Có hai hiểu lầm thường gặp về tiến hóa:

1. "Người tiến hóa từ vượn."

2. "Người là loài tiến hóa nhất." 

Bài viết này sẽ giải quyết nhanh gọn lẹ hai hiểu lầm này. Đầu tiên, hãy tìm những điểm khác nhau trong hai bức tranh sau:

Bạn tìm được bao nhiêu điểm khác nhau?
Thực ra, hai bức tranh trên là một, nếu chúng ta nhìn từ góc độ tiến hóa. Đây là cây phả hệ miêu tả quá trình phát sinh của một số nhóm sinh vật từ ngày xửa ngày xưa cho đến ngày nay. Cách đọc cây phả hệ là từ gốc lên, chứ không phải là đọc từ ngọn. Theo cách đọc đó, bạn sẽ thấy cả hai cây này đều mô tả một con đường giống nhau:
+ Nút số 1: tổ tiên chung giữa lớp Cá và các lớp còn lại (Lưỡng cư, Bò sát, Thú có vú).
+ Nút số 2: tổ tiên chung giữa Lưỡng cư và các lớp còn lại (Bò sát, Thú).
+ Nút số 3: tổ tiên chung giữa Bò sát và các lớp còn lại (Thú).
+ Nút số 4: tổ tiên chung của lớp Thú.
Như vậy lớp Thú không phải là "tiến hóa" cao hơn lớp Cá, mà là phát sinh muộn hơn lớp Cá. Tiến hóa không phải là quá trình hình thành loài từ thấp đến cao. Nó không phải là một cái thang để leo dần lên. Tiến hóa là một cái cây, từ cùng một gốc, các nhánh hình thành và tách dần ra khỏi nhau. Nhìn vào hình bên trái, chúng ta dễ tưởng lầm rằng con người là loài "tiến hóa" cao nhất. Đó là một trong những hiểu lầm thường gặp về thuyết tiến hóa.

Một hiểu lầm thường gặp khác là "con người tiến hóa từ vượn." Hãy nhìn cây phả hệ sau:


Quá trình phát sinh các loài vượn. Nguồn: Anthropology is Elemental.


Bây giờ bạn đã biết cách đọc cây phả hệ, hãy thử đọc xem quá trình phát sinh các loài vượn diễn ra như thế nào? Trên cây trong hình trên, những con số đánh ở mỗi nút là số triệu năm về trước (mya = million years ago): 63 triệu năm về trước, 58 triệu năm về trước, vân vân. 
Bạn sẽ thấy cách hiểu đúng là nhóm động vật mà sau này con người sẽ phát sinh đã tách ra khỏi một tổ tiên chung với nhóm vượn cáo (Lemur) vào khoảng 63 triệu năm trước đây.
Sau đó cây phả hệ tiếp tục chia nhánh... Khoảng 25 triệu năm trước, Bộ Linh trưởng (vượn không đuôi) đã tách ra khỏi các nhóm còn lại.
Rồi đến khoảng 6 triệu năm trước, chi Homo (trong đó loài Homo sapiens của chúng ta sau này sẽ phát sinh) tách ra khỏi các chi khác.
Như vậy, loài người không tiến hóa từ vượn, mà vào một thời điểm hàng chục triệu năm trước đây, tổ tiên của tổ tiên của tổ tiên của tổ tiên của loài người đã từng có một tổ tiên chung với nhóm vượn. Nhóm tổ tiên đó đã tách ra khỏi nhóm vượn và đi theo một con đường tiến hóa riêng. Rất lâu sau này, loài người đã phát sinh trên con đường tiến hóa đó.
Biết điều này để làm gì? Không phải để tự hào rằng chúng ta không phải là con cháu của vượn và do đó chúng ta siêu việt hơn. Thực tế là chúng ta có quan hệ họ hàng với vượn, cũng như với chim tu hú, rùa, ếch, cá trôi, và nếu cứ lần mãi về quá khứ thì chúng ta sẽ thấy mình có họ với cả hoa loa kèn, nấm và vi khuẩn nữa. Nhưng cái sự dây mơ rễ má này (à, tất nhiên là chúng cũng có họ với cây mơ và cây rau má) không đi theo một cái thang thẳng tắp từ "hạ đẳng" tới "thượng đẳng" mà phân hóa như một cái cây với rất nhiều nhánh. Chúng ta có thể cùng ở trên ngọn cây với các loài rùa, chỉ khác là, cành cây của chúng ta có nhiều nhánh hơn và đẻ nhánh muộn hơn, còn cành cây mà các loài rùa đẻ nhánh sớm hơn nhiều, sớm hơn đến hàng trăm triệu năm. 
Điều này có làm chúng ta bớt kiêu ngạo đi một chút không?
Nếu có hứng thú với chủ đề này, mời bạn đọc thêm các bài viết và dịch của zeal về tiến hóa

Thích bài này? Theo dõi Facebook của zeal để đọc thêm ngay khi bài lên sóng nhé. Và nhớ ghé http://zeally.net để tìm kiếm những thử thách xoắn não hơn nữa.