Về với những năm tháng chiến tranh, ngọn lửa nhiệt huyết đã được thắp lên trong tim của các anh chiến sĩ bộ đội ra đi vì nước quên thân, vì biết sau lưng là chỗ dựa vững chắc từ hậu phương những người phụ nữ nơi quê nhà để yên tâm đánh giặc. Ngày nay, những y bác sĩ là những chiến binh áo trắng không ngần ngại dấn thân vào cuộc chiến không cân sức với kẻ địch mới - virus Corona. Vậy những người trẻ như bạn như tôi, tất cả chúng ta có nên lùi về phía sau, tiếp tục rèn luyện để trở thành hậu phương vững chắc hôm nay và là thế lính mới tiếp bước họ hay không?

CƠ HỘI HOÀN THIỆN BẢN THÂN, SẴN SÀNG CHO TRẬN CHIẾN MỚI

Sống giữa lòng đại dịch là khoảng thời gian tuyệt vời để các bạn trẻ định hướng, xác định mục tiêu tương lai của mình: "Ta sẽ làm chi đời ta?". Tự phản ánh lại với chính mình mỗi ngày, thiền định trong những giây phút chánh niệm giúp mỗi người có cái nhìn rộng hơn, giảm âu lo và sống trong "ngăn kín thời gian" để quay về với chính mình, sau những chuỗi ngày gồng gánh những áp lực cuộc sống. Điển hình như ca sĩ Jun Phạm, anh bày tỏ, sau những ngày tháng "chạy show" liên tục, anh đã không có cho mình những khoảng lặng, nhưng đại dịch Covid-19 đã giúp anh quay về và nuôi dưỡng tâm hồn, đơn giản bằng việc trồng và chăm sóc những chậu cây trước ban công nhà, đọc sách và nuôi cá. Đôi khi những thứ chúng ta cần ở ngay cạnh bên nhưng lại chạy theo những giá trị bên ngoài, để rồi lạc mất chính mình lúc nào không hay.

Học cách sống với "lũ", không chỉ than phiền về số ca tử vong trong một ngày bởi dịch bệnh, mà còn theo chính phủ Việt Nam, mỗi cá nhân phải biết biến "nguy" thành "cơ", vì đại dịch dù có quy mô đến đâu cũng sẽ qua đi, và người dân sẽ sống những ngày tháng "bình thường mới", để vực dậy nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là những người trẻ phải có góc nhìn tích cực hơn, lạc quan nhưng không chủ quan.

TRÂN TRỌNG GIA ĐÌNH NHỎ ĐỂ YÊU THƯƠNG TỔ QUỐC LỚN


Chị họ tôi đang làm ở một công ty nho nhỏ, tôi hỏi chị, tại sao chị vẫn cố gắng tiếp tục làm mà không về quê, nhìn tôi chị cười bảo, "Chị vẫn phải đi làm, không phải chỉ nuôi một mình mình mà còn gửi tiền về cho ba má nữa em. Sao mà nghỉ được.."
Những người trẻ tích cực và bản lĩnh không những nuôi dưỡng tâm hồn mình mà còn mong muốn hàn gắn lại tình cảm gia đình. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, hẳn nhiều người trẻ thất nghiệp và học sinh thì được nghỉ học lâu hơn so với thời gian dự kiến. Đối với những người con xa xứ lên thành phố học tập và làm việc, có một số người anh, chị mà tôi biết, họ có hai lựa chọn, một là về quê do chi phí nuôi không nổi, hai là ở lại thành phố chống chọi tiếp với những khó khăn, với những chướng ngại vật và chông gai mà dịch bệnh mang lại. Nhưng họ đa số đều chọn ở lại, có bản lĩnh đi qua con đường lắm những khúc cua khuỷu tay, để chinh phục những thử thách và đóng góp những công sức của mình cho doanh nghiệp, cho công ty hiện tại. Nhưng ngoài làm ăn để kiếm sống, để không bị chết đói, nhiều người còn ở lại thành phố vì gia đình.
Thế đấy, tôi nghĩ, có người chọn về quê quây quần cùng mâm cơm gia đình, nhưng cũng có người yêu thương gia đình mình theo cách khác. Dù thế nào đi nữa, gia đình cũng giúp những bạn trẻ nhớ về cội nguồn hơn, những buổi sum vầy cùng gia đình xuất hiện nhiều hơn.. Thế nhé, tôi không có thời gian để suy nghĩ tiêu cực, vì thời gian quý báu tôi chỉ dành cho bản thân và những người mình yêu thương thôi.

CHÂN BƯỚC Ở NHÀ NHƯNG TRÁI TIM LUÔN HƯỚNG VỀ ĐẤT NƯỚC

Đã từ lâu lòng yêu nước đã được gửi gắm ở những con người dũng cảm ra chiến trận với khẩu súng trên tay, đằng sau là hậu phương những người phụ nữ tiếp sức và lương thực cho những người lính, là chồng, con của mình, cả nước cùng chung tay đấu tranh chống giặc giữ nước. Ngày nay, những chiến sĩ đầu chiến tuyến là các y bác sĩ, còn ở hậu phương là toàn thể người dân Việt Nam đồng lòng, hỗ trợ bằng những việc làm như quyên góp thùng mì, các dụng cụ y tế và những hình ảnh tranh vẽ ủng hộ tinh thần những "chiến sĩ" của chúng ta. Những buổi gặp nhau hay nhắn tin trên mạng xã hội không còn toàn là những câu chuyện phiếm, mà là những dòng nhắn khích lệ, động viên và là những câu chuyện đẹp mùa dịch được chia sẻ rộng rãi. Thế hệ tương lai đã và đang quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đất nước ta, và đó là điều rất đáng trân trọng.

KẾT - LUÔN GIỮ VỮNG NIỀM TIN Ở PHÚT 89!

Tôi và bạn, chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều xáo trộn. Là lúc này, hãy để bản thân ngừng chao dao, đứng thẳng lên và nhìn ra cửa sổ, có thể nơi bạn ở đang mưa, nhưng mưa vẫn không nhiều bằng những giọt mồ hôi nước mắt của những tình nguyện viên, những chiến binh áo trắng, của những con người trong họ luôn toả sáng sự tử tế và niềm yêu thương đối với đồng bào, đất nước. Hãy luôn gượng dậy mỗi khi vấp ngã, vì biết ngoài kia có bao nhiêu người đã nằm xuống vì đại dịch đau thương...
Theo lăng kính của một nguời trẻ chân ướt chân ráo như tôi, người trẻ Việt Nam, thế hệ con Rồng cháu Tiên của tương lai ít nhiều đã trang bị cho mình một cái đầu lạnh và một trái tim nóng từ những bài học vỡ lòng từ đại dịch, từ giữa những hỗn độn của cuộc sống, đốm lửa tình người đuợc thắp lên và lan toả đi khắp muôn nơi,

   từ những cung đường lớn và mọi ngách đường ngõ hẻm, đâu đâu cũng vang lên bài ca từ tiếng lòng của mỗi người trẻ:

"Việt Nam ta hướng về khát vọng chiến thắng
Ước mơ giữ trong ánh mắt
Dâng đầy tình yêu mãi trong tim này!
Việt Nam ta hướng về khát vọng chiến thắng
Tiến lên dẫu mưa dẫu nắng
Đi về cùng nhau nắm tay vai kề!"


Bắt máy là cuộc gọi xa xăm từ bên đầu chiến tuyến, bị gián đoạn bởi tiếng mưa cuối mùa vội vàng trút hết những tủi hờn, nghe cả tiếng gió xào xạc thốc qua lòng:


- Vì sao anh chọn làm bác sĩ thế?


- Vì yêu nước...