Lọc cặn bẩn trong hoạt động làm từ thiện thông qua Nghị định mới của Chính phủ
Người viết phân tích những quy định mới của Nghị định vừa được Chính phủ ban hành để điều chỉnh hoạt động từ thiện của cá nhân đặc biệt là nghĩa vụ công khai minh bạch.
Tương thân tương ái giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Lòng thương người, giúp đỡ đồng bào làm cho mọi người bỏ qua những sự khác biệt từ địa vị, màu da, dân tộc, tôn giáo để gần nhau hơn và xây dựng lên khối đại đoàn kết toàn dân, cùng dân tộc vượt qua bao khó khăn, vun đắp vững chắc thêm thành quả cách mạng. Nếu ví lòng thương người là một ngọn lửa đang cháy thì niềm tin là oxy để ngọn lửa đó sưởi ấm xung quanh. Mất đi oxy ngọn lửa đó sẽ tắt, xung quanh lạnh lẽo. Điều đó xảy ra sẽ thật là tồi tệ. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách giữ được ngọn lửa niềm tin trong hoạt động từ thiện. Một điều tưởng chừng như rất đơn giản, bởi từ thiện xuất phát từ cái tâm nhưng với những lùm xùm, ý kiến trái chiều, thậm chí là những lá đơn tố giác tội phạm có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản đã gây không ít sự xói mòn niềm tin trong hoạt động từ thiện.
Điều đó một phần xuất phát từ việc chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh việc cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện từ tài sản quyên góp. Nghị định 64/2008/ NĐ-CP thiếu đi bóng dáng của cá nhân trong những chủ thể được kêu gọi quyên góp, phân phối cứu trợ. Cộng hưởng thêm những giao dịch dân sự (việc chuyển khoản tiền) giữa mạnh thường quân và cá nhân không có sự rõ ràng ý chí tặng cho hay ủy quyền kèm theo những điều kiện yêu cầu cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện. Từ đó, hoạt động từ thiện của cá nhân chủ yếu xuất phát từ cái tâm của chính người làm từ thiện, mà chưa có một nghĩa vụ pháp lý rõ ràng đòi hỏi phải công khai minh bạch khi kêu gọi quyên góp. Phải đến khi có áp lực của cộng đồng mạng, phương tiện thông tin- truyền thông và Bộ công an tiếp nhận tin tố giác tội phạm, xác thực các hoạt động từ thiện của một số cá nhân, những yêu cầu minh bạch thông tin mới thật sự được hé mở.
Khắc phục sự thiếu sót đó và đáp ứng những đòi hỏi của xã hội, trong một khoảng thời gian ngắn Chính Phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ- CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ( sau đây gọi tắt là Nghị định 93/2021/NĐ- CP) để tạo hành lang pháp lý và đồng thời đặt ra một số trách nhiệm cho cá nhân tiến hành hoạt động từ thiện. Những trách nhiệm pháp lý không khác gì một cái lọc cặn bẩn, giữ vững niềm tin trong hoạt động từ thiện.
Bài viết sẽ tập trung làm rõ ba nội dung chính: (i) Nghị định 93/2021/NĐ- CP sẽ làm được những điều gì, (ii) Nghị định 93/2021/NĐ- CP chưa làm được điều gì, (iii) một số giải pháp xuất phát từ phân tích của người viết.
1. Nghị định 93/2021/NĐ- CP sẽ làm được những điều gì?
Người viết sử dụng từ “sẽ” là bởi vì tại điểm hiện tại mặc dù đã được ban hành nhưng Nghị định 93/2021/NĐ-CP vẫn chưa có hiệu lực và đồng thời khi có hiệu lực cũng không phát sinh vẫn đề hồi tố (áp dụng điều chỉnh các hoạt động từ thiện trở về trước ngày có hiệu lực).
Dưới góc nhìn cá nhân người viết Nghị định sẽ lọc đi những cặn bẩn, mang lại làn gió tích cực cho hoạt động từ thiện. Cụ thể, đó là những điều tích cực sau:
- Thứ nhất, cá nhân được quyền tổ chức quyên góp, thực hiện hoạt động cứu trợ.
Nghị định 64/2008/NĐ- CP đã thiếu đi hành làng pháp lý điều chỉnh hoạt động từ thiện của cá nhân hay nói cách khác cá nhân không thể thực hiện hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện dưới danh nghĩa của mình. Bởi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ- CP là hoạt động từ thiện mà không giới hạn bất kì chủ thể nào, có nghĩa rằng một chủ thể khi thực hiện hoạt động từ thiện sẽ chịu phạm vi điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Điều 4 của Nghị định không có bóng dáng của cá nhân trong những chủ thể được quyền kêu gọi quyên góp [1]. Điều 5 thêm khẳng định ngoài những chủ thể nêu trên không cho phép một chủ thể nào khác thực hiện hoạt động tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ [2]. Một khi pháp luật cấm thực hiện những hành vi nhất định sẽ mang đến những rủi ro cho cá nhân. Tuy nhiên, với việc sửa đổi điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại điều 117 Bộ luật dân sự 2015, một giao dịch dân sự chỉ cần không vi phạm điều cấm của luật, là có thể có hiệu lực pháp lý. Luật khác với pháp luật, điều đó là chắc chắn, vì vậy giao dịch chuyền tiền giữa mạnh thường quân và một số cá nhân vẫn có giá trị, mà không bị hoàn trả lại do vi phạm. Bên cạnh đó, không có quy định trách nhiệm gì, chẳng hạn như xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động trên. Vì vậy, các cá nhân vẫn tiến hành kêu gọi và nhận tiền quyên góp từ thiện thông qua tài khoản cá nhân của mình.
Nhận thấy sự bất cập đó và trên tinh thần khuyến khích hoạt động từ thiện, giúp đỡ đồng bào được khẳng định ở Nghị định cũ, bên cạnh khả năng huy động sự đóng góp từ các cá nhân, Chính phủ đã ban hành Nghi định 93/2021/ NĐ- CP là cơ sở khẳng định cá nhân được quyền kêu gọi quyên góp, nhận tiền hàng hóa và thực hiện hoạt động cứu trợ [3].
Những điều khoản trong Nghị định tạo một điều kiện tối đa cho có thể cho phép cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện. Cá nhân chủ động lên kế hoạch từ thiện bao gồm nhưng không bị giới hạn bởi phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, v.v... được phân phối sử dụng nguồn đóng góp từ thiện theo cam kết của mình hoặc theo sự yêu cầu cụ thể của một số chủ thể quyên góp. Và nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong lực lượng tham gia hỗ trợ.
- Thứ hai, nghiêm cấm những hành vi xấu từ hoạt động từ thiện.
Những hành vi báo cáo cung cấp thông tin không đúng sự thật. Có thể là những thông tin không đúng về đối tượng được hỗ trợ, về hoạt động từ thiện của cá nhân, việc cung cấp thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng tới sự lựa chọn của các mạnh thường quân quyên góp cho cá nhân.
Chiếm đoạt, phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện. Những cam kết về hoạt động từ thiện của cá nhân là cơ sở để mạnh thường quân chuyển tiền, vì vậy cá nhân phải thực hiện đúng mục đích, đúng thời gian phân phối, cũng như đối tượng được hỗ trợ, để không chiếm giữ tài sản quyên góp (chiếm đoạt) trong tài khoản cá nhân của mình vượt ngoài thời gian làm từ thiện. Điều này đã giải quyết nhiều vấn đề từ thiện trong thời gian qua, như một nghệ sỹ Hài giữ tiền từ thiện hỗ trợ đồng bào miền Trung trong một khoảng thời gian dài, và cứu trợ khi miền trung không có lũ lụt mặc dù lời kêu gọi là khẩn thiết, cấp bách. Hoặc thực trạng nhiều cá nhân quyên góp từ thiện hoạt động A nhưng lại dùng một phần cho hoạt động từ thiện B.
Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trục lợi từ hoạt động từ thiện là hành vi vi phạm đạo đức, làm xói mòn niềm tin của người dân vào hoạt động từ thiện, và có dấu hiệu của vi phạm pháp luật hình sự. Bên cạnh đó, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội có thể là đưa tin sai sự thật về hoạt động cứu trợ của Nhà nước, tạo ra đám đông gây rối ở cả trên mạng xã hội và ngoài cuộc sống.
Những quy định và tinh thần điều cấm tại điều 5 được cụ thể hóa tại các điều 17, 18, 19 của Nghị định.
- Thứ ba, công khai minh bạch trong hoạt động từ thiện của cá nhân
Khi Nghị định có hiệu lực pháp lý, sẽ không còn những tuyên bố từ chối hoặc sự im lặng mặc kệ áp lực dư luận “ vùng đất cấm, chết với chị”, những tờ A4 viết tay hàng trăm tỷ để không công khai, minh bạch hoạt động từ thiện.
Đầu tiên, cá nhân phải công khai kế hoạch từ thiện của mình, bao gồm nhưng không bị giới hạn bởi mục đích, phạm vi, số tài khoản, cam kết...vv trên phương tiện truyền thông, cũng như phải gửi thông báo tới ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để lưu giữ thông tin khi cần thiết để kiểm tra. Điều đó có nghĩa cá nhân không thể xóa bài là xong chuyện, hoặc đơn giản là mập mờ số tài khoản kêu gọi quyên góp.
Tiếp theo, khi phân phối sử dụng nguồn đóng góp tự nguyên, cá nhân phải gửi thông báo tới ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận để thực hiện phối hợp thực hiện đúng cam kết của mình. Đồng thời đây cũng là cơ sở để các chính quyền địa phương nơi tiếp nhận nắm bắt rõ hoạt động từ thiện. Tránh những dấu mộc đỏ xác nhận những con số ước chừng hoặc không thể biết cụ thể cho cá nhân dựa vào đó để từ chối minh bạch cụ thể hoạt động từ thiện.
Cuối cùng, cá nhân phải có trách nhiệm công khai minh bạch quá trình hoạt động từ thiện của mình. Trong đó, phải lập sổ ghi chép hoạt động từ thiện, công khai minh bạch hoạt động quyên góp (số tiền trong tài khoản hay còn gọi là sao kê tài khoản), đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ.... theo thời điểm nhất định trên phương tiện truyền thông và gửi tới ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai trong vòng 30 ngày. Điều đó sẽ chấm dứt được tình trạng chậm sao kê, chậm công khai số tiền hỗ trợ, đồng thời chấm dứt với những khoản tiền mập mờ, thiếu minh bạch, không rõ ràng trong hoạt động từ thiện.
- Thứ tư, chấm dứt tình trạng tạm khóa báo có, và thay đổi số tài khoản trên bài đăng kêu gọi quyên góp
Điều 17.1 yêu cầu cá nhân phải đăng ký số tài khoản nhận quyên góp, điều đó có nghĩa số tài khoản mà cá nhân chưa đăng ký, sẽ không được phép kêu gọi quyên góp, nhận ủng hộ tiền. Đây cũng là một hiện tượng hết sức gây tranh cãi trên cộng đồng mạng. Đồng thời việc mở tài khoản theo từng đợt ở ngân hàng thương mại theo điều 17.2 cũng sẽ ngăn chặn việc tiền từ thiện từng đợt này sang đợt khác không có sự rõ ràng.
Với quy định cá nhân không được nhận tiền sau khi thời gian tiếp nhận quyên góp là giải pháp ngăn chặn tình trạng tạm khóa báo có, mà ngôn ngữ mạng rất thịnh hành để ám chỉ tiền vẫn đổ về tài khoản sau khi kết thúc đợt quyên góp.
Như vậy, vấn đề thu từ hoạt động từ thiện phần nào được giải quyết triệt để cặn bẩn.
2. Nghị định 93/2021/ NĐ- CP chưa làm được gì?
Một lần nữa xin khẳng định đây là quan điểm của người viết dựa trên sự phân tích và bình luận những quy định của Nghị định. Vậy sẽ có những điểm gì mà người viết đánh giá là chưa thể làm được sau khi Nghị định có hiệu lực:
- Thứ nhất, chưa bao quát hết đối tượng của hoạt động từ thiện dưới danh nghĩa cá nhân.
Hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân rất là đa dạng trong đời sống xã hội, nhất là trên các trang mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn và tiếp cận được nhiều tấm lòng hảo tâm. Mặc dù đã quy định một nhóm đối tượng nhất định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn bỏ sót một số nhóm như bệnh nhân chưa phải là bệnh hiểm nghèo, những người vô gia cư, có hoàn cảnh khó khăn, mai táng cho người đã mất, và nhiều hoạt động từ thiện khác. Điều đó dẫn đến, nghĩa vụ công khai minh bạch hoạt động từ thiện của cá nhân chưa thực sự rõ ràng và tạo thành nghĩa vụ pháp lý để buộc cá nhân phải thực hiện. Đồng thời cũng chưa có quy định rõ, liệu cá nhân có được hiện hoạt động quyên góp đó không? Nếu luận giải rằng cá nhân được thực hiện những điều mà pháp luật không cấm, thì không tạo nên một cơ sở vững chắc. Bởi tìm kiếm những quy định cấm, không cho phép cá nhân thực hiện những hoạt động từ thiện chưa được quy định không hề dễ dàng và không chắc chắn.
- Thứ hai, chưa quy định cụ thể là nghĩa vụ công khai minh bạch về khoản chi
Mặc dù đã đặt ra nghĩa công khai kế hoạch từ thiện bao gồm sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho các đối tượng, đồng thời cá nhân cũng phải lập số ghi chép. Tuy nhiên, những khoản chi trong hoạt động từ thiện thường rất lớn và đồng thời việc xác định giá trị thực không hề dễ dàng, nếu như cá nhân đó tìm cách lẩn tránh hoặc không thiện chí. Chẳng hạn, như mua hàng hóa một số lượng, tuy nhiên lại không xuất trình hóa đơn.....Điều đó đòi hỏi, những tính xác thực khoản chi phải được quy định rõ ràng hơn để đạt được mục đích là minh bạch hoạt động từ thiện trong khi chi, bởi chi từ thiện là phần có thể trục lợi nhiều nhất.
- Thứ ba, chưa ấn định trách nhiệm pháp lý khi vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động từ thiện.
Việc thiếu đi trách nhiệm pháp lý khi cá nhân không tuân thủ những quy định của Nghị định giống như việc thiếu đi thanh đao sắc, trừng trị những hành vi sai lầm có chủ đích và khiến cho quy định thực hiện thiếu hiệu quả. Điều đó có thể một phần do Nghị định mới được ban hành, sẽ cần thời gian để có những quy định ấn định trách nhiệm khi vi phạm nghĩa vụ. Thay vì chỉ chờ đợi, lương tâm thực hiện hoặc xem xét dấu hiệu hình sự để xử lý.
Bên cạnh đó, cũng thiếu đi hướng giải quyết đối số tiền mà cá nhân thực hiện sai nghĩa vụ. Chẳng hạn như tiền được cá nhân nhận sau khi kết thúc đợt quyên góp, tuy nhiên cá nhân lại cung cấp thông tin số tiền đó đã thực hiện vào hoạt động từ thiện. Hoặc cá nhân thực hiện quyên góp cho một đối tượng nhưng không tồn tại trong vụ bác sỹ Khoa giả trên mạng xã hội thì số tiền quyên góp sẽ giải quyết như thế nào? Điều đó, cũng có thể khiến cho việc đã đành và khó giải quyết. Mặt khác, những kế hoạch bao gồm nhận quyên góp, thực hiện cứu trợ chưa có quy định trong trường hợp cá nhân thực hiện sửa đổi thì sẽ thực hiện như thế nào? Nếu không cho sửa đổi sẽ phần nào ngăn chặn giá trị từ thiện, nhưng nếu có có thể vô hiệu hóa quy định trên, vì vậy cần phải xem xét cho phép sửa đổi trong một thời gian hợp lý với cách thức hợp lý.
3. Một số giải pháp xem xét từ quan điểm của người viết
Xem xét xử lý hình sự đối với cá nhân có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản từ thiện trái pháp luật là một điều không hề dễ dàng một chút nào, bởi sự nhập nhằng của hoạt động từ thiện và khoảng thời gian dài, địa bàn rộng , đối tượng được hỗ trợ nhiều. Thực tế, cũng đang chứng minh điều đó, khi Bộ công an chỉ mới đang xem xét đơn thư tố giác tội phạm của người dân, để xem xét có dấu hiệu hình sự trong các hoạt động từ thiện của một số cá nhân hay không?
Từ đó, người viết đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, nên xem xét ban hành quy định bao quát các nhóm đối tượng bị bỏ sót tại Nghị định. Điều đó sẽ ấn định trách nhiệm minh bạch, công khai của cá nhân khi làm từ thiện. Một yếu tố có thể xem xét là luật hóa hoạt động từ thiện, điều đó vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các quy định có giá trị thực hiện, tránh xung đột pháp lý với các luật/ pháp luật liên quan. Đồng thời cũng là sự ghi nhận sự quan trọng của vấn đề từ thiện trong việc duy trì niềm tin, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ giá trị bền vững từ hoạt động từ thiện.
Hai là, sớm ban hành quy định hướng dẫn về độ xác thực và chứng minh các khoản chi. Điều đó là cơ sở để cá nhân thực hiện hoạt động minh bạch từ thiện với mạnh thường quân hiệu quả và là những thông tin, tài liệu để các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, quản lý hoạt động từ thiện của cá nhân.
Ba là, ấn định trách nhiệm pháp lý tương xứng với hành vi vi phạm nghĩa vụ của cá nhân, đồng thời giải quyết số tiền dựa trên nguyên tắc ưu tiên ý chí, quyền lợi của mạnh thường quân và có quy định cho phép sửa đổi kế hoạch, phương án quyên góp, hỗ trợ trong một khoảng thời gian hợp với cách thức hợp lý.
Bốn là, kết hợp thêm vai trò của người dân trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động từ thiện vi phạm nghĩa vụ của cá nhân. Các đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội có liên quan tới các cá nhân quyên góp cần có thêm những quy định rằng buộc đối với nghĩa vụ của cá nhân trong hoạt động từ thiện. Bên cạnh việc xem xét dừng hoạt động nghệ thuật, truyền hình đối với những vi phạm nhất định của cá nhân khi kêu gọi quyên góp và thực hiện sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Kết luận: Nghị định 93/2021/NĐ- CP đã tạo ra một hành lang pháp lý vừa tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện trong việc kêu gọi quyên góp, thực hiện hỗ trợ dưới danh nghĩa cá nhân vừa tạo ra những nghĩa vụ đối với người quyên góp, cộng đồng xã hội phù hợp với nguyện vọng, mong muốn của người dân. Nói như cách nói của người viết, Nghị định 93/2021/NĐ- CP sẽ lọc những cặn bẩn trong hoạt động từ thiện của cá nhân.
DAD.
Mọi liên hệ xin gửi về: [email protected].
Chú thích trong bài viết:
[1]: Điều 4 của Nghị định 64/2008/NĐ- CP :” Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận động đóp góp tiền, hàng cứu trợ
Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CPngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.”
[2] Điều 5 của Nghị định 64/2008/ NĐ- CP: “Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CPngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.”
[3] Các bạn có thể đọc Nghị định 93/2021/NĐ- CP ở link: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-93-2021-ND-CP-phan-phoi-su-dung-nguon-dong-gop-tu-nguyen-ho-tro-thien-tai-dich-benh-460767.aspx

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất