Loạt bài khu vực Kavkaz: Trận Baku 1918 – trận đánh vì nền độc lập của Azerbaijan
Bản đồ khu vực Kavkaz *Bối cảnh lịch sử đất nước Azerbaijan. Nước Azerbaijan nằm ở khu vực Kavkaz, giữa ba Đế quốc lớn là Ba...
*Bối cảnh lịch sử đất nước Azerbaijan.
Nước Azerbaijan nằm ở khu vực Kavkaz, giữa ba Đế quốc lớn là Ba Tư, Ottoman và Nga. Trong khu vực còn có nhiều dân tộc khác, trong đó có 2 dân tộc lớn cũng có quốc gia độc lập riêng là Armenia và Georgia (hay Gruzia). Nước Azerbaijan cũng nằm bên bờ biển Caspi. Khu vực vịnh xung quanh thủ đô Baku bên bờ biển Caspi, là nơi có rất nhiều dầu mỏ.
Người Azerbaijan có lịch sử lập quốc tương đối muộn. Dù tự nhận là một dân tộc Turk, nhưng phần lớn lịch sử khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Iran, cụ thể là vương triều Afsharid cho đến thế kỷ 18. Dưới sự cai trị của các vua Shah Iran, xã hội Azerbaijan theo Hồi giáo dòng Shia, hình thái xã hội gần tương tự như Iran, Afghanistan, Trung Á. Dưới triều Afsharid, khu vực Azerbaijan nói chung và Baku nói riêng nhiều lần chịu sự xâm lấn và cướp phá của quân Ottoman dòng Sunni, cũng như người Armenia và Dagestan. Tuy nhiên, phải đến sự sụp đổ của triều Afsharid ở Ba Tư năm 1796 để lại sự hỗn loạn trong nội tình vương quốc, thì khu vực này mới có điều kiện cho Đế quốc Nga xâm lấn. Sau 2 cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư vào đầu thế kỷ 19 vào các năm 1803-1804 và 1826-1828, Vương triều Qajar gốc Thổ đã lên cai trị Iran, để mất vĩnh viễn vùng đất Kavkaz rơi vào tay Đế quốc Nga từ đó.
Dưới thời Sa Hoàng, khu vực Kavkaz trở thành nơi biên viễn hiểm yếu của Đế quốc Nga, nơi Sa hoàng ra sức bảo vệ và đày đọa các tù nhân đến đây. Xã hội Hồi giáo từng bước bị xóa mờ, Chính thống giáo được truyền đến. Riêng với thành phố Baku, người Nga xây dựng ở đây một cảng biển lớn để giao thương cũng như kiểm soát quân sự với biển Caspi. Tuy nhiên, bước ngoặt lịch sử rất lớn của Baku là khi người ta phát hiện dầu mỏ ở ven biển Caspi vào năm 1870. Việc phát hiện trữ lượng dầu khổng lồ ở Baku đã thu hút rất đông các công ty dầu, nhà tư bản trên Đế quốc Nga đến khai thác. Thậm chí khi không đủ nguồn lực khai thác, Nga đã mở cửa và bán cổ phần cho các nhà tư bản giàu có ở châu Âu đến khai thác dầu ở Baku, nhưng lại hạn chế với người Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ giúp Baku trở thành thành phố quan trọng nhất vùng Kavkaz và hàng đầu trong Đế quốc Nga, đóng góp một phần lớn ngân khố cho Nga Hoàng. Dân số Baku tăng 25 lần từ 10.000 lên 250.000 người, chủ yếu là người di cư từ khắp nơi trên Đế quốc Nga. Năm 1884, tuyến đường sắt Xuyên Kavkaz được xây dựng nối Baku với phần còn lại của Đế quốc.
Trước khi người ta tìm ra dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư, thì thành phố Baku là thành phố sản xuất một nửa lượng dầu của thế giới. Một mình Baku sản xuất lượng dầu lớn hơn toàn bộ nước Mỹ cộng lại, đủ để thấy sự vô giá của thành phố này.
*Baku và Kavkaz trong thế chiến 1
Chính vì vậy mà khi Thế chiến 1 nổ ra ở mặt trận Kavkaz, Baku trở thành mục tiêu cao nhất của các bên tham chiến. Ngoài 2 lực lượng chính ở đây là Nga và Ottoman, cả quân Đức và Anh – Pháp đều gửi quân đến giúp đỡ đồng minh, và cũng đồng thời nhăm nhe lợi ích ở thành phố dầu mỏ Baku.
