Liệu cuộc đời chỉ có 12 quy luật?
Mình rất thích những quy luật hay những nguyên lý của tất cả mọi thứ. Sẽ có nhiều người thích trải nghiệm sau đó rút ra nguyên lý cho...
Mình rất thích những quy luật hay những nguyên lý của tất cả mọi thứ. Sẽ có nhiều người thích trải nghiệm sau đó rút ra nguyên lý cho chính bản thân, nhưng cũng sẽ có những người như mình, tìm hiểu những nguyên lý trước, sau đó chọn từng cái ra thực hành cho đến khi tìm được cái phù hợp. Bạn sẽ thấy có những người khi bắt tay vào làm cái gì đó, họ đơn giản là bắt tay vào làm ngay và luôn, xong làm sai, hỏi han rồi làm lại. Nhưng đối với mình, mình sẽ đi tìm cái công thức tổng quan trước, có thể là từ ai đó đã từng thành công hoặc từ sách vở, sau đó mình áp dụng từng cái một cho đến khi tìm được cái đúng với bản thân. Chính vì vậy, đây cũng là cách mà mình tiếp cận với cuốn sách 12 quy luật cuộc đời được viết bởi nhà tâm lý học lâm sàng Jordan B.Peterson.
Đây không phải là lần đầu mình tìm đọc một tựa sách mang tính quy luật về cuộc đời, chính bản thân mình tin rằng, cuộc đời mỗi người là mỗi khác nhau, và các quy luật chỉ mang tính tham khảo, tự bản thân mỗi người áp dụng như thế nào lại là một câu chuyện rất khác. Tuy nhiên, mình vẫn bị hấp dẫn bởi nó vì mình tin rằng vẫn sẽ còn những bài học mà mình chưa biết, khi mình áp dụng nó thì mình sẽ hiểu bản thân hơn và tìm ra một giải pháp sống hạnh phúc và trọn vẹn hơn.
Thực sự cuốn sách này không quá xuất sắc như mình kỳ vọng, mình không biết là do người dịch hay là do nó viết quá sâu về tâm linh và tâm lý nên mình không hiểu trọn vẹn được nó. Các quy luật tiêu đề của nó thì rất hay, nhưng khi đọc từng chương thì thấy câu văn rất dài dòng và khó hiểu, có những đoạn câu sau đá câu trước khiến mình rất khó bắt được ý của tác giả. Mình đọc được hơn 2/3 cuốn và phải dừng lại, dù vậy, vẫn có một số bài học mà mình tích góp được trong quá trình đọc.
1. Yêu thương bản thân (Quy luật 2: Đối xử với bản thân như thể đó là người mà bạn có trách nhiệm giúp đỡ)
Chúng ta được dạy là hãy yêu thương người khác, thậm chí quên mình để hy sinh cho người khác. Mình biết rằng trong cuộc sống vẫn có những người như vậy, họ chịu phần thiệt của mình rất nhiều để hy sinh cho người khác và cho rằng đó là ý nghĩa sống. Mình thì hơi ngược lại, mình cho rằng, đôi khi các mối quan hệ phải win-win, tức hay bên đều phải có lợi, đồng ý là cũng không phải là quá cứng nhắc lúc nào cũng như thế, chẳng hạn với người thân thì không nên quá rạch ròi như vậy. Thực ra điều này cũng được các cụ của chúng ta dạy trước đây: Thương người như thể thương thân. Hoặc chúng ta hay chia sẻ với nhau câu nói: Hãy đối xử với người khác như thể cách bạn muốn họ đối xử với bạn. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy ý của hai câu trên không bảo là bạn phải tỏ ra tử tế. Bởi vì sao, bởi vì có nhiều người quá tốt dẫn đến bị lợi dụng, đồng ý là bạn nghĩ cho người khác nhưng không phải “người khác” nào cũng sẽ nghĩ cho bạn. Chúng ta có nguồn lực giới hạn và phải học cách cư xử một cách khéo léo và chân thành với những ai thực sự quan trọng trong cuộc đời mình. Hai câu nói trên mang tính hai chiều, chứ không phải chỉ một chiều, tức như mình nói ở trên là win-win, trong một mối quan hệ mà cứ 1 người phải chịu thiệt nhân danh “sống tốt và hy sinh cho người khác” thì mình tin đó là mối quan hệ lợi dụng và độc hại.
Đối với mình, với những ai thích cư xử 1 chiều, thì mình sẽ giữ tính trung lập với họ. Vì nếu chúng ta cũng cư xử thô lỗ như cách họ đối xử với mình, thì chúng ta cũng không khác gì họ là bao.
Vậy thì hãy học cách yêu thương bản thân mình trước, để tâm hồn được chữa lành, để tâm trí được tỉnh táo, khoẻ mạnh rồi hẵng đi thương người khác. Mình tin là sẽ rất khó để bạn yêu thương người khác khi chính bạn còn đang bị tổn thương mà chưa được chữa lành. Đến ngay cả bản thân của bạn mà bạn còn bỏ bê thì bạn lấy gì mà đi “Thương người như thể thương thân” đây?
2. Nói sự thật ( Quy luật 8: Hãy nói sự thật, hoặc chí ít cũng đừng nói dối)
Mình nghĩ cách hay nhất để hiểu bản thân hơn là dám nhìn vào sự thật và nói ra sự thật. Sự thật là bạn không hoàn hảo như bạn nghĩ đâu, sự thật là bạn còn quá nhiều khiếm khuyết, nhưng bạn phải dám nhìn vào đấy và từ từ khắc phục nó. Bạn dốt cái gì đấy thì bạn có dám nhận mình dốt không? Có dám thừa nhận mình đã không làm được và cam kết lần sau mình sẽ làm tốt hơn? Việc nhắm mắt cho qua không giúp ta giải quyết được vấn đề, mà phải ngồi xuống, viết ra sự thật rằng còn rất nhiều vấn đề đang tồn đọng.
Đấy là vế nhìn thật, còn nói thật thì sao? Khi chúng ta dám thành thật với bản thân, và có thể nhìn nhận đúng vấn đề, thì tiến thêm một bước nữa, chúng ta phải học cách thành thật với người khác. Trừ khi bạn có một bộ não siêu việt để có thể nhớ những thứ bạn đã nói dối để mà tiếp tục bịa ra những câu chuyện logic. Hãy hiểu một cách đơn giản, khi bạn vẽ ra cho người khác một thứ không phải là sự thật, thứ nhất là bạn đã không sống thật, và thứ hai là bạn phải đú theo những cái bạn đã vẽ ra, và điều đó khiến bạn mệt mỏi. Hãy hình dung xem, khi mọi người nhìn vào thứ bạn đang vẽ ra, họ tin vào điều đó, bằng cách vô thức nào đó, bạn không sống đúng với thứ bạn vẽ ra, thì mọi người xung quanh sẽ không còn tin tưởng ở bạn, bạn sẽ mất kết nối, mọi người sẽ đề phòng bạn, rồi bạn tự đưa mình vào thế khó. Không gì tệ hơn bằng sự mâu thuẫn nội tâm khi sống trong sự giả dối cả, nhưng bạn đừng hiểu lầm, sống thật không có nghĩa là thật thà, mà là thẳng thắn với bản thân và cư xử một cách khéo léo, dám nhìn vào sự thật dù nó có đen tối thế nào đi chăng nữa, để rồi mạnh mẽ hơn trên con đường phát triển bản thân.
Cuối cùng, mình nghĩ rằng điều quan trọng không phải là 12 quy luật hay 100 quy luật sống, mà là thực sự quy luật nào phù hợp nhất với bản thân, để tự thân mỗi người áp dụng nó để hiểu bản thân hơn và tiến bộ qua từng ngày.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất