triệu từ so với con của những bậc cha mẹ có trình độ học vấn thấp hơn. Những gia đình như vậy cũng thường có thu nhập cao hơn và cung cấp nhiều cơ hội giáo dục hơn.
Nhưng Lyn Kendall, chuyên gia tư vấn về trẻ em năng khiếu tại Mensa - bản thân từng là một đứa trẻ có năng khiếu trong một gia đình lao động - khẳng định rằng việc đọc Nietzsche cho đứa con năm tuổi nghe, hoặc buộc chúng làm thêm ba giờ bài tập về nhà, cũng không thể “a-lê-hấp” biến một đứa trẻ thành thiên tài.
Nhiều trẻ em có iq cực cao cho thấy dấu hiệu của khả năng phi thường ngay cả khi còn là những đứa bé nhỏ xíu, trước cả khi việc nuôi dạy con cái một cách thúc ép bắt đầu tác động đến chúng. Kendall nói: “Ngay từ khi còn rất nhỏ - giai đoạn tiền ngôn ngữ - những đứa trẻ này đã hiểu những gì đang diễn ra xung quanh chúng, hiểu những gì mọi người nói nhưng không thể đáp lại”. Hầu hết trẻ mới biết đi đều khám phá thế giới theo kiểu đón chờ, dễ bị phân tâm trước một chiếc ô tô chạy ngang qua hoặc sự xuất hiện của món đồ chơi mới. Ngược lại, Kendall mô tả những đứa trẻ có năng khiếu ở độ tuổi đó là “có sự thôi thúc”: “Chúng không bị động và chúng tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cực kỳ cao.” Chúng ta thường liên tưởng những năm đầu thơ ấu với việc tận hưởng niềm vui trong những điều đơn giản, sống trong hiện tại và không có khả năng suy nghĩ về hậu quả của hành động. Thay vào đó, Kendall nói khi quan sát những đứa trẻ mới biết đi có năng khiếu, “giống như thể ai đó đã đem một thiếu niên 18 tuổi và đặt chúng vào cơ thể trẻ sơ sinh vậy”.
Đặc điểm thứ ba của những đứa trẻ có năng khiếu là sở thích của chúng thường ở mức gần như ám ảnh. Chúng có những thứ mà đôi khi được gọi là "một hối thúc điên cuồng phải thành thục bằng được". Jesse năm tuổi. Khi cậu mới một tuổi và biết bò, Richard, cha của cậu, nói với tôi, ông ấy sẽ làm bất cứ điều gì để tránh phải thay tã cho con. “Chúng tôi thấy rằng cách duy nhất có thể giữ nó ở yên là đưa cho nó thứ gì đó có thể tháo rời và lắp lại với nhau. Chúng tôi có một cái đèn pin màu vàng với bóng đèn gắn sẵn bên trong, và nó sẽ lấy pin ra, lắp lại và kiểm tra xem nó có hoạt động hay không. Nếu nó đặt pin không đúng cách, nó sẽ kiên trì cho đến khi lắp đúng."
Các bài kiểm tra iq đầu tiên để đo trí thông minh được phát triển bởi Alfred Binet và Theodore Simon vào đầu thế kỷ 20. Họ đánh giá trí nhớ ngắn hạn, tư duy phân tích và khả năng toán học. Mặc dù các bài kiểm tra đã thay đổi kể từ đó, các kỹ năng cơ bản được họ dùng để đo lường vẫn như cũ. Trong biên độ hơn kém một vài điểm, chỉ số iq sẽ là cố định trong suốt cuộc đời của bạn: cách duy nhất để “mất” iq là bị chấn thương não.
