Mình cũng là sinh viên mới ra trường, và vẫn đang tìm kiếm câu trả lời cho bản thân.
Thú thật thì, cho dù là đi làm vì đam mê, vì mức lương hay vì mục đích gì khác, ai mà chẳng muốn ra trường tìm thấy công việc mình yêu thích ngay? Vừa mới ra trường thì chắc chắn là phải có áp lực rồi: từ bạn bè, gia đình, họ hàng, v.v. Áp lực thậm chí còn đến từ chính cả bản thân chúng ta nữa. Nếu không kể đến yếu tố may mắn, việc kiếm được công việc thỏa mãn được nhu cầu bản thân thật không dễ dàng tí nào. 
Sau quá trình tìm việc vất vả và không kém phần mông lung, thời điểm bây giờ thì mình cũng đang yên vị tại một vị trí, làm một việc mà mình đang cảm thấy khá hài lòng. Mặc dù không biết nên xếp bản thân vào loại may mắn hay kiên trì, nhưng mình cũng muốn viết đôi dòng chia sẻ về trải nghiệm của chính mình, với tư cách là một sinh viên mới ra trường. 

Sinh viên mới ra trường và tình thế nan giải

Các Gen Z hiện nay đang dần tìm cho mình một chỗ đứng trong thị trường lao động. Có một nghiên cứu mình mới đọc được là đến năm 2025 thì thế hệ Z như mình sẽ chiếm khoảng 1/3 thị trường lao động Việt Nam đó ghê chưa.
<i>Gen Z đi làm đang ngày càng nhiều rồi đó!</i>
Gen Z đi làm đang ngày càng nhiều rồi đó!
Một thế hệ mới bước chân vào thị trường lao động như Gen Z tụi mình thì luôn có những nỗi băn khoăn về con đường sự nghiệp trong tương lai. Khi đi tìm việc làm, ai ai cũng ngồi mơ: nộp hồ sơ vào những tập đoàn tăm tiếng, ngồi chờ phòng tuyển dụng gửi lời mời phỏng vấn, nhận job offer rồi lên công ty check-in view sang chảnh. Nhưng thực tế đâu đơn giản vậy. 
Vào vấn đề chính, theo mình thấy thì đã là sinh viên mới ra trường thì hầu như ai cũng sợ mấy anh chị tuyển dụng hỏi về “kinh nghiệm làm việc”. Mỗi khi nhìn vào chiếc CV trống hoác phần kinh nghiệm làm việc, ý định tìm việc lại bắt đầu lung lay. Cứ như là ác mộng ấy, ngồi phỏng vấn mà cứ sợ bên kia nhìn CV rồi “động chạm” đến vấn đề nhạy cảm. 
Thời sinh viên của mình chỉ có sáng cắp sách lên trường tối về nhà, đào đâu ra kinh nghiệm mà trình bày với người ta? Đã vậy, những job lọt vào tầm ngắm của mình chỉ toàn yêu cầu vài năm kinh nghiệm, huhu đi xin việc đàng hoàng còn chưa từng mà bắt bí quá…

Trước hết, theo bạn “job ngon” là gì?

Có người chọn công việc để thỏa mãn đam mê. Có người chọn công việc vì mức lương cao và chế độ phúc lợi tốt. Có người lại chọn công việc vì được trao cơ hội để chứng tỏ bản thân, để được công nhận. 
Mình thì tham lam lắm, job phải thỏa mãn các yếu tố trên thì mới đánh giá là ngon. Mà ngặt cái là job ngon được mấy nơi không yêu cầu kinh nghiệm đâu, nếu có thì cũng là bọn học siêu giỏi hoặc du học sinh chiếm chỗ hết rồi.
Thiệt tình thì job ngon ở đâu cũng có. Đầy rẫy. Như mấy tên học IT kìa, ra trường chỗ này chỗ kia tranh nhau nhận, lương thưởng thì thôi khỏi nói, có cần nghĩ ngợi kinh nghiệm gì đâu. Nghĩ mà thèm. 
Ờ thì ai cũng biết chuyện đó. Nhưng đó là những trường hợp “thời tới cản không kịp” không bàn tới nha. Nhu cầu thị trường nó vậy…

Không có kinh nghiệm, không nên mơ ước?

Nói như vậy thì sinh viên bọn mình hết cách rồi à? Thật sự không có cơ hội nào để có được công việc mơ ước hay sao?
Không hẳn nhé. Thời đại công nghệ số giờ phát triển lắm rồi, thị trường lao động cũng theo đó mà thay đổi. Nếu chỉ nhìn vào mỗi phần kinh nghiệm đi làm thôi mà ngó lơ các thành tựu khác của ứng viên thì quả thực cũng bất công lắm. Gen Z giờ giỏi lắm, nhà tuyển dụng mà còn giữ tư tưởng đó hoài thì cũng bỏ lỡ cả rổ nhân tài.
Biết bản thân không có nhiều kinh nghiệm cho vị trí muốn ứng tuyển, bạn có chấp nhận mọi mức lương và yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra không? 
Có một điều mình nhận ra: kinh nghiệm không phải là tất cả. Thay vì cứ tự ti về điểm yếu đó và gật đầu trước mọi công việc không vừa ý mình, chúng ta nên tập trung tô điểm những thế mạnh khác của bản thân và tự tin nộp hồ sơ vào những nơi mình yêu thích. 
Trước khi ra trường ít lâu thì mình cũng được các anh chị và bạn bè xung quanh cho biết là đi xin việc cũng là một dạng kỹ năng. Biết thì biết thế nhưng rồi để đó, sau này ra trường cứ nhắm chỗ nào thấy thích thì nộp hồ sơ bừa, thế nào cũng có chỗ nhận. Giờ mới thấy cảnh, nộp hoài nhưng không bên nào gửi cho cái mail chúc mừng mới khổ chứ!

Bí kíp gì đã giúp mình xua tan nỗi lo kinh nghiệm làm việc?

Làm gì cũng phải có chiến lược (đặc biệt là đi làm). Lang thang trên mạng rồi mình cũng tìm thấy thứ mình cần bấy lâu nay, đó chính là cẩm nang nghề nghiệp dành riêng cho Gen Z hay sinh viên mới ra trường nói chung. Có một cuốn báo cáo dành riêng cho Gen Z như mình thì tội gì không đọc. Vừa hay lại có thứ mình cần.
À quên, trong cuốn cẩm nang đó còn tổng hợp thông tin từ podcast Nhâm Nhi Chuyện Nghề với cả phỏng vấn nhiều anh chị làm nhân sự. Nghe kinh nghiệm phỏng vấn và xin việc từ chính các headhunter thì đã là bổ ích nhất rồi ấy nhỉ.
Sau đây là một số thông tin khá hữu ích mình chắt lọc được từ cuốn ebook:

Siêng năng và chăm chỉ 

Hiện nay số công việc phù hợp với khả năng của các sinh viên vừa tốt nghiệp cũng không phải ít. Những vị trí trên thường là sơ cấp, không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm từ các bạn, việc apply vào cũng phần nào đơn giản dễ thở hơn rồi. Thay vì chỉ tập trung vào lương thưởng và dò la xem công ty một năm cho đi company trip bao nhiêu lần, hãy tập trung nâng cao trình độ và tích lũy kinh nghiệm với những vị trí này.
Không có kinh nghiệm gì cũng tốt đấy chứ, bạn sẽ hiểu rằng bước đường sự nghiệp còn rất dài và thú vị, điều mình cần là học hỏi và tiến bộ nhiều hơn. Cứ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người rất thích học hỏi và cống hiến, khả năng tiến bộ của bạn là có. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn giữ lại những nhân sự có thái độ cầu tiến và chăm chỉ.

Tập trung vào những kỹ năng mình đang có 

Trong suốt quãng thời gian đi học, có thể bạn đã thành thạo một số kỹ năng trong vô thức như tin học văn phòng, kỹ năng chuyên môn, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề. Tập trung vào những kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu trong bảng mô tả công việc (job description), nếu thấy trùng khớp với những kỹ năng bạn có thì đừng ngại thể hiện trong buổi phỏng vấn.

Nhắc đến các hoạt động xã hội

Thời sinh viên thì mình cũng có tham gia vài câu lạc bộ gì đó, may mắn là vì thế còn có thông tin để điền vào hồ sơ. Nếu phần kinh nghiệm làm việc trống trải quá, bạn có thể điền vào đó những dự án mình đã tham gia (vai trò, công việc, kết nối, thành quả, bài học, v.v.). Nếu trình bày rõ ràng về những gì mình đạt được thông qua các hoạt động đó, bạn cũng có thể gây ấn tượng không kém gì kinh nghiệm làm việc đâu.

Bắt đầu với những vị trí thực tập 

Trường hợp xấu nhất là gì? Bạn không tìm thấy công việc khiến mình hài lòng. Đừng bỏ cuộc, hãy xin chân thực tập hoặc thậm chí là đi làm không công (không tệ lắm đâu, nếu điều kiện của bạn cho phép). Không những có kinh nghiệm, bạn còn xây dựng được mối quan hệ với nhiều người trong ngành và gây được ấn tượng tốt vì tinh thần ham học hỏi của bản thân.

Thôi, kết bài

Về cụ thể từng vấn đề như thế nào, các bạn có thể tìm hiểu chi tiết qua cuốn cẩm nang mình có nhắc tới bên trên đó, kéo xuống phần interview trong đó để xem nha.
Mới viết đây mà cũng dài rồi. Nếu có thêm kiến thức hay bạn nào đó comment ủng hộ mình viết tiếp thì mình sẵn lòng viết tiếp thoai. 
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc một bài chia sẻ thẩn thơ “hơi ngắn” của mình!!! Chúc các bạn tìm được công việc yêu thích nha. Mình hiểu là ai cũng cần tiền, nhưng đi tìm việc đừng nhìn lương nhiều quá nha, các sinh viên mới ra trường ơi.