Sau những chiến công vang dội của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo, người hâm mộ vẫn luôn đăm chiêu với câu hỏi:"Liệu chúng ta đã thực sự vượt qua người Thái?” và để có được câu trả lời chúng ta hãy cùng so sánh 2 nền bóng đá dưới nhiều góc độ khác nhau.
SỨC MẠNH TÀI CHÍNH
Yếu tố đầu tiên cần phải nói đến đó chính là nền tảng tài chính. Sức mạnh kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn cũng như nắm giữ vai trò quyết định đối với thành bại của một đội bóng. Có được một nền tảng tài chính mạnh mẽ là một trong yếu tố kiên quyết để tạo nên một đội bóng mạnh. 
 Ở điều này thì Thái Lan đang cho thấy sự vượt trội của mình. Liên đoàn bóng đá Việt Nam vừa công bố mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử với hơn 240 tỷ đồng lợi nhuận tăng tới 747% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên con số này vẫn không thể nào so sánh được với doanh thu hàng năm lên đến hơn 800 tỷ đồng của liên đoàn bóng đá Thái Lan. Nền tảng tài chính vững mạnh giúp liên đoàn bóng đá Thái Lan có thể mạnh dạn chi đậm để mời huấn luyện viên Akira Nishino về với mức lương kỷ lục 970.000 USD/năm hay hàng loạt các nhà cầm quân danh tiếng trước đó như huấn luyện viên người Serbia ông Rajevac.
 Khả năng làm kinh tế xuất sắc của người Thái còn được thể hiện ở giải vô địch quốc gia Thái Lan hay còn được biết với cái tên khác là Thai Premier League. Thai Premier League 2019 đạt doanh thu kỷ lục với tổng số tiền thu về lên đến hơn 2100 tỷ VNĐ. Con số thực sự cho thấy sự khác biệt về cách làm bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan khi doanh thu của V.League mùa giải qua chỉ là 180 tỷ đồng và chưa bằng 1/10 của đối thủ.
Ảnh 1: Doanh thu của Việt Nam và Thái Lan
HỆ THỐNG GIẢI VĐQG
Với sự hậu thuẫn vững chắc về mặt tài chính, các nhà làm chuyên môn có thể tự tin hướng đến việc tạo nên một giải đấu chuyên nghiệp với chất lượng số 1 khu vực. Nếu chỉ nhìn vào giải vô địch quốc gia Thái Lan thì nhiều sẽ cho rằng Việt Nam không hề thua kém thậm chí còn nhỉnh hơn ở một số khía cạnh. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa 2 nền bóng đá là lớn như thế nào. Cấu trúc các giải chuyên nghiệp tại Thái Lan được xây dựng một cách vô cùng chặt chẽ theo mô hình kim tự tháp.
 Thái Lan đã xây dựng được chân đế vô cùng vững chãi với mô hình kim tự tháp cho hệ thống 5 giải bóng đá chuyên nghiệp của Thái Lan. Tức là giải đấu càng thấp thì số lượng đội bóng càng cao và ngược lại hạng đấu cao nhất là nơi có ít đội bóng nhất. Ví dụ cụ thể lại giải Ngoại Hạng Thái Lan (Thai Premier League) chỉ có 16 đội bóng và sẽ giảm xuống còn 14 đội ở mùa giải sắp tới trong khi đó có tới 119 đội bóng sẽ tranh tài tại giải hạng 4 Thái Lan. Điều này giúp cho liên đoàn bóng đá Thái Lan có thể đảm bảo chất lượng cho các giải đấu của họ.
Ảnh 2: Hệ thống thi đấu của Việt Nam và Thái Lan
Thái Lan không chỉ sở hữu sự vượt trội về mặt số lượng mà còn cả về chất lượng khi mà các đội bóng tại đây luôn được đánh giá rất cao bởi liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Thành tích của các đội bóng Thái Lan tại đấu trường số 1 châu Á, AFC Champions League đã nói lên điều đó. Tuy nhiên, khả năng tổ chức và xây dựng đội bóng môt cách chuyên nghiệp mới là điều mà AFC đánh giá cao nhất ở Thái Lan. Khi mà Thái Lan có đến 13 đội bóng đạt chuẩn chuyên nghiệp của AFC trong khi con số này của Việt Nam chỉ là 5, tức là chưa bằng 1 nửa của Thái Lan.

CHẤT LƯỢNG GIẢI ĐẤU
Thai Premier League cũng có sức hút cực lớn đối với các cầu thủ ngoại và đặc biệt hơn hẳn so với V.League. Lý do không nằm ở chất lượng giải đấu mà là bởi môi trường chuyên nghiệp và chế độ đãi ngộ. Đó là những điều mà V.League không tài nào có thể đáp ứng được một sớm một chiều khi mà các đội bóng Việt Nam vẫn luôn sinh hoạt theo phong cách “nhà binh” tức là gom tất cả các cầu thủ sống tập trung tại đại bản doanh của câu lạc bộ. Điều này là đi ngược lại so xu thế phát triển của bóng đá đương đại bởi điều đó làm cho các cầu thủ cảm thấy ngột ngạt do bị kiểm soát chặt chẽ 24/24. Ở Thái Lan thì ngược lại khi các đội bóng sẽ cấp cho các cầu thủ của mình nhà và ô tô riêng như trường hợp của Đặng Văn Lâm khi mới sang Muangthong United để cầu thủ có được cuộc sống riêng tư của họ một cách thoải mái nhất sau thời tập luyện và thi đấu căng thẳng.
 Ngoài ra, vận hành câu lạc bộ một cách chuyên nghiệp đặc biệt về mặt tài chính cũng một điểm mà các đội bóng Việt Nam rất khó để xây dựng được. Ở Việt Nam, một thương vụ chuyển nhượng không chỉ diễn ra giữa cầu thủ và câu lạc bộ mà còn rất nhiều các bên liên quan khác. Thế nên ngoài các khoản phí chuyển nhượng thông thường ra thì còn có rất nhiều dạng chi phí ngầm khác như phí lót tay hay các loại phí bôi trơn. Điều đó khiến cho các cầu thủ chất lượng và người đại diện của họ thường không lựa chọn V.League làm lựa chọn số 1 để tránh những nhập nhằng không cần thiết.
 Một lý do khác mà các cầu thủ thường ưu tiên Thái Lan hơn Việt Nam bởi chế độ đãi ngộ ở Thái Lan là tốt hơn hẳn. Một ngoại binh hàng đầu ở V.League sẽ có mức thu nhập vào khoảng 300 triệu đồng 1 tháng, con số rất cao so với mức lương trung bình của giải nhưng nó không thể nào so sánh được với những gì mà các cầu thủ ngoại sẽ nhận được ở Thái Lan khi mức lương trung bình cho các ngoại binh ở đây là 12.000 USD (tương đương 280 triệu đồng) ngang với những cầu thủ hàng đầu V.League.
 Cộng với chính sách sử dụng cầu thủ ngoại tại Thai Premier League thoáng tay hơn so với các giải đấu khác khi họ có tới 98 ngoại binh, con số đứng đầu Đông Nam Á, giúp cho giải đấu này quy tụ được rất nhiều các ngoại binh vô cùng chất lượng. Giá trị của các cầu thủ này đã nói lên điều đó khi mà các ngoại binh tại Thái Lan có giá trị lên tới 32.6 triệu euro trong khi con số của 54 cầu thủ ngoại thi đấu tại V.League chỉ là 3.7 triệu euro. Điều đó cho thấy những cầu thủ tìm đến V.League hầu hết là các cầu thủ vô danh hoặc ít giá trị trên thị trường.
Ảnh 3: Các ngoại binh tại Thai Premier League
 Một điều đặc biệt nữa nếu nhìn vào danh sách ngoại binh của các câu lạc bộ Thái Lan đó là định hướng về lối chơi của họ. Thai Premier League 2019 là một giải đấu đa sắc tộc khi các cầu thủ đến từ hơn 34 quốc gia khác nhau. Điểm đáng lưu ý là trong khi số cầu thủ châu Phi lại chiếm số lượng thiểu số trong danh sách các ngoại binh tại Thái Lan thì các cầu thủ châu Á lại đứng đầu. Không thể phủ nhận rằng chính sách mở cửa với các cầu thủ Đông Nam Á và châu Á là một phần của nguyên nhân nhưng có thể thấy các câu lạc bộ Thai Premier League luôn hướng đến việc chiêu mộ các cầu thủ thiên về kỹ thuật nhiều hơn là sức mạnh của các cầu thủ Phi châu như các đội Việt Nam. Định hướng xây dựng lối chơi đậm chất kỹ thuật còn được thể hiện ở việc cầu thủ Brazil đứng đầu về số lượng ở Thai Premier League với 32 cầu thủ.
Ảnh 4: Các cầu thủ ngoại tại V.League và Thai Premier League

 So sánh với V.League thì giải vô địch quốc gia Việt Nam cũng sở hữu số cầu thủ Brazil đông đảo nhưng phong cách thi đấu mà hầu hết các đội bóng tại đây xậy dựng đều thiên về bóng dài nhằm tận dựng thể hình và sức mạnh của các cầu thủ ngoại. Đó là lý do cho sự tăng vượt về số lượng cầu thủ châu Phi so với giải VĐQG Thái Lan. Cụ thể số cầu thủ châu Phi tại V.League là gấp đôi so với tại Thái Lan (21 so với 10) đồng thời số cầu thủ châu Phi ở Thái Lan chỉ chiếm 9% trong số các cầu thủ ngoại còn tại V.League con số này lên đến hơn 33%. Việc xây dựng lối chơi với các cầu thủ châu Phi làm hạt nhân làm ảnh hưởng rất nhiều tới tư duy chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam. Cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng từng chia sẻ: "Các đội bóng ở V.League cứ có bóng là huấn luyện viên lập tức chỉ đạo phất lên cho “Tây” tự xử lý". Điều này khiến cho cầu thủ Việt Nam trở nên thụ động và thi đấu kém sáng tạo hơn với các diễn biến trên sân khi việc của họ chỉ giành lại bóng rồi chuyền cho tiền đạo ngoại.
Ảnh 5: Số lượng các chuyên gia ngoại làm việc ở 2 giải đấu
 Không chỉ các cầu thủ ngoại mà các chuyên gia ngoại cũng là những người mà Thái Lan luôn cố gắng chiêu mộ. Trong danh sách đăng ký của 16 câu lạc bộ tại Thai Premier League thì có tổng cộng 38 vị chuyên gia tới từ nhiều quốc gia khác như Pháp, Italia, Nhật Bản hay Brazil,…ở những vị trí quan trọng như huấn luyện viên trưởng, chuyên gia y tế hay huấn luyện viên thể lực. Điều này cho thấy các đội bóng Thái Lan muốn tận dụng các kiến thức từ những nền bóng đá tiên tiến hơn để có thể phát triển cầu thủ nội. Đầu tiên là vị trí huấn luyện trưởng, người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới đội bóng. Có đế 50% số đội bóng tại giải sử dụng huấn luyện viên ngoại trong khi ở V.League thì chỉ có 3 câu lạc bộ là TP.HCM, HAGL là không sử dụng huấn luyện viên nội. Thành tích của các huấn luyện này có lẽ chính là lý do cho hiện tượng trên. Ở V.League 2019, chỉ có huấn luyện viên Chung Hae Song được đánh giá là thành công trong khi huấn luyện viên Lee Tae Hoon lại chật vật với HAGL. Không chỉ ở mùa giải này mà hầu hết các huấn luyện ngoại trước đây đều không có được nhiều thành công kể cả đối với những huấn luyện viên danh tiếng như Mihail hay Petrovic. Trong khi đó tại Thái Lan các huấn luyện lại đạt được rất nhiều thành công, trong top 6 đội dẫn đầu trong bảng xếp hạng chung cuộc của Thai Premier League thì có đến 5 đội sử dụng huấn luyện ngoại. Điều đó cho thấy các câu lạc bộ Thái Lan đang có phương pháp sử dụng các huấn luyên viên ngoại hiệu quả hơn rất nhiều so với V.League.
 Lý do là bởi các huấn luyện viên ngoại khi tới Việt Nam thường không được không có được tiếng nói trong việc xây dựng đội ngũ huấn luyện nên chỉ có thể việc với đội ngũ người Việt có sẵn ở câu lạc bộ. Các huấn luyện viên trưởng thường là những người đứng quan sát buổi tập hơn là chỉ đạo trực tiếp từng cầu thủ vì đó là nhiệm vụ của các trợ lý vậy nên việc không có sự xuất hiện của bất cứ vị trợ lý ngoại ngoài khiến những gì các cầu thủ học được vẫn chỉ quanh quẩn với các huấn luyện viên người Việt nên họ gần như không có nhiều sự thay đổi. Đồng thời, giữa huấn luyện viên trưởng và các trợ lý Việt tồn tại sự chênh lệch nhất định không chỉ về chuyên môn mà còn về văn hóa. Điều đó khiến cho sự tương tác giữa 2 bên trở nên thiếu hiệu quả khi thiếu đi những người để hộ trợ. Việc không tìm được chia sẻ về triết lý cũng như phương pháp huấn luyện khiến cho quá trình làm việc của các huấn luyện viên ngoại tại đây trở nên thiếu hiệu quả.
 Điều này là ngược lại ở Thái Lan khi các huấn luyện ngoại được phép đem theo các trợ lý cũ của họ. Buriram United là một ví dụ với nguyên một ê kíp người Serbia từ trợ lý, huấn luyện thể lực hay cả bác sĩ vật lý trị liệu. Sự ăn ý của ê kíp này giúp Buriram liên tục dẫn đầu Thai League những năm qua.
 Vị trí khác mà các đội bóng Thái Lan chú trọng tuyển dụng bên cạnh các huấn luyện viên trưởng là các huấn luyện viên thể lực. Đây là vị trí mà hầu như không được quan tâm đúng mực khi chỉ có 4 đội bóng sở hữu 1 huấn luyện viên thể lực thực thụ ngay cả nhà đương kim vô địch câu lạc bộ Hà Nội phải đến năm nay mới bổ sung. Trong khi tại Thái Lan 12/16 đội bóng tại Thai Premier League đều có huấn luyện viên thể lực trong đó có đến 8 chuyên gia người nước ngoài. Sự đầu tư cho thấy sự nhỉnh hơn về mặt nền tảng thể lực khi các đội bóng Thái Lan có thể thi đấu trên 3 đến 4 mặt trận mà thi đấu ổn định còn các đội bóng V.League luôn chật vật và đau đầu về vấn đề thể lực khi phải thi đấu thêm ở cúp châu Á.
 Vị trí thứ hai mà các đội bóng Thái Lan cũng chú trọng đầu tư đó là các chuyên gia vật lý trị liệu những người có trách nhiệm hồi phục chấn thương cho các vận động viên. Đây là vị trí có thể nói là gần như không tồn tại ở V.League thậm chí ở cả Việt Nam (ngoài Viettel hay PVF). PVF với hàng loạt các chuyên gia quốc tế trong đó có vật lý trị liệu thì lần đầu tiên các cầu thủ Việt Nam mới được tiếp xúc việc tập luyện phục hồi sau chấn thương một cách bài bản chứ không như trước đây khi hầu hết họ đều tập luyện mà không có người chỉ bảo điều đó dẫn đến việc tái phát chấn thương và rất nhiều người đã phải giải nghệ vì lý do này. Tuy nhiên việc phụ thuộc vào PVF cúng không phải là điều tốt khi nguồn lực của PVF có hạn và họ không thể nào hỗ trợ được tất cả các đội có cầu thủ bị chấn thương, cũng như khi về câu lạc bộ chủ quản nếu có vấn đề phát sinh thì họ không giám sát thường xuyên được. Đó là điều mà các câu lạc bộ Thái Lan đang cố gắng xây dựng. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này ở Muangthong United với đội ngũ chuyên gia y tế lên tới 4 người để có thể chăm sóc tốt nhất cho các cầu thủ.
 Một vị trí nữa cũng quan trọng không kém và đồng thời nó cũng là vị trí thể hiện được sự khác biệt về mặt tư duy làm bóng đá của 2 nền bóng đá. Đó chính là vị trí giám đốc kỹ thuật. Ở Việt Nam, vị trí giám đốc kỹ thuật thường không được sử dụng với đúng chức năng của nó khi nhưng vị GĐKT tại Việt Nam thường là các huấn luyện viên do không đủ điều kiện về mặt bằng cấp nên phỉa đăng ký với chức danh là GĐKT như những trường hợp nổi tiếng nhất của huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Ngoài ra hầu như các đội bóng tại V.League đều không có vị trí giám đốc kỹ thuật. Mới chỉ có 2 giám đốc kỹ thuật thực sự từng xuất hiện ở V.League đó là ông Chung Hae Song của HAGL và mới nhất là ông Daniel Enriquez của câu lạc bộ Hà Nội. Con số 1/14 đội bóng sở hữu một vị giám đốc kỹ thuật cho thấy tư duy làm bóng đá chắp vá và ngắn hạn của các đội bóng V.League khi thiếu đi một người để hoạch định chiến lược phát triển cho đội bóng. Tuy nhiên, điều này cũng là hợp lý khi mà tương lai của đội bóng không phải lúc nào cũng dược đảm bảo như trường hợp của Thanh Hóa sau sự ra đi của tập đoàn FLC.
 Trong khi Thái Lan với sự xuất hiện 9 vị giám đốc kỹ thuật trong đó có đến 4 người đến từ các nền bóng đá phát triển hơn Anh, Bỉ, Đức hay Brazil. Con số vượt trội này giúp các đội bóng xây dựng được lối chơi phù hợp hơn, phát triển được nhiều cầu thủ trẻ hơn thay vì chỉ đá bóng dài như tại V.League. Có thể thấy người Thái đang hướng đến sự phát triển một cách dài hơi hơn nhằm hướng đến mục tiêu cạnh tranh được với giải J.League 1 của Nhật Bản và K.League Classic của Hàn Quốc. Nếu áp dụng mô hình Product-Life Cycle thì V.League hiện giờ đang ở giai đoạn Growth (Phát triển) còn Thai Premeir League đang ở giai đoạn Maturity (Trưởng thành). Thái Lan không chỉ hướng đến duy trì sự tồn tại của các đội bóng như tại V.League với tình trạng câu lạc bộ giải thể liên tục mà họ còn muốn đưa giải đấu của họ trở nên phổ biến tại Đông Nam Á và là điểm đến của mọi cầu thủ Đông Nam Á qua chính sách ASEAN player.

ĐÀO TẠO TRẺ
  Huấn luyện viên Steve Darby chia sẻ: “Sự khác biệt lớn nhất giữa đào tạo trẻ Thái Lan và Việt Nam nằm ở số lượng và quy mô các học viện bóng đá. Từ một thập niên trước, xứ sở chùa Vàng đã xuất hiện nhiều lò đào tạo chất lượng và hiện đại thuộc quyền quản lý của Buriram United, Muongthong United, Suphanburi và Chonburi. Còn với Việt Nam, tôi chỉ nghe đến học viện HAGL ở Pleiku và PVF, nơi có chiến lược gia nổi tiếng Philippe Troussier tham gia xây dựng mô hình đào tạo phát triển bóng đá.”
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng bóng đá lớn hơn Thái Lan với dân số 97 triệu người trong khi con số của Thái Lan chỉ là 69 triệu người. Tuy nhiên Việt Nam lại không thể tận dụng được lợi thế đó khi mà hiệu quả trong đào tạo trẻ của chúng ta chỉ tương đương với Thái Lan thậm chí có phần thụt lùi trong thời gian gần đây. Vấn đề của Việt Nam là quá ít học viện bóng đá thực sự chất lượng. Ở Việt Nam chỉ có thể lựa chọn 2 trung tâm Viettel và PVF là 2 nơi duy nhất có thể đáp ứng về mọi mặt của một học viện bóng đá chất lượng. Học viện HAGL có cơ sở vật chất tốt nhưng giáo trình JMG mà họ áp dụng cho thấy nhiều bất cập khi gây ra quá nhiều chấn thương cho các cầu thủ. Các lò đào tạo như Hà Nội hay Sông Lam Nghệ An thì có cơ sở vật chất và điều kiện dinh dưỡng không tốt nên sẽ khó phát huy tối đa tiềm năng của cầu thủ trẻ đồng thời khả năng thu hút các cầu thủ trẻ cũng sẽ giảm đi khi mà không một phụ huynh nào muốn con cái mình tập luyện ở nơi có điều kiện không tốt.
  Một vấn đề nữa mà đã tồn tại rất lâu nhưng đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có phương án giải quyết. Đó là phát triện hệ thống bóng đá học đường, điều gần như không tồn tại tại Việt Nam. Thái Lan không chỉ xây dựng được một hệ thống bóng đá học đường mà còn liên kết chặt chẽ với các đội bóng chuyên nghiệp nhằm tìm ra những hạt giống tốt nhất cho các học viện chuyên nghiệp. Các đội bóng như Buriram hay Muangthong United sẽ tài trợ cho các trường học để họ phát triển đội bóng của trường nhằm tạo ra các học viện “sân sau” cho các câu lạc bộ. Đó chính là cách họ phát hiện ra những ngôi sao như Teerasil Dangda hay Theeratorn Bunmathan.
Ảnh 6: Số trận các cầu thủ có thể thi đấu ở các giải đấu trẻ
Tuy nhiên không phải bất kỳ tài năng trẻ triển vọng đều có thể vươn mình trở thành một cầu thủ lớn. Để đạt được điều đó, các cầu thủ phải liên tục được cọ xát để tích lũy kinh nghiệm và phát triển. Vì vậy nhiệm vụ tổ chức các giải trẻ để các cầu thủ trẻ có được môi trường học hỏi tốt nhất trở nên vô cùng quan trọng. Ở mặt này thì không thể phủ nhận rằng Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế nếu so sánh với Thái Lan. Ở Việt Nam, vì sự eo hẹp về tài chính nên các giải đấu trẻ luôn diễn ra với thể thức vòng tròn 1 lượt hay Tournament như các VCK World Cup, điều khiến cho các cầu thủ bị hạn chế về số lượng trận đấu khiến cho họ ít được thi đấu và học hỏi.
  Ngoài ra các trận đấu luôn được diễn ra cường độ 3 ngày một trận, đó là một lịch thi đấu không phù hợp đối với các cầu thủ trẻ. Lý do là bởi các cầu thủ trẻ có cấu trúc xương không hoàn chỉnh do vẫn còn đang trong độ tuổi phát triển vì vậy việc thi đấu dồn dập sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể cầu thủ trong tương lai. Đó lại chính ưu điểm mà liên đoàn bóng đá Thái Lan đã xây dựng được khi các giải đấu vận hành theo hình mẫu là UEFA Champions League khi các trận đấu luôn diễn ra với thể thức lượt đi lượt về với tần suất 1 tuần/ 1 trận. Điều đó giúp cho các cầu thủ có thời gian nghỉ ngơi, xem xét lại màn trình diễn của mình và chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Không dừng lại ở đó, việc được thi đấu dàn trải trong cả năm thay vì chỉ trong vài tuần như ở Việt Nam giúp các cầu thủ duy trì được cảm giác bóng giúp cho họ khi tập trung đội tuyển sẽ có được phong độ tốt. Như trường hợp gần nhất của đội tuyển U18 Việt Nam ở giải U18 ĐNÁ khi đội hình ra sân ở trận đấu gặp U18 Australia có đến 9/11 cầu thủ đã không thi đấu bất kỳ một giải đấu nào trong suốt 5 tháng.
Các cầu thủ Việt Nam thi đấu trung bình khoảng 10 trận 1 năm không bao gồm các trận đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia. Nếu họ đi đến trận chung kết thì tối đa các cầu thủ sẽ chỉ được thi đấu tối đa từ 15 đến 16 trận đấu, con số rất ít ỏi để các cầu thủ có thể tiến bộ trong vòng 1 năm. Thậm chí với những đội bóng yếu không thể vượt qua vòng loại thì số trận cả năm mà họ có thể thi đấu chỉ là 3 trận. Con số dẫn tới tình trạng các đội bóng để 1 đội bóng thi đấu ở cả 2 lứa tuổi như đội U17 sẽ thi đấu ở cả giải U17 và U19 để gia tăng phần nào kinh nghiệm nhưng điều này cũng khiến cho chất lượng giải đấu bị suy giảm khiến cho các cầu thủ không học hỏi được nhiều. Đó là điều mà VFF đang có cải thiện với việc tổ chức them 2 giải đấu thuộc lứa tuổi U15 và U17 nữa.
 Ở Thái Lan việc áp dụng thể thức lượt đi và lượt về cùng với số lượng đội bóng tham dự đông đảo với ít nhất 45 đội con số gấp đôi so với các giải đấu tại Việt Nam giúp cho các cầu thủ tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Các đội bóng trẻ Thái Lan trung bình một năm thi đấu gần 20 trận và ngoài ra họ không chỉ có 1 giải đấu trẻ trong năm. Việc xây dựng nhiều sân chơi giúp các cầu thủ được thi đấu, được mắc sai lầm và biết được mình đang ở đâu. Điều mà họ sẽ không có được nếu chỉ tập chay quanh năm.  Một cầu thủ trẻ Việt Nam trước tuổi 19 có thể đá được 7 giải đấu trẻ với số trận tối đa là chỉ 115 trận và nếu tính cả giải U21 thì con số đó vẫn quá ít so với các cầu thủ Thái Lan. Bởi một cầu thủ trẻ Thái Lan với cùng cùng số giải đấu có thi đấu tối đa tận 222 trận đấu, con số vượt xa so với các cầu thủ Việt Nam.
Việc cho cầu thủ trẻ cọ sát nhiều là lý do cho việc Thái Lan không tổ chức các giải U21 bởi vì các cầu thủ từ 19 tuổi hoàn toàn có thể thi đấu ở các đội bóng chuyên nghiệp. Ngoài ra họ còn lý do cho sự tự tin đó bởi trong trường hơp các cầu thủ trẻ không được thi đấu ở đội 1 thì họ có thể đội B để duy trì cảm giác bóng. Giải đấu cho các đội B hay được gọi là Reverse Team được gộp với giải hạng Tư Thái Lan nhưng thành tích của các đội bóng tại đây đều không được tính. Điều đó giúp cho các cầu thủ không bị thui chột nếu phải ngồi dự bị quá nhiều.
 Việc được thi đấu nhiều giúp cho các cầu thủ Thái Lan có tốc độ trưởng thành nhanh hơn so với các cầu thủ Việt Nam. Đó là lý do vì sao các cầu trẻ Việt Nam ở lứa tuổi 20, 21 hầu như không thể cạnh tranh được ở đội 1 trừ một trường hợp bắt buộc hay ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ như ở SLNA, HAGL hay Viettel. Trong khi Thái Lan lại xuất hiện rất nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc có thể cạnh tranh song phẳng với các đàn anh như Supachok hay Supachai và trường hợp mới nhất là thần đồng Suphanat ra mắt Buriram United ở tuổi 16.
KẾT
 Việc thành tích của các đội tuyển Thái Lan trong thời gian vừa qua là không tốt tuy nhiên ở cấp độ câu lạc bộ họ vẫn cho thấy những tiến bộ nhất định. Các cầu thủ Thái Lan thi đấu ở Nhật Bản vẫn liên tục gặt hái được nhiều thành công sau khi Chanathip lọt vào đội hình tiêu biểu của J.League thì hậu vệ Bunmathan đã trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên lên ngôi vô địch tại Nhật Bản sau khi giành chức vô địch cùng Yokohama Manrios. Vì vậy, nếu người hâm mộ dựa vào những chiến tích vang dội mà thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo tạo ra trong 2 năm qua mà đánh giá rằng chúng ta đã vượt xa họ là một quan điểm không chính xác. Duy trì sự cầu tiến và học hỏi từ chính đối thủ của mình là thái độ mà chúng ta nên hướng đến để thúc đẩy nền bóng đá của chúng ta ngày càng phát triển.