Một ngày nọ, mình bất chợt tìm lại được cuốn nhật kí hồi lớp 9. Đó là một cuốn sổ nhỏ bìa hình một con gấu nâu, hoang hoải mùi giấy lâu năm với những nét bút bi xếp ngay ngắn và tròn trịa. Nhìn qua mới biết hồi đó mình chăm viết thật, dù bận đến mấy, hầu như mỗi ngày mình đều dành thời gian để viết thứ gì đó.
Kí ức ùa về thật trong trẻo và tinh khôi, từ những chuyện tầm phào cỏn con xoay quanh trường lớp bạn bè như chuyện nắng mưa, chuyện đi chơi với lũ bạn, chuyện câu lạc bộ, chuyện đi học muộn, quên làm bài tập,... đến những bài "suy tưởng" mang tính vĩ mô hơn khi tự vấn bản thân xem mình thích gì, muốn trở thành ai, hay đời mình sẽ đi về đâu trong mấy mươi năm tới. Thi thoảng, có những đoạn làm mình không khỏi bật cười sao cái thời đó ngây ngô và thuần khiết đến thế: Dễ vui, dễ buồn, giản đơn, và trong suốt.
Mình nhận ra, khi viết nhật kí, mình được là chính mình. Mình không lo lắng ai đó sẽ nghĩ ra sao, hay những câu từ cú pháp mình dùng có lủng củng thế nào. Mình viết, vì qua việc viết, mình được thể hiện bản thân và suy nghĩ của chính mình. Vậy là áng văn cứ hồn nhiên tuôn ra như chính con người mình vậy. Khi viết nhật kí, mình được là chính mình.
Ảnh bởi
lilartsy
trên
Unsplash
Nhưng khi chuyển sang những bài viết cần đầu tư sự chỉn chu và phức tạp hơn, mình bắt đầu cảm thấy lười viết, sợ viết. Viết như vậy đã đủ thuyết phục chưa? Đã đủ tốt chưa? Sự kì vọng quá cao vào những gì mình nên viết so với những gì mình thực sự có thể viết khiến mình tự đặt những áp lực vô hình lên bản thân. Những bước đi đầu tiên luôn là những bước đi khó nhất, đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất, và cũng nhiều người sẽ bỏ cuộc nhất. Chúng ta phải đối diện với sự hoài nghi của bản thân, và lo lắng trước điều người khác sẽ nghĩ về mình. Vì thế, chúng ta cứ từng lúc khoác lên mình những lớp áo để bảo vệ bản ngã và chạy trốn sự tổn thương, nhưng cứ mỗi một lớp áo khoác lên, chúng ta lại trở thành ai đó khác đi một ít. Việc viết không còn hồn nhiên ngây thơ như những gì dòng nhật kí hồi lớp 8 lớp 9 thuở nào nữa.
Và vì thế, suốt một thời gian dài đằng đẵng, mình dừng viết. Mình biện minh rằng mình viết không đủ tốt, không có ý tưởng, không có thời gian, nhưng thực ra, mình đang chạy trốn những nỗi sợ và sự kì vọng tự áp đặt lên bản thân. Một người thầy mình yêu mến đã từng nói: Nếu em muốn trở nên xuất sắc hơn người khác, đừng e ngại những việc khó. Vì hầu hết mọi người đều có tâm lý né tránh những việc khó khăn và mưu cầu sự dễ dàng, nên nếu em có thể làm được những việc mà hầu hết những việc người khác không muốn làm, thì em sẽ đạt được những điều người khác không đạt được.
Những giai đoạn đầu ép bản thân phải viết là một điều khó khăn đối với mình. Nhưng mình tin rằng, với sự kiên trì và cố gắng tốt hơn từng chút mỗi ngày, ai trong chúng ta cũng có thể viết và viết tốt. Vì viết, như bao kỹ năng khác, là một kỹ năng đòi hỏi sự luyện tập bền bỉ. Và chúng ta không cần phải trở nên hoàn hảo để bắt đầu viết. Chính sự không hoàn hảo mới tạo nên sự khác biệt. Một ngày nào đó khi viết đã thành một thói quen, mỗi lần đặt bút xuống viết sẽ là một niềm vui, thứ niềm vui con trẻ vì được là chính mình, được thể hiện bản thân và góc nhìn của mình, được chia sẻ và kết nối với bao câu chuyện, tâm tư và cuộc đời khác ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mình thật sự hết mực tin tưởng điều đó.
Viết giúp mình sắp xếp suy nghĩ tốt hơn, tư duy rõ ràng, rành mạch hơn. Viết khiến mình nhận ra mình có những ý tưởng và góc nhìn thật hay ho và mình hân hoan muốn chia sẻ điều đó. Viết giúp mình kết nối, giúp mình trưởng thành, giúp mình chữa lành, và hơn tất cả, hiểu bản thân hơn qua mỗi câu chuyện, những chuyến đi, những thăng trầm của tháng năm tuổi trẻ. Vẫn sẽ có những nỗi sợ, những kì vọng vô hình khiến mình không được thoải mái bộc lộ bản thân, nhưng khi đã trở nên mạnh mẽ hơn, những lớp áo ấy sẽ dần một biến mất. Ai cũng có những nỗi sợ cần vượt qua, những câu chuyện muốn kể, những lời thầm thì muốn được lắng nghe. Mình mong rằng ai đó như mình, những người không hoàn hảo, những người muốn viết nhưng còn e ngại, sẽ can đảm đặt những viên gạch đầu tiên, giữ một tâm hồn đẹp để cho phép bản thân được sai, được vấp ngã, và trưởng thành hơn qua mỗi lần vấp ngã đó. Vì đối với mình, viết là tự do, tự do được nêu quan điểm, tự do được sai, và tự do được là chính mình.