Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Mong bạn đừng đọc tiêu đề rồi vô phần bình luận mà "ném đá" mình vội mà hãy đọc hết bài. Bài viết này chỉ là tổng hợp thông tin mà mình đọc được, và chia buồn nếu bạn không còn nhìn chú chó cưng của bạn theo góc nhìn cũ nữa. Đừng lo, chúng vẫn rất thông minh, chỉ là không phải thông minh theo cách bạn tưởng.
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng một con thú mà bị bệnh thần kinh thì nó sẽ như thế nào? Tại sao chúng ta nghe rất nhiều về đủ loại bệnh thần kinh, tâm lý ở con người như tâm thần phân liệt, bệnh trầm cảm, nhưng còn ở động vật ta hầu như không nghe gì đến? Mình đang nói đến những con vật sinh trưởng tự nhiên, không bị giam cầm và đánh đập như trong sở thú hay rạp xiếc.
Hãy nhìn những con chó xem, chúng là loài động vật nuôi phổ biến bậc nhất trong xã hội loài người, và hẳn bạn đã gặp hàng trăm, hàng nghìn con chó và bạn chưa từng nghe đến con chó nào bị "tâm thần phân liệt"".
Nhưng có một sự thật buồn là đa số những chú chó mà bạn gặp đều bị thiểu năng.
Hãy tìm hiểu vấn đề gián tiếp qua câu chuyện sau về loài cáo.
Vào những năm 1950, những nhà khoa học Nga đã thành công trong việc thuần hóa những con cáo. Đây được coi là một kỳ tích. Việc thuần hóa loài vật đã diễn ra từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên của loài người đã thành công trong việc thuần hóa chó và mèo để biến chúng thành vật nuôi cũng như bạn hữu trong cuộc sống. Cừu, dê và nhiều loài động vật khác cũng bị vậy. 
Nhưng cáo là một loài đặc biệt. Loài người đã cố gắng thuần hóa loài cáo từ nhiều thế kỷ trước nhưng họ luôn thất bại. Những loài cáo khác nhau dường như đã được khắc sâu bản tính hoang dã vào trong não bộ, khiến chúng luôn luôn từ chối bị khuất phục bởi loài người.


Đọc thêm:

Nhà sinh vật học David Macdonald đã cố gắng nuôi những con cáo ở nhà và kể về sự kiện đó trong quyển sách Running with the Fox. Ông không giữ được những con cáo này lâu trong nhà, chúng sẽ phá nát đồ đạc, cào xé và làm rối tung mọi thứ. Một vài người khác cũng cố gắng thử thuần phục loài cáo nhưng cũng gặp thất bại tương tự.
Ngay cả khi một con cáo được sinh ra trong nhà của con người, chúng vẫn không chấp nhận loài người. Richard Bowler, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình động vật hoang dã, đã đem vài con cáo về nhà nuôi và chúng đã đẻ con ở đấy. Tuy vậy ông ghi nhận rằng những con cáo con vẫn "đầy tính hoang dã".
Chúng ta không nên nhầm giữa việc quen thuộc với con người và việc bị thuần hóa. Ở vài thành phố ở Anh, có những con cáo đã quen với loài người, khi thấy người đi qua chúng cứ đứng nhìn thay vì trốn đi và chúng thậm chí còn quen với việc được cho ăn. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là chúng đã bị thuần hóa. Chúng sẽ chẳng bao giờ chịu chung sống chung nhà với loài người.
Vào những năm 1950s, một nhà khoa học về gien di truyền ở Nga là Dmitry K. Belyaev đã quyết định thử nghiệm việc thuần hóa loài cáo. Cùng với đồng sự của mình là Trut, Belyaev đã đi vòng quanh các trại nuôi cáo lấy lông ở Liên Bang Xô Viết để chọn những con cáo thuộc các loài khác nhau về nuôi. Ông đã chọn những con cáo dựa theo đúng một tiêu chí: ít có yếu tố hoang dã, tức chúng dễ dàng nghe theo con người.
Trut kể lại rằng: "Nhiệm vụ chính ở giai đoạn này là loại bỏ đi sự chống đối với loài người". Do đó những con vật thân thiện, cho phép con người chạm vào, dù chỉ là chốc lát, đều được chọn ra. Có khoảng 10% số cáo trong tổng số con ở các trang trại đã dược chọn ra theo điều kiện đó. 
Họ để chúng giao phối và đẻ con, sau đó họ lại lọc ra tiếp những con cáo con được đánh giá là ngoan ngoãn sau 2 tháng rưỡi quan sát. Những con cho thấy sự khó chịu với loài người đều bị trả lại. Và cứ như thế họ chọn ra những con vừa ý họ, và họ ghi chép rằng mỗi thế hệ họ chỉ chọn được khoảng 10% con cáo vừa ý họ. "Kết quả của việc chọn lọc kỹ lưỡng đó là những con cáo có tính cách phản kháng hay là sợ và né tránh loài người đều biến mất hoàn toàn khỏi nhóm cáo được nghiên cứu chỉ sau hai hay ba thế hệ," Trut viết vào năm 1990.
Belyaev cùng những con cáo được chọn

Đọc thêm:

Nhưng điều thú vị là đến thế hệ thứ tư, các nhà khoa học bắt đầu thấy các hiện tượng lạ. Những con cáo con đó bắt đầu hành xử y như loài chó. Chúng vẫy đuôi và luôn thích được con người vuốt ve. Chúng sẽ rên rỉ và kêu và liếm những nhà khoa học y như những con cún con hay làm. Belyaev và Trut tuy không còn nhưng dự án vẫn tiếp tục. Đến những năm 2005 - 2006, hầu hết những con cáo đều trở nên vui vẻ, thích chơi đùa và cư xử y như những con chó đã bị thuần hóa. Chúng hiểu được con người qua những cử chỉ và mệnh lệnh và biết phải hành xử thế nào. Tai của chúng cũng mềm đi và hay cụp xuống, y như những con chó, mèo, heo, ngựa hay là cừu. Đuôi chúng cũng cong hơn so với những con hoang dã, màu lông của chúng cũng thay đổi. 
Điều quan trọng đó là trong hoang dã, khi những con cáo con còn nhỏ, chúng cũng có những đặc tính như thế. Tuy vậy các đặc tính đó sẽ biến mất khi trưởng thành. Nhưng ở những con cáo bị thuần hóa trong dự án, các đặc tính đó vẫn tồn tại khi chúng trưởng thành.
Những con sói trưởng thành không thể cụp tai như chó nhà được
Chính xác hơn, những con cáo đó là mãi là những em bé không trưởng thành được.
Ở loài người, chúng ta gọi đó là thiểu năng trí tuệ. 
Mặc dù các nhà khoa học còn phải nghiên cứu thêm nhưng dựa trên các kết quả hiện có, chúng ta có thể kết luận rằng quá trình thuần dưỡng đã khiến những con cáo không thể phát triển được. Con người không cố ý khiến con vật bị thiểu năng (hàng nghìn năm trước hẳn tổ tiên chúng ta còn không có khái niệm "thiểu năng") nhưng quá trình thuần hóa đã khiến con vật bị thiểu năng. Chính xác hơn, loài người đã chọn những con cáo bị thiểu năng để làm vật nuôi. Những con cáo không tự tiến hóa như vậy, chúng đã bị chọn lọc bởi con người (cũng lưu ý rằng chẳng có sự tiến hóa nào mà chỉ xảy ra trong 3,4 thế hệ như thế). Và lưu ý rằng các nhà khoa học không hề đặt ra tiêu chí đó để chọn những con cáo con. Họ chỉ chọn cáo con theo đúng 1 tiêu chuẩn: thân thiện với loài người, nhưng rồi những đặc tính kia tự xuất hiện. 
Và số phận tương tự như vậy đã đến với những con sói bị thuần hóa thành chó.
Trong tự nhiên, thích thú chạy nhảy đuổi bắt theo trái bóng và coi em bé trong nhà là bạn thân thay vì là đồ ăn có thể bị gọi là thiểu năng. Không con sói nào trong tự nhiên lại chỉ sống quanh quẩn ở một khu vực bé nhỏ, không biết tự kiếm đồ ăn, phải ngoắc đuôi, nịnh nọt con người để có thứ ăn và chỗ ngủ. Thậm chí hoàn toàn hợp lý khi nói rằng vì chú chó nhà bạn quá vô dụng, nên chúng đã học được cách trung thành với loài người, vì không có loài người chúng sẽ chết đói. Những con sói khi bị bỏ mặc một mình chúng có thể tự tìm ra cách giải quyết vấn đề để trở về đàn hay sống qua mùa đông khô cằn, còn con chó nhà bạn? Điều duy nhất chúng có thể làm khi đói là như vầy:
Bạn có cưỡng được đôi mắt này?
Và làm sao để loài người thích? Đó là có đôi mắt cún con, tai rũ, đuôi cong, vẫy đuôi khi thấy con người, để con người vuốt ve. 
Ở loài người chúng ta có bệnh tương tự gọi là Hội chứng Williams (Williams Syndrome). Hội chứng này khá là hiếm với tỷ lệ mắc bệnh là 1 trên 10,000. Những đứa trẻ mắc hội chứng này rất là đáng yêu và vô cùng thân thiện, chúng được đánh giá là hướng ngoại, dễ gần với người lớn, má múm mím, trán to tròn, nhưng bên trong chúng dễ bị bệnh tim và trí tuệ phát triển chậm. Có những nhà khoa học tin rằng những gien tương tự như gien gây ra Hội chứng Williams ở người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tính cách loài chó.
Vậy chú chó nhà bạn có bị thiểu năng trí tuệ hay không? Mình nghĩ khả năng cao là có, dẫu vậy nếu "ngu ngu" như thế mà giúp chúng sinh tồn qua hàng nghìn năm, thì chúng vẫn được coi là thông minh đúng không? 
Nguồn tham khảo: