Lòng khoan dung và tính khiêm nhường, Lintang và Quán quân, Tiến sĩ và Lao công. Cái Phẩm của ta và cái Phẩm của người.

0. Dẫn nhập.

"Ông trời không chỉ ban cho Lintang một bộ óc thông minh. Ông còn ban cho nó nhiều đức tính tốt nữa. Khi chúng tôi không hiểu bài, nó kiên nhẫn giảng giải và còn động viên chúng tôi. Sự vượt trội của nó không hề đe dọa ai ở xung quanh, sự thông minh của nó không khiến đứa khác phải ganh tị, và dù học giỏi đến thế nhưng nó chưa bao giờ lên mặt hay vênh váo gì cả, dù chỉ một chút. Chúng tôi ngưỡng mộ nó và phục lăn người bạn khiêm tốn và đồng thời là đứa học trò thông minh phi thường ấy". [1].
Cuối cùng, ai rồi cũng thành công, có lẽ vì Lintang cậu giỏi giang và đức hạnh.

1. Phân biệt, đẳng cấp, và thành tựu.

Lintang có thể làm thước đo để so sánh hành vi giữa cậu, và những quán quân Olympia, một cuộc thi khoa học. Họ vui mừng ra mặt đến mức thái quá khi chiến thắng [2]. Những ý kiến chia rẽ dữ dội. Một số người cho rằng điều này hợp lý. Có lý nào lại ngăn người ta vui mừng trước chiến thắng? Một số người phản đối, vì lo ngại điều này làm ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý, khiến thí sinh kiêu ngạo, xem thường người khác. Sâu dưới suy nghĩ đó, là cách mà cá nhân những người thắng cuộc suy nghĩ: Tại sao tôi có quyền vui khi chiến thắng người khác?
Vì hai yếu tố: Tôi hơn họ ở khía cạnh khoa học, và Khía cạnh khoa học, đồng thời Xã hội cũng tôn vinh khía cạnh Khoa học, thông qua việc tổ chức các cuộc thi khoa học như Olympia.
Youtuber NTN đạt nút kim cương đầu tiên trong cộng đồng Youtuber Việt Nam [3]. Việc này cũng tạo ra những tranh luận trái chiều. Những người ủng hộ xem nó như một loại thành tựu, và tôn vinh NTN khả năng kiếm tiền vượt trội so với những người gõ phím. Những người phản đối, trái lại cho rằng không nên tôn vinh những Youtuber đem lại những nội dung độc hại, lệch lạc với giới trẻ, cho dù có nổi tiếng đến đâu đi nữa.
NTN đạt nút kim cương, thể hiện việc họ có nhiều người theo dõi, dẫn đến việc Youtube đương nhiên trả tiền nhiều hơn cho quảng cáo. Thế nhưng việc đạt nút Kim cương, nó không thể hiện việc ta đạo đức hơn, hay ta có thành tựu vĩ đại hơn. Nó chỉ thể hiện những nội dung xuất bản được cộng đồng  quan tâm nhiều hơn, hay nói thẳng là trình độ dân trí của cộng đồng đó. Đáp ứng nhu cầu thị trường khác hẳn với việc xuất bản một nội dung đúng đắn và đạo đức. "Bàn tay vô hình" của Thị trường không hoạt động trên nền tảng đạo đức, mà là nền tảng nhu cầu. Và nhu cầu thì đôi khi không thể hiện phẩm chất đạo đức của con người. Cứ nhìn tình trạng Youtuber thì thấy ngay: Linh Ngọc Đàm, Độ Mixi, Thầy giáo Ba,... Luôn có lượt xem vượt trội so với Hana's Lexis, hay Ted-Ed,... Nó không phản ánh một xã hội ham học và đạo đức, mà nó phản ánh một xã hội phần đông đam mê Game và những cô gái nóng bỏng. Thật sai lầm khi cho rằng những người như NTN, hay Linh Ngọc Đàm, xứng đáng hơn những người làm Giáo dục.
Những người chủ quán Cà phê họ mãi than phiền về tình trạng không có nhân sự trung thành [4]. Ẩn đằng sau đó, có lẽ những người chủ nghĩ rằng bản thân họ, vì tạo ra được quán, mô hình kinh doanh, và xem nó như một dạng thành tựu cá nhân do sự nỗ lực tự thân. Điều này dẫn đến sự xem nhẹ vai trò của những người nhân viên, kể cả là trong vô thức, không đánh giá đúng năng lực và tương lai phát triển của họ, và xem thường những người nhân viên chỉ làm vì tiền, còn những người chủ quán, có quan điểm sống rõ ràng, và đương nhiên đáng quý hơn.
Và khi nhìn cả ba hiện tượng trên: Những quán quân Olympia, những Youtuber, và những người Chủ quán cà phê, ta có thể thấy một vấn đề liên kết cả ba câu chuyện đó lại với nhau: những người có Danh vọng, Tiền bạc, thậm chí là Tài năng thiên phú, cho rằng bản thân họ đương nhiên cao quý và xứng đáng hơn những người khác. Và khi bản thân ta bắt đầu có những tư tưởng đó, ta cũng đồng thời cho rằng những công việc như Phục vụ quán cà phê, lao công, Ôsin,.. Là những công việc "Hạ cấp".
Lối tư tưởng này, có lẽ tới từ việc ta không hiểu cái "Phẩm".

2. Cái "Phẩm".

"Cái phẩm của cây Huệ là sống đúng cuộc đời cây Huệ. Cái phẩm của cây Hường là sống đúng cuộc đời cây Hường" [5] .
Về nghĩa này, thì một lãnh đạo sống đúng cuộc đời lãnh đạo, thì cái Phẩm của ông chẳng khác là bao so với cái Phẩm của người lao công nhặt rác.
"Phẩm" đều như nhau. Những người chủ có tư duy đẳng cấp, và có xu hướng bóc lột không hiểu được điều này. Họ cho rằng cái "Phẩm" của họ cao hơn, và do đó nghiễm nhiên họ được cao hơn những người khác, về tiền bạc và danh vọng.
Một nhà nghiên cứu khoa học đoạt giải Nobel, người ta kính trọng và tôn vinh ông là điều đương nhiên, nhưng người ta cũng phải kính trọng cả những người lao công quét rác vì họ cũng đang trên đà đạt đến cái "Phẩm" của họ.
Dĩ nhiên, thu nhập phải dựa vào độ khó công việc, nhưng cái "Phẩm" còn nhắc chúng ta đến một yếu tố: Tôn vinh. Trong xã hội phúc lợi của John Rawls, ta phải tôn trọng tất cả các loại "Phẩm" ngang nhau. Nếu tôi thông minh hơn, thì tôi chỉ là người chiến thắng trò chơi "Xổ số ngẫu nhiên" [6]. Nó không liên quan gì đến việc thu nhập cao, và danh vọng cao. Thu nhập cao đến từ "Kỳ vọng hợp lý": độ khó của mỗi công việc, nhu cầu thị trường,... Danh vọng cao liên quan đến quyền lực và trách nhiệm hướng dẫn một nhóm người đến cùng một mục đích. Khi ta có được những thứ đó, thì phải thừa nhận ta may mắn hơn, không phải chỉ giỏi hơn. Cái mà phần đông GenZ đang rất thiếu, là sự khiêm nhường, đặc biệt là khi sống trong xã hội công nghệ, người ta Ảo tưởng khi cho rằng kiến thức của người khác cũng là kiến thức của mình. Chính xác thì cá nhân ta hiểu được nguyên tắc vận hành của cái Tivi nhà ta đến mức nào? Ta không thông minh như ta tưởng đâu.
Người ta có thể phản biện rằng Sự nỗ lực cá nhân cũng có tác động đến nó. Thế nhưng, kể cả sự nỗ lực cá nhân cũng đến từ một môi trường giáo dục tốt, là thứ may mắn chiếm một phần. Hơn nữa, cái mà người ta tôn vinh là Thành tựu, không phải nỗ lực cá nhân đơn thuần.
Việc tôn vinh lệch lạc Tiền bạc, danh vọng và kể cả là khả năng tự lực, là sai lầm của các quyển sách Self-help, các khóa học làm giàu và những Huấn luyện viên (Coach - Có thể kể đến tên tuổi nổi tiếng là Phạm Thành Long). Nó sai lầm, khi cho rằng cái Phẩm của những người tự lực đáng quý hơn, vì họ giàu có và nổi tiếng mà quên đi đời còn phong phú hơn chuyện kiếm tiền và được người khác tôn vinh. Cuộc sống đơn giản vậy sao? Thu nhập, và danh vọng, đơn giản chỉ là công cụ để ta hoàn thành cái "Dharma" - Cái cùng đích cuộc đời của mỗi cá nhân. Nó không dùng để đo cái "Phẩm", tức là cái bản chất riêng mà mỗi con người phải hướng đến. Về điểm này, thì khi ta dùng thu nhập, hoặc danh vọng, hoặc kể cả tài năng để đánh giá và phán xét con người, ta cũng chẳng hơn nhóm người Phân biệt chủng tộc hay Phân biệt văn hóa, hay thậm chí Nazi, là bao.
Việc so sánh cái Phẩm này với cái Phẩm khác còn có hại ở chỗ, nó làm người ta có cái nhìn lệch lạc về việc nên trở thành một người như thế nào. Nó bắt nguồn từ Cuộc cách mạng Công nghiệp: những ngành học Toán, Lý, Hóa sẽ được trọng dụng, trong khi những ngành xã hội bị rẻ rúng, và nó kéo dài mãi cho đến hiện tại với những ngành Hot như Công nghệ thông tin, Học máy, hay AI [7]. Một bộ phận những trẻ em ham thích việc học Múa, Kịch nghệ, Lính cứu hỏa, Lao công môi trường,... nghĩ rằng những công việc đó là những việc "Hạ cấp", cái "Phẩm" của chúng không thể nào bằng cái "Phẩm" của các ngành Khoa học. Nó dẫn đến một sự mất cân đối trong cấu trúc nghề nghiệp xã hội. Triết học và Tâm lý con người không thay đổi nhiều trong hai thiên niên kỷ nay, nhưng Công nghệ thông tin và Máy tính đã phát triển lên gấp Một nghìn tỷ lần [8].
Cái người ta thiếu, không phải vì tôn vinh những người làm Nghiên cứu, Khoa học, và Công nghệ không đủ, mà là tôn vinh quá ít những ngành "Hạ cấp" khác, như Quét rác, Điều dưỡng, và Bán hàng rong. Họ chỉ đang cố gắng hoàn thiện cái Phẩm của họ.

3. Liều thuốc giải thoát: những Đức hạnh.

Và khi đã đồng thuận với nhau cái "Phẩm" của bất cứ ai cũng ngang nhau, những công việc "Thứ cấp" hiện tại cần được tôn vinh hơn nữa.
Thế thì có lý do gì để những quán quân Olympia cho rằng họ không nên học theo Lintang trong việc khiêm nhường tự nhìn nhận họ chỉ May mắn hơn những người khác? Thật quá ngạo mạn khi cho rằng thắng cuộc thi đó, cái "Phẩm" của ta lại hơn cái "Phẩm" của những người khác.
Nút kim cương Youtube cũng vậy. Làm chủ cũng vậy, Tiến sĩ cũng vậy. Và Ôsin cũng vậy. Chúng ta chỉ là những người tìm kiếm và sống đúng cái "Phẩm" của mình.
Khi bản thân ta nghiễm nhiên cho rằng những thứ ta đang có, tài năng cá nhân, tiền bạc, và danh vọng, là xứng đáng vì ta "Tốt hơn" người khác, lúc đó ta có sự thiếu sót lớn trong tư tưởng. Khi đó, ta thiếu tính Khoan dung và Khiêm nhường. Nó là nguồn gốc của Đau khổ
Suy cho cùng, mọi thứ ta hành động, ta nghĩ, đều xuất phát từ "Sự tự nhận thức". Nhưng ta nhìn lại xem "Sự tự nhận thức" tới từ đâu, nếu không do may mắn?
Và khi thừa nhận bản thân may mắn, thì ta có lý do gì để dè bỉu những người kém may mắn không có được "Sự tự nhận thức" đó?
Như Lintang, hãy Biết ơn, Khoan dung, và Khiêm nhường.
 [1]. "Chiến binh cầu vồng" - Andrea Hirata.
 [2]. Quán quân Olympia ăn mừng: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1884900018334518&id=842301555927708&sfnsn=mo
 [3]. NTN: người đạt nút kim cương Youtube: https://fb.watch/7SQcQCtKnh/
 [4]. Chủ quán thiếu nhân sự trung thành: https://fb.watch/7SQfQFnAS7/
 [5]. "Thuật xử thế của người xưa": Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
 [6]. "Học thuyết công lý" - John Rawls.
 [7]. "Trường học sáng tạo" - Ken Robinson.
 [8]. "Social Dilemma" - Documentary Neflix.