Khi chọn chủ đề cho tuần này là “chất kích thích”, tôi tương đối hứng thú, nhất là đối với những chất cấm. Cái gì bị cấm cũng hấp dẫn, trước nay luôn vậy.
Tôi muốn tìm hiểu xem vì sao những chất cấm bị cấm, hay chúng có gì đặc biệt khiến mọi người lo sợ đến thế? Nhưng chỉ viết về những chất xa lạ như cần sa, LSD hay những chất nguy hiểm như ecstasy, meth, cocaine... là không đủ.
Vậy những chất không bị cấm như rượu, bia, thuốc lá thì sao? Chúng quá cũ và nhàm chán. Chúng ta đều biết chúng nguy hiểm và dường như chẳng có bất kỳ lợi ích nào (ngoài những lợi ích tinh thần ngắn hạn), nhưng nhân loại vẫn chìm đắm trong đó.
Chỉ có một chất kích thích đặc biệt, vừa không bị cấm lại có lợi: caffeine. Nhưng tiếc rằng đây cũng là chất ít “vui” nhất.
Vậy caffeine có gì thú vị để viết? Tôi đã suy nghĩ viết theo một số hướng:
- Những sự thật thú vị về caffeine, chẳng hạn “sau khi uống cà phê, tinh trùng của bạn sẽ chứa caffeine” [1]. Nhưng tôi nhận ra điều này cũng chẳng thú vị lắm, nên lại thôi.
- Hoặc truy về nguồn gốc của caffeine: “vốn là loại chất được cây tạo ra để đầu độc côn trùng gây hại, bảo vệ hạt” [2]. Hmm, quá nhàm chán.
- Hay viết về nguyên lý hoạt động của caffeine: chúng ngăn không cho một chất có tên adenosine liên kết với thụ thể adenosine - vốn là cơ chế gây buồn ngủ - để giữ cơ thể tỉnh táo [3]. Nhưng mọi người hoàn toàn có thể đọc những điều này trên wikipedia.
Vậy, cà phê có gì đặc biệt, khiến chúng trở thành chất lỏng phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau nước và được tiêu thụ hơn 1,6 tỷ cốc/ngày? Vì người hiện đại cần chúng.
Suốt hàng trăm nghìn năm lịch sử, giấc ngủ của loài người được hình thành dựa trên sự xuất hiện và biến mất của Mặt Trời. Cơ thể chúng ta đã được lập trình để cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ khi Mặt Trời lặn và tỉnh táo vào lúc bình minh. Nhưng vài trăm năm gần đây, mọi thứ đã khác.
Loài người có nhiều việc thú vị để làm hơn là ngủ. Nên họ tìm mọi cách để cơ thể ít mệt mỏi và buồn ngủ hơn, hoặc cực đoan hơn là tìm cách để trí não không cảm nhận được sự mệt mỏi - dù cơ thể đã rã rời. Bóng đèn điện và caffeine là hai phát minh/khám phá ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến việc ngủ của nhân loại.
Ánh đèn điện tạo ra ánh sáng nhân tạo khiến một vài hormone nhầm lẫn và kéo dài thời gian hoạt động của chúng ta thêm vài tiếng. Trong khi đó, caffeine ngăn chặn việc cảm thấy buồn ngủ.
Đọc kỹ nhé, “caffeine giúp chúng ta ngăn chặn việc cảm thấy buồn ngủ”, chứ không phải “giúp chúng ta không cần phải ngủ nữa nhưng vẫn khỏe như One Punch Man”.
Nếu bạn là người khỏe mạnh, nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ là: bạn thiếu ngủ. Oh, nếu nguyên nhân “phức tạp” vậy thì giải pháp hẳn cũng rất khó khăn: ngủ đủ giấc.
Phần lớn chúng ta thiếu ngủ: cứ 3 người lớn thì có 1 người ngủ không đủ giấc [4]. Có những người vì bận ôn thi, bận làm dự án nên không có thời gian để ngủ. Hay có những người khác vì quá rảnh rỗi, không muốn một ngày trôi qua một cách nhàm chán nên thức đến gần sáng để đọc truyện, xem phim hoặc cố gắng tìm gì đó thú vị. Điểm chung là mọi người đều cảm thấy tiếc việc đi ngủ, để rồi dặt dẹo vào sáng hôm sau - và lại bơm caffeine để tỉnh táo.
Loài người thật kỳ lạ.
Việc lạm dụng caffeine có thể khiến cơ thể phản ứng ngược: rơi vào trạng thái bồn chồn, lo lắng, tim đập nhanh, cáu gắt, mệt mỏi và gây rối loạn giấc ngủ. Uống nhiều cà phê -> rối loạn giấc ngủ -> thiếu ngủ -> buồn ngủ -> uống nhiều cà phê -> rối loạn giấc ngủ.
Lạm dụng caffeine cũng dễ gây phụ thuộc, khiến cơ thể bạn trở nên vô dụng khi không có caffeine.
Nếu như chỉ mới ghi nhận 1 trường hợp chết vì quá liều khi dùng cần sa [5], thì đã có 92 ca tử vong do quá liều caffeine [6].
Tuy vậy, so với việc liên quan đến hơn 7 triệu cái chết mỗi năm của thuốc lá [7], và gây ra 3 triệu cái chết mỗi năm của alcohol [8], thì caffeine còn an toàn hơn nước. Vì phần lớn cái chết liên quan đến caffeine thường là tai nạn. Khi tiêu thụ quá nhiều caffeine, chúng ta sẽ tự động cảm thấy những dấu hiệu lạ (như bồn chồn, tim đập nhanh, lo lắng) và tự động dừng lại. Đây cũng là cơ chế thông minh của cơ thể giúp hạn chế quá liều caffeine.
Caffeine cũng đã được minh oan bằng nhiều nghiên cứu, cho thấy không liên quan đến bệnh tim mạch, ung thư (hai loại bệnh phổ biến nhất) [9]. Ngược lại, còn mang lại nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị alzheimer và giúp cải thiện trí nhớ [10].
Việc sử dụng caffeine cũng giúp cải thiện tâm trạng, mức độ tập trung và tỉnh táo [11]. Do đó, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn sử dụng caffeine khi tỉnh để nâng cao hiệu suất hoạt động, thay vì dùng để chống lại cơn buồn ngủ.
Đã có nghiên cứu chỉ ra việc uống một tách cà phê mỗi trưa sau đó ngủ một giấc ngắn sẽ tối ưu mức độ tỉnh táo vào buổi chiều [12]. Vì cơ thể sẽ có được sự nghỉ ngơi cần thiết trong lúc chờ caffeine phát huy tác dụng.
Cho nên hãy sử dụng caffeine một cách thông minh, và hãy tôn trọng cơ thể của bạn. Khi chúng bảo chúng cần nghỉ ngơi, tức là chúng thực sự cần nghỉ ngơi.

Bài viết về caffeine nằm trong chuỗi bài của tuần chủ đề chất kích thích. Mọi nguồn tham khảo, research, study... đều được đề cập đầy đủ ở phía dưới.
Các bạn có thể đọc thêm ở fanpage:

Monster Box

Mỗi tuần chúng tôi lại viết về một chủ đề ngẫu nhiên dưới góc nhìn khoa học. Monster Box không đại diện cho bất kỳ luồng quan điểm nào và cũng không cổ súy việc sử dụng các chất kích thích.
Lưu ý, ma túy đang là chất bị cấm ở hầu hết quốc gia trên thế giới, mọi hành vi sử dụng đều không được khuyến khích.
Vui lòng không sao chép nội dung bài đăng cho bất kỳ mục đích nào, để tránh sai lệch thông tin do tam sao thất bản.
- Source:

[1] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5482951/


[2] https://www.nytimes.com/1984/10/07/us/caffeine-is-natural-insecticide-scientist-says.html


[3] https://www.cnet.com/news/this-is-your-brain-on-caffeine/


[4] https://www.cdc.gov/media/releases/2016/p0215-enough-sleep.html


[5] https://www.newsweek.com/thc-overdose-death-marijuana-exposure-united-states-1442742


[6] https://www.medicalnewstoday.com/articles/322933.php


[7] https://www.cdc.gov/tobacco/data_statistics/fact_sheets/fast_facts/index.htm


[8] https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/alcohol


[9], [10] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4462044/ / https://www.nationalgeographic.com/science/health-and-human-body/human-body/caffeine-buzz/


[11] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK209050/ 


[12] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2603066/