Dù bạn có tin hay không, nhưng mọi vấn đề trong cuộc sống của bạn đều ít nhiều liên quan đến kinh tế học.
Đây là đôi dòng suy nghĩ của một kẻ vô tình học kinh tế và thấy nó thực sự thú vị và bổ ích trong thế giới xung quanh mình.
Thuật ngữ nền kinh tế (economy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là oikonomos, nghĩa là Người quản gia. Trong một gia đình, người quản gia sẽ giúp đưa ra các quyết định tưởng chừng như rất cơ bản như tối nay ăn gì, tháng tới đi chơi ở đâu, cả nhà nên xem gì tối nay,… Tất cả những quyết định này phải dựa trên cơ sở là nguồn lực hữu hạn, tức là với bấy nhiêu đó tiền, bây nhiêu đó thời gian, công cụ, con người thì mới quyết định nên làm gì cho tối ưu nhất. Chính vì vậy, kinh tế học nghiên cứu cách mà các cá nhân, gia đình và doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên nguồn lực khan hiếm. Tại sao lại là khan hiếm? Bởi vì nguồn tài nguyên, con người, thời gian, tài chính,… những nguồn lực như vậy đều có một giới hạn nhất định. Nói một cách vô cùng đơn giản, thì với những gì bạn đang có, làm sao để bạn đưa ra một quyết định tối ưu nhất để đạt cái bạn muốn.
Chính khái niệm cơ bản này đã xây dựng nên 10 nguyên lý nền tảng trong kinh tế học mà tất cả các sinh viên học kinh tế đều được học. Nếu có dịp, các bạn hãy tìm hiểu thử, hoặc mình có thể giới thiệu nó trong những bài sau. Có thể nói, khái niệm này ảnh hưởng rất nhiều đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình. Chính xác hơn, là nó giúp mình đặt ra những câu hỏi.
1. Tối ưu trong công việc
Nếu những ai làm việc trong một công ty khởi nghiệp thì sẽ hiểu rất rõ điều này. Mình làm việc trong một công ty khởi nghiệp và thấy rằng việc tối ưu là việc vô cùng quan trọng. Khi bạn mở một doanh nghiệp, có rất nhiều thứ bạn có thể ước, ước gì có thiết bị tốt hơn, ước gì có một trụ sở lung linh hơn, ước gì có nhiều nhân sự hơn,… Nhưng mọi thứ không màu hồng như thế, nếu không có một tư duy “tối ưu nguồn lực”, bạn rất dễ ngồi so sánh và ngồi ước, xong cả buổi không làm được gì. Vậy thì khi biết được điều này, mình luôn đặt những câu hỏi. 
- Với những thiết bị hiện có, mình có thể làm được những gì? - Với những con người hiện có, mình sẽ phân bổ công việc làm sao? - Với thời gian và số lượng công việc hiện có, mình nên ưu tiên cái nào trước, cái nào sau, và nên học gì để đẩy nhanh tiến độ công việc? - Với một không gian hẹp ở công ty, mình trang trí lại thế nào để mọi người vẫn có một không gian đủ tốt để có cảm hứng làm việc?
Khi mình đặt những câu hỏi như vậy, thì mình cũng tìm được cho bản thân những câu trả lời xứng đáng, và nó giúp mình rất nhiều, nó giúp mình tìm ra những giải pháp phù hợp. Đến sau cùng, giai đoạn khó khăn rồi cũng qua, và khi mình có nhiều nguồn lực hơn, mình lại cảm thấy thoải mái hơn, như kiểu: Ngày ấy với ít “đồ chơi” thế, mà mình còn làm được, thì bây giờ mình còn có thể làm được nhiều hơn.
Mình đã chứng kiến, nhiều doanh nghiệp, họ quên rằng, nguồn lực là có hạn, và cứ thế đốt tiền vô tội vạ, nhân sự thì cứ tuyển mà không đắn đo xem tại sao lại cần, cho đến khi cạn vốn thì những giấc mơ đẹp của họ không còn khả năng được thực hiện tiếp tục được nữa. Tất nhiên, còn tuỳ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, chiến lược,.. nhưng nếu bạn ở trong một tình thế với nguồn lực eo hẹp, hãy thử cách đặt lại câu hỏi.
2. Bớt so sánh bản thân
Đã có một thời gian, mình cũng hay so sánh bản thân với người khác. Ôi sao người này có thể làm thế này, ôi tại sao họ có những cái kia? Nhưng nếu nhìn xa ra một chút, bạn sẽ thấy, nguồn lực của họ rất khác bạn. Một người có ba mẹ làm nền tảng tài chính vững chắc sẽ có khả năng chịu rủi ro nhiều hơn trong các quyết định nhảy việc, trong khi một người cần tiền ngay để gửi về cho mẹ ở quê thì cần một sự chắc chắn hơn trong mức lương với công việc hiện tại. Một người có cơ hội học ở những trường top, thì khả năng cạnh tranh của anh ta cũng cao hơn khi tìm việc. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mình phủ nhận sự nỗ lực của họ. Nó giống như việc mọi người vẫn hay so sánh Messi và Ronaldo theo kiểu 1 bên thì chơi theo đam mê và 1 bên thì nỗ lực luyện tập. Thật sự là sai trái, chơi theo kiểu gì thì vẫn phải là nỗ lực và luyện tập mà, làm gì có việc ngồi im mà tài năng tự đến được. 
Vậy thì khi mình biết điều này, mình cũng đặt câu hỏi khác đi. Nếu mình muốn được như họ, thì mình cần những nguồn lực gì? 
Lấy ví dụ, nếu mình muốn có được một công việc lương cao ở công ty ABC nào đó như bạn mình. Thì mình cần những gì? Nó có thể là kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm nào, mối quan hệ nào,… 
Sau đó thì mình phân tích tiếp, vậy thì mình có đáp ứng được những nguồn lực đó không? Ví dụ, nếu mình muốn làm việc trong một công ty đa quốc gia, thì mình cần Tiếng Anh đi, vậy mình có Tiếng Anh chưa, nếu chưa thì có tiền đi học không, nếu chưa có tiền thì đi kiếm tiền thế nào, và cần bao nhiêu lâu để học Tiếng Anh.
Thậm chí nếu nguồn lực của bạn quá hạn chế đi, thì có sự lựa chọn nào phù hợp hơn không? Thay vì làm ở một công ty siêu bự, thì làm ở công ty vừa vừa thì có ổn không? Chứ không phải là vì thấy nguồn lực của mình không như người ta thì mình bỏ, không làm nữa thì sẽ là đi lùi đó nhé. 
3. Chi tiêu cá nhân
Việc chi tiêu cá nhân của mình cũng dựa trên nguyên lý của kinh tế học. Mình sẽ đặt câu hỏi, với số tiền đang có, nếu mua một chiếc iPhone 14 mới toanh thì nó có thực sự giúp mình nhiều hơn không, nếu không thì chia đôi tiền đang có để mua một cái đời cũ hơn còn lại thì để tiết kiệm hoặc làm cái gì đó có ích. Tất nhiên, nếu bạn dư dả tới mức có thể mua một chiếc iPhone 14 mới toanh mà không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của bạn thì cứ như vậy mà xúc thôi. Mình thấy rất nhiều người không để ý tới điều này, họ quên rằng nguồn lực tài chính của họ có giới hạn, và cứ thế họ xả tiền cho bằng hết, tự nhiên đến một lúc nào đó họ cần tới tiền, thì lúc đó họ mới nhận ra họ đã đốt hết từ khi nào.
Tổng kết lại, mình tin rằng, nguồn lực của mỗi người là rất khác nhau, và cách bạn sử dụng nguồn lực đó như thế nào mới là cái hay. Những thứ rất cơ bản trong đời sống của bạn thôi, như là thời gian, sức lực, tiền bạc, … Ai cũng mong muốn bản thân có thật nhiều nguồn lực, mình cũng vậy, các bạn cũng như thế, nhưng nếu mọi thứ đơn giản theo kiểu muốn là có ngay thì chắc sẽ không có môn kinh tế học. Điều quan trọng là, biết mình đang có gì, và từ những thứ mình đang có, chúng ta đạt được cái mình muốn, phải không nào?