Liệu con người có phải loài đầu tiên và duy nhất có trí thông minh? Nếu đúng vậy thì tại sao lại là con người mà không phải một loài nào đó khác trong quá khứ? Sự sống trên Trái Đất đã có 4 tỷ năm phát triển. Đó là khoảng thời gian rất rất dài, đủ để những sinh vật thông minh xuất hiện nhiều lần. Nhưng rốt cuộc thì con người là duy nhất. Tại sao lại thế?
Liệu con người có phải loài đầu tiên và duy nhất có thể xây dựng nền văn minh?
Liệu con người có phải loài đầu tiên và duy nhất có thể xây dựng nền văn minh?
Dựa vào những gì ngành khảo cổ học thu thập được từ trước tới nay, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng con người là loài đầu tiên và duy nhất xây dựng được nền văn minh. Nếu một nền văn mình cổ xưa như vậy từng tồn tại, nó chắc chắn phải để lại dấu vết. Ngay cả những bộ xương từ hàng trăm triệu năm trước còn có thể được nhận diện thì không lý gì những dụng cụ kim loại hoặc kiến trúc bê tông lại biến mất hoàn toàn. Nhân loại đã cày xới mặt đất suốt nhiều thế kỷ nhưng vẫn chưa tìm thấy bất cứ dấu vết nào. Gần như chắc chắn rằng Trái Đất chưa từng có bất cứ nền văn minh nào trước khi con người xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao.
Sự sống đã xuất hiện trên Trái Đất được khoảng 4 tỷ năm. Đó là một khoảng thời gian rất rất dài, đủ để mọi phương thức sinh tồn đều có cơ hội được thử nghiệm. Một số loài tiến hóa để trở nên thật to lớn, qua đó tránh được việc trở thành con mồi cho kẻ khác. Một số loài khác lại tiến hóa theo hướng trở nên thật nhỏ bé và lấy số lượng làm lợi thế sinh tồn cho bản thân. Cũng có loài chọn lựa tốc độ, khả năng ngụy trang, chế độ ăn uống đa dạng, hoặc khả năng thích nghi ở những nơi mà không kẻ săn mồi nào có thể bén mảng đến. Có vô số yếu tố khác nhau mà các loài sinh vật chọn lựa làm lợi thế cho bản thân trong cuộc chiến sinh tồn khắc nghiệt. Và trí thông minh là một trong số đấy.
Nhưng điều đặc biệt là chỉ có duy nhất con người lựa chọn nó trong suốt 4 tỷ năm tiến hóa của sự sống trên hành tinh. Bạn có thấy điều này kỳ lạ không? Có vô số loài to lớn như voi, hoặc thậm chí to hơn trong quá khứ. Và chắc chắn những loài săn mồi nhanh nhẹn như báo cũng không hề hiếm trong lịch sử Trái Đất. Chuột cũng không phải loài duy nhất có chế độ ăn uống đa dạng. Chim cánh cụt cũng không phải loài duy nhất sống ở nơi có điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Nhưng con người là loài duy nhất có trí thông minh. Vì sao lại thế?
Câu trả lời là bởi vì trí thông minh có một cái giá rất đắt. Bộ não siêu hạng của chúng ta chỉ chiếm 2% khối lượng nhưng lại tiêu thụ đến 30% năng lượng của toàn bộ cơ thể. Như vậy, một loài vật có trí thông minh chỉ tồn tại được nếu môi trường sống của nó rất dồi dào thức ăn. Đó là điều kiện tiên quyết đầu tiên.
Ngoài ra, chế độ ăn của nó phải rất đa dạng. Điều này là để đảm bảo rằng sinh vật không lệ thuộc vào một loại thức ăn duy nhất. Bởi nếu vậy, đời sống của nó sẽ rất bấp bênh. Chỉ cần một đợt thiên tai xảy ra gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm có thể xóa sổ toàn bộ quần thể của chúng. Ngoài ra, việc ăn được nhiều loại thực phẩm còn cho phép sinh vật dễ dàng di cư đến những vùng địa lý khác, qua đó giảm thiểu nguy cơ bị tuyệt chủng. Bởi nếu 1 khu vực nào đó bị thiên tai khiến quần thể sinh vật tại đó bị xóa sổ thì vẫn còn những quần thể khác tồn tại ở các khu vực cách xa.
Gấu trúc hoặc gấu bắc cực là những ví dụ điển hình cho sự bất lợi khi lệ thuộc quá nhiều vào 1 nguồn thực phẩm duy nhất. Với gấu trúc, thức ăn chủ đạo của chúng là tre trúc. Và nếu một thảm họa nào đó xảy ra với những rừng trúc này thì chúng coi như bị xóa sổ. Còn với gấu bắc cực, việc lệ thuộc quá nhiều vào thịt hải cẩu khiến chúng có nguy cơ sẽ biến mất hoàn toàn trong thế kỷ 22 khi mà tình trạng ấm lên toàn cầu làm cho cơ hội săn hải cẩu của chúng ngày càng nhỏ lại.
Loài gấu trắng có nguy cơ sẽ biến mất trong thế kỷ này
Loài gấu trắng có nguy cơ sẽ biến mất trong thế kỷ này
Nhưng ngay cả khi có nguồn cung thực phẩm dồi dào và chế độ ăn uống đa dạng thì một sinh vật có trí thông minh vẫn có thể bị xóa sổ nếu môi trường sống trở nên khắc nghiệt quá nhanh. Có thể lấy loài gấu túi koala làm ví dụ.
Đây là loài động vật có vú sở hữu bộ não nhỏ nhất khi so với kích thước cơ thể. Với khối lượng vỏn vẹn 19,2 gram, bộ não của một con koala trưởng thành chỉ lấp đầy 60% kích thước của hộp sọ. Điều này thật kỳ quặc phải không? Tại sao chúng lại có khoảng trống trong hộp sọ chứ? Câu trả lời là bởi vì trước kia não của chúng không nhỏ đến vậy.
Australia, quê hương của koala, đã từng có thời kỳ ẩm ướt hơn hiện tại rất nhiều. Nhờ vậy, các loại thực vật phát triển mạnh mẽ, tạo nên một nguồn cung thực phẩm dồi dào cho koala, cho phép chúng phát triển một bộ não lớn. Tuy nhiên sau đó, khí hậu dần trở nên khô cằn, nguồn cung thực phẩm sụt giảm. Lá bạch đàn trở thành lựa chọn duy nhất dành cho những sinh vật này. Chúng buộc phải tiến hóa theo hướng giảm dần kích thước bộ não và giảm khả năng cũng như cường độ vận động để tiết kiệm năng lượng. Kết quả là ngày nay, chúng ta có những con koala chậm chạp, lười biếng, với một bộ não nhỏ xíu.
Câu chuyện của koala cho thấy rằng nguồn cung thực phẩm không chỉ cần dồi dào mà còn phải ổn định trong khoảng thời gian đủ dài để sinh vật phát triển đến ngưỡng có thể xây dựng nền văn minh. Và khi nhìn vào những thảm họa tự nhiên có thể xóa sổ loài người, tôi nhận thấy rằng chúng ta đã rất rất may mắn khi vẫn còn đứng trên mặt đất.

Thảm họa số 1: siêu núi lửa

Vị trí các siêu núi lửa trên bề mặt Trái Đất
Vị trí các siêu núi lửa trên bề mặt Trái Đất
Chúng là những núi lửa mạnh nhất trên hành tinh. Có khoảng 20 siêu núi lửa phân bố khắp bề mặt Trái Đất. Những vụ phun trào của chúng được xếp vào bậc cao nhất trong thang đo 8 bậc của núi lửa. Nổi tiếng nhất trong số này có lẽ là siêu núi lửa Yellow Stone tại bang Wyoming nước Mỹ. Nếu nó phun trào, toàn bộ những người sống trong vòng bán kính 1000 km sẽ tử vong trực tiếp, và toàn bộ vùng Bắc Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, lượng bụi khổng lồ mà nó đẩy vào khí quyển cũng sẽ tạo nên một kỷ băng hà nhỏ. Nhiệt độ Trái Đất sụt giảm hàng chục độ trong vòng hàng thập kỷ. Ngày nay, một vụ phun trào kiểu này không thể tiêu diệt toàn bộ loài người.
Nhưng bạn hãy nhìn vào bản đồ xem. 2 trong số các siêu núi lửa nằm tại Đông Phi. Đó cũng chính là quê hương của loài người. Chúng ta bắt đầu di cư ra khắp Trái Đất vào khoảng 70.000 đến 100.000 năm trước. Sẽ thế nào nếu 1 trong 2 hoặc cả 2 siêu núi lửa này phun trào trước khi cuộc di cư đó xảy ra? Đó chắc chắn là một thảm họa diệt vong. Và nhân loại sẽ không có cơ hội xây dựng nền văn minh hoặc để lại dấu vết về trí tuệ siêu việt của mình trên mặt đất.
Trên thực tế, các nhà khoa học tin rằng thủ phạm gây ra cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất chính là núi lửa. Sự kiện này xảy ra 250 triệu năm trước. Hoạt động núi lửa mạnh bất thường đã giải phóng một lượng khổng lồ khí carbonic và methane vào khí quyển, đẩy mạnh hiệu ứng nhà kính và khiến nhiệt độ Trái Đất tăng đột ngột. Có tới 95% số loài trên Trái Đất bị diệt vong bởi biến cố khủng khiếp này.
Và nếu chúng ta không tự hủy diệt mình hoặc không bị hủy diệt bởi bất cứ thiên tai nào khác thì chắc chắn 100% là trong tương lai sẽ xảy ra một vụ phun trào quét sạch loài người khỏi mặt đất. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Thảm họa số 2: thiên thạch

Sự kiện thiên thạch xóa sổ một loài sinh vật khi nó đang nắm giữ vị thế thống trị hành tinh đã xảy ra ít nhất 1 lần trong quá khứ. Đó là vào 65 triệu năm trước với nạn nhân là khủng long. Cũng giống như núi lửa, tác động đáng sợ nhất của một sự kiện va chạm thiên thạch không phải là vụ nổ trực tiếp của nó, mà là những thay đổi về khí hậu nhiều năm sau đó. Những đám bụi được tung vào khí quyển có thể phủ kín bầu trời, khiến nhiệt độ Trái Đất sụt giảm hàng thập kỷ. Đó sẽ là một thảm họa diệt vong, đặc biệt với những loài sinh vật máu lạnh như bò sát.
Trên thực tế, thiên thạch ghé thăm Trái Đất khá thường xuyên. Dẫu vậy, phần lớn chúng chỉ có kích cỡ tương đương một cái ô tô. Những tảng đá nhỏ này không gây bất cứ tác động nào lên sự sống trên hành tinh. Bởi chúng sẽ ma sát với khí quyển và bị bào mòn hết trước khi kịp chạm tới mặt đất. Trong quá trình ma sát và bào mòn này, bề mặt của chúng nóng đến mức phát sáng và tạo thành một vệt sáng quét ngang bầu trời mà người ta gọi là sao băng. Nhưng thỉnh thoảng, các thiên thạch lớn hơn có thể ghé thăm và tạo nên những vụ nổ. Năm 1908, một thiên thạch với kích thước khoảng 60 mét đã rơi xuống vùng Siberia của Nga, tạo thành một vụ nổ lớn. Nó khiến 60 triệu cây cối trong một vùng có diện tích tương đương thành phố Hồ Chí Minh bị đổ rạp. Dẫu vậy, nó vẫn không đủ lớn để gây nên một thảm họa toàn cầu.
Để hủy diện nhân loại, thiên thạch phải có kích thước vào khoảng 10 đến 16 km. Khả năng một hòn đá như vậy ghé thăm chúng ta là 1/10.000.000. Nói cách khác, biến cố này cực kỳ khó xảy ra. Và cứ giả sử rằng nó đang tiến đến thì với công nghệ vũ trụ hiện tại, nhân loại sẽ đủ sức để làm nó chệch hướng ngay từ trong không gian và tránh được vụ va chạm.
Bạn có lẽ nghĩ rằng vì thế mà nó chẳng đáng bận tâm tới. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ kỹ một chút. Xác xuất xảy ra biến cố trong mỗi thời điểm là rất nhỏ. Nhưng khi xét trong một khoảng thời gian rất dài thì sao? Hàng chục triệu năm chẳng hạn. Khi đó, chúng ta thấy rằng khả năng xảy ra một thảm họa như vậy là thật sự hiện hữu. Và nên nhớ rằng con người chỉ mới vươn vào không gian từ năm 1957. Nếu một thiên thạch hủy diệt ghé thăm Trái Đất trước thời điểm này, chúng ta không có cơ hội sống sót. Và nếu nó ghé thăm trước khi cách mạng nông nghiệp xảy ra cách đây 12000 năm, sẽ chẳng có nền văn minh nào được xây dựng.

Thảm họa số 3: siêu bão mặt trời

Khoảng 11 năm một lần, Trái Đất lại hứng chịu một cơn bão mặt trời gây ảnh hưởng đến hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu. Tuy nhiên, đó là những cơn bão bình thường. Các nhà thiên văn học đã quan sát nhiều ngôi sao có độ tuổi và khối lượng tương đương Mặt Trời, và họ phát hiện ra rằng thỉnh thoảng chúng lại tạo ra một đợt siêu bão với sức mạnh gấp hàng triệu lần thông thường. Chúng ta không biết liệu Mặt Trời có làm điều tương tự hay không. Nếu có, chắc chắn nó sẽ quét sạch toàn bộ sinh vật trên mặt đất, chỉ có những loài sống dưới biển sâu và lòng đất là có cơ hội sống sót.
Ngoài ra còn một số thảm họa khác có thể quét sạch loài người, như sự biến mất của tầng ozone, sự thay đổi của từ trường Trái Đất, hoặc một đại dịch nào đó. Bất cứ thảm họa nào xảy ra trước cuộc cách mạng nông nghiệp cũng sẽ xóa sổ loài người, và không nền văn minh nào có cơ hội được xây dựng trên mặt đất.
Phân tích như vậy để thấy rằng việc một loài sinh vật có thể tiến hóa để trở nên có trí tuệ và xây dựng được nền văn minh là cực kỳ hy hữu. Chúng ta đã rất may mắn khi không phải hứng chịu những thảm họa diệt vong trong một khoảng thời gian đủ dài.
Và tôi cho rằng rất có thể trong qua khứ đã có những sinh vật cũng đang trên con đường tiên hóa để trở nên thông minh, nhưng quá trình tiến hóa ấy bị chặn đứng bởi một thảm họa. Hoặc cũng có thể đã thực sự xuất hiện một sinh vật thông minh như con người, nhưng nó bị tiêu diệt trước khi kịp xây dựng nền văn minh, và vì thế không để lại bất cứ dấu hiệu nào về khả năng trí tuệ của mình trong những lớp đất đá cổ xưa.
Đúc kết lại, tôi cho rằng có 2 nguyên nhân khiến con người là sinh vật đầu tiên và duy nhất xây dựng được nền văn minh, bất chấp việc sự sống đã có một khoảng thời gian rất dài lên đến 4 tỷ năm để phát triển.
Thứ nhất: trí thông minh có một cái giá rất đắt, nó đòi hỏi sinh vật phải có một chế độ ăn rất đa dạng cùng nguồn thức ăn rất dồi dào từ môi trường sống.
Thứ hai: nhân loại đã cực kỳ may mắn khi trải qua một quãng thời gian dài không gặp bất cứ thảm họa diệt vong nào. Chỉ cần một thảm họa xảy ra trước khi chúng ta kịp di cư ra khắp Trái Đất, hoặc trước khi cách mạng nông nghiệp diễn ra, con người sẽ không có cơ hội để lại những dấu hiệu về trí thông minh của mình trên mặt đất.
Chúng ta là loài đầu tiên xây dựng được nền văn minh, chắc chắn rồi. Nhưng liệu chúng ta có phải loài đầu tiên có trí thông minh? Hay đã từng xuất hiện một sinh vật nào đó giống như chúng ta nhưng bị xóa sổ trước khi kịp xây dựng nền văn minh? Không ai có thể trả lời được một cách chắn chắn. Nhiệm vụ giải đáp câu hỏi này xin dành lại cho các thế hệ tương lai.