Suốt gần tuần nay mình ngồi suy ngẫm về sự tan vỡ. Tìm kiếm trên mạng internet, hầu hết những câu nói liên quan đến sự tan vỡ đều thể hiện một quan điểm rằng: sau đau khổ, tan vỡ, con người ta sẽ học được những bài học quan trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.
Người Nhật có nghệ thuật sửa chữa gốm sứ gọi là kintsugi. Kin nghĩa là vàng, tsugi nghĩa là hàn gắn, nghĩa đen là ‘gắn lại bằng vàng’. Các mảnh vỡ của một đồ gốm có thể được nhặt nhạnh lại, sau đó các mảnh được ghép và gắn lại với nhau một cách cẩn thận bằng một thứ keo có chứa bột vàng. Ý nghĩa đằng sau việc làm này là chúng ta không cố gắng che dấu những tổn thương, và mỗi vết thương đều có triết lý cũng như vẻ đẹp riêng của nó.
Một nghệ thuật đầy tinh tế và có hàm ý sâu xa. Nhưng mình cũng tự hỏi bản thân, trong trường hợp đồ bằng gốm vỡ ra thành bốn hay năm mảnh, chúng có thể được sửa chữa lại bằng kintsugi, nhưng nếu chúng bị va chạm quá mạnh hay rơi từ một độ cao đến mức chúng bị vỡ tan thành những mảnh nhỏ không thể hàn gắn được nữa. Điều gì sẽ xảy ra?
Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ trải qua mỗi lần một sự đổ vỡ như đổ vỡ trong tình yêu, trong tình bạn, trong công việc, những lựa chọn dại dột, những ước mơ không thể thực hiện. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phải chịu đựng quá nhiều sự đổ vỡ, mất mát cùng một lúc? Liệu có một ngưỡng cho sự tan vỡ? Đồ gốm vỡ thành vài mảnh sẽ được hàn gắn và tô điểm đẹp đẽ hơn bằng sơn mài trộn bột vàng hoặc sẽ vỡ tan thành cát bụi không thể hàn gắn? Điều này cũng tương tự với con người chúng ta?
‘Tan vỡ’ ở đây theo mình chỉ là một phép nói ẩn dụ về mặt cảm xúc. Khi những đau khổ xảy ra, chúng ta không thực sự ‘tan vỡ’. Chúng ta chỉ cảm nhận như mình ‘tan vỡ’ mà thôi. Chúng ta không phải là những mảnh gốm và sẽ chẳng có vết thương nào hiện lên trên da thịt cơ thể vật lý của chúng ta hết. Do vậy, chúng ta không thể ‘tan vỡ’ được, không phải bởi vì chúng ta đẹp lên hay mạnh mẽ hơn sau mỗi lần đổ vỡ mà bởi vì qua những khổ đau, chúng ta có cơ hội để làm việc với chính mình.
Đi qua đổ vỡ chúng ta lại hiểu về mình thêm một chút.
(Hà Nội, ngày 25/03/2021)
(Nguồn ảnh: unsplash.com)