Lịch sử nước Mỹ: các cuộc thám hiểm và chinh phục của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ( phần hai )
Phần 2 của loạt bài về công cuộc thám hiểm và xâm lược châu Mỹ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha
Các cuộc thám hiểm và xâm lược của người Tây Ban Nha
Người Tây Ban Nha đã thành lập các khu định cư đầu tiên ở châu Mỹ, bắt đầu từ vùng Caribê ,và cho đến năm 1600, đã mở rộng khắp Trung và Nam Mỹ. Hàng nghìn người Tây Ban Nha đổ xô đến châu Mỹ để tìm kiếm sự giàu có và địa vị. Người nổi tiếng nhất trong số những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha này là Christopher Columbus ( mặc dù là người Ý, nhưng thám hiểm nhân danh các quân chủ Tây Ban Nha), Hernán Cortés và Francisco Pizarro.
Lịch sử thám hiểm của Tây Ban Nha bắt đầu với tham vọng của họ. Trong thế kỷ 15, Tây Ban Nha hy vọng sẽ giành được lợi thế trước đối thủ của mình, Bồ Đào Nha. Cuộc hôn nhân của Ferdinand xứ Aragon và Isabella xứ Castile năm 1469 đã thống nhất Tây Ban Nha với Công giáo là tôn giáo chính và bắt đầu quá trình xây dựng một quốc gia có thể cạnh tranh quyền lực với các quốc gia khác trên toàn thế giới. Kể từ những năm 700, phần lớn Tây Ban Nha nằm dưới sự thống trị của Hồi giáo, và Vua Ferdinand II và Nữ hoàng Isabella I, những người ủng hộ Nhà thờ Công giáo, đã quyết tâm đánh bại người Hồi giáo ở Granada, thành trì Hồi giáo cuối cùng ở Tây Ban Nha. Năm 1492, họ hoàn thành Reconquista: cuộc chinh phục kéo dài hàng thế kỷ của người Cơ đốc giáo trên bán đảo Iberia. Reconquista đánh dấu một bước tiến trong quá trình đưa Tây Ban Nha trở thành một cường quốc, và Ferdinand và Isabella giờ đã sẵn sàng để hiện thực hóa mục tiêu lớn hơn.
Mục tiêu của họ là mở rộng Công giáo và giành được lợi thế so với Bồ Đào Nha. Để đạt được tham vọng đó, Ferdinand và Isabella đã tài trợ cho các nhà thám hiểm Đại Tây Dương. Một trong số đó là Christopher Columbus, nhà thám hiểm nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha, người có nguồn gốc từ Genoa, Ý. Ông tin rằng, bằng cách tính toán dựa trên hành trình của những thủy thủ khác, ông có khả năng tìm được một tuyến đường đi về phía tây đến Ấn Độ, một tuyến đường có thể được sử dụng để mở rộng thương mại châu Âu và truyền bá đạo Cơ đốc. Bắt đầu từ năm 1485, ông tiếp cận các quốc vương Genova, Venice, Bồ Đào Nha, Anh và Tây Ban Nha, xin tàu và tài trợ để khám phá tuyến đường về phía tây này. Tất cả những người ông thỉnh cầu - bao gồm cả Ferdinand và Isabella lúc đầu - đều từ chối ông vì các chuyên gia hàng hải của họ đều đồng tình rằng ước tính của Columbus về tuyến đường đi ngang Đại Tây Dương là quá ngắn. Tuy nhiên, sau ba năm yêu cầu