Đức đã gửi lực lượng đến giúp Ottoman vào giai đoạn cuối cuộc chiến với nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung cho các mỏ dầu trong bối cảnh bị tấn công dữ dội ở châu Âu. Còn với phe Hiệp ước, ngoài quân Nga chiến đấu chính ở Kavkaz, thì mặt trận này còn liên đới đến các mặt trận ở Ba Tư và Arab của quân đội Anh-Pháp. Trong cuộc chiến này, liên minh Anh-Pháp-Nga còn một đồng minh quan trọng là hàng chục nghìn tình nguyện viên người Armenia chiến đấu chống Đế quốc Ottoman. Sự giúp đỡ của người Armenia đã đi xa hơn đến mức họ đã tới tận Ba Tư và Arab để chiến đấu cùng người Anh chống quân Ottoman. Điều quan trọng phải nhớ, người Armenia là kẻ thù không đội trời chung với người Azerbaijan, với một lịch sử lâu dài nhuốm màu thù hận.
Giữa lúc phe Anh-Nga đang chiếm lợi thế, thì biến cố ập đến khi cách mạng Nga bất ngờ bùng nổ lật đổ Sa hoàng, gây ra sự hỗn loạn trong hàng ngũ quân Nga ở Kavkaz từ tháng 2/1917. Từ hơn 70 vạn quân ở Kavkaz, đến giữa năm 1917 quân Nga ở đây giảm xuống còn gần 10.000 người chiến đấu với quân Thổ. Tình hình này đặt những mỏ dầu mà đặc biệt là Baku trước nguy cơ bị quân Đức-Thổ chiếm mất. Để lấp khoảng trống quân Nga để lại, cuối năm 1917 quân đội Anh ở mặt trận Ba Tư và Arab đã phái viên tướng Lionel Dunsterville, mang 5.000 quân Anh và một số nước đồng minh Úc, New Zealand, Ấn Độ,… hàng quân qua Ba Tư để đến Baku, ngăn quân Thổ chiếm thành phố này. Nhưng trong kế hoạch hành quân đó, Lionel Dunsterville cũng có tính toán riêng với hàng nghìn tình nguyện viên người Armenia. Dunsterville dự định sẽ mang theo những binh lính Armenia và gia đình này hành quân đến Kavkaz để họ có thể về nhà, do lúc này đã có tin đồn sẽ có những quốc gia mới được thành lập ở Kavkaz.
Đầu năm 1918, đoàn quân Anh và Armenia của tướng Dunsterville đã đến thành phố Baku. Lo sợ việc để quân Armenia tiến vào thành phố của người Azerbaijan sẽ gây nên căng thẳng, Lionel Dunsterville ra lệnh cho quân Anh và Armenia dừng lại trước cửa ngõ thành phố. Tuy nhiên, tính toán của Tướng Dunsterville cho Baku đã không tính hết cho các vùng còn lại ở Azerbaijan. Do binh lính người Armenia còn hành quân qua các vùng khác của Azerbaijan, nhiều nơi không có quân Anh đi cùng, nó đã gây nên ở những nơi này sự căng thẳng giữa quân Armenia và dân thường Azerbaijan. Căng thẳng đã bùng phát thành bạo lực đẫm máu vào tháng 3 năm 1918. Trong hơn 30 ngày, bạo lực sắc tộc đã giết chết 2.500 người Armenia và hơn 20.000 người Azerbaijan, điều mà ngày nay Azerbaijan cáo buộc là một vụ ”diệt chủng”. Nhiều ngôi mộ tập thể chôn hàng trăm người Azerbaijan đã được tìm thấy sau khi quân đội Armenia đi qua. Tất nhiên, cần phải nhớ rằng người Armenia cũng hứng chịu diệt chủng thảm khốc bởi quân Thổ trong năm 1918, làm chết hơn 1 triệu người.
Tuy nhiên, cũng trong tháng 3 này, chính phủ của những người Bolshevik ở Nga đã ký hòa ước Brest-Litovsk với phe Đức-Ottoman, theo đó từ bỏ nhiều quyền lợi của Nga ở vùng Kavkaz. Điều đó gần như chắc chắn rằng sẽ có 3 nhà nước độc lập mới được thành lập ở Kavkaz cho 3 dân tộc Armenia, Azerbaijan và Gruzia. Điều này đã thúc đẩy những người lính Armenia nhanh chóng rời Azerbaijan để trở về quê nhà. Tuy nhiên, Baku là ngoại lệ. Quân Armenia ở Baku đã tình nguyện ở lại với quân Anh, đề phòng quân Ottoman tấn công thành phố.
*Cuộc chính biến của Bolshevik – thành lập “Công xã Baku”
Câu chuyện tưởng chừng sẽ dễ dàng như vậy, nhưng không. Sau khi hiệp ước Brest-Litovsk được ký và chính phủ mới của Azerbaijan được thành lập, một lực lượng vài nghìn người Nga ủng hộ Bolshevik ở Azerbaijan đã kích động thành phố Baku không độc lập mà gia nhập nước Nga Xô Viết. Tháng 4 năm 1918, lợi dụng việc quân Anh không tiến vào thành phố, những người Bolshevik này nổi dậy chiếm thành phố Baku, lập nên ”Công xã Baku”, xây dựng một chính quyền kiểu Bolshevik. Điều này khiến chính phủ mới của Cộng hòa dân chủAzerbaijan mới thành lập không thể đến thủ đô Baku, mà phải đặt thủ đô tạm thời ở thành phố Ganja.
Sự nổi lên bất ngờ của những người Bolshevik khiến tình hình trở nên rối ren và phức tạp. Cuộc chiến tưởng chừng chỉ có giữa quân Anh và quân Thổ, nay có thêm lực lượng thứ 3 – những người Cộng sản Bolshevik. Dù chiếm được Baku và tập hợp được một lực lượng quân sự hơn 1 vạn người, nhưng bất lợi của phe Bolshevik ở Baku là họ bị cô lập với các vùng còn lại ủng hộ Bolshevik. Trong mùa hè năm 1918, quân Bolshevik từng tấn công thủ đô tạm thời của Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan ở Ganja nhưng bị đẩy lùi.
Điều quan trọng là ”Công xã Baku” lúc này trở thành kẻ thù của cả 2 lực lượng: quân Anh và những người dân tộc chủ nghĩa Azerbaijan. Ngoài việc tranh giành nguồn dầu mỏ, thì với người Anh họ không muốn một nhà nước Cộng sản hình thành ở khu vực Kavkaz. Ngay lúc này, quân Anh đang can thiệp vào nước Nga Xô Viết chống lại Cách mạng tháng 10 ở nhiều mặt trận, và Kavkaz được coi là một trong số đó. Còn với người Azerbaijan, đơn giản là họ không muốn thành phố biểu tượng của dân tộc bị tách khỏi nước Azerbaijan độc lập sắp hình thành. Tuy nhiên, do lực lượng quá yếu, người Azerbaijan phải nhờ đến sự giúp đỡ của Ottoman. May mắn thay, bất chấp khó khăn chồng chất khi thua trận trong Thế chiến, tướng Nuri Pasha (tên thật là Nuri Killigil) của Ottoman đã đồng ý giúp đỡ những người Azerbaijan anh em. Nuri Pasha chính là anh em cùng cha khác mẹ với Ismail Enver Pasha, nhà quân sự nổi tiếng bậc nhất đế quốc Ottoman lúc đó.
Vào tháng 5/1918, Nuri Pasha cùng 15.000 tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kì thành lập ”Quân đội Hồi Giáo Kavkaz”, tiến về Baku để sẵn sàng giải phóng thành phố khỏi bất kỳ lực lượng chiếm đóng nước ngoài nào, dù là Anh hay Bolshevik. Họ được người dân Azerbaijan chào đón ở những nơi đi qua. Hàng nghìn người Azerbaijan đã gia nhập đội quân của Nuri Pasha tiến về Baku chiến đấu.
*Biến cố tháng 7 – lật đổ chính quyền Bolshevik
Tuy nhiên, quân Ottoman đã không có cơ hội chạm mặt quân Bolshevik ở Baku. Vào ngày 26/7/1918, một liên minh chống Bolshevik, bao gồm những người Menshevik (phe thiểu số trong Cách mạng Nga – trái với Bolshevik là phe đa số), người Armenia và một bộ phận quân đội Anh đã tiến vào Baku làm đảo chính lật đổ phe Bolshevik, chấm dứt ”Công xã Baku”. Do một lý do nào đó, quân đội do những người Bolshevik lập ra để bảo vệ họ đã quay súng chống lại lực lượng này, giúp cuộc đảo chính diễn ra chớp nhoáng thành công. Công xã Baku bị giải thể, các nhân vật cấp cao bị bắt giữ. Trong khi đó, phần lớn lực lượng vũ trang của Bolshevik gia nhập quân đội của chính quyền mới, chuẩn bị đánh nhau với quân Thổ. Quân số lúc này của liên minh giữa quân Anh, người Armenia, người Menshevik rơi vào chừng 8.000 đến 12.000 quân. Ngoài ra còn có một lực lượng quân Bạch vệ Nga của Tướng Lazar Bicherakhov, gốc Cossack, ủng hộ quân Anh đóng ở Dagestan ủng hộ quân Anh và sẵn sàng đến Baku hỗ trợ.
Từ đây, lực lượng Menshevik, người Armenia và quân Anh thay thế quân Bolshevik kiểm soát Baku, chuẩn bị đón quân Ottoman tấn công vào thành phố. Lúc này ở nước Nga Xô Viết, người Bolshevik cũng có nhiều ý định đến Baku giải cứu những người bị bắt và đuổi quân Anh khỏi đây, nhưng điều kiện khó khăn khiến họ không thực hiện được.
Cũng bắt đầu từ tháng 7 năm 1918, do quân Armenia đã tiến vào Baku, bạo lực tái bùng phát với người Azerbaijan làm nhiều người chết. Nhưng điều này đã được hạn chế bởi quân Anh đã đứng ra thực hiện việc bảo an thành phố.
*Trận đánh Baku tháng 7 – tháng 9 năm 1918
Vào thời điểm đó, chiến sự nổ ra trên khắp đất nước Azerbaijan chứ không phải chỉ riêng Baku. Nhìn chung, trên các mặt trận quân Thổ Nhĩ Kỳ thường chịu thất bại trước quân Anh và Nga Xô Viết. Ví dụ như tháng 6/1918, một đội quân Xô Viết đã tấn công thủ đô lâm thời Ganja của Azerbaijan, khiến quân Ottoman phải ứng cứu. Nếu không phải vì Hồng quân cạn kiệt lương thực mà rút lui, có thể Ganja đã thất thủ và nước Azerbaijan đã sụp đổ.
Nhưng ở mặt trận Baku thì quân của tướng Nuri Pasha tỏ ra khá hiệu quả. Tháng 7/1918, quân Ottoman đã chiếm các điểm cao quan trọng quanh Baku và tiến hành vừa bao vây vừa pháo kích thành phố. Mọi nỗ lực phá vây của quân Anh cùng các đồng minh là quân Bạch Vệ Nga, quân Armenia và Menshevik đều không thành. Thành phố Baku bị cắt đứt liên lạc và nguồn thực phẩm với bên ngoài. Cũng chính vì vậy, mà những gì diễn ra ở Baku trong những tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đáng tiếc đã không được ghi lại hoàn chỉnh nhất.
Quân Thổ có vẻ không biết ngày 26/7/1918, quân Anh đã lật đổ Bolshevik trong thành phố Baku, nên đã không lợi dụng cơ hội này để tấn công. Quân Thổ duy trì pháo kích thành phố trong 2 tháng trời cho đến khi được báo cáo là cạn đạn pháo. Không có lựa chọn, quân Thổ liều lĩnh mở cuộc tấn công đầu tiên vào Baku ngày 5/8/1918. Cuộc tấn công thảm bại do không có đạn pháo yểm trợ. 9 sĩ quan Thổ thiệt mạng, 19 người bị thương. 139 lính Thổ chết và 444 người bị thương. Nuri Pasha phải hủy kế hoạch tấn công Baku.
Tình hình trở nên bất lợi với quân Thổ trong lúc chưa tấn công Baku lần 2. Ở các mặt trận phía Nam như Mosul và Baghdad (thuộc Iraq ngày nay), quân Thổ đã đầu hàng, mở cánh cửa cho quân Anh tiến vào đế quốc. Ở phía Bắc, quân Bạch vệ của tướng Nga Bicherakhov mở cuộc tấn công từ Dagestan, ý định phá vây cho Baku. Trong khi đó, ở trong thành phố, thông tin các cuộc thảm sát dân thường Azerbaijan do quân đội Armenia tiến hành lan ra, gây phẫn nộ trong quân Thổ. Các tướng thúc giục Nuri Pasha nhanh chóng đánh một trận quyết tử để giải phóng Baku trước khi quân Armenia giết sạch người Azerbaijan.
Sau những cân nhắc khó khăn, ngày 26/8/1918, Nuri Pasha phát lệnh cho quân Thổ tổng tấn công vào Baku. Họ đã có được thắng lợi quý giá, phòng tuyến phía Bắc do quân Nga-Armenia chiếm giữ đã tan vỡ hoàn toàn. Lúc này tướng quân Anh Lionel Dunsterville vô cùng lo sợ, đổ lỗi cho người Nga về thất bại. Những trận đánh đẫm máu đã được ghi nhận vào những ngày 28 – 29/8/1918, với hàng nghìn người chết của cả 2 phía. Không biết đẫm máu đến mức nào mà sau đó tướng quân Anh là Lionel Dunsterville đã viết thư cho các đồng minh nói rằng ông sẽ ”không mạo hiểm tính mạng của lính Anh thêm nữa” và chuẩn bị rút quân Anh khỏi Baku. Trong tình cảnh hiểm nghèo, một lực lượng 600 quân Bạch vệ Nga của tướng Lazar Bacherakhov đã bất ngờ đánh xuống từ hướng Dagestan, tấn công sau lưng quân Thổ. Cuộc tấn công bất ngờ của Tướng Bacherakhov vào quân Ottoman đã mở ra hy vọng giải vây cho Baku và thuyết phục quân Anh ở lại. Cùng với đó, quân Anh cũng đã dùng máy bay – một sáng kiến kỹ thuật vượt trội lúc đó, tấn công quân Thổ ở Baku gây cho họ bất ngờ.
Cuộc tấn công liều mạng của 600 lính Bạch Vệ Nga đã chặn quân Ottoman trong vài tuần. Trong thời gian quân Ottoman ngừng tấn công Baku để đối phó quân Bạch Vệ, những lực lượng trong thành phố Baku đã thực hiện nhiều cuộc trả thù vào dân thường Azerbaijan do họ hợp tác với quân Thổ. Khi nghe tin về các cuộc thảm sát người Azerbaijan trong thành phố, Nuri Pasha đã quyết định gạt bỏ quân Bạch Vệ Nga sang một bên, quyết tâm giải phóng thành phố Baku càng nhanh càng tốt. Ngày 13/9/1918, quân Ottoman mở cuộc tấn công cuối cùng và dữ dội vào Baku. Sau khi hàng trăm lính Anh chết trận, tướng Anh Lionel Dunsterville đã không còn luyến tiếc, rút toàn bộ lực lượng Anh khỏi Baku. Không còn quân Anh, lực lượng chiếm đóng Baku nhanh chóng tan vỡ. Những người Armenia và Nga chạy đến bến cảng của thành phố, lên tàu bỏ chạy về Nga, bỏ lại thành phố Baku cho quân Thổ.
Ngày 15/9/1918, quân Ottoman và Azerbaijan tiến vào Baku, hoàn toàn giải phóng thành phố, giành chiến thắng cuối cùng trong Trận chiến Baku.
Trong chiến dịch giải phóng Baku, đã có 2000 binh sĩ Thổ-Azerbaijan thiệt mạng, trong đó khoảng 1.130 lính Thổ. Quân Anh có khoảng 200 lính chết. Con số thương vong của người Nga-Armenia không rõ ràng, ước tính có thể tới 5.000 người. Tuy vậy, hàng chục nghìn dân thường gồm cả người Azerbaijan lẫn Armenia đã chết trong các cuộc bạo lực diễn ra trong thời gian trận chiến.
*Những sự kiện sau đó.
-Vụ hành quyết người Bolshevik Baku:
Ngày 20/9/1918, trên đường rút lui khỏi Baku, chính quyền ở Menshevik ở đây đã mang theo những tù binh Bolshevik bị bắt trong cuộc đảo chính tháng 7. Tại một ga tàu, họ đã hành quyết 26 thành viên Quân ủy của Công xã Baku – những người ủng hộ Bolshevik. Đây là một trong những vụ án bí ẩn nhất lịch sử Liên Xô, do thiếu nguồn tài liệu điều tra. Lịch sử Liên Xô đổ lỗi cho đặc vụ Anh về vụ sát hại 26 thành viên Quân ủy Baku.
Đây chỉ là những điều được sách vở Liên Xô ghi lại. Còn trên thực tế, không ai ghi lại sự thực về cái chết và nơi chết của 26 chính ủy Liên Xô. Nhiều người cho rằng chính quyền Liên Xô đã huyền thoại hóa cái chết của 26 chính ủy, bao gồm cả một bức tranh được cho là miêu tả vụ hành quyết họ tại một ga tàu.
-Độc lập của Azerbaijan
Thành phố Baku được giải phóng đã hoàn chỉnh nhà nước Azerbaijan độc lập, với tên gọi Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan. Thủ đô được dời từ thành phố Ganja về Baku, biểu tượng của đất nước. Với sự kiện này, Azerbaijan đã đi vào lịch sử thế giới với tư cách là nhà nước Hồi giáo Thế tục đầu tiên được thành lập trong lịch sử. Xã hội Azerbaijan coi như thoát khỏi sự kìm hãm của nhà thờ Hồi giáo, thậm chí hay được coi là tấm gương đi trước để 3 năm sau, nước Thổ Nhĩ Kỳ anh em cũng đã đi theo con đường thế tục này.
Tuy nhiên, đến ngày 30/10/1918, Đế quốc Ottoman đã kí hiệp ước Mudros với phe Hiệp ước, đánh dấu sự thất bại của Ottoman trong Thế chiến 1. Với hiệp ước này, 5.000 quân Anh đã được quyền tái kiểm soát Baku và Azerbaijan, gây ra nỗi sợ trả thù trong cộng đồng người Azerbaijan do trước kia họ chống lại người Anh. Nhưng cuối cùng, đã không có cuộc trả thù nào diễn ra, và người Anh rút khỏi đây sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nước Azerbaijan độc lập tiếp tục tồn tại 2 năm sau đó
Nền độc lập của Cộng hòa dân chủ Azerbaijan cũng không kéo dài lâu. Năm 1920, quân đội Liên Xô tràn vào vùng Kavkaz, gửi tối hậu thư cho Azerbaijan. Biết không thể chống lại Liên Xô hùng mạnh, các lãnh đạo Azerbaijan đã chấp nhận đầu hàng, đưa đất nước mình gia nhập Liên bang Xô Viết. Azerbaijan ở lại Liên Xô cho đến khi Liên Xô tan rã, và giành lại độc lập một lần nữa vào năm 1991. Trong thời Xô Viết, Azerbaijan vẫn giữ vai trò là một nước Cộng hòa quan trọng về kinh tế, đặc biệt là dầu mỏ, giống như thời Đế quốc Nga.
*Tưởng niệm.
Dưới thời Liên Xô, dấu ấn lớn nhất về trận đánh ở Baku năm 1918 là về 26 Chính ủy bị sát hại ngày 20/9/1918, và họ cũng là những người duy nhất được dựng tượng đài ở Baku trong thời Xô Viết. Cái chết của họ vẫn còn nhiều bí ẩn và chưa được điều tra. Có duy nhất một bức tranh được cho là vẽ lại cảnh hành quyết 26 chính ủy này, trong đó có thể hiện điệp viên người Anh tham gia vụ hành quyết. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Liên Xô đã bác bỏ và cho rằng bức tranh sai sự thật. Còn lại, vai trò của quân Ottoman và lực lượng dân tộc Azerbaijan bị coi nhẹ.
Sau khi Azerbaijan độc lập năm 1991, trận Baku năm 1918 trở thành ngày lễ kỷ niệm quan trọng bậc nhất của Đất nước. Năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm Giải phóng Baku, một lễ kỷ niệm lớn chưa từng có được tổ chức, với sự tham dự của cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Tuy nhiên, việc tưởng niệm trận đánh Baku năm 1918 vẫn còn gây ra một số tranh cãi ở Azerbaijan hiện đại. Những người cánh tả chỉ trích việc chính quyền Azerbaijan phá bỏ các biểu tượng Xô Viết ở Baku năm 1918. Cụ thể năm 2008, đài tưởng niệm các chính ủy Liên Xô đã bị dời bỏ. Đài tưởng niệm lính Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan được thay thế. Và có cả một bia tưởng niệm lính Anh chết trận ở Baku. Lý do có đài tưởng niệm này là do người ta cho rằng lính Anh đã nỗ lực bảo vệ cả người Azerbaijan và Armenia khỏi các cuộc bạo lực sắc tộc khi Baku sắp thất thủ vào tay Ottoman.
Tham khảo:
– THE BATTLE FOR BAKU (May-September 1918): A PECULIAR EPISODE IN THE HISTORY OF THE CAUCASUS BÜLENT GÖKAY
-The Diaries of General Lionel Dunsterville (1918-1922)
-The adventures of Dunsterforce
-The British Intervention in Transcaspia (C.H.Ellis)
-Đại sứ quán nước Cộng hòa A-déc-bai-gian tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất