Liên thiên về nước Mỹ: Học kẻ tài giỏi giàu sang, nhưng chớ học mấy điều (Phần 1)
chuỗi bài tản mạn linh tinh về nước Mỹ, từ chuyện to tới chuyện bé
Cuộc đời kẻ cạo giấy, quanh năm suốt tháng ngồi kì cạch làm những việc không tên và không thể quy được giá trị công việc của mình ra cơm áo gạo tiền một cách trực tiếp. Suốt mùa COVID, trong khi thiên hạ hoặc ngồi nhà xơi nước, hoặc ngồi nhà ôm lấy cái hũ gạo vơi dần, thì kẻ hèn này vẫn phải (được) đi làm đều đặn. Được cái COVID cũng khiến mọi thứ chậm lại, khiến kẻ hèn này có thời gian mà soi ra lắm thứ linh tinh.
Dông dài là vậy. Tôi vốn khoái nước Mỹ, năm xưa cũng đâm đầu vào chọn ngành phụ là chính trị nước lớn. Mỹ có những thứ hay ho nhất, cũng có những thứ hay ho chưa được nhất nhưng cũng thuộc dạng top. Hiện giờ mà nói tới học lỏm thiên hạ thì ai cũng nghĩ tới Mỹ đầu tiên, chả ai nghĩ tới Tàu dù xứ Trung Hoa cũng có vài ngàn năm văn hiến chứ không đùa. Tuy nhiên, cũng có dăm ba thứ của Mỹ mà tuyệt đối đừng có học, lạc hậu kinh người.
Thứ nhất: Chuyện xây nhà dân sinh bất chấp thời tiết
Nói tới đây chắc lắm người ồ lên cười, sao người Mỹ lại xây nhà lạc hậu. Quay ngược thời gian 1 tí, năm 1885 người Mỹ xây tòa nhà 10 tầng đầu tiên, tới năm 1930, người Mỹ xây tòa nhà Chrysler Building cao nhõn 319m có 77 tầng, sau đấy có 1 năm thì tháp Empire State hoàn thành với 103 tầng cao 443m, phá ngay kỷ lục. Tới nay cả 2 vẫn xếp đâu đó cao thứ 25, 26 thế giới. Để cho dễ tưởng tượng, năm 1858 Pháp đánh Việt Nam, 27 năm sau đó thì Mỹ dựng lên cái tòa 10 tầng kia. Năm 1930, Đảng ta ra đời trông bối cảnh nước ta vẫn còn ao làng toàn diện, mới mọc lên được 1 dúm đô thị của thực dân Pháp, có cây cầu be bé bắc qua sông.
Lịch sử xây dựng hoành tráng là vậy, nhưng hỡi ơi, kỹ nghệ xây nhà dân sinh của Mỹ thì vẫn kẹt ở đâu đó những năm đầu thế kỷ 20. Lại lòng vòng tí, hiện nay ở Việt Nam, khi xây nhà dân sinh thì kiểu gì cũng có bộ 3 bê tông huyền thoại: cột, dầm và trần/sàn, đứng trên một quả móng rất chắc chắn. Đi tới bất cứ nơi đâu trên cả nước, từ nông thông ra thành thị, từ trên núi xuống ven biển, bạn đều gặp kiểu nhà trứ danh này. Và không chỉ có Việt Nam, các nước xung quanh cũng y xì, chỉ có điều thiết kế nhà có thể trông đỡ bê tông hộp hơn chúng ta.
Còn người Mỹ thì lại có một tình yêu bất diệt với gỗ, có lẽ nhờ vào đất đai rộng rãi mà giao thông vận tải phát triển sớm, khiến nguồn cung gỗ lớn luôn dồi dào trong khi vận chuyển mớ gỗ ấy đi khắp nước Mỹ cũng khá rẻ và thuận tiện. Thế nên một ngôi nhà dân sinh sẽ có cột gỗ, dầm gỗ, tường là các tấm gỗ ép, tất cả được gắn vào với nhau nhờ đinh hoặc vít, chuyện dùng mộng là không tưởng.
Đối với những căn nhà đắt tiền, người ta sẽ xây móng chắc, vít chặt mớ gỗ kia lên móng và đắp thêm gạch bên ngoài để trong cho cool ngầu, tuy nhiên về mặt kết cấu thì mớ gạch ấy không có nghĩa lý. Rất lưu ý là brick house của Mỹ là cái nhà này, chứ không phải nhà như ta.
Thế nên người Mỹ sống trong những ngôi nhà rộng lớn nhưng rất mỏng manh (như tâm hồn của người Mỹ khi động chạm vào một số chuyện) và ọp ẹp (như đời sống của nhiều người trẻ Mỹ khi mà giai cấp trung lưu cứ thế giảm về chất và lượng). Những người đàn ông Mỹ đích thực thường xuyên ghé qua Home Depot mua đồ về chỉnh sửa, gia cố ngôi nhà của mình, cũng như công cuộc chống mối mọt luôn là chủ đề được quan tâm. Ọp ẹp là vậy, nhưng được cái giá xây dựng thì rẻ mà tốc độ xây thì nhanh, thế nên người Mỹ vẫn bám chặt lấy kiểu xây nhà dân sinh bằng gỗ. Nói cho cùng, khi gia đình bạn có thể phải chuyển sang bang khác bất cứ khi nào bạn kiếm được một công việc ngon hơn, cũng như bạn không hề có ý tưởng ban tặng lại cái nhà cho con cháu đời sau thì đây cũng không phải ý tưởng quá tồi. Còn nếu bạn thuê nhà thì càng không hề muốn chi thêm tiền cho một căn nhà kiên cố.
Tuy nhiên, ở các bang trung tâm thì chuyện lại phức tạp hơn 1 chút. Mỹ có 1 đặc sản, là vòi rồng.
Đếm sơ sơ thì cứ 10 trận trên thế giới thì Mỹ cầm 8, mà 10 trận có sức tàn phá cao nhất trong thời hiện đại thì Mỹ chia cho Bangladesh có 1 trận (mà khốn nỗi, Bangladesh chết nhiều do nhà cửa chẳng ra sao chứ trận lốc ấy cũng chẳng phải quá ghê gớm). Sức phá hủy của vòi rồng rất ghê gớm, thay vì hình ảnh 1 cái cuộn dây quay vèo vèo mà đa số chúng ta vẫn biết, những cơn lốc có sức phá hủy lớn nhất lại có độ rộng lớn từ 1km đến 4,6 km, nhìn từ xa như một bức tường mây, tốc độ gió lớn hơn 320 km/h.
So với tốc độ gió 118 km/h của bão cấp 12 thì có vẻ gió giật trong bão đúng như trẻ con so với lốc xoáy. Một số cơn lốc xếp hạng EF5 ở Mỹ thổi bay mọi thứ, bật rễ cây, đập cho xe pháo thành những cục sắt dúm dó, không những thế còn cày đất sâu tới hơn nửa mét, nghiền vụn một số miếng bê tông và có trường hợp kéo cả ống nước chôn dưới đất. Nghe thật đáng sợ, dĩ nhiên bất cứ công trình nào cũng không đứng được trước vòi rồng cỡ EF5, và lý sự của người Mỹ ở các bang hay có vòi rồng là ờ thì nhà ọp ẹp hay nhà kiên cố đều bay cả, xây chắc làm gì.
Có một tình tiết mà các vị ấy hay bỏ qua, là lốc EF5 vốn rất hiếm, gần chục năm mới có một trận. EF4 và EF3 cũng thuộc hạng sự kiện giật gân. Trong khi đó, EF từ 0 tới 2 (sức gió tối đa 217 km/h) thì rất thường xuyên, mỗi năm vài ngàn cơn, đa số rong ruổi hút cỏ ném văng bò trên những đồng ruộng bao la nhưng đôi khi vẫn lao thẳng vào thị trấn. Với những ngôi nhà gỗ, mấy cơn lốc be bé này lao thẳng vào thì sụp tan tành là chuyện không có gì ngạc nhiên, cũng như những tấm gỗ ép làm tường kia nhanh chóng bị đống đất đá mảnh vụn bay vèo vèo xuyên thủng. Trong khi đó, các công trình bê tông vẫn đứng vững, và ông người ở trong nhà chưa kịp chạy xuống hầm trú ẩn thì cũng cầm một suất sống sót cao hơn là ông ở nhà gỗ, tài sản cũng đỡ nguy cơ được phân phối lại cho thiên nhiên hơn. Tuy nhiên, nhà gỗ giờ thành quốc sản của Mỹ, và bạn đừng có dại dột mà chê bai so sánh trước mặt họ. Dù sao chuyện xây nhà cũng còn liên quan tới lối sống, thói quen tích trữ và tiêu dùng, thậm chí còn có tí liên quan tới truyền thống - niềm tin tôn giáo (Puritan).
Không chỉ gió, Mỹ còn có lửa. Mấy đợt cháy rừng ở California vừa qua, dân tình méo mặt vì nhà cửa cháy rụi, nhà ven rừng đẹp như mở thì lửa cháy phừng phừng nhà cùng rừng tan thành tro khói. Riêng trận cháy năm 2020, có 17.000 công trình cháy rụi. Tuy nhiên, vẫn có những ngôi nhà kiên trung đứng giữa trời (và đứng giữa nền đất đen sì sì), điểm chung: nhà bê tông.
Thế nên, có học gì của Mỹ thì học, nhưng đừng có dại mà học món nhà gỗ. Không ông bên cạnh nhồi cọc thì nhà rung lên bần bật, mà lỡ có trận cuồng phong thì nhà cửa lại tanh bành. Có lẽ bạn cũng như tôi, tự hỏi tại sao kể cả ở những nơi đô thị vốn ít gió bão, dân Việt Nam vẫn đi xây nhà bê tông, vừa đắt vừa thi công lâu. Theo quan sát của bản thân, tôi nghĩ những năm 1990s, khi chúng ta bắt đầu hết nghèo, tạm biệt nhà tranh vách đất, các bậc tiền bối đi trước đã học kiểu xây nhà bê tông tiêu chuẩn chống gió bão và cứ thế người này học người kia, nhà bê tông từ niềm mơ ước trở thành tiêu chuẩn xây dựng, cuối cùng thành toàn quốc bê tông hóa như hiện nay.
Bài sau, khi nào rảnh, thì kẻ hèn này có khi bàn chuyện súng đạn.
(Tất cả ảnh lấy trên Google, văn viết kiểu kể chuyện vỉa hè nên xin miễn khoản trích nguồn).
Mới update ngày 07/01/2022 một cái ảnh hài hước một tí:
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất