14
Ngân phiếu do ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Đông Turkestan phát hành năm 1945 với hình ảnh cuộc nổi loạn Y Lê năm 1944
3/ Kết quả của loạn Y Lê và các sự kiện sau đó.
*Thay đổi nhân khẩu học Tân Cương sau loạn Y Lê
Không có quá nhiều sự thay đổi về dân số các dân tộc ở Tân Cương sau thời kỳ bạo lực của cuộc nổi dậy Y Lê. Người Duy Ngô Nhĩ vẫn chiếm đông nhất, dân số không chịu mất mát lớn. Người Kazakh vẫn độc chiếm 2 khu đồng cỏ Altay và Y Lê, dân số tăng đều, thường trực là dân tộc lớn thứ 2 ở Tân Cương. Các dân tộc Turk khác như Kyrgyz, Tajik, Uzbek,… hay các sắc dân Hồi, Mông, Tạng về cơ bản là không đổi. Thậm chí người Hồi còn tăng đáng kể, do theo chân các đoàn quân người Hồi tăng viện đã lợi dụng để di dân vào Tân Cương. Còn người Tajik do bị tàn phá mùa màng nên năm 1947 có vài vạn người Tajik đã di cư khỏi Tân Cương để sang Liên Xô. Tuy vậy, vẫn có hai sắc dân chịu thay đổi đáng kể dưới đây.
Một là người Hán. Họ là sắc dân chịu thiệt hại nặng nề nhât trong cuộc nổi dậy, không chỉ vì chiến sự mà chủ yếu vì các hành động trả thù tàn bạo của quân Duy Ngô Nhĩ nhằm vào họ. Chỉ riêng tại thành phố Y Ninh nơi khởi phát bạo loạn, 8.000 dân thường người Hán đã bị quét sạch khỏi thành phố. Số người chết không thể thống kê được. Ở các thành phố khác các vụ tàn sát trả thù này ít hơn, một phần do các tướng quân Y Lê như tướng Abdulkerim Abbas đã ra lệnh bảo vệ người Hán ở các thành phố. Tuy vậy, nỗi sợ bị thảm sát cũng khiến hàng chục nghìn dân thường Hán bỏ chạy để trốn về các khu vực do Quốc Dân Đảng kiểm soát, hoặc xa hơn là về Đại lục Trung Hoa thông qua ngả Cam Túc, Tây Tạng, Thanh Hải,… nhiều người vẫn chết trên đường chạy loạn. Chưa kể đến việc quân Y Lê thảm sát tù bình Quốc Dân Đảng trong các nhà tù. Do tình hình loạn lạc, người ta không thống kê được mức suy giảm dân số của người Hán trong giai đoạn này. Tuy nhiên các thống kê sau đó cho thấy, 10 năm đầu dưới thời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1950-1960) dân cư người  Hán ở Tân Cương vẫn chỉ quanh mức năm 1944. Mãi đến sự kiện hàng trăm nghìn người Tân Cương vượt biên sang Liên Xô những năm 1960s, quá trình Hán hóa Tân Cương mới được thực hiện.
Thứ 2 là người Nga. Cần nhớ rằng hầu hết dân số Nga ở Tân Cương là tàn quân Bạch vệ trong những năm 20s. Dân số khoảng 3 đến 5 vạn người sống chủ yếu ở vùng thung lũng Y Lê. Họ chính là lực lượng nổ súng đầu tiên khởi loạn ở Y Lê. Tuy nhiên trong khi giữ vai trò tiên phong nổi dậy và hăng hái chiến đấu, vũ khí của lực lượng Bạch Vệ lại chủ yếu là súng trường từ thời Thế chiến 1. Trong khi đó, quân Quốc Dân Đảng lúc đó đã sở hữu tiểu liên và súng máy hiện đại của Thế chiến 2. Sự chênh lệch vũ khí lớn đó đã làm quân Bạch Vệ chịu thiệt hại rất nặng nề. Cho đến mùa hè năm 1946 khi mà Loạn Y Lê kết thúc, người ta miêu tả rằng ‘’người Nga trắng chết gần hết’’. Thật vậy, từ dân số 3 vạn trước loạn Y Lê, sau biến loạn lực lượng quân Bạch Vệ Nga sống sót đếm chưa tới vài nghìn người. Thậm chí đến tận năm 2020 hiện nay dân số Nga ở Tân Cương vẫn chỉ đạt mức 8.000. Các số liệu ước tính rằng mùa hè năm 1946 đã cướp đi 80% quân số Bạch Vệ Nga. Tuy nhiên, các tướng Bạch vệ Nga sống sót sau năm 1949, đều được trọng dụng và có vị trí cao trong chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tiêu biểu như tướng Fyodor Leskin, cựu Bạch vệ sau này trở thành Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 5 Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa ở Tân Cương.
Trong khi cơ cấu nhân khẩu không bị xáo trộn nhiều, thì vấn đề quốc tịch ở Tân Cương lại phát sinh rắc rối nghiêm trọng. Đó là do ở các vùng chiếm đóng bởi quân Y Lê, chính quyền Cộng hòa Đông Turkestan đã khuyến khích cư dân nhập quốc tịch Liên Xô để dễ đi lại giữa 2 nước. Điều này có cơ sở  từ trước bởi vốn dĩ cư dân ở Trung Á của Liên Xô và ở Tân Cương là các sắc tộc anh em máu mủ, có truyền thống du mục và di dân từ lâu đời. Tuy nhiên, do lo ngại có thể bị Trung Quốc (bất kể Quốc Dân Đảng hay Cộng sản) sáp nhập một ngày nào đó đã khiến các cư dân Tân Cương ồ ạt nhập tịch Liên Xô. Đến hết năm 1948, 40% dân số Tân Cương đã có quốc tịch Liên Xô. Điều này dẫn đến sự di cư phức tạp của người Tân Cương sang Liên Xô những năm đầu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp quản. Đỉnh cao là ‘’sự biến Ita’’ năm 1962 mà Trung Quốc gọi là ‘’Bạo loạn phản cách mạng tháng 5/1962’’, khi hàng trăm nghìn cư dân Tân Cương đã gây bạo loạn, đập phá nhà máy, nông trường và đòi di cư sang Liên Xô. Sự kiện làm dân số Tân Cương giảm mạnh, đất đai, nhà máy bị bỏ hoang, kinh tế sụp đổ, biên cương hỗn loạn,… đã buộc chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tăng cường đưa người Hán lên Tân Cương, vừa giữ đất vừa làm kinh tế. Đó chính là mở đầu cho sự Hán hóa Tân Cương như ngày nay.
*Bất ổn trong năm 1947
Dù đạt được hòa bình và thành lập chính phủ liên minh năm 1946, nhưng qua năm 1947 các mâu thuẫn lại nảy sinh giữa Quốc Dân Đảng và Cộng hòa Đông Turkestan.
Bắt đầu do tình hình Nội chiến Trung Hoa diễn biến bất lợi khiến Quốc Dân Đảng phải triệu tướng Trương Trì Trung – lúc đó đang làm Chủ tịch chính phủ Liên minh ở Tân Cương về đại lục để chống quân Cộng sản. Tướng Trương Trì Trung là một người có các chính sách bình đẳng để xoa dịu người Duy Ngô Nhĩ, do đó được dân Tân Cương ủng hộ. Việc tướng Trương bị điều khỏi Tân Cương gây lo ngại Quốc Dân Đảng có thể thay thế một người phân biệt người thiểu số lên nắm quyền ở đây.