Trên mạng có rất nhiều cái-mà-tự-nhận-là bài kiểm tra "trí thông minh". Còn có nhiều trẻ em tham gia các bài kiểm tra năng khiếu ở trường. Hầu hết những bài kiểm tra này có thể bị gian lận hoặc, ít nhất, trẻ em có thể được đào tạo để đạt kết quả cao. Mensa cố hết sức để làm cho các bài kiểm tra của mình “công bằng đối với mọi nền tảng văn hóa” - nói cách khác, chúng nhằm mục đích xác định trí thông minh thuộc về bản chất chứ không phải được dạy dỗ. Kendall nói: “Những đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh sẽ có khả năng sáng tạo ra những thứ kiểu như phát minh ra bánh xe và khám phá ra lửa.” Nhưng ngay cả Kendall, người có chuyên môn trong việc đánh giá trẻ em, cũng thừa nhận rằng “kiểm tra iq không giống như đo chiều cao”. Không có hệ thống đánh giá nào là hoàn toàn khách quan.Hầu hết các bài kiểm tra chỉ xem xét một số loại trí thông minh cụ thể, chẳng hạn như lập luận toán học và lý luận. Điều đó phản ánh sự hạn hẹp của quan niệm xã hội về năng khiếu. Nhiều loại kỹ năng và đặc điểm khác bị bỏ qua, chẳng hạn như tính tò mò tột cùng hoặc khả năng trò chuyện trí tuệ các kiến thức bậc cao. Các bài kiểm tra không có khả năng xác định các tiểu thuyết gia hoặc nhà thơ tương lai, hoặc những đứa trẻ mà có thể đặc biệt giỏi trong thể thao hoặc âm nhạc. Chúng ta chưa có cách nào để đo lường trí thông minh sáng tạo, nghệ thuật hoặc cảm xúc. Những trẻ em mà chúng ta đánh giá là "thiên tài" có xu hướng chỉ là những người thuộc nhóm các hạng mục tiêu chuẩn.
Một số người đặt câu hỏi về khái niệm năng khiếu. Deborah Eyre, người sáng lập của High Performance Learning, một tổ chức hợp tác với các trường học và giáo viên ở Anh để giúp một số lượng lớn trẻ em trở thành “những học sinh có năng lực học tập tốt hơn”, cho biết định nghĩa về một đứa trẻ có năng khiếu đã bị phân mảnh theo thời gian. Cô không xem năng lực là bẩm sinh. Eyre nói rằng khi quan sát bất kể đâu trên thế giới, con cái của các bậc cha mẹ giàu có thường chiếm đại đa số trong nhóm những trẻ em có năng khiếu. Những người xuất thân kém hơn chỉ chiếm số lượng ít: “Người La-tinh không được chọn ở Mỹ, người Maori thì không thấy góp mặt trong các chương trình ở New Zealand.”
Cô cũng nói điều khác biệt ở những đứa trẻ xuất sắc và có thành tích cao - và cả người lớn - thường là sự quyết tâm. Sự khác biệt giữa hai nhà vật lý tài năng như nhau, một người tiếp tục giành được giải Nobel và một người không đạt giải, là ý chí thành công của họ. Cô lập luận, thiên tài rõ ràng là sự kết hợp của một số tác nhân tiềm năng, cùng với sự hỗ trợ phù hợp và động lực cá nhân.
Eyre cho rằng một kiểu cha mẹ nhất định, thường là những người có trình độ học vấn cao, tự hào về việc có một "đứa con tài năng" để khoe khoang. Nhưng điều này không thấy xuất hiện ở các bậc cha mẹ mà tôi đã nói chuyện, hầu hết họ đều cho rằng ‘quà tặng’ mà con họ nhận được là nguồn gốc gây lo âu, thậm chí là đau khổ.
Nhiều phụ huynh trong số này gặp phải hai khó khăn chính. Một là làm thế nào để đáp ứng cho sự phát triển trí tuệ vượt trội của con. Điều thứ hai hiếm khi được nhắc đến hơn nhưng cũng có thể gây ra nhiều vấn đề: những đứa trẻ đặc biệt thông minh thường bị cô lập về mặt xã hội, thậm chí bị gây rối. Trí thông minh được tung hô và ngưỡng mộ, nhưng những người có trí thông minh thì không hẳn được như thế.
Nếu bạn được gặp Ophelia Gregory, bạn sẽ nghĩ rằng hẳn những nàng tiên tốt bụng đã ban những lời phúc tốt đẹp nhất cho cô gái này từ thuở còn nằm nôi. Cô đang 17 tuổi, thanh thoát yểu điệu và xinh đẹp với đôi mắt xanh lục sâu thẳm. Gia đình cô - mẹ Kerry, bố Tom và ba em trai - rất gần gũi và yêu thương. Ở tuổi 12, Ophelia đạt 162 trong bài kiểm tra iq của Mensa. Đây là điểm số cao nhất có thể đối với một người dưới 18 tuổi và ngang bằng với Stephen Hawking, nhà vũ trụ học đột phá đã qua đời vào năm ngoái.
Vậy mà cho đến nay, trí thông minh phi thường đã mang lại cho Ophelia chỉ rất ít niềm hạnh phúc. Đối với cô, việc được phân loại là “có năng khiếu” chỉ đơn giản là “rắc rối hơn mức đáng có”. Cô bé đã bị bắt nạt và phải chuyển trường nhiều lần. Tôi tự hỏi Kerry sẽ nói gì với một phụ huynh đang khao khát một đứa con có năng khiếu hơn người? Cô ấy đáp, “Tôi sẽ nói, ‘Đáng ra đó phải là một điều tuyệt vời, nhưng hóa ra không. Và sẽ không bao giờ.‘"
Từ lâu, chúng ta đã biết rằng một số cá nhân có trí thông minh cực kỳ cao. Chỉ gần đây, các nhà tâm lý học mới bắt đầu xem xét liệu điều này có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống của những cá nhân này hay không và như thế nào. Những đứa trẻ có năng khiếu thường trải qua điều mà các nhà tâm lý học gọi là “sự phát triển không đồng bộ”: những khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực có thể đi kèm với hoặc phải trả giá bằng những khía cạnh khác của quá trình trưởng thành. “Các bộ phận của não kiểm soát việc học từ, mẫu và số phát triển cực kỳ nhanh chóng ở những đứa trẻ này,” Andrea Anguera của Potential Plus cho biết. “Nhưng thùy trán, nơi kiểm soát sự điều tiết của cảm xúc, không phát triển nhanh bằng.”
Một đứa trẻ có năng khiếu có thể có khả năng vượt trội để thông thạo một thứ gì đó như toán học, nhưng lại có khả năng hạn chế hơn trong việc đối phó với môi trường xã hội, vốn là một phần quan trọng khác của việc trưởng thành và hòa nhập trong suốt cuộc đời. “Một đứa trẻ có năng khiếu có thể dễ bị suy sụp hoàn toàn về mặt xã hội,” Anguera nói. “Chúng không thể hiểu cách những đứa trẻ khác sống và chúng không thể kiểm soát cảm xúc của mình.” Có khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực có nghĩa là chúng cần "sự hỗ trợ phù hợp" ở những lĩnh vực khác, cô nói thêm.
Vào đầu thế kỷ 20, nhà tâm lý học người Mỹ Leta Hollingworth đã nói về “trí thông minh tối ưu về mặt xã hội”, mà bà liên kết với chỉ số iq từ 125 đến 155. Với điểm số cao hơn mức đó, Norman Geschwind, một nhà thần kinh học hành vi người Mỹ, đánh giá cái mà ông gọi là “bệnh lý của sự vượt trội” có thể gây tác động tiêu cực: sự thống trị của một phần não có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các phần khác.
Chúng ta vẫn chưa biết tại sao lại như vậy: do tự nhiên, do nuôi dưỡng hay do cả hai. Một nghiên cứu cho thấy trong số các thành viên của Mensa ở Mỹ, tỷ lệ mắc chứng adhd (rối loạn tăng động giảm chú ý) gần như gấp đôi tỷ lệ được chẩn đoán trong dân số nói chung. Những người khác cho rằng vì một số trẻ năng khiếu rất khác với các bạn ở trường và có thể ít tương tác với chúng trong lớp học, nên chúng cũng có thể ít tương tác hơn trên sân chơi. Mặc dù ở một số khía cạnh năng khiếu của chúng rất người lớn, nhưng nhiều trẻ trong số chúng cảm thấy mình không thể chơi những trò chơi mà chúng ta thường gọi là “trò trẻ con”: điều này khiến sự phát triển xã hội của chúng bị hạn chế hơn. Anguera cho biết, nếu một đứa trẻ năm tuổi có khả năng đặc biệt và thích dùng thời gian rảnh để làm đại số, thì bé thường không muốn dành thời gian cho một bạn cùng trang lứa thích chơi ô tô. Tuy nhiên, một khi trẻ bị gạt ra khỏi một số tình huống xã hội, cơ hội của trẻ để bắt kịp hoặc học hỏi những kỹ năng này sẽ giảm đi.
Kendall xác định được một số đặc điểm phổ biến ở những đứa trẻ có năng khiếu nhưng không thấy có biểu hiện rối loạn hành vi. Đặc điểm đầu tiên là nhiều trẻ trong số chúng ở trong tình trạng cực kỳ lo âu, thường là do suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ. “Khi bộ não chìm quá sâu vào việc lý giải các biến số,” cô giải thích, “đó là điều khó tránh khỏi”. Hilary đã gửi email cho tôi về con trai của cô ấy, Lorenzo: “Tôi ngày càng thấy khó đối phó với cảm xúc và sự lo lắng ngày càng cao của con.” Lorenzo, hiện 12 tuổi, đã trở thành thành viên của Mensa cách đây hai năm và do đó, có cơ hội giao lưu với những đứa trẻ rất thông minh khác cả trực tiếp và trực tuyến. Lorenzo đã đạt 162 điểm trong bài kiểm tra iq của cậu (“Giống như Einstein”, Hilary nói với tôi. Tôi đã phải nén lòng để không nói với cô rằng Einstein chưa bao giờ đo iq). Cậu nhóc không thể ngừng lo lắng: “Lúc đang chờ chuyến bay đến Hồng Kông gần đây, nó đã hỏi rất nhiều câu về những gì có thể xảy ra với máy bay đến nỗi mọi người xung quanh chúng tôi trong sảnh chờ đều lảng ra chỗ khác.”
Thói quen ngủ của những đứa trẻ như vậy thường khác với bình thường: việc “tắt” não có thể rất khó khăn với chúng. Một bà mẹ chia sẻ rằng đứa con trai có năng khiếu của cô lúc trước thường chỉ ngủ mỗi lần không quá 90 phút mãi cho đến khi nó gần 5 tuổi.
Và còn có thêm điều khác nữa liên quan đến sức khỏe cảm xúc và sức khỏe thể chất của những thiên tài. Chi nhánh Mensa ở Mỹ, có hơn 50.000 thành viên, nói rằng những trẻ em thuộc chi nhánh của họ có "bộ não kích động". Một cuộc khảo sát gần đây với các thành viên cho thấy rằng những người có trí thông minh đặc biệt cao thường có cái mà Kazimierz Dabrowski, một nhà tâm lý học người Ba Lan, miêu tả là "quá kích thích" hoặc "siêu nhạy cảm", chẳng hạn như nhận thức cao hơn về một trong năm giác quan, trải nghiệm cảm xúc cực kỳ mãnh liệt hoặc có mức năng lượng rất cao. Trong số những cá nhân này, tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và adhd cao hơn so với trung bình dân số.
Năng khiếu thậm chí có thể liên quan đến các tình trạng sinh lý như dị ứng thực phẩm, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch, đôi khi đi đôi với “rối loạn xử lý cảm giác”. Đối với nhiều cá nhân đặc biệt thông minh, những kích thích hàng ngày như âm thanh radio văng vẳng, màu sắc hoặc kết cấu của thức ăn, chiếc màn hình nhấp nháp trên tường lớp học hoặc miếng nhãn quần áo gây ngứa có thể trở nên gần như không thể chịu đựng được. Hilary tin rằng vì chức năng não của cậu rất nhạy bén, các giác quan của Lorenzo thường được điều chỉnh một cách tinh vi hơn. “Nó có thể nghe thấy những điều mà chúng tôi không thể. Đôi khi nó không thể làm bài tập về nhà trong một căn phòng được coi là hoàn toàn tĩnh lặng với hầu hết mọi người.”
