Lịch sử thú vị về hạt nhục đậu khấu
Cuộc chiến tranh giành một loại gia vị vô cùng đẫm máu !!
Cây nhục đậu khấu, hay còn được gọi với tên khoa học Myristica fragrans, thuộc loài thường xanh (evergreen tree) lớn có nguồn gốc ở Đông Nam Á. Cho đến cuối thế kỷ 18, nó chỉ được trồng ở một nơi trên thế giới: quần đảo Banda, một phần của Moluccas - còn được biết với cái tên khác là Spice Islands - đông bắc Indonesia. Với nhánh cây tia tỉa, tán rậm rạp, lá cây hình bầu dục xanh đậm, hoa nhỏ màu vàng hình chuông, trái màu vàng nhạt hình quả lê. Quả có lớp vỏ dày. Khi trái chín, lớp vỏ này tách thành hai nửa dọc theo một đường chạy dọc theo chiều dài của quả. Bên trong là một hạt màu nâu tím bóng, dài 2-3 cm, ngang khoảng 2 cm, được bao bọc bởi một lớp ren màu đỏ hoặc đỏ thẫm được gọi là 'aril'. Đây là nguồn nguyên liệu của hai loại gia vị là nhục đậu khấu (nutmeg) và chùy (mace), loại thứ nhất được sản xuất từ hạt sấy khô và loại sau được làm từ aril.
Vào thời Trung cổ, nhục đậu khấu là thành phần được đánh giá cao trong nền ẩm thực Châu Âu và tất nhiên với giá thành không hề rẻ. Nó còn được dùng làm hương liệu, dược phẩm và chất bảo quản. Trong suốt thời kỳ này, người Arab là những nhà nhập khẩu độc quyền gia vị này vào Châu Âu. Họ bán với giá cắt cổ cho những tay lái buôn ở Venice, đồng thời ém nhẹm luôn vị trí chính xác nguồn hàng giá trị này. Sự thống trị của 2 tay chơi Arab-Venetian cuối cùng cũng phải kết thúc vào năm 1512, khi người Bồ Đào Nha khám phá ra quần đảo Banda và bắt đầu khai thác các nguồn tài nguyên quý giá của nó.
Do luôn phải chịu sự đe dọa từ người láng giềng Tây Ban Nha, người Bồ bắt tay với các thương nhân Hà Lan để phân phối gia vị do họ khai thác. Lợi nhuận bắt đầu đồ vào Hà Lan, và đội tàu thương mại của Hà Lan nhanh chóng phát triển thành một trong những đội tàu lớn nhất thế giới. Người Hà Lan âm thầm giành quyền kiểm soát phần lớn việc vận chuyển và buôn bán gia vị ở Bắc Âu. Đó là cho đến năm 1580, Bồ Đào Nha bị thống trị và sáp nhập vào Tây Ban Nha; đến cuối thế kỷ 16 người Hà Lan bị cướp hết tất cả thị trường kinh doanh. Khi giá tiêu, nhục đậu khấu và nhiều loại gia vị khác tăng giá chóng mặt trên khắp Châu Âu, họ đi đến quyết định đứng lên lấy lại những gì đã mất.
Năm 1602, những thương gia người Hà Lan thành lập VOC, hay còn được biết đến là một tập đoàn thương mại mang tên Dutch East India Company. VOC sau đó trở thành tổ chức thương mại hùng mạnh nhất thế giới vào năm 1617 với 50,000 nhân viên toàn cầu, ngoài ra còn sở hữu đội quân tư nhân hùng hậu 30,000 người và 200 chiến thuyền. Cùng thời điểm đó, hàng ngàn người đã chết khắp Châu Âu do một đợt dịch hạch nghiêm trọng, một căn bệnh rất dễ lây lan và gây chết người. Các bác sĩ nỗ lực tìm mọi cách để chặn đứng sự lây lan của căn bệnh này trong tuyêt vọng, và họ đi đến quả quyết hạt nhục đậu khấu có thể chữa khỏi dịch bệnh. Mọi người đổ xô đi tìm loại gia vị này và không tiếc tiền để có nó. Nhục đậu khấu được mua với giá vài xu ở Indonesia có thể được bán lại với giá cao gấp 68.000 lần trên đường phố London. Vấn đề duy nhất là nguồn hàng luôn trong tình trạng thiếu hụt. Và đó là nơi người Hà Lan tìm thấy cơ hội của họ.
Quần đảo Banda được cai trị bởi các chúa tể địa phương, những người kiên quyết duy trì chính sách thương mại trung lập đối với các cường quốc nước ngoài. Điều này cho phép né tránh sự hiện diện quân đội của Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha trên đất của họ, nhưng nó cũng khiến họ không được bảo vệ khỏi những kẻ xâm lược khác. Năm 1621, người Hà Lan đến và thống trị cả vùng đất. Khi đã kiểm soát được Bandas một cách an toàn, người Hà Lan đã nỗ lực bảo vệ khoản đầu tư mới này. Họ tập trung tất cả sản lượng nhục đậu khấu vào một vài khu vực dễ canh phòng, nhổ và phá bất kỳ cây nào bên ngoài khu đồn điền. Bất cứ ai bị bắt gặp trồng cây hạt nhục đậu khấu hoặc mang hạt giống đi mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Ngoài ra, tất cả hạt nhục đậu khấu xuất khẩu đều được phủ một lớp vôi để đảm bảo rằng không có khả năng hạt giống sẽ được trồng ở nơi khác ngoài quần đảo. Chỉ có một trở ngại cho sự thống trị của Hà Lan. Một trong những hòn đảo Bands, một mảnh đất có tên Run, chỉ dài 3 km, rộng chưa đầy 1km, thuộc quyền kiểm soát của người Anh. Sau nhiều thập kỷ cố gắng giành quyền kiểm soát hòn đảo nhỏ bé này, người Hà Lan và người Anh đã đi đến một thỏa hiệp, Hiệp ước Breda, vào năm 1667. Với toan tính đảm bảo độc quyền kiểm soát đối với mọi hòn đảo sản xuất hạt nhục đậu khấu, người Hà Lan đưa ra một thương vụ: nếu người Anh trao cho họ đảo Run, họ sẽ cho Anh một hòn đảo xa xôi và kém giá trị hơn nhiều ở Bắc Mỹ. Người Anh đã đồng ý. Hòn đảo kia là Manhattan, đó là câu chuyện lịch sử biến New Amsterdam trở thành thành phố New York ngày nay. Còn người Hà Lan bấy giờ đã lấy lại sự độc quyền về buôn bán nhục đậu khấu kéo dài thêm một thế kỷ nữa.
Đến năm 1770, một người Pháp tên Pierre Poivre đã buôn lậu thành công cây nhục đậu khấu đến đảo Mauritius, một hòn đảo ngoài khơi Châu Phi. Một số cây giống lại được đưa sang vùng Caribbean nơi chúng phát triển tốt, đặc biệt là trên đảo Grenada. Năm 1778, một vụ phun trào núi lửa ở vùng Banda đã gây ra một trận sóng thần quét sạch một nửa rừng nhục đậu khấu. Vào năm 1809, người Anh quay trở lại Indonesia và tái chiếm quần đảo Banda bằng vũ lực. Họ chỉ trả lại các hòn đảo cho người Hà Lan vào năm 1817 sau khi đã chuyển hàng trăm cây nhục đậu khấu đến khắp các đồn điền ở Nam Á để nhân giống. Sự độc quyền về hạt nhục đậu khấu của Hà Lan đã chấm dứt từ đó.
Ngày nay, nhục đậu khấu được trồng phần lớn ở Indonesia, vùng Caribbean, Ấn Độ, Malaysia, Papua New Guinea và Sri Lanka với sản lương tiêu thụ trung bình ước tính từ 10.000 đến 12.000 tấn mỗi năm.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất