Lời hứa...
1. Trẻ con hầu như đứa nào cũng ghét người lớn. Thế giới trong mắt chúng là một nơi đơn giản và người lớn là những sinh vật phức tạp...
1. Trẻ con hầu như đứa nào cũng ghét người lớn. Thế giới trong mắt chúng là một nơi đơn giản và người lớn là những sinh vật phức tạp hóa mọi vấn đề cũng như chẳng thể làm nổi những điều cơ bản nhất. Giữ lời hứa chẳng hạn. Nhưng trẻ con thì thường mong lớn nhanh để được thành người lớn, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào bố mẹ chúng và để trở thành một thế hệ người lớn tốt đẹp hơn. Trẻ con đều nghĩ: "Lớn lên mình hứa sẽ không như vậy". Nhưng nhiều trong số những đứa trẻ con ấy, cuối cùng cũng không giữ được lời hứa, lời hứa với đứa trẻ trong họ. 2. Hồi nhỏ bố là thần tượng của tôi. Bố thì thường chiều con gái mà, hay như ngôn ngữ của chúng tôi, tôi là "con gái bia" của bố (vì tôi thích bia hơn là rượu). Tất nhiên bố vẫn là người lớn. Khi còn nhỏ, mỗi mùa hè, tôi và chị họ sẽ luân phiên sang nhà nhau ở, bên nội chỉ có 2 chị em gái nên khá thân nhau. Một mùa hè nọ, tôi cũng xin sang nhà chị chơi và bố hứa khoảng 2h chiều sẽ về đưa tôi đi. Có thể tưởng tượng sự phấn khích và háo hức của một đứa trẻ sắp được đi chơi là lớn như thế nào, nhưng bố tôi không về cho đến khoảng hai tiếng sau đó. Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi biết đau lòng là thế nào. Bố thương mình nhất mà vẫn còn vậy, tôi nghĩ. 3. Có những lời hứa không bao giờ được nhắc lại (hoặc còn chẳng phải lời hứa) nhưng người ta vẫn luôn giữ trong lòng. Hồi 10 tuổi, tôi cầm một tờ quảng cáo của trung tâm du học được phát ở trường về đưa bố mẹ. Phải kể thêm một chút là từ nhỏ tôi không phải đứa hay đòi hỏi nên có lẽ khi thấy con gái nói: "Con muốn đi du học", một điều cũng to to chứ chẳng phải cây kem cái kẹo thì bố mẹ cũng thấy bất ngờ. Đứa trẻ hồi đó cũng chẳng hiểu là mình đang muốn cái gì, chỉ đơn giản là thấy bị thu hút bởi thế giới rộng lớn ngoài kia. Tất nhiên tôi không muốn rời xa vòng tay ba mẹ ngay lúc đó, chỉ đơn giản là chia sẻ mong muốn. Ba mẹ cũng giải thích con còn nhỏ quá, sau này rồi tính và tôi cũng hài lòng với câu trả lời. Sau này khi lớn lên, tôi vẫn giữ mong muốn đó trong đầu nhưng tôi suy nghĩ nhiều hơn về việc tại sao muốn đi, tại sao không, có nên hay không và cũng coi đó là việc riêng của bản thân chứ không phải nghĩa vụ của phụ huynh phải giúp tôi đạt được điều tôi muốn. Tôi cũng nghĩ rằng không ai quan tâm đến lời nói của đứa bé 10 tuổi hồi đó nữa cả và điều đó cũng ổn thôi. Đến năm tôi lớp 12, một năm nhiều biến cố xảy ra, bố vẫn đón tôi đi học trên chiếc xe số như mọi lần, ông nói : "Xin lỗi con, bố không giúp con thực hiện ước mơ đi du học được." Tôi mất vài giây mới định hình được xem bố đang nói về cái gì vì ông chỉ đơn giản là thốt ra một câu như vậy không đầu không cuối. Tôi ngồi sau xe khóc trong im lặng. 4. Tôi hiếm khi nói ra những tuyên bố trịnh trọng như kiểu: "Tôi hứa...". Khi đã nói ra từ hứa thì tôi phải chắc chắn lắm rằng bản thân sẽ thực hiện được. Ví dụ như là: "Tôi hứa sáng mai ngủ dậy sẽ đánh răng". Tất nhiên là tôi đùa thôi. Nhưng mỗi lời tôi nói ra, tôi đều đã có suy nghĩ và tôi cũng không hay rút lại lời của mình. Một phần vì cái tôi quá lớn để có thể lùi bước, nhưng phần lớn vì khi nói ra rồi nghĩa là cũng nghĩ xong rồi. Điều này gây ra một vấn đề, ấy là khi bạn cảm thấy lời nói của bản thân có giá trị như vậy, bạn sẽ tự động áp đặt tiêu chuẩn tương tự lên những điều người khác nói. Có những ngày, chỉ ngồi thẫn thờ vì buồn nhưng lại không tìm được ai để trách. Tại sao người ta nói rồi lại quên? Tại sao lại nói để đấy? Tại sao nói một đằng nhưng lại làm một nẻo? Nhưng ơ kìa, thì cũng đâu phải một lời hứa. Lỗi tại người ta vô tâm hay lỗi do bản thân kỳ vọng quá nhiều? 5. Các đôi yêu nhau hay ngồi nghĩ về tương lai rồi hứa hẹn trọn đời. Có lẽ tôi yêu đương kiểu hơi buồn cười một chút vì tôi không thích nói hay nghe mấy thứ đấy. Tương lai thì ai biết trước mà nói được có bên nhau trọn đời hay không, rồi thì mãi mãi là bao lâu? Tôi từng thích thằng bạn cùng lớp hơn 1 năm trời, thích xuyên kỳ nghỉ hè không được gặp nó, tưởng rằng là sâu sắc lắm nhưng rồi nó chuyển chỗ được 1 tháng thì tôi chả còn cảm xúc gì nữa cả. Tất nhiên, tình yêu tuổi học trò nó cũng chỉ đến vậy, nhưng tình yêu của người trưởng thành liệu có khác? Có hẹn, thì hẹn tuần sau đi xem phim, hẹn đi ăn thử chỗ A, uống cà phê chỗ B, hẹn tháng sau đi du lịch, dù mấy điều đơn giản vậy, có khi vẫn chẳng kịp làm cùng nhau. Yêu cũng không cần yêu mãi mãi, chỉ cần trong khoảnh khắc nói ra lời yêu, anh thật sự yêu tôi là được rồi. Nếu sáng mai tỉnh dậy, anh không còn cảm thấy yêu nữa, tôi cũng thấy dễ chịu.
6. Lời hứa có tính sát thương cao, vì khi đã hứa, là gieo kỳ vọng vào lòng người khác. Kỳ vọng, nếu không đạt được thì sinh ra thất vọng. Nếu từ đầu đã không có những kỳ vọng thì dù điều tệ nhất xảy ra, bạn cũng cảm thấy: "Ừ, cũng đoán trước được rồi, không có gì phải buồn cả." Thật ra thì vẫn buồn, chỉ là có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng hơn. Tôi thấy để tâm trí thanh thản hơn một chút, thì nên giảm bớt những kỳ vọng. Vậy nên chúng ta đều nên học cách từ chối một số lời hứa. Trước đây tôi và người yêu cũ (nyc) có lịch làm việc hoàn toàn lệch nhau, tôi làm giờ hành chính, anh làm từ tối đến đêm. Làm việc khuya nên anh sẽ ngủ từ sáng sớm đến trưa chiều rồi lại chuẩn bị đi làm. Thỉnh thoảng anh cũng sẽ dậy sớm hơn một chút để chiều đưa tôi đi cà phê, nhưng không nhiều và khi tình yêu dần phai đi thì người ta lại càng không còn động lực để cố gắng làm điều gì đó trái với thói quen thông thường nữa. Tôi nhớ một buổi tối nọ anh hứa rằng hôm sau sẽ dậy sớm để đưa tôi đi ăn trưa. Nhưng tâm trạng khi nghe lời hứa đấy không còn là sự hào hứng hay hy vọng. Tôi chỉ nhắn lại là: "Đừng hứa, vì em không muốn phải trách anh." Hôm sau anh ngủ quên thật, chúng tôi tránh được một cuộc cãi vã. Nhưng cũng không tránh được kết cục tất yếu của câu chuyện này. 7. Như đã nói thì tôi yêu đương kiểu hơi kỳ lạ nên những người tôi yêu cũng không hẳn bình thường. Thay vì nói những lời hứa hẹn xa xôi về tình yêu vĩnh cửu, chúng tôi hay nói về việc nếu mai này chia tay thì như thế nào. Ví dụ tôi và nyc từng nói sẽ cố gắng chia tay trong hòa bình để còn nhìn được mặt nhau. Cuối cùng anh cũng không giúp tôi có một cuộc chia tay êm đẹp như đã hứa, tuy nhiên tôi vẫn cố gắng giữ cho không khí hòa bình mỗi khi anh nhắn tin cho tôi. Giữa những cuộc nói chuyện hàng đêm giữa tôi và người yêu (hiện tại), thỉnh thoảng một trong hai lại thả một câu kiểu: "Có yêu nhau được đến lúc đấy không" hay "Không biết còn vui như này được đến bao giờ nhỉ?" Một ngày nọ tôi chia sẻ cảm xúc của mình với người yêu. Nói abcxyz gì đó tôi cũng chẳng nhớ, nhưng tóm lại là thỉnh thoảng tôi cảm thấy thiếu cảm giác an toàn. Người yêu nhà người ta sẽ nói anh sẽ cố gắng, thay đổi sẽ làm điều A điều B điều C nhưng người yêu nhà tôi chỉ bảo: "It's okay". Tôi cũng chẳng biết mình nên có tâm trạng gì lúc đó. Rõ ràng là câu nói ấy không đủ để tôi cảm thấy an toàn hơn nhưng nếu anh hứa hẹn điều gì đó, tôi cũng sẽ biết đấy chỉ là một lời nói suông. Vây nên, một lời nhắc nhở rằng không sao đâu, hiện tại mọi thứ vẫn ổn có lẽ cũng là lời hồi đáp tốt nhất rồi.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất