Linh Sơn - Bức tranh thủy mặc trên con đường đi tìm Núi Hồn
Chỉ sau vài ba chương đầu, ta đã biết nó là thứ mình hằng mơ tưởng bao lâu nay. Thoáng vui, thoáng buồn rồi mơ mơ tỉnh tỉnh chìm tiếp....
Chỉ sau vài ba chương đầu, ta đã biết nó là thứ mình hằng mơ tưởng bao lâu nay. Thoáng vui, thoáng buồn rồi mơ mơ tỉnh tỉnh chìm tiếp. Vui thì ai cũng rõ, buồn bởi ta đã những mong mình có thể là người đầu tiên viết ra tiểu thuyết giống như thế: một tiểu thuyết không có cốt truyện tử tế rõ ràng, cũng chẳng có nhân vật rõ ràng tử tế, tất cả là phái sinh, là bóng, là ký ức, là ảo mộng từ một mà ra.
Chẳng có nhân vật nào trong tác phẩm có tên cả, mi biết rõ điều đó, họ được phân biệt qua những đại từ nhân xưng khác nhau ‘ta’, ‘mi’, ‘hắn’, ‘nàng’. Có một ‘ta’, bởi vậy chỉ có một ‘mi’ vì ‘mi’ là phái sinh trực tiếp, là đối ảnh của ‘ta’. Có nhiều ‘hắn’; có ‘hắn’ sinh ra từ ‘mi’, ‘hắn’ ngắm nghía, ‘hắn’ lắng nghe, ‘hắn’ bình phẩm, ‘hắn’ nhận xét; nhưng cũng có những ‘hắn’ chẳng liên quan gì tới ‘ta’ và ‘mi’ chỉ là kẻ qua đường, gã trai làng, ông lão ở ngoài kia… ‘Nàng’ cũng vậy, có nhiều ‘nàng’, có ‘nàng’ bên cạnh ‘ta’, có ‘nàng’ đi theo ‘mi’, có ‘nàng’ lại ngồi cùng ‘hắn’, có ‘nàng’ áo trắng thướt tha, có ‘nàng’ tru tréo mắt long xòng xọc trong cơn hysteria, cũng có ‘nàng’ tủi phận giữa cái trấn nghèo tấm tức khóc… Mi lạc lối, quay mòng mòng trong đống đại từ nhân xưng. Tất cả chỉ là bóng mờ, dù là ai, ‘ta’, ‘mi’, ‘hắn’, ‘nàng’. Tất cả đều đi về một hướng, đi tìm Linh Sơn.
‘Ta’ vốn định đi tìm Linh Sơn những mong chữa bệnh ung thư phổi. Hóa ra là chẩn đoán nhầm, nhưng bởi vì chẩn đoán bệnh nhầm nên ‘ta’ càng phải đi tìm Linh Sơn. Bệnh bên ngoài đã mất, bệnh bên trong vẫn còn. ‘Ta’ ngược lưu sông Trường Giang, 12000 cây số, “Linh Sơn” cũng vì thế mà thành. Ta đã nói với mi, không ai trong tác phẩm có tên cả, chỉ toàn bóng mờ mờ ảo ảo, sương sương khói khói, một triển lãm “những khuôn mặt thấp thoáng, le lói”. Chuyện trong tác phẩm cũng tán loạn, tản mác, lúc chuyện xưa , lúc chuyện nay, lúc sơn tặc, mã tặc, lúc đồng cô, thầy pháp, khi lại hòa thượng, khi thì đạo sĩ… Ấy thế mà ta thích, mi say, hắn gật gù. Ta đọc ngồi một chặp, mi nghe, hắn ngợi nghĩ, rồi đổi ca, mi đọc, ta mê, hắn nghĩ. Chẳng mấy khi ba chúng ta cùng chung quan điểm, ba chúng ta cùng ngồi với nhau. Chỉ tiếc là không có nàng, bởi chưa có nàng và có chăng sẽ chẳng bao giờ có nàng.
Ta đánh dấu chương 72, thế nào là tiểu thuyết? Mi gạch chân chương 77, sự bất lực của ngôn ngữ! Hắn chỉ vào chương 81, Thượng Đế nằm ở đấy. Nhưng Linh Sơn ở đâu? Nơi nào là Núi Hồn? “Núi Hồn có lẽ ở trong ta. Nhưng ta ở về phía nào của Núi Hồn? Phía cộng hay phía trừ? Như rất nhiều nhưng chỉ một Núi Hồn. Người rất đông nhưng cái hồn người, cái người ra hồn thì sao?”*
* Câu cuối lấy từ sách giáo khoa Văn 8 do nhóm Cánh Buồm, đứng đầu là nhà giáo Phạm Toàn, biên soạn. Nhóm Cánh Buồm là một nhóm những nhà văn nhà giáo thiết tha với giáo dục mong cải tổ lại giáo dục Việt Nam. Hiện nay, nhóm đã hoàn thành hai bộ sách giáo khoa Văn-Tiếng Việt cho tiểu học và Văn-Tiếng Việt cho trung học cơ sở. Bạn nào có hứng thú tham khảo xin truy cập: http://canhbuom.edu.vn/.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất