Để bắt dầu bài này, xin trích dẫn câu bất hủ của Sầu tỷ tỷ: Hỏi thế gian tình là gì mà đôi lứa thề nguyện sống chết. Tuy nhiên, bài này sẽ không nói về định nghĩa tình yêu là gì. Bài này cũng sẽ không nói về chuyện tình yêu của một người cụ thể nào cả, nhưng nó sẽ nói về tình yêu của rất nhiều người. 

Tình yêu nguyên thủy

Khi nói về tình yêu, chúng ta có thể mang loài người ra so sánh với vài loài sinh vật khác trên trái đất. Rõ ràng là bọn sinh vật khác chẳng thể có được cái tình cảm này giống được như con người chúng ta. Con người tiến hóa khởi thủy cũng từ những sinh vật khác, vậy thì nhờ cơ duyên nào mà loài người có được cái thứ tình cảm đầy "rắc rối" này? Chỉ có một lý do thôi, đó là để có thể sinh tồn và phát triển giống loài. Việc nảy sinh ra các tình cảm gần gũi giữa các thành viên trong bầy đàn chỉ nhằm vào mục đích giúp loài người sống sót.
Tình yêu nguyên thủy, sống sót mới là điều quan trọng nhất!
Thật là một lý do khô khan và tẻ nhạt cho nguồn gốc "tình yêu" vĩ đại. Nhưng đó là sự thật: Con người không có một cơ bắp nhanh nhẹn khỏe mạnh, không có nanh vuốt khổng lồ sắc nhọn... Nhưng bù lại, ngoài trí thông minh, con người có được cái thứ tình cảm - khả năng yêu - với các thành viên trong đàn. Cái tình cảm đã khiến cho một cá thể sẵn sàng chia hết những thức mà nó vừa kiếm được cho những cá thể khác. Hay sẵn sàn nhảy ra vật nhau với sói để bảo vệ những cá thể khác sống sót. Gia đình nguyên thủy, cộng đồng nguyên thủy nhờ tình cảm này đã giúp họ tồn tại đủ mạnh để chống lại những con thú ăn thịt hung dữ. Và cuối cùng thì cái tình cảm này đã giúp loài người cạnh tranh mạnh mẽ và phát triển đông đúc trên khắp trái đất.

Tình yêu cổ điển

Sau khi chiếm lĩnh trái đất, con người vẫn tiếp tục thừa hưởng tình yêu nguyên thủy của tổ tiên. Nhưng họ đã biết sử dụng trí óc để ngẫm về cái tình cảm ấy. Và từ đây, câu chuyện đã bắt đầu trở nên phức tạp hơn. Họ nhận thấy là có khá nhiều những dạng tình yêu khác nhau. Và họ cũng nhận thấy rằng, cái tình yêu lãng mạn giữa các cặp trai gái - cái mà các bạn trẻ ngày nay hay mơ mộng tới - không phải là một hiện tượng tốt đẹp gì. Một số còn cho rằng nó là loại nguy hiểm, giống như một dịch bệnh đang tấn công loài người, cần được ngăn chặn. Vì cái loại tình yêu này thường khiến con người (đặc biệt là những người trẻ) làm những thứ ngu ngốc điên rồ, nhiều khi còn gây nguy hại cho xã hội. Nó giống như tích "Phóng hỏa hí chư hầu" ngày xưa. Khi U Vương muốn Bao Tự cười, đã đốt các cột lửa để hiệu triệu các chư hầu (ngôn ngữ thời @ gọi là "troll" các chư hầu). Và quả thật Bao Tự đã cười lớn sau cú troll đó. Nhưng cũng vì thế mà sau này U Vương mất nước vì cái cột lửa. Hay một câu chuyện gần gũi hơn, khi chàng thấy status của nàng trên Facebook là một bức hình kèm theo caption muốn có một con gấu chó nhồi bông để ôm tối nay khi bố mẹ không có nhà, làm chàng lập tức đạp xe khắp thành phố để tìm mua cho được con gấu chó trong ảnh đó mang tới tặng nàng (dù tháng đó phải ăn mỳ tôm cầm hơi). Hai câu chuyện trên thật là lãng mạn đúng không, và cũng thật là "óc chó" nữa.
Bởi vì lẽ đó, con người thời xưa không đề cao tình yêu lãng mạn. Trong quá khứ, nhà triết học Platon đã nói rằng tình yêu cao cả vĩ đại nhất là tình yêu không có dục vọng và không có sự lãng mạn. Plato đã lý luận rằng thứ tình cảm không-lãng-mạn giữa những thành viên trong gia đình hoặc giữa những người bạn thân với nhau mới là đỉnh cao của đạo đức mà nhân loại từng trải qua. Trong phần dài lịch sử của cả phương Tây lẫn phương Đông, người ta cưới nhau thường không phải vì tình yêu. Nếu trải qua lại thời kỳ này thì chắc nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ nhảy dựng lên, vì ngày xưa việc cưới xin được sắp xếp bởi người lớn trong gia đình. Không phải vì các cặp đó thích nhau, hay yêu nhau. Cưới xin ngày xưa là để sinh đẻ con cái và ổn định tài chính. Tình yêu lãng mạn chả có ý nghĩa gì trong giai đoạn này. Cưới xin ngày xưa đơn thuần là sự sắp đặt để đảm bảo về kinh tế và cuộc sống cho thế hệ sau đó. Một tác phẩm nằm trong giai đoạn giao thoa giữa cổ điển và lãng mạn là Kiêu Hãnh Và Định Kiến có một câu mở đầu bất hủ thế này: "Có một sự thật mà ai cũng công nhận, đấy là: một người đàn ông có một tài sản khá hẳn sẽ muốn lấy vợ". [Sự thật trong truyện: Các cô gái, để đảm bảo cho mình một tương lai ổn định, phải chủ động kiếm một ông chồng :v]. Ở phương Đông, nếu có điều kiện tốt một chút, các ông chồng sẽ không lấy một người vợ, mà là lấy nhiều bà vợ.  
Tình yêu cổ điển, sau lần đầu gặp mặt vào đêm vũ hội, sáng hôm sau người ta có thể cầu hôn và cưới nhau luôn.

Tình yêu lãng mạn

Và trong khoảng thời gian 200 năm gần đây, cơn dịch sốt lãng mạn bắt đầu hành hoành khắp nơi trên thế giới. Nó bắt đầu ở châu Âu vào cuối thế kỷ 18, từ phong trào lãng mạn. Đi cùng với giai đoạn này là thời kỳ công nghiệp. Mọi người bắt đầu có thể làm việc tại nhà máy. Thu nhập của họ vì vậy không phụ thuộc vào tài nguyên đất đai, họ có thể làm thuê kiếm tiền, tương lai kinh tế của họ cũng không bị ràng buộc; họ không còn lệ thuộc vào tài sản kế thừa của gia đình nữa. Vậy nên yếu tố kinh tế chính trị trong việc cưới xin dần dần mất đi vị thế. Cũng vì thế mà họ quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc của bản thân. Và bỗng dưng, cảm xúc con người trong thế kỷ 19 lại trở nên quan trọng. Những câu chuyện ngày xưa kiểu Romeo and Juliet, với mục đích ban đầu để khuyên tuổi trẻ không nên có cách yêu đương và hành động dại dột sẽ dẫn đến việc tàn phá mọi thứ. Thì bỗng dưng nó lại được ca ngợi như một tấm gương về tình yêu thủy chung và cuồng nhiệt. Và cứ như thế, mọi thứ cứ lớn dần lên, sóng cứ thế -lãng mạn- tràn bờ. Bắt đầu từ thơ ca, văn học, âm nhạc, từ các nhà thơ, nghệ sĩ, triết gia. Đề cao tự do, đề cao tình cảm con người và đề cao cả những mộng tưởng. Cũng chính vì thế, tình yêu của thời kỳ này bắt đầu trở nên kỳ ảo hơn bao giờ hết. Con người bắt đầu chết mê chết mệt để đi tìm cái cảm xúc đầy tự do và cũng đầy mộng tưởng ấy. Cơn sốt càng trở nên trầm trọng hơn khi công nghệ điện ảnh ra đời. Cùng công nghệ truyền thông lăng xê tuyệt đỉnh, Hollywood đã khoét sâu vào tâm hồn con người tạo ra một vị thế cao ngất cho tình yêu lãng mạn, một vi trí chưa bao giờ từng có trong lịch sử - trong khi quá khứ nó được coi là một thảm họa đối với con người. Và để thỏa mãn cho khao khát tình yêu lãng mạn này, bây giờ chỉ có mỗi một cách: xem những bộ phim truyền hình. Hollywood đã thành công, mang đến những điều tốt đẹp cho cảm xúc con người, và cũng mang đến những hệ lụy khác không thể tránh khỏi.
Nói về tình yêu lãng mạn thì có quá nhiều thứ để nói, vì chúng ta đang sống giữa thời kỳ này [Và tôi sẽ dùng từ -chúng ta- trong đoạn này]. Thế hệ bây giờ (thời kỳ tình yêu lãng mạn) sẽ thấy vô lý hết sức và không thể hiểu nổi vì sao ngày xưa người ta lại cưới nhau hoàn toàn dựa vào lý trí chứ không phải có một cuộc hôn nhân dựa trên cảm xúc. Tình yêu lãng mạn bày tỏ sự khinh bỉ mãnh liệt vào tiền bạc và vật chất. Tình yêu lãng mạn ca ngợi hôn nhân như một đích đến cuối cùng để có được hạnh phúc mãi mãi. Khi đã rơi vào một mối tình nào đó thì tình yêu lãng mạn quy ước rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị cuốn hút bởi một người khác nữa, chúng ta sẽ tuyệt đối chung thủy. Trong thời kỳ tình yêu lãng mạn, dù phải được dạy mới có thể trở thành công nhân, kỹ sư nhưng chúng ta không cần phải học để có thể yêu, chúng ta chỉ cần đi theo tiếng gọi của cảm xúc là đủ, chúng ta ca ngợi yêu bằng trái tim và khinh bỉ tình yêu lý trí. Người nào yêu ta thì họ sẽ thấu hiểu ta hoàn toàn, ngay cả khi ta không cần nói gì với họ bởi vì họ có thể cảm nhận được tâm hồn ta.
Tình yêu lãng mạn, chúng ta mong chờ mọi thứ sẽ đến từ tình yêu và người yêu của mình

Tình yêu tương lai - hậu hiện đại

Tình yêu lãng mạn đã mang đến một thế hệ đang bế tắc, họ nhận ra rằng có gì đó không đúng trong tình yêu của họ. Họ muốn có một cuộc hôn nhân, nhưng họ tìm mãi không thấy được tình yêu [lãng mạn] như mong đợi. Họ không biết đường nào để thoát ra.  Họ vẫn luôn tự hỏi và rồi ca mãi bài hát có đoạn ...chọn con tim hay là nghe lý trí... Và họ cũng đã lờ mờ nhận ra. Hôn nhân không phải là đích đến hạnh phúc mãi mãi cho tình yêu như truyện cổ tích.
Tình yêu tương lai, sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí
Một số người đã có những hướng đi riêng cho mình. Họ bắt đầu đưa những suy nghĩ lý trí vào chuyện tình cảm. Họ trò chuyện với người họ quen biết để thảo luận về những quan điểm của cả hai bên về tiền bạc một cách trực tiếp và nghiêm túc. Họ nhận ra rằng bản thân không thể tìm thấy tất cả mọi thứ ở một người nào đó khác và ngược lại. Họ nỗ lực không ngừng để thấu hiểu hiểu mà không phải thông qua trực giác. Và đối với họ việc ngồi cùng nhau tranh luận hàng giờ liền về chủ đề "nên úp ly vào khay hay đặt nó trên bàn sau khi uống nước xong" không phải là một việc vớ vẩn tầm thường. Tất nhiên việc này cũng chẳng lãng mạn tí nào, nhưng đối với họ nó thực sự quan trọng. Cách làm của họ như thế không hề giết chết đi sự lãng mạn. Nó giúp họ có được sự tin tưởng, thấu hiểu lẫn nhau, mang đến cho nhau sự thoải mái tuyệt đối. Và đấy chính là tiền đề để họ cho phép bản thân lao vào yêu nhau lãng mạn điên cuồng.
-ThanhCj-
P/s: Bài viết không bàn về việc "thế nào mới là tình yêu?", nếu các bạn muốn tranh luận về những ý trên của bài thì trước hết nên đưa ra định nghĩa cho câu hỏi ở trên trước đã. Riêng phần tôi sẽ viết một bài khác luận về điều này trong thời gian tới.