Ban đầu Quốc Dân Đảng hứa hẹn sẽ đưa một người trung dung và là người Hồi giáo lên để xoa dịu dân Tân Cương. Người ban đầu được chọn chính là viên tướng nổi tiếng Bạch Sùng Hy (白崇禧) – sau này là bộ trưởng Quốc Phòng Trung Hoa Dân Quốc. Tuy nhiên, vào sát ngày nhậm chức, Bạch Sùng Hy bất ngờ được thay thế bằng một tướng dân tộc Hồi khác là Masub Sabri (Mạch Tư Võ Đức Sa Tỷ Nhĩ). Cách lãnh đạo Duy Ngô Nhĩ cực lực phản đối, phó chủ tịch Ehmetjan Qasim yêu cầu Tưởng phải thay thế Masub Sabri nhưng không được chấp thuận. Qasim tức giận, từ chức phó chủ tịch chính phủ liên minh, từ đó chính phủ liên minh ở Tân Cương sụp đổ.
Masub Sabri là một viên tướng thù ghét người Duy Ngô Nhĩ, ưu ái người Hán và Hồi. Khi nắm quyền tại Dihua ông ra lệnh giới nghiêm, không cho người dân ra đường sau 11h tối. Đặc biệt, Masub còn cưỡng bức nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phải kết hôn với đàn ông người Hán. Điều này làm người Duy Ngô Nhĩ vô cùng phẫn nộ. Nhiều đám cưới bị người Duy Ngô Nhĩ tràn vào phá hoại, giết người thậm chí giết cả phụ nữ Duy Ngô Nhĩ chịu kết hôn với người Hán.
11
Masub Sabri – chủ tịch chính phủ Liên minh ở Tân Cương năm 1947. Thời kỳ của ông đánh dấu giai đoạn Tân Cương bất ổn với những xung đột đẫm máu giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, Hồi
Đến tháng 9/1947, sau những căm hận dồn nén, người Duy Ngô Nhĩ ở ốc đảo Thổ Lỗ Phiên (Turfan), miền Nam Tân Cương nổi dậy chống chính quyền thân Quốc Dân Đảng ở Dihua và các chính sách áp bức bất công. Để dập cuộc nổi dậy, năm 1948 Quốc Dân Đảng cho tướng người Hồi Mã Trình Tường từ Thanh Hải hành quân đến Thổ Lỗ Phiên trấn áp. Sau khi đánh bại cuộc nổi loạn của người Duy Ngô Nhĩ, quân của Mã Trình Tường được kể là đã có hành động man rợ như xẻ thịt người Duy Ngô Nhĩ ăn thịt. Điều này càng làm dân chúng Duy Ngô Nhĩ oán hận. Tận dụng cơ hội này, các cố vấn Liên Xô lại đến xúi giục một cuộc nổi dậy mới. Dân chúng Duy Ngô Nhĩ đã gây bạo loạn, tàn sát người Hán trong suốt năm 1947, khiến tình trạng đổ máu nghiêm trọng trở lại.
Tuy nhiên, lần này phong trào độc lập của người Duy Ngô Nhĩ không còn phụ thuộc vào Liên Xô như trước kia. Chủ nghĩa dân tộc Turk trong người Duy Ngô Nhĩ đã phát triển mạnh, dẫn đến nhiều người Duy Ngô Nhĩ không thích sự có mặt của cố vấn Liên Xô ở Tân Cương. Ở nhiều nơi cố vấn Liên Xô đi qua, các bức điện của tình báo Mỹ nói rằng dân chúng Tân Cương la ó phản đối Liên Xô. Họ hô khẩu hiệu rằng ‘’chúng ta đã thoát khỏi tay bọn da vàng [Trung Quốc], nay cần thoát khỏi tay bọn da trắng [Liên Xô]’’. Ở các vùng Cộng hòa Đông Turkestan chiếm đóng, việc xuất bản các ấn phẩm tuyên truyền chủ nghĩa Đại Thổ (pan-Turkic) được đẩy mạnh, điều khiến Liên Xô lo ngại có thể lan truyền làn sóng ly khai đến vùng Trung Á của Liên Xô.
Chưa đủ hỗn loạn cho năm 1947, chính quyền Quốc Dân Đảng còn đổ thêm dầu vào lửa bằng cách xúi quân người Kazakh của Osman Batyr tấn công Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị. Tháng 9/1947, quân của Osman Batyr từ vùng Altay tràn xuống vùng Y Lê, tấn công chính quyền Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị. Quân Kazakh đã sát hại nhiều người Duy Ngô Nhĩ và người Nga ở vùng Y Lê, khiến Liên Xô phải cho binh sĩ và cố vấn đến giúp Cộng hòa Đông Turkestan chống lại quân Kazakh của Osman.
Tất cả những sự kiện trên tạo ra một năm 1947 đẫm máu và biến động trên khắp vùng Tân Cương.
*Nội chiến Trung Hoa kết thúc – Trung Hoa Dân Quốc sụp đổ.
Phần này không cần nói quá nhiều. Đơn giản là đến năm 1949 nội chiến Trung Hoa kết thúc với thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Trung Hoa Dân Quốc sụp đổ, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loạn. Những vấn đề ở Tân Cương từ đó chẳng còn ý nghĩa với Quốc Dân Đảng nữa. Ở những nơi đang chiến đấu với quân Y Lê, quân Quốc Dân Đảng buông súng đầu hàng. Ở Dihua lúc đó còn 10 vạn quân Quốc Dân Đảng do Đào Trì Nhạc (陶峙岳) và một tướng Bạch vệ đào ngũ là Burhan Shahidi chỉ huy, chỉ còn chờ quân Giải phóng lên để giải giáp. Chính quyền Quốc Dân Đảng ở Tân Cương sụp đổ, nhiều nơi bàn giao lại cho Cộng hòa Đông Turkestan.
Tuy nhiên không phải tướng nào của Quốc Dân Đảng cũng buông súng. Tướng người Hồi Mã Trình Tường đào thoát ngoạn mục qua Ấn Độ và từ đó mang quân sang Đài Loan. Các tướng gốc Duy Ngô Nhĩ của quốc dân Đảng thì thoát sang Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng Masud Sabri thì bị bắt và chết trong tù của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đáng kể nhất là Osman Batyr, lãnh đạo người Kazakh chống Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến năm 1951 mới bị bắt xử tử.
*Vụ tai nạn của đoàn chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị – quân giải phóng tiếp quản Tân Cương
Với sự sụp đổ của Trung Hoa Dân Quốc, các lãnh đạo Cộng hòa Đông Turkestan đã có một thời gian vui mừng ngắn ngủi rằng từ đây đã có thể độc lập khỏi Trung Hoa. Niềm vui ngắn đó kết thúc khi họ biết được rằng quân Giải phóng PLA của Mao Trạch Đông đang có ý định sáp nhập Tân Cương. Để giải quyết việc này, các lãnh đạo Cộng hòa Đông Turkestan quyết định cùng nhau đến Bắc Kinh để trực tiếp đàm phán với Mao Trạch Đông về độc lập.
Nhưng Tân Cương lúc đó không có sân bay và máy bay bay thẳng đến Bắc Kinh mà phải nhờ Liên Xô sắp xếp. Ngày 22/8/1949, các lãnh đạo cao cấp của chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị như Abdulkerim Abbas, Ehmetjan Qasim, Ishaq Beg Munonov, Dalelkhan Sugirbayev, La Trường Sinh cùng nhiều người khác trong chính phủ tổng cộng khoảng 20 người, đi đến thủ đô Almalty của nước Cộng hòa Kazakhstan trong lãnh thổ Liên Xô.  Từ đó họ đi máy bay đến Novosibirsk trên đất Nga. Tại đây người Nga đã trì hoãn không rõ lý do, và đến ngày 26/8/1949 máy bay mới tiếp tục bay đến Bắc Kinh. Tuy nhiên khi bay qua vùng hồ Baikal, máy bay IL-12 đã phát nổ, giết chết toàn bộ người trên máy bay bao gồm đoàn chính phủ Tân Cương.
12
Mẩu báo của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa thông báo việc lãnh đạo Tân Cương Ehmetjan Qasim thiệt mạng trong tai nạn máy bay
Điều đáng ngờ hơn nữa là thông tin về vụ tai nạn rất nhỏ giọt. Phải đến tận ngày 3/9/1949 Liên Xô mới gửi 2 bức điện riêng biệt báo về Bắc Kinh cho Mao Trạch Đông và về Y Ninh cho chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị, nói rằng đoàn chính phủ Tân Cương đã gặp tai nạn máy bay và thiệt mạng, còn lại không tiết lộ gì thêm. Thậm chí đến tháng 12, thông tin về cái chết của đoàn chính phủ Tân Cương mới được công bố rộng rãi cho người dân Trung Quốc. Vụ tai nạn từ đó chìm sâu vào bí ẩn. Mãi đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, một số tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao của KGB (trong số đó có trùm mật vụ khét tiếng thời Thế chiến 2 Pavel Sudoplatov) mới tiết lộ rằng 5 nhà lãnh đạo đã bị giết theo lệnh của Stalin, trong một thỏa thuận với Mao Trạch Đông. Theo đó, Stalin đã đánh đổi trao Tân Cương cho Trung Quốc để giữ lại Mông Cổ độc lập.
Với việc toàn bộ lãnh đạo cao cấp của chính phủ thiệt mạng, Cộng hòa Đông Turkestan phải cử một thành viên khác là Saifuddin Azizi – người đã không lên máy bay Liên Xô – đi tàu hỏa tới Bắc Kinh đàm phán. Lúc này, Saifuddin Azizi rõ ràng ở thế quá yếu, không thể thay đổi được gì. Đàm phán kết thúc nhanh chóng sau khi Saifuddin Azizi chấp nhận rằng quân PLA của Mao Trạch Đông sẽ tiếp quản Tân Cương trong thời gian sớm.
Ngày 12/10/1949, quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) vượt qua Cam Túc tiến vào Tân Cương, trước hết đi qua các vùng do Quốc Dân Đảng nắm giữ. Quân Quốc Dân Đảng ở đây hầu hết bỏ vũ khí quy hàng. Vài ngày sau đó, PLA tiến vào Dihua, thủ phủ của Tân Cương và đổi tên nó thành Urumqi. Tướng Quốc Dân Đảng ở Dihua là Đào Trì Nhạc và Burhan Shahidi dẫn 10 vạn quân ra hàng. Ngay sau đó 10 vạn quân được sung ngay vào hàng ngũ PLA, 2 tướng Đào và Burhan được nhận ngay quân hàm cấp tá của PLA. Tướng Đào Trì Nhạc sau đó được bổ nhiệm làm tư lệnh quân đoàn 22 của PLA. Lý do là PLA đã chủ trương ‘’ổn định càng nhanh càng tốt tình hình Tân Cương, chấp nhận ân xá và sử dụng ngay toàn bộ tàn quân Quốc Dân Đảng, tránh tình trạng bất mãn chống đối’’. Điều này đã có tác dụng yên ổn ngay lập tức tình hình Tân Cương, khi 10 vạn quân Quốc Dân Đảng không chống cự mà được gia nhập quân PLA, bắt tay ngay vào xây dựng kinh tế Tân Cương.
13
Tướng Đào Trì Nhạc của Quốc Dân Đảng ở Dihua – sau đầu hàng và trở thành tư lệnh quân đoàn 22 của PLA.
Sau khi tiếp quản vùng Quốc Dân Đảng, quân PLA tiếp tục tiến về phía Tây tiếp quản vùng do quân Y Lê chiếm giữ. Lúc này do toàn bộ chính phủ đã thiệt mạng, quân Y Lê không còn ý chí kháng cự. Lãnh đạo tạm thời của họ là Saifuddin Azizi dẫn quân đội quốc gia Y Lê ra bờ sông Manas để đón quân Giải phóng nhân dân vượt sông. Hai bên gặp nhau tay bắt mặt mừng trên bờ sông Manas. Ngay sau đó Saifuddin Azizi được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bổ nhiệm là Chủ tịch tỉnh Tân Cương, sau trở thành Khu tự trị Tân Cương.
Công việc tiếp quản Tân Cương của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa diễn ra tương đối êm đẹp và không đổ máu. Nguyên nhân lớn do chính phủ Tân Cương đã bị thủ tiêu, triệt tiêu ý chí đấu tranh của người Tân Cương. Nhưng điều đó cũng tạo điều kiện cho vùng Tân Cương được ổn định và nhanh chóng bắt tay phục hồi kinh tế và cuộc sống ngay sau đó, tuy nhiên về sau gặp khá nhiều khó khăn.
12
Quân PLA tiến vào Dihua
13
Quân đội Quốc gia Y Lê và Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa gặp nhau bên sông Manas.
Đầu tiên là các nhóm cướp người Kazakh sót lại của Osman Batyr vẫn chiến đấu chống lại CHND Trung Hoa, phải đến năm 1951 mới dẹp xong. Rồi tiếp đến việc Liên Xô kích động dân chúng Tân Cương vượt biên. Nên nhớ rằng thời Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị, Liên Xô đã cấp quốc tịch cho 40% dân số Tân Cương. Do đó khi Trung Quốc tiếp quản, Liên Xô đã kích động những người này di cư sang Liên Xô, gây mất ổn định Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi sự việc này bằng câu tục ngữ ‘’Cưu chiêm thước sào’’ (“鸠占鹊巢”) – chim khách chiếm tổ tu hú – ám chỉ việc Liên Xô biến người Tân Cương thành công dân nước mình. Đến năm 1962, sự việc đẩy lên đỉnh cao với việc hàng vạn người Tân Cương gây bạo loạn, đập phá để được di cư sang Liên Xô. Từ đó hàng trăm nghìn người đã di cư sang Liên Xô, làm kinh tế, xã hội Tân Cương sụp đổ. Chính quyền Trung Quốc sau đó phải đưa người Hán lên Tân Cương giữ đất và làm kinh tế, dẫn đến tình trạng Hán hóa như ngày nay.
4) Đánh giá và ý nghĩa lịch sử của Loạn Y Lê
Loạn Y Lê được coi là kết thúc trên thực tế năm 1946, dù trên danh nghĩa nó không chấm dứt cho đến khi Trung Hoa Dân Quốc sụp đổ năm 1949.
Nhà nước Cộng hòa Đông Turkestan tồn tại như một nhà nước vệ tinh của Liên Xô trong 5 năm từ 1944 đến 1949. Lãnh thổ bao phủ hầu hết Tân Cương, hệ thống chính quyền, quân đội, giáo dục,… học theo Liên Xô. Cộng hòa Đông Turkestan cho đến nay vẫn là mô hình nhà nước cao nhất mà người Duy Ngô Nhĩ đạt được trong lịch sử. Tuy nhiên, những tính toán chính trị giữa các nước lớn đã nghiền nát nhà nước này. Từ đó đến nay, Tân Cương vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Dù điễn ra trong thời gian thế chiến 2, loạn Y Lê năm 1944 ở Tân Cương không ảnh hưởng đến kết cục Thế chiến, phe phát xít Nhật vẫn bị đánh bại. Nhưng Loạn Y Lê có ảnh hưởng rất lớn tới lịch sử Trung Hoa. Ý nghĩa lớn nhất được Trung Quốc đề cập đó là việc chuẩn bị sẵn những cơ sở cách mạng cộng sản ở Tân Cương, tạo điều kiện cho quân Giải phóng tiếp quản Tân Cương không mất một giọt máu. Dĩ nhiên nó phải được cộng hưởng với vụ giết hại các lãnh đạo Tân Cương. Trong Nội chiến Trung Hoa, cuộc nổi dậy ở Tân Cương cũng góp phần đáng kể, cầm chân thường xuyên 10 vạn quân Quốc Dân Đảng ở Tân Cương, giúp đỡ đáng kể cho cách mạng Trung Quốc. Nói tóm lại, sự kiện loạn Y Lê năm 1944 ở Tân Cương đã có ý nghĩa tích cực với tiến trình thống nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay.
Ngược lại, rõ ràng sự kiện loạn Y Lê ở Tân Cương là một đòn đâm sau lưng Quốc Dân Đảng. Dù không làm thay đổi kết quả thế chiến 2, nhưng nó đã khiến Quốc Dân Đảng bị chia sẻ giữa nhiều mặt trận trong năm 1944 và chịu thiệt hại nặng nề. Trong nội chiến Trung Hoa, nó cũng làm Quốc Dân Đảng phải duy trì một lực lượng đáng kể, không thể chi viện cho các mặt trận khác.
Theo quan điểm của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa trước kia, sự kiện Loạn Y Lê năm 1944 được gọi là ”Cách mạng 3 huyện” – chỉ 3 huyện đầu tiên khởi phát cách mạng là Yili, Tacheng và Altay. Quan điểm của họ lúc đó coi cuộc nổi dậy ở Tân Cương là cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân chống ”chế độ Quốc Dân Đảng phản động”. Tuy nhiên sau đó, quan điểm này đã bị chỉ trích và thay đổi. Đa số người dân Trung Hoa coi sự kiện ở Tân Cương năm 1944 là sự kích động của Liên Xô, âm mưu chia cắt Tân Cương khỏi Trung Quốc. Điều này gây ra một phần bởi các vụ thảm sát tàn bạo nhằm vào dân thường người Hán, cũng như các dân tộc Hồi, Tajik,… Nhiều người Hán bị mất người thân do bị tàn sát trong các sự kiện ở Y Ninh đã phản đối cách gọi này, buộc chính quyền phải thay đổi. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại phải đối mặt với nguy cơ từ chủ nghĩa ly khai và khủng bố gia tăng ở Tân Cương, việc ca ngợi một cuộc cách mạng mang xu hướng ly khai và bài Hán ở Tân Cương được coi là việc cấm kỵ. Do đó, càng ngày càng có xu hướng xét lại các sự kiện ở Tân Cương năm 1944 đơn thuần là cuộc nổi loạn của chủ nghĩa ly khai, do Liên Xô chống lưng nhằm chia cắt Trung Quốc.
Nhìn toàn diện thời kỳ Liên Xô can thiệp vào Tân Cương, quan điểm của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa cũng không đồng nhất. Trong khi ca ngợi những cơ sở cách mạng vô sản mà Liên Xô và các chính quyền tay sai của họ xây dựng ở Tân Cương, điều được coi là đặt cơ sở cho việc hợp nhất của Tân Cương vào Trung Quốc sau đó, thì nhiều người dân Trung Quốc vẫn coi các cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô, nhất là trong năm 1934 là ”xâm lược”. Các liệt sĩ Liên Xô ở Tân Cương năm 1934 trước đây không được Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa thừa nhận là ”liệt sĩ”. Quan điểm này càng phổ biến dưới thời chia rẽ Trung-Xô trong chiến tranh Lạnh. Phải đến năm 2011, mới có những hành động nhất định, cụ thể như việc quy tập 79 hài cốt lính Liên Xô dưới chân đèo Dawan Cheng ở Tân Cương về nghĩa trang Công viên sinh thái Đông Sơn – chôn cất chung với các liệt sĩ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công nhận trong ‘’Cách mạng 3 huyện’’.
14
Tiền giấy in kỷ niệm cách mạng Y Lê do Cộng hòa Đông Turkestan phát hành năm 1945
15
Một ngôi mộ trong nghĩa trang Cách mạng 3 huyện ở Tân Cương – viết bằng cả chữ Hán và Duy Ngô Nhĩ
(Hết)

Tham khảo:
-Warlords and Muslims in Chinese Central Asia: A Political History of Republican Sinkiang 1911-1949 (Andrew D. W. Forbes).
-The Ili Rebellion: The Moslem Challenge to Chinese Authority in Xinjiang, 1944–1949 (Linda Benson).
-“Unsuccessful attempts to resolve political problems in Sinkiang; extent of Soviet aid and encouragement to rebel groups in Sinkiang; border incident at Baitag Bogd” (Ralph E. Perkins).
-Modern China’s Ethnic Frontiers (Hsiao-ting Lin).
-Community Matters in Xinjiang 1880–1949 (Ildikó Bellér-Hann)