“Về mặt thần kinh, iq cao đi kèm với hiệu quả hoạt động thần kinh tăng lên,” Sonja Falck, một nhà trị liệu tâm lý ở Anh, người hầu như chỉ làm việc với những khách hàng “cực kỳ thông minh”, cho biết. “Điều đó có thể đo lường được,” Falck tiếp tục. "Nếu một người nhận được nhiều kích thích và xử lý chúng cực nhanh, họ rất dễ bị kích thích quá mức."Nhiều đứa trẻ có năng khiếu phải vật lộn với thất bại. Rắc rối là, Kendall giải thích, nếu bạn là người thông minh, bạn thường không cần phải cố gắng và do đó mất đi cơ hội rèn luyện tính kiên cường. Cô từng tiếp xúc với nhiều trẻ em thông minh, những đứa trẻ “không chịu tương tác”. Tại các hội thảo mà cô điều hành cho trẻ năng khiếu, những đứa trẻ đôi khi chơi trò Twister, một trò chơi trong đó người chơi xoay mình để chạm tay hoặc chân vào các chấm màu trên tấm thảm nhựa. “Bọn trẻ phát cuồng lên,” Kendall nói. “Một trò rất khó để chơi đúng, vì vậy điều bạn đang dạy là ‘hãy làm điều gì đó chỉ để vui thôi cũng được’.”
“Mẹ ơi, con không xinh. Đó là do lỗi nhiễm sắc thể.”
“Mẹ ơi, con không xinh. Đó là do lỗi nhiễm sắc thể.”
Lizzie, con gái của Rebecca, năm nay 5 tuổi. Cô bé được thụ thai bằng tinh trùng hiến tặng từ một người bố có ba tấm bằng. Trước sinh nhật đầu tiên của mình, cô bé đã nói được thành câu. Lúc 16 tháng tuổi, cô bé đã hoàn thành một trò ghép tranh gồm 48 mảnh trong đó cô phải ghép từng mảnh theo các từ tương ướng. Vào sinh nhật lần thứ hai, cô bé có thể kể lại “The Gruffalo”, một câu chuyện dành cho trẻ em dài 24 trang được viết theo vần; khi Rebecca quên mang khăn mặt lúc tắm, Lizzie đã khiển trách: "Mẹ, mẹ thật là đồ đáng tởm!" Ở tuổi lên ba, cô bé tuyên bố, “Mẹ ơi, con không xinh. Đó là do lỗi nhiễm sắc thể.” Nhưng giống như nhiều đứa trẻ có năng khiếu khác, cô bé có thể trở nên quẫn trí nếu làm sai điều gì. “Có những ngày, tôi cảm thấy buồn cho nó,” Rebecca nói. "Tôi chỉ muốn con bé càng bình thường càng tốt."
Điều đó không dễ. Trước ngày bạn đến nhà chơi, Rebecca phải dọn đồ chơi của Lizzie để những bà mẹ khác không biết cô bé giỏi đến mức nào. “Người ta thường mong chờ chứng kiến cảnh những đứa trẻ có năng khiếu thất bại,” Rebecca nói. “Tôi đã học cách che chở cho Lizzie”. Rebecca dạy những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt, nhưng đối với những nhu cầu đặc biệt của con gái cô thì “không có gì để dạy cả”.
Sonja Falck cảnh giác với từ “năng khiếu bẩm sinh” bởi vì “nó có nghĩa là đặc ân”, ở chỗ người được tặng được coi là có lợi thế hơn những người khác. Nhưng nó không nhất thiết sẽ là một lợi thế. “Một người có năng khiếu, nhưng lớn lên trong một môi trường không được hỗ trợ, có thể thực sự phải chịu đau khổ. Và sự đau khổ này gần như không được biết đến." Falck kể cho tôi nghe về một khách hàng của cô ấy đã từng phá thai: cô ấy không thể chịu đựng được ý tưởng sinh ra một đứa trẻ có thể sẽ thừa hưởng những “món quà” từ cô ấy và phải chịu đựng như cô ấy đã từng.
Con trai của Emily, Peter, 9 tuổi. Từ khi còn nhỏ, cậu đã thích bầu bạn với người lớn hơn những người bạn cùng trang lứa: “Ở nhà trẻ, nó thường khóc nức nở cả buổi sáng,” Emily nói. Thể chất mỏng manh và là một người cô độc, nó đã phải nhập viện ba lần sau khi bị đánh đập ở trường. Cùng có một điểm chung với nhiều đứa trẻ có năng khiếu, cậu khó ăn vì quá nhạy cảm với kết cấu thức ăn. Nhưng đối với Peter, cũng như nhiều đứa trẻ khác, vấn đề lớn nhất là cuộc sống đời thường thực sự bế tắc. Cậu thấy trường học thật buồn tẻ. Giáo viên chủ nhiệm của cậu không cho rằng đây là một vấn đề. “Một chút buồn chán cũng khá tốt cho cháu,” ông thầy nói với Emily.
Nhưng buồn chán có thể là cực hình. Falck gợi ý rằng một học sinh có năng khiếu chỉ cần một khoảng thời gian ngắn để thành thạo nội dung của toàn bộ chương trình giảng dạy của một môn học. Cô so sánh nó với một vận động viên chạy bộ dày dạn kinh nghiệm bị buộc phải hàng ngày bị ép phải lết từng bước với những người đi bộ cực kỳ chậm.
Đâu là cách tốt nhất để giáo dục một đứa trẻ có năng khiếu? Các thử thách rất phức tạp, và thường cạnh tranh. Một mặt, những đứa trẻ này có thể thành thạo bộ môn nào đó sớm hơn và nhanh hơn các bạn cùng lứa tuổi. Mặt khác, do các kỹ năng xã hội của phần nhiều trong số chúng kém phát triển, có thể sẽ cực kỳ khó khăn với chúng để ép bản thân trở thành một đứa trẻ có thể được dạy theo cách truyền thống, hòa nhập và học được những kỹ năng bất thành văn, không thể đo lường mà các tương tác, hoạt động xã hội sẽ dạy chúng trong quá trình chuẩn bị để trở thành người lớn. Và một cách không mong muốn, những đứa trẻ như vậy có thể được bị coi là những đứa trẻ thông-minh-nhưng-thô-lỗ, ngay cả khi chúng có ý tốt, khiến những đứa trẻ và người lớn khác có thể không muốn ở cạnh. Người lớn, đặc biệt là giáo viên, có thể thấy những đứa trẻ cực kỳ thông minh là mối đe dọa: một đứa trẻ con nói chuyện với họ như thể ngang hàng có thể khiến họ rơi vào tâm lý tự vệ. Những đứa trẻ như vậy thực sự biết nhiều hơn những người lớn xung quanh, và chúng không thể không nói với họ điều đó.
Sau buổi đánh giá của Tom tại Potential Plus, Chrissie đã tìm kiếm lời khuyên về cách tốt nhất để giáo dục con. Rõ ràng với cô trường tiểu học ở phía nam London mà con đang theo học không thể đáp ứng được. Ngoài giáo viên đầu tiên của cậu ở trường, người mà Tom mô tả là “đáng kinh ngạc” và là người đã khuyến khích cậu quan tâm đến toán học bằng cách ngồi với cậu trong giờ nghỉ giải lao để giải các bài toán, các giáo viên khác của Tom dường như ghét cậu. Một người tỏ ra thích thú khi có dịp coi thường cậu, thông báo với cả lớp rằng “Hôm nay Tom thấy toán rất khó”, trong khi ngó lơ không đề cập đến việc Tom đang giải những bài toán dành cho những đứa trẻ lớn hơn cậu mười tuổi.
Chrissie được cho biết cô có hai lựa chọn: cô có thể dạy Tom ở nhà hoặc gửi cậu đến một trường tư thục để cậu có thể nhận được sự kèm cặp cá nhân hơn. Cả hai ý tưởng đều làm cô kinh hoàng. Cô ấy hoàn toàn chắc chắn là mình không đồng ý với việc học tại nhà – chẳng nghi ngờ gì điều đó sẽ làm trầm trọng thêm cảm giác bị cô lập của con. Trường tư thục vượt quá khả năng tài chính của gia đình, nhưng Tom đã nhận được một suất học bổng và hiện đang theo học tại một trường chọn lọc, có uy tín ở London, nơi có học phí hàng năm là 20.000 bảng Anh. Cậu vẫn đấu tranh để tạo dựng quan hệ với những đứa trẻ khác, và bị sốc khi nhận thấy sự chênh lệch kinh tế giữa cậu và các bạn. Nhưng cậu thấy việc giảng dạy ở đây kích thích hơn. “Cháu thích cô ấy, và cô ấy luôn cho cháu những bài toán khó hơn,” cậu nói về giáo viên dạy toán của mình.
Tranh luận diễn ra sôi nổi về việc tách những trẻ năng khiếu ra khỏi nhóm tuổi của chúng. Nếu chúng được học lên với những người hơn tuổi, chúng có thể gặp khó khăn về mặt xã hội. Nếu ở lại, trí tuệ của chúng có thể bị mài mòn. Leonie Kronborg thuộc Đại học Monash ở Úc cho biết sinh viên cần được hỗ trợ cả về tâm lý và xã hội. Cô chỉ ra các chương trình dành cho thanh thiếu niên có năng khiếu như Chương trình nhập học sớm tại Đại học Washington ở Mỹ: thanh thiếu niên có thể bắt đầu học đại học với một nhóm những người cùng tuổi với chúng, vì vậy chúng sẽ có môi trường kích thích trí tuệ nhưng vẫn tiếp tục giao lưu với bạn bè đồng trang lứa.
Đối mặt với việc con trai và con gái của họ chán học và khổ sở ở trường, nhiều bậc cha mẹ của những đứa trẻ có năng khiếu đã chọn cách tự làm lấy mọi thứ. Bỏ qua nỗi sợ hãi của Chrissie, việc học ở nhà rất phổ biến với những đứa trẻ rất thông minh có các cha mẹ có trình độ học vấn cao. Vào giữa những năm 1980, một cặp cha con, Harry và Ruth Lawrence, đã thành một bộ đôi nổi bật, đi vòng quanh Oxford trên một chiếc xe đạp đôi. Harry đã từ bỏ sự nghiệp trong lĩnh vực máy tính và tự giáo dục Ruth ở nhà kể từ khi cô bé 5 tuổi; năm 12 tuổi, cô giành được một suất học toán tại Đại học Oxford. Harry đi cùng Ruth đến tất cả các giờ giảng của con, đảm bảo rằng con không bao giờ “lãng phí” thời gian khi giao lưu với những người trẻ tuổi khác. Hiện tại cô làm việc với tư cách là một nhà toán học được kính trọng - nhưng không nổi trội. Khi có đứa con đầu lòng, cô thề sẽ không thúc ép con phải học nhanh hơn mức mà nó muốn.
Một số quốc gia đã xây dựng một môi trường giáo dục có tính khuyến khích hơn với những trẻ em có năng khiếu. Singapore thực hiện một chương trình chọn lọc cao nhằm xác định những học sinh đặc biệt thông minh nhất hàng năm. Ở tuổi tám hoặc chín, tất cả trẻ em đều được đánh giá về toán, tiếng Anh và lý luận. Top 1% được chuyển từ các lớp học “bình thường” sang Chương trình Giáo dục Năng khiếu được thực hiện ở chín trường tiểu học cho đến 12 tuổi. Sau đó, các em có thể chọn xem có theo học các trường trung học nhất định cung cấp các lớp học đó hay không. Những đứa trẻ được chọn nhận được “kế hoạch giáo dục được cá nhân hóa” bao gồm giảng dạy về các chủ đề cụ thể ở mức độ sâu và rộng hơn, tiếp cận với các khóa học trực tuyến tự học bổ sung, sắp xếp vào các lớp cao hơn cho các môn học cụ thể và nhập học sớm vào trường tiểu học cho trẻ rất nhỏ. Nhưng việc nhấn mạnh trình độ học vấn đã gây tranh cãi. Kể từ năm 2007, đã có những nỗ lực nhằm tăng cường xã hội hóa giữa các trẻ em có khả năng khác nhau.
Cách tiếp cận như vậy phản ánh một ý tưởng rất truyền thống về trí thông minh - sử dụng một số loại bài kiểm tra để xác định những đứa trẻ có khả năng trí tuệ bẩm sinh. Ở những nơi khác, các nhà giáo dục đang sử dụng đa dạng phương pháp hơn để phát hiện những đứa trẻ có trí thông minh cao và họ tăng cường sự tập trung vào thái độ và đặc điểm tính cách thường thấy ở những người thành công nhất - ví dụ như sự thôi thúc mà Deborah Eyre nói đến. Trong Dự án Bright Idea, một chương trình tại Đại học Duke ở Bắc Carolina, 10.000 trẻ em mẫu giáo và tiểu học bình thường đã được dạy bằng các phương pháp thường áp dụng cho những đứa trẻ thông minh nhất – bồi dưỡng tâm lý kỳ vọng cao, khuyến khích giải quyết vấn đề phức tạp và phát triển siêu nhận thức (“nghĩ về việc nghĩ ”). Gần như tất cả các em đều làm bài kiểm tra tốt hơn nhiều so với các bạn cùng lứa.
Tom và Ophelia, Lizzie, Lorenzo và Peter sẽ ra sao? Raj Chetty, một nhà kinh tế học người Mỹ tại Đại học Harvard đã tính toán rằng những trẻ đạt điểm thuộc top 5% các bài kiểm tra tiêu chuẩn ở trường tiểu học có khả năng nộp đơn bằng sáng chế khi trưởng thành cao hơn nhiều lần so với 95% còn lại - và xác suất đó cao hơn nhiều so với những trẻ có gia đình giàu có. Dù tài năng thiên bẩm của chúng là gì, những đứa trẻ có năng khiếu được nuôi dưỡng và tạo cơ hội sẽ có cơ hội tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống.
Nhưng những đứa trẻ có năng khiếu không nhất thiết sẽ tỏa sáng khi lớn lên. Một số sẽ trở thành điều mà Chetty gọi là “Những Einsteins bị đánh mất”: những đứa trẻ không được tạo cơ hội để phát huy trí thông minh hoặc được khuyến khích để phát triển trí tuệ của chúng, hoặc không nhận được sự giúp đỡ để đối phó với sự cô lập trong cuộc sống. Có những trẻ mà khả năng của chúng bị bỏ lỡ bởi những hạn chế của các bài kiểm tra iq. Và có rất nhiều trẻ đặc biệt phải đối mặt với những rào cản trong những năm sau này vì chúng không bao giờ phát triển được các kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết để thành công ở nơi làm việc hoặc trong thế giới rộng lớn đầy những tương tác.
Vào những năm 1920, Lewis Terman, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã nghiên cứu 1.500 trẻ em có trí thông minh rất cao. Những nhà nghiên cứu khác đã theo dõi nhóm đó 70 năm sau. Họ thấy rằng chúng đã đạt được không nhiều hơn kết quả được dựa đoán dựa trên tình trạng kinh tế xã hội của chúng. Một đứa trẻ mà Terman đã loại ra vì không đủ thông minh, William Shockley, đã đồng phát minh ra bóng bán dẫn và đoạt giải Nobel vật lý.
Và một tuổi thơ bất hạnh sẽ ám ảnh đến cuối đời. Kim Ung-yong là một thần đồng ở Hàn Quốc. Bây giờ là một kỹ sư xây dựng ở tuổi 50, ông cảm thấy mình đã bị tước đoạt tuổi thơ. Ông bắt đầu biết nói khi được sáu tháng và thành thạo bốn ngôn ngữ khi được hai tuổi. Ông có được tấm bằng đầu tiên ở tuổi lên tám, và sau đó được săn đón để làm việc cho nasa. “Tôi đã để cuộc đời mình trôi qua như một cỗ máy,” ông nói. "Tôi thức dậy, giải phương trình được giao hàng ngày, ăn, ngủ ... Tôi cô đơn và không có bạn bè." Ngay cả Albert Einstein, một trong những ví dụ điển hình nhất về thiên tài, đã viết vào năm 1952: “Thật kỳ lạ khi được cả thế giới biết đến nhưng vẫn cô đơn đến vậy”.
Đó là một thông điệp ảm đạm dành cho những thiên tài nhí thời nay. Nhìn về tương lai, mẹ của Tom, Chrissie, có vẻ không hy vọng mấy. “Thử kể cho tôi nghe một câu chuyện về một đứa trẻ thiên tài có kết thúc tốt đẹp xem,” cô ấy nói. "Chưa từng có câu chuyện nào như thế cả." Rồi cô quay sang Tom trấn an. “Biết đâu con sẽ là người đầu tiên.”