Cộng hòa Đông Turkestan
Quân đội và chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị ở Tân Cương năm 1944
Năm 1944, quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch có 2 mặt trận lớn trong Thế chiến 2. Một là cuộc tiến công lớn của Nhật nửa sau năm 1944, nhằm vào các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Mặt trận này quân Quốc Dân Đảng thua thảm trên sân nhà, bị Nhật đánh tơi tả, và họ trở thành lực lượng Đồng Minh lớn nhất chưa giành được lợi thế vào năm 1944.  Mặt trận lớn thứ hai mà quân Tưởng tham chiến là mặt trận Miến Điện. Ở mặt trận này,  quân Quốc Dân Đảng gửi một lực lượng lớn quân, cùng Anh- Mỹ- Ấn Độ giải phóng Miến Điện, góp phần đẩy lùi sâu quân Nhật trên Đông Nam Á lục địa.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Tưởng Giới Thạch còn có một mặt trận khác vào năm 1944 mà bản thân ông rất coi trọng: thu hồi Tân Cương.  Sự chú tâm của Tưởng với Tân Cương từng được minh chứng qua việc ông từng phớt lờ tin tình báo của Pháp và Mỹ về việc quân Nhật định tiến công miền Nam Trung Quốc. Thay vào đó, Tưởng lại cho quân đội hành quân lên Tân Cương, bỏ trống nhiều mặt trận ở phía Nam, kết quả là bị Nhật đánh thua nặng nề. Mặt trận Tân Cương này được ít người nói tới, do nhu cầu giữ sự đoàn kết trong khối Đồng Minh, và bản thân nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến thế chiến 2. Tuy nhiên với riêng lịch sử Trung Quốc, các sự kiện ở Tân Cương năm 1944 có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn, quyết định các sự kiện lịch sử sau đó ở khu vực này. Ví dụ, theo quan điểm phổ biến hiện nay ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ‘’loạn Y Lê’’ năm 1944 ở Tân Cương là sự kiện ‘’’tạo tiền đề lớn nhất để Quân Giải Phóng sau năm 1949 vào tiếp quản Tân Cương không đổ máu, cơ sở vững chắc để Tân Cương thống nhất lâu dài vào lãnh thổ Trung Hoa’’. Bài viết này tổng hợp những tư liệu để khái quát những nét cơ bản về sự kiện này và ảnh hưởng của nó tới lịch sử Trung Quốc cũng như khu vực Trung Á.
1/ Bối cảnh lịch sử.
*Ảnh hưởng của Nga và Liên Xô lên khu vực Tân Cương.
Ngay từ thời nhà Thanh, Đế quốc Nga đã có những động thái mở rộng ảnh hưởng của mình vào Tân Cương, tách vùng này khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa. Năm 1871, quân Nga đã đưa quân chiếm đóng đến khu vực thung lũng Y Lê (hay Ili) màu mỡ ở phía Bắc Tân Cương. Quân Nga chiếm Y Lê 10 năm, thiết lập chính quyền quy củ nhưng chỉ được 10 năm thì tướng nhà Thanh Tả Tông Đường dẫn quân Tây Chinh, thu phục lại đất Tân Cương cho Thanh Đế. Từ đó cho đến khi nhà Thanh diệt, Tân Cương luôn nằm trong kiểm soát của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tiếp nối sau đó là một thời kỳ quân phiệt đầy hỗn loạn của Trung Quốc. Chính quyền trung ương gần như tê liệt, khắp các địa phương quân phiệt nổi lên chiếm giữ mỗi người một cõi, xâu xé đất nước Trung Hoa. Lợi dụng tình hình hỗn loạn đó, quân đội Nga và sau đó là Liên Xô đã tái xâm nhập Tân Cương, mở rộng ảnh hưởng. Vào thời kỳ đó, Nga đã chinh phục xong vùng Trung Á, một phần trong đó họ gọi với cái tên ‘’Turkestan’’ (vùng đất các dân tộc Turk). Và để hợp thức hóa việc xâm nhập Tân Cương, người Nga gọi vùng này là ‘’Đông Turkestan’’ – cái tên đến tận ngày nay vẫn được người Tân Cương ủng hộ độc lập sử dụng.
2
Tả Tông Đường – tướng Nhà Thanh tây chinh thu phục Tân Cương cho Thanh Đế
3
Bản đồ các cuộc Tây Chinh của Tả Tông Đường dẹp cuộc nổi dậy Dungan ở Tân Cương. Lưu ý vùng màu xanh là vùng có quân Nga chiếm đóng, thủ phủ tại vùng Y Lê (Ili)
Từ năm 1912 đến 1930, Nga và Liên Xô đã liên tục dựng lên các lãnh chúa người Hán làm tay sai cai quản Tân Cương. Bắt đầu là Dương Tăng Tân, rồi đến Kim Thụ Nhân. Tuy nhiên, thời kỳ Kim Thụ Nhân là thời kỳ dân Tân Cương chịu bóc lột nặng nề. Đặc biệt, các dân tộc thiểu số Tân Cương: Hồi, Duy Ngô Nhĩ, Kazakh, Kyrgyz,… bị bóc lột thậm tệ, thuế gấp đôi người Hán, thường xuyên bị đàn áp, hà hiếp bởi quan lại người Hán. Trước tình cảnh đó, năm 1931 các dân tộc thiểu số Tân Cương đồng loạt nổi dậy chống lại người Hán. Trong các cuộc nổi dậy đó, ở vùng Tây Nam Tân Cương một nhóm người Duy Ngô Nhĩ tuyên bố thành lập ‘’Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất’’, trở thành ngọn cờ tiên phong độc lập cho người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của các dân tộc Tân Cương bị cả Liên Xô và chính quyền Quốc Dân Đảng đàn áp và đến năm 1933 ‘’Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất’’ bị sụp đổ.
Sau khi dẹp được nổi loạn, Liên Xô dựng lên một lãnh chúa khác là Thịnh Thế Tài, một tướng được đánh giá là có tài của Quốc Dân Đảng, nhưng theo phe cánh tả, có cảm tình với Cộng sản (thực tế thì Thịnh Thế Tài vừa là tướng Quốc Dân Đảng vừa là Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô). Từ đó, ảnh hưởng của Liên Xô tăng lên tầm cao mới. Thịnh sao chép mô hình chính quyền Xô Viết của Liên Xô, phát hành tiền giấy riêng dùng chung với đồng Rube Liên Xô, đưa kỹ sư, nhân viên Liên Xô vào Tân Cương làm việc. Thậm chí mọi việc làm của Thịnh đều phải tham vấn một viên cố vấn Liên Xô đại diện cho Stalin ở Y Lê. Cùng với đó, Liên Xô đã hết lòng bảo vệ Thịnh Thế Tài. Trong hai năm 1933-1934, các toán quân người Hồi ở Cam Túc trung thành với Quốc Dân Đảng đã 4 lần tấn công Tân Cương, định thu hồi Tân Cương cho Trung Quốc. Cả 4 lần đó Thịnh Thế Tài đều thua bỏ chạy, nhưng sau cùng đều được quân Bạch vệ Nga lẫn Hồng quân Liên Xô mang quân vào giúp. Lớn nhất vào năm 1934, 7.000 quân Liên Xô đã vào Tân Cương để chặn quân của tướng người Hồi Mã Trọng Anh đánh Thịnh Thế Tài. Hàng nghìn binh sĩ Liên Xô đã thương vong trong trận chiến năm 1934, nhưng đã bảo vệ vững chắc vị thế của Thịnh Thế Tài – nghĩa là giữ vững Tân Cương làm quốc gia vệ tinh của Liên Xô.
3
Thịnh Thế Tài – lãnh chúa người Hán tay sai của Liên Xô ở Tân Cương
4
Các lãnh đạo Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất năm 1933, trước khi bị Liên Xô đàn áp
*Vấn đề nhân khẩu học Tân Cương năm 1944
Nhân khẩu vùng Tân Cương vốn chịu nhiều tác động từ lịch sử. Như dưới thời nhà Thanh, triều đình Mãn Thanh từng diệt chủng Hãn Quốc Chuẩn Cát Nhĩ tại khu vực này. Sang thời hiện đại, tác động của lịch sử lên nhân khẩu học Tân Cương vẫn tiếp tục.
Đầu tiên, đông nhất ở Tân Cương năm 1944 là người Duy Ngô Nhĩ – lúc đó khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên, người Duy Ngô Nhĩ lại sống không đồng đều. Đại đa số họ tập trung sống trong vùng bồn địa Tarim. Còn lại ở các thành phố lớn của Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ hầu như vắng bóng hoặc chiếm không nhiều. Các thành phố đó, thường là thành phố thương mại của người Hán trên con đường tơ lụa xưa. Có thể kể đến như Dihua (nay là Urumqi – thủ phủ khu tự trị Tân Cương), Y Ninh (Yining), Tháp Thành (Tacheng), Hòa Điền (Hetian), Xương Cát (Changji), Thạch Hà Tử (Shihezi),… Tuy chiếm hầu hết các thành phố lớn ở Tân Cương, dân số người Hán ở đây lại khá thấp, hầu như chỉ thường trực khoảng 100.000 người. Điều này thể hiện quá trình Hán hóa yếu ở Tân Cương, và người Hán ở Tân Cương chính xác được coi là một dân tộc ‘’thiểu số’’.
5
Người Duy Ngô Nhĩ trong sa mạc năm 1910. Người ở giữa ôm chú chó là nhà thám hiểm người Hungary – Aurel Stein.
6
Bản đồ các thành phố chính của vùng Tân Cương (dùng bản đồ hiện đại)
Có một sắc dân quan trọng khác là Kazakh. Người Kazakh ở Tân Cương đông hơn người Hán, hơn 300.000 người. Tuy nhiên, vấn đề lưu tâm ở đây là phần lớn dân Kazakh ở Tân Cương là do di cư từ Liên Xô. Số là năm 1930, ở khu vực Kazakhstan bên trong Liên Xô tiến hành tập thể hóa nông nghiệp phạm nhiều sai lầm. Những sai lầm đó dẫn đến nạn đói khủng khiếp, quét sạch gần một nửa dân số Kazakhstan (ước tính từ 1 triệu đến 1,75 triệu người Kazakh chết đói, tức từ 30% đến 42% dân số Kazakh bản địa). Cùng với đó, hàng trăm nghìn người Kazakh đã phải bỏ xứ đi tìm cái ăn. Con đường thuận lợi nhất cho họ là qua Tân Cương, Trung Quốc. Vốn dĩ người Kazakh cũng là một sắc dân bản địa ở Tân Cương. Tuy nhiên, cuộc đại di cư của gần 200.000 người Kazakh vào Tân Cương năm 1930s thực sự là một sự gia tăng đột biến. Và một điều cần chú ý nữa, là khi vào Tân Cương với dân số đông, nhiều người Kazakh đã hình thành các nhóm cướp vũ trang. Các nhóm cướp này có ảnh hưởng rất lớn tới lịch sử Tân Cương thời đó (điều này có thể tìm đọc ở bài viết khác). Ở Tân Cương, người Kazakh sống định cư thường tập trung vào 2 khu vực: một là vùng thung lũng Y Lê (Y Lê hiện nay là châu tự trị dân tộc Kazakh trong phân cấp hành chính của CHND Trung Hoa), và hai là vùng đồng cỏ Altai rộng lớn ở phía Bắc (vùng này do các nhóm cướp Kazakh độc chiếm).
Một sắc dân khác là người Hồi. Người Hồi có đất riêng của họ (các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải,…) nhưng cũng sống ở vùng rìa phía Đông Tân Cương. Nhưng trong nhiều năm người Hồi liên tục đánh vào Tân Cương, cướp phá các dân tộc khác, nên thường bị người Duy Ngô Nhĩ thù ghét dù cùng theo đạo Hồi. Người Hồi cũng nổi tiếng là trung thành với người Hán, từ trong lịch sử các đạo quân Hồi đã thường xuyên theo người Hán, Mãn chinh phạt Tân Cương. Giống như người Hán, người Hồi ở Tân Cương sống chủ yếu trong các đô thị. Thường thì nơi nào có người Hán thì sẽ có người Hồi. Hai sắc dân này nếu không dựa vào trang phục thì rất khó phân biệt.
Một số dân tộc khác như Kyrgyz ,Tajik, Uzbek,Mông Cổ…cũng là các sắc dân quan trọng của Tân Cương. Người Kyrgyz đông ngang ngửa người Hán, sống du mục tương tự người Kazakh và đôi khi đánh nhau với người Kazakh để giành đồng cỏ chăn nuôi. Người Tajik thì sống ở phía Nam Tân Cương, cheo leo trên dãy Thiên Sơn, hạn chế đối đầu các dân khác,… Người Mông Cổ sống trên các thảo nguyên rộng lớn, nhưng đôi khi bị người Kazakh cướp đất.
Cuối cùng, một thành phần dân tộc tuy không đông nhưng không được bỏ qua: Nga. Người Nga ở Tân Cương năm 1940 khoảng 3 vạn. Đây không chỉ là nhân viên, quân nhân Liên Xô đóng ở Tân Cương, mà quan trọng hơn nhiều là gia đình quân Bạch vệ thua trận trong Nội chiến Nga những năm 20s. Chính quyền Liên Xô đã chọn cách không tận diệt quân Bạch vệ, mà cho họ định cư ở Tân Cương, đổi lại họ phải ngừng chống phá Liên Xô, và còn phải phục vụ lợi ích cho Liên Xô ở đây. Các gia đình Bạch vệ này sống tập trung ở vùng thung lũng Y Lê, kiếm ăn bằng nghề đánh thuê cho các lãnh chúa người Hán. Đôi khi, những nhóm quân này cũng tham chiến cùng Hồng quân Liên Xô mỗi khi Liên Xô động binh. Đặc biệt, rất nhiều tướng quân Bạch Vệ sau này đã được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trọng dụng.
7
Công chúa Mông Cổ Palta thăm Tân Cương năm 1931. Người Mông Cổ từng được tự do đi qua lại giữa Mông Cổ và Tân Cương
8
Tướng Fyodor Ivanovich Leskin của quân Bạch Vệ Nga ở Tân Cương – sau này làm tư lệnh Quân Đoàn 5 quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
*Thịnh Thế Tài trở cờ và Quốc Dân Đảng tiếp quản Tân Cương.
Thịnh Thế Tài trung thành với Tân Cương nhưng chỉ đến năm 1942. Khi đó, thấy Liên Xô bị Đức lấn át ở mặt trận châu Âu, Thịnh nghĩ rằng Liên Xô sắp tàn nên đã nghĩ cách trở cờ về với Quốc Dân Đảng. Thịnh Thế Tài ngoài mặt vẫn tỏ ra phục tùng Stalin, cung cấp tài sản cho Liên Xô đánh Đức, nhưng bên trong ngấm ngầm liên hệ với Quốc Dân Đảng. Đặc biệt, từ năm 1943 Thịnh tiến hành khủng bố những người Cộng sản Trung Quốc trước đó vốn tin tưởng lánh nạn ở Tân Cương. Một trong những người Cộng sản bị giết là Mao Trạch Dân, em trai Mao Trạch Đông, bị giết năm 1943.
Sang đến năm 1944, Liên Xô đã lật ngược thế cờ, đẩy lùi quân Đức. Lúc này Thịnh Thế Tài biết đã chọn sai đường. Hắn buộc phải kêu gọi quân Quốc Dân Đảng vào Tân Cương nhanh chóng trước khi Liên Xô quay lại. Đầu năm 1944, Tưởng Giới Thạch lúc này đang ở Vũ Hán bất ngờ nhận được thư của Thịnh Thế Tài thỉnh Tưởng nhanh chóng xuất quân lên ‘’tiếp quản Tân Cương’’. Tưởng Giới Thạch như vớ được vàng. Trước kia năm lần bảy lượt đánh Tân Cương để thu hồi đều bị Liên Xô đánh lùi, nay lại được ‘’mời’’ vào Tân Cương không tốn viên đạn làm Tưởng gần như quên việc quan trọng nhất lúc bấy giờ: chống Nhật. Giữa năm 1944, Tưởng cho 30 vạn quân Quốc Dân Đảng ở các tỉnh miền Nam như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quý Châu, Quảng Tây,… hành quân lên Tân Cương. Chính đợt điều quân này làm các tỉnh miền Nam Trung Quốc bị hao hụt lực lượng nghiêm trọng. Tuy vậy, việc tiếp quản Tân Cương diễn ra rất dễ dàng. Dân chúng Tân Cương không chống đối quân Quốc Dân Đảng. Quốc Quân tiến vào đã ngay lập tức thực hiện việc xây dựng lại bộ máy chính quyền, thay đổi hệ thống chính quyền Xô Viết cũ bằng hệ thống của họ. Nhưng những hành động này thực hiện vội vã, thiếu chuẩn bị, trong khi tình hình kinh tế – xã hội Tân Cương lúc đó chưa ổn định, tiền Rube Liên Xô lưu hành chung với tiền tệ của Quốc Dân Đảng, khiến việc quản lý của chính quyền Quốc Dân Đảng ở Tân Cương bị bối rối, hỗn loạn,… Họ chỉ thiết lập được chính quyền ở Dihua và một số thành phố lớn khác, trong khi các vùng còn lại các chính quyền Xô Viết địa phương vẫn không bị ảnh hưởng.
9
Một lớp học chính trị của Quốc Dân Đảng ở Tân Cương. Hai lá cờ trên bục là cờ của Trung Hoa Dân Quốc và cờ Tân Cương do Thịnh Thế Tài dựng nên.
Bản thân Thịnh Thế Tài, lúc này không còn được trọng dụng nữa, tìm kế chuồn. Cuối năm 1944  hắn được chính quyền Tưởng Giới Thạch điều về đại lục làm chức Bộ trưởng Nông Nghiệp. Lý do làm vậy là Tưởng Giới Thạch muốn yên lòng dân Tân Cương. Trong suốt gần 20 năm nắm quyền ở Tân Cương, Thịnh Thế Tài và gia đình của y nổi tiếng tham tàn bạo ngược, ra sức vơ vét của cải dân chúng Dihua, dựa thế Liên Xô đàn áp các dân tộc khác,… Ngày Thịnh và gia đình cuốn gói rời Dihua, người ta kể lại rằng có hơn 200 xe tải và 3000 con lạc đà được dùng để trở tài sản của Thịnh khỏi Tân Cương, để thấy sự vơ vét khủng khiếp mà gia đình y làm với người dân Tân Cương. Các nhà báo phương Tây còn ghi lại, sau khi Thịnh Thế Tài dọn đi, dân chúng Dihua đã đổ ra đường ăn mừng suốt ngày đêm không nghỉ.
*Chiến dịch tấn công của Nhật năm 1944.
Khi Tưởng Giới Thạch xuất quân lên tiếp quản Tân Cương, cũng là lúc tình báo Pháp và Mỹ cảnh báo Tưởng về khả năng quân Nhật mở một cuộc tiến công miền Nam Trung Quốc. Lúc đó họ vẫn chưa biết mục đích thực sự của quân Nhật là gì. Kể từ khi mở mặt trận ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á, quân Nhật ở mặt trận Trung Quốc đã không tiến hành chiến dịch quân sự lớn nào. Thay vào đó, quân Nhật chiếm đóng các vùng lãnh thổ miền Bắc Trung Hoa tập trung vào khai thác các tài nguyên nội địa và hỗ trợ xây dựng chính quyền tay sai của Uông Tinh Vệ. Trong thời gian đó, quân Nhật cũng mở một số cuộc tấn công miền Nam Trung Hoa, nổi bật trong số đó là 3 lần tấn công Trường Sa trong các năm 1939, 1941 và 1942. Cả 3 lần này quân Tưởng đều đẩy lùi Nhật, khiến Tưởng Giới Thạch sinh ra chủ quan, tự mãn. Chính vì vậy, khi nghe tin Nhật có kế hoạch tấn công Nam Trung Hoa lần nữa, Tưởng đã phớt lờ, cho rằng đó chỉ là tin đồn của Nhật để gây hoang mang trong bối cảnh Nhật thua trận trên nhiều mặt trận. Do đó, Tưởng đã không tập trung tăng cường phòng ngự, mà ngược lại còn xuất 30 vạn binh từ các tỉnh miền Nam lên Tân Cương thu hồi từ Liên Xô. Thậm chí, Tưởng còn tăng cường cho mặt trận Miến Điện còn nhiều hơn tăng cường phòng thủ các tỉnh miền Nam.
Sai lầm tai hại này của Tưởng khiến ông phải trả giá đắt. Tháng 4 năm 1944, nửa triệu quân Nhật ồ ạt tấn công miền Nam Trung Hoa, trọng điểm là các tỉnh Hồ Nam, Hà Nam và Quảng Tây. Chiến dịch được đặt tên là ‘’Chiến dịch Ichi-go’’. Mục tiêu lúc này của quân Nhật được cho là chiếm được tuyến đường sắt nối liền Nam-Bắc Trung Quốc, phá hủy các căn cứ không quân của Mỹ và cắt đường tiếp vận của đồng minh cho Trung Hoa qua ngả Vân Nam. Nhật còn huy động 15.000 xe (có 5.000 xe tăng, bọc thép các loại), 6.000 khẩu pháo, hơn 2000 máy bay và 10 vạn con ngựa cho cuộc tiến công lớn này. Từ chỗ bị cho là đòn đánh khiêu khích để gây rối của Nhật, chiến dịch Ichi-go năm 1944 biến thành cuộc tiến công lớn nhất của quân Nhật trên lục địa Trung Hoa. Không ngờ trước đòn này, quân Tưởng đã hứng chịu thảm bại. Gần 1 triệu quân Trung Hoa ở các tỉnh miền Nam, dù đông nhưng trang bị kém, không có thiết giáp, pháo binh, máy bay,… và quan trọng nhất là không chuẩn bị phòng ngự, bị đánh tan tác, tiêu diệt từng cụm lớn. Chưa hết, nhân cuộc tấn công của Nhật, nông dân tỉnh Hà Nam vốn căm thù vụ phá đê Hoa Viên Khẩu của quân Tưởng năm 1937, đã tự vũ trang nổi dậy đánh quân Quốc Dân Đảng và tự vệ chống Nhật. Điều đó làm quân Quốc Dân Đảng tan vỡ từ cơ sở, khi họ thậm chí không còn có sự ủng hộ của đồng bào Trung Hoa ở các địa phương này.
10
Quân Nhật chiến đấu trên đường sắt trong chiến dịch Ichi-go năm 1944
111
Bản đồ chiến dịch tiến công Ichi-go năm 1944 của quân Nhật ở miền Nam Trung Quốc
Kết quả của chiến dịch Ichi-go là một thảm họa, không chỉ về quân sự mà còn về chính trị cho Tưởng Giới Thạch. Bị Nhật đánh thua liểng xiểng vào năm mà quân Đồng Minh đang thắng khắp nơi, thương vong từ 500.000 đến 700.000 lính, dân chúng chán nản, các căn cứ không quân và đường sắt để tiếp vận cho Trung Hoa bị Nhật phá sạch,… nhưng điều quan trọng nhất là Tưởng làm mất sự tin tưởng của quân Đồng Minh. Các tướng lĩnh Mỹ không giấu sự thất vọng với sự rệu rã thảm hại của quân Tưởng, và thậm chí nhiều tướng lính Mỹ tính đến việc hỗ trợ cho quân Cộng sản Trung Quốc mà họ cho là có lối đánh du kích chống Nhật hiệu quả hơn. Nhưng không chỉ thế, cộng hưởng với việc Tưởng phớt lờ tin tức tình báo, mang quân lên tiếp quản Tân Cương, người Mỹ nhận xét “Tưởng Giới Thạch trọng việc riêng của Trung Quốc hơn công việc chống Phát xít chung của Đồng Minh’’ dẫn đến sự nghi ngờ và giảm bớt viện trợ cho Tưởng. Từ đó đến hết Thế chiến 2 và cả Nội chiến Trung Hoa sau đó, Mỹ đã giảm và cắt hẳn viện trợ cho Trung Hoa Dân Quốc, để họ thất bại trước Quân Cộng sản của Mao Trạch Đông.
(Hết phần 1)