Lời cảnh tỉnh từ châu Âu: giông tố chưa qua [Phần 3]
Lời cảnh tỉnh từ châu Âu: giông tố chưa qua [Phần 2] Bài viết gửi bởi Quora Việt Nam trong mục Quan điểm - Tranh luận spiderum.com...
ĐỂ HIỂU RÕ ANH EM NHÀ KURSKI, trước hết ta cần hiểu nơi xuất thân của họ: thành phố cảng Gdańsk bên bờ biển Baltic, nơi những chiếc cần cẩu đóng tàu ẩn hiện như những con cò khổng lồ bên trên những dãy phố Hanse. Anh em Kurski trưởng thành tại đây vào đầu thập niên 80, khi mà Gdańsk vừa là trung tâm của hoạt động chống cộng tại Ba Lan, vừa là một chiếc ao làng tù đọng, nơi mà sự chán nản song hành với mưu đồ phản loạn.
Ngay vào chính thời điểm đó, tại địa điểm đó, anh em Kurski nổi bật lên. Thượng nghị sĩ Bogdan Borusewicz, một trong những nhà hoạt động công đoàn ngầm quan trọng nhất thời bấy giờ, nói với tôi rằng ngôi trường của hai anh em được nhiều người biết đến là “zrewoltowane”—chống cộng. Jarosław đại diện lớp của mình trong nghị viện trường và là thành viên của một nhóm đọc lịch sử và văn học cổ điển. Jacek, nhỏ tuổi hơn một chút, ít hứng thú hơn với cuộc chiến tri thức chống chủ nghĩa cộng sản, và cho rằng bản thân là một nhà hoạt động và là một người cấp tiến. Ngay sau khi Hội đồng Nhà nước thiết quân luật, cả hai anh em cùng xuống đường, hô khẩu hiệu, vẫy biểu ngữ. Cả hai tham gia phát hành tờ nhật báo bất hợp pháp của trường, rồi đến tờ Solidarność, tờ nhật báo đối lập hoạt động bất hợp pháp của Công đoàn Đoàn kết, tổ chức công đoàn của thành phố Gdańsk.
Tháng 10 năm 1989, Jarosław chuyển sang làm thư kí báo chí cho Lech Wałęsa, lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết, người mà về sau sẽ cảm thấy buồn tủi và vô hình sau cuộc bầu cử chính quyền phi cộng sản đầu tiên của Ba Lan; trong cơn hỗn mang theo sau những cải cách kinh tế đầy cách mạng và thay đổi chính trị chóng mặt, không có một vai trò rõ ràng nào dành cho ông. Cuồi cùng, Wałęsa tranh cử tổng thống và giành chiến thắng cuối năm 1990, bằng cách kích động những người đang còn giận dữ vì những nhượng bộ đi kèm sự sụp đổ thông qua đàm phán của chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan (chẳng hạn như quyết định không bỏ tù hoặc trừng phạt những người cộng sản). Trải nghiệm này đã khiến Jarosław nhận ra mình không thích chính trị, nhất là chính trị thù hằn: “Tôi đã chứng kiến việc làm chính trị là như thế nào... đó là những âm mưu khủng khiếp, những chiến dịch bôi nhọ, bới lông tìm vết.” Đó cũng là lần đầu tiên anh tiếp xúc với Kaczyński, “một bậc thầy về những trò đó. Trong tư duy chính trị của anh ta, không có thứ gì gọi là tai nạn... Nếu một điều gì xảy ra, nó là âm mưu của một kẻ thua cuộc. Âm mưu là từ yêu thích của anh ta.” (Khác với Jarosław, Jacek không chịu nói chuyện với tôi. Một người bạn chung cho tôi số di động của anh ta; tôi nhắn tin, và rồi gọi điện vài lần và để lại lời nhắn. Tôi gọi lại lần nữa, lần này có người cười khúc khích khi tôi xưng tên, rồi lặp lại thật to, và nói “Rồi, rồi”—theo lẽ thường chủ tịch đài truyền hình Ba Lan sẽ gọi lại cho tôi. Nhưng anh ta đã không làm vậy.)
Sau cùng rồi Jarosław rút lui và tham gia Gazeta Wyborcza, tờ báo thành lập cùng lúc với cuộc bầu cử bán tự do đầu tiên của Ba Lan, năm 1989. Ở nước Ba Lan mới, anh có thể giúp đỡ tạo lập một thứ gì đó, tạo lập một môi trường báo chí tự do, anh nói với tôi, và chỉ vậy là đã đủ với anh. Jacek đi trên con đường ngược hẳn lại. “Anh là thằng ngu,” cậu ta nói với anh trai mình khi nghe tin Jarosław nghỉ việc ở chỗ Wałęsa. Dù hãy còn đang là một nam sinh trung học, Jacek đã quan tâm với một sự nghiệp chính trị cho riêng mình, và thậm chí còn gợi ý rằng mình sẽ tiếp quản công việc của anh trai, với lí do là sẽ không có ai thèm để ý chuyện đó. Cậu ta—theo lời kể của anh trai mình—luôn bị “mê hoặc” bởi anh em nhà Kaczyński, bởi những toan tính và âm mưu. Dù là một người cánh hữu, Jacek không mấy quan tâm đến tình hình của chủ nghĩa bảo thủ Ba Lan, hay những quyển sách và cuộc tranh luận cuốn hút anh trai mình. Một người bạn của cả hai anh em cho tôi biết rằng cô không nghĩ Jacek tin theo một triết lí chính trị nào cả. “Liệu cậu ta có phải một người bảo thủ? Tôi không cho là vậy, ít nhất là với định nghĩa nghiêm ngặt về chủ nghĩa bảo thủ. Cậu ta đơn giản là một con người thích đứng đầu.” Và kể từ thập niên 80 trở về sau, đó chính là mục tiêu mà cậu ta hướng tới.
Muốn diễn tả hết câu chuyện về những việc Jacek sẽ làm tiếp theo sau đó sẽ đòi hỏi nhiều hơn là một bài viết trên tạp chí. Cậu ta sau cùng đã trở mặt chống lại Wałęsa, có lẽ bởi Wałęsa không cho cậu ta chức vụ mà cậu ta nghĩ mình xứng đáng nắm giữ. Cậu ta kết hôn rồi li hôn; cậu ta kiện tòa báo của anh trai mình nhiều lần, và tòa soạn kiện ngược lại cậu ta. Cậu ta đồng tác giả một quyển sách đầy tính kích động và làm một bộ phim âm mưu về các thế lực bí mật tổ chức chống đối cánh hữu Ba Lan. Cậu là một thành viên, vào nhiều thời điểm khác nhau, của các chính đảng và phe phái khác nhau, đôi lúc khá cực đoan và đôi lúc lại ôn hòa hơn. Cậu trở thành nghị viên của nghị viện châu Âu. Cậu ta quyết định tập trung vào cái gọi là PR đen [truyền thông bôi nhọ đối thủ]. Nổi tiếng nhất là vụ Jacek góp phần phá hoại chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Tusk (người sau cùng trở thành thủ tướng), một phần nhờ vào việc lan truyền tin đồn rằng Tusk có người ông tình nguyện gia nhập Wehrmacht, quân đội Đức Quốc xã. Khi được hỏi về vụ bịa đặt này, Jacek được dẫn lời nói với một nhóm nhỏ các nhà báo rằng chắc chắn tin đồn đó là sai sự thật, nhưng “Ciemny lud to kupi”—tạm dịch là “Lũ bần nông ngu dốt sẽ tin.” Borusewicz gọi Jacek là kẻ “vô lương tri.”
Jacek đã không nhận được sự công nhận rộng rãi mà cậu nghĩ một nhà hoạt động thanh niên của Công đoàn Đoàn kết như mình xứng đáng có được. Và đây là một nỗi thất vọng to lớn. Jarosław nói về em trai mình: “Suốt đời mình, nó tin rằng thế giới nợ nó một sự nghiệp vĩ đại ... rằng nó sẽ là thủ tướng, rằng nó được số phận an bài làm những việc lớn lao. Nhưng số phận của Jacek lại là những thất bại nối tiếp thất bại ... Và cậu ta kết luận rằng đây là một nỗi bất công to lớn.” Và đương nhiên, Jarosław thành công, và là một thành viên của giới tinh hoa cầm quyền.
Vào năm 2015, Kaczyński kéo Jacek ra khỏi cuộc đời tương đối tối tăm của chính trị hậu trường và bổ nhiệm cậu làm giám đốc đài truyền hình quốc gia. Ngay khi nhận nhiệm sở tại Telewizja Polska, em trai nhà Kurski đã thay đổi đài truyền hình này đến mức không nhận ra nổi, sa thải những nhà báo nổi tiếng nhất và tái định hướng triệt để cơ cấu tổ chức của nó. Mặc dù đài truyền hình hoạt động bằng tiền thuế của nhân dân, các chương trình phát sóng mới không còn tỏ ra khách quan hay trung lập nữa. Chẳng hạn, tháng 4 năm nay, nó còn tự chạy quảng cáo cho chính mình. Nó chiếu một đoạn băng ghi hình từ một buổi họp báo; lãnh đạo đảng đối lập, Grzegorz Schetyna, được hỏi đảng của mình đã làm được những gì trong 8 năm nắm quyền, từ 2007 đến 2015. Schetyna khựng lại và cau mày; đoạn video chậm dần lại rồi kết thúc. Như thể Schetyna không biết nói gì.
Trên thực tế, Schetyna đã nói hết vài phút và liệt kê một số thành tựu, từ việc đầu tư làm đường trên quy mô lớn cho đến đầu tư cho nông thôn cho đến các bước tiến trong chính sách đối ngoại. Nhưng đoạn băng bị chỉnh sửa này vẫn được xem là một thành công và trong suốt nhiều ngày liền, nó được ghim lên trên đầu trang Twitter của Telewizja Polska. Dưới quyền của đảng Luật pháp và Công lí, truyền hình nhà nước không chỉ sản xuất tài liệu tuyên truyền cho chế độ; mà nó còn ca tụng hành động đó. Nó không chỉ đổi trắng thay đen và bóp méo sự thật; nó còn hãnh diện về thành tích lường gạt của mình.
Jacek—sau quá nhiều năm bị tước đoạt sự tôn trọng—cuối cùng cũng đang trả thù. Cậu ta đang ở chính nơi cậu ta nghĩ là dành cho mình: ở trung tâm của mọi sự chú ý, một người cấp tiến quăng những quả bom xăng tượng trưng vào đám đông. Nhà nước độc đảng phi tự do phù hợp với cậu ta một cách hoàn hảo. Và nếu chủ nghĩa cộng sản không còn sẵn có để làm một kẻ thù thực sự để cậu ta và đồng chí của mình chống lại, vậy thì nhiệm vụ giờ đây là phải tìm ra cho được những kẻ thù mới.
TỪ ORWELL ĐẾN KOESTLER, các tác gia châu Âu thế kỉ 20 đều bị ám ảnh với khái niệm lời nói dối trắng trợn [Big Lie]. Các ý thức hệ cộng sản và phát xít, những tấm áp phích yêu cầu quần chúng phải trung thành với chính đảng của lãnh tụ, những cuộc hành quân của lính áo nâu và quân sơ-mi đen, những cuộc tuần hành sáng rực ánh đuốc, cùng với lực lượng mật vụ—những lời nói dối trắng trợn này quá sức phi lí và vô nhân tính đến mức cần phải dùng đến bạo lực kéo dài để áp đặt chúng và đe dọa vũ lực để duy trì. Chúng đòi hỏi phải có giáo dục cưỡng bức, kiểm soát toàn diện nền văn hóa, cùng với việc chính trị hóa báo chí, thể thao, văn học và nghệ thuật.
Ngược lại, các phong trào chính trị phân cực của châu Âu thế kỉ 21 đòi hỏi ít hơn nhiều từ tín đồ của mình. Các phong trào này không yêu cầu phải tin vào những ý thức hệ toàn diện, và vì vậy không cần có bạo lực hay mật vụ. Chúng cũng không ép buộc người ta phải tin rằng đen là trắng, chiến tranh là hòa bình, và rằng các trang trại quốc doanh đã đạt được năng suất cao gấp 10 lần kế hoạch đặt ra. Hầu hết chúng cũng không tung ra những luận điệu tuyên truyền quá xung đột với hiện thực cuộc sống. Tuy vậy, tất cả các phong trào này đều phụ thuộc vào, nếu không phải một Big Lie, một thứ mà nhà sử học Timothy Synder từng nói với tôi rằng nên gọi là Medium-Size Lie, hay có lẽ là một tổ hợp các Medium-Size Lie. Nói cách khác, tất cả các phong trào đó đều khuyến khích môn đồ của mình sống trong một hiện thực khác, không phải mọi lúc thì cũng là bán thời gian. Đôi khi những hiện thực khác đó phát triển tự phát; nhưng thường thì chúng đã được thiết kế cẩn thận, với sự trợ giúp của kĩ nghệ tiếp thị hiện đại, phân khúc đối tượng, và các chiến dịch truyền thông xã hội.
Người Mĩ hẳn đã quá quen thuộc với cách mà một lời nói dối có thể làm trầm trọng thêm hiện tượng phân cực xã hội và thổi bùng ngọn lửa bài ngoại: Donald Trump bước chân vào chính trường Mĩ theo sau thuyết âm mưu rằng tổng thống Barack Obama không được sinh ra trên đất Mĩ—một thuyết âm mưu với sức mạnh lúc bấy giờ bị đánh giá thấp một cách nghiêm trọng, và việc đó đã mở đường cho những lời gian dối khác, từ việc gọi người Mexico là “bọn hiếp dâm” cho đến vụ “Pizzagate.” Nhưng tại Ba Lan, và cả Hungary, giờ đây ta đã thấy các ví dụ về những gì sẽ xảy ra khi mà một Medium-Size Lie—một thuyết âm mưu—được tuyên truyền trước hết bởi một chính đảng như là trọng tâm của chiến dịch tranh cử của nó, rồi sau đó là bởi một đảng cầm quyền, với sự hỗ trợ từ sức mạnh toàn diện của một một bộ máy chính quyền hiện đại và tập trung.
Tại Hungary, lời nói dối chẳng mấy mới mẻ: nó là một niềm tin chung với chính quyền Nga và phong trào tân hữu khuynh Mĩ vào siêu năng lực của George Soros, tỉ phú người Do thái Hungary bị cáo buộc hủy hoại quốc gia thông qua việc cố ý tiếp nhận người nhập cư, bất chấp thực tế là không hề có người nhập cư nào như vậy trên đất Hungary.
Tại Ba Lan, ít nhất lời nói dối có phần độc đáo hơn. Thuyết âm mưu Smolensk: niềm tin rằng chiếc máy bay chở tổng thống Ba Lan bị rơi hồi năm 2010 là kết quả của một âm mưu hèn hạ. Câu chuyện này có một sức hút đặc biệt bởi bản thân vụ tai nạn cũng là một sự trùng hợp lịch sử kì lạ. Tổng thống thiệt mạng trong vụ việc, Lech Kaczyński, đang trên đường đến một sự kiện kỉ niệm vụ thảm sát Katyn, nơi Stalin giết hại trên 21 ngàn người Ba Lan—hầu hết giới tinh hoa của đất nước—vào năm 1940. Hàng chục quan chức quốc phòng và chính trị gia lâu năm cũng có mặt trên chiếc máy bay đó, nhiều người trong số họ là bạn bè tôi. Chồng tôi thì cho rằng anh quen tất cả mọi người trên chuyến bay đó, kể cả các tiếp viên.
Một làn sóng cảm xúc theo sau vụ tai nạn. Một kiểu cuồng loạn, giống như cơn giận dữ trùm lên nước Mĩ sau vụ 11 tháng 9, lôi cuốn cả dân tộc Ba Lan. Các người dẫn chương trình truyền hình đeo cà vạt đen để tang; bạn bè tập trung trong căn hộ của tôi ở Warsawa để nói về cái cách lịch sử lặp lại trong cánh rừng Nga tối tăm và ẩm thấp đó. Thoạt đầu thảm kịch có vẻ đã gắn kết cả quốc gia. Dù sao thì mọi chính đảng lớn đều có chính trị gia của đảng mình trên chiếc máy bay đó, và những lễ tang khổng lồ được tổ chức tại nhiều thành phố. Nga cả Vladimir Putin, bấy giờ là thủ tướng Nga, có vẻ cũng xúc động. Ông đến Smolensk để gặp Tusk, người đồng cấp Ba Lan, ngay trong đêm xảy ra tai nạn. Ngày tiếp theo, một trong những kênh truyền hình nhiều người xem nhất nước Nga chiếu Katyn, một bộ phim Ba Lan cảm động và chống Soviet rất dữ dội, của đạo diễn Andrzej Wajda, đạo diễn vĩ đại nhất Ba Lan. Việc một bộ phim như vậy được trình chiếu rộng rãi đến mức đó ở Nga là vô tiền khoáng hậu.
Nhưng rốt cuộc vụ rơi máy bay đã không làm mọi người xích lại gần nhau. Cuộc điều tra về nguyên nhân tai nạn cũng không.
Nhiều kíp chuyên gia Ba Lan có mặt tại hiện trường ngay trong ngày hôm đó. Họ làm hết sức mình để nhận dạng các thi thể, phần nhiều trong số đó chỉ còn là tro bụi. Họ khảo sát xác máy bay. Ngay khi tìm ra chiếc hộp đen, họ bắt đầu chép lại nội dung ghi âm trong buồng lái. Sự thật, ngay từ khi bắt đầu xuất hiện, đã không xoa dịu được đảng Luật pháp và Công lí hay lãnh đạo đảng, em trai sinh đôi của tổng thống quá cố. Chiếc máy bay đã cất cánh trễ; nhiều khả năng tổng thống vội vàng muốn hạ cánh vì ông muốn dùng chuyến đi này để khởi động chiến dịch tái tranh cử. Smolensk lúc đó đang có sương mù dày đặc, và ở đó cũng không có một sân bay thật sự mà chỉ là một đường băng nằm giữa rừng; các phi công định chuyển hướng phi cơ, điều này đồng nghĩa với việc phải lái xe hàng giờ đồng hồ tới buổi lễ. Sau khi tổng thống có cuộc trao đổi ngắn với em trai mình qua điện thoại, các cố vấn của ông hình như đã ra sức ép buộc các phi công hạ cánh. Một số người bọn họ, bất chấp quy trình, vào và ra buồng lái giữa chuyến bay. Và cũng bất chấp quy trình, tư lệnh lực lượng không quân đi vào ngồi cạnh các phi công. “Zmieścisz się śmiało” — “Các anh sẽ làm được, mạnh dạn lên,” ông ta nói. Vài giây sau, chiếc phi cơ va vào vài ngọn cây bạch dương, lật nhiều vòng, rồi đâm xuống đất.
Ban đầu, Jarosław Kaczyński có vẻ đã tin rằng vụ rơi máy bay là tai nạn. “Là lỗi của các người và ba tờ báo lá cải,” ông ta nói với chồng tôi, lúc bấy giờ đang là ngoại trưởng Ba Lan, người báo tin cho ông ta về vụ rơi máy bay. Ý ông ta là vụ việc là do lỗi của chính quyền bởi, nó đã không chịu mua máy bay mới vì bị báo chí dân túy đe dọa. Nhưng khi cuộc điều tra diễn ra, Kaczyński không mấy ưa thích các kết luận của nó. Không có vấn đề gì với chiếc phi cơ.
Có lẽ, cũng như rất nhiều người bám víu vào thuyết âm mưu để giải thích cho những bi kịch ngẫu nhiên, Kaczyński cũng đơn giản không thể chấp nhận rằng người anh yêu quý của mình đã chết vô nghĩa; có lẽ ông ta không thể chấp nhận một điều còn khó chấp nhận hơn là bằng chứng cho thấy Lech và đội ngũ của mình đã gây áp lực buộc phi công hạ cánh, vì vậy gây nên vụ tai nạn. Hoặc có lẽ, cũng như Donald Trump, ông ta nhìn thấy cách mà thuyết âm mưu có thể giúp mình đạt được quyền lực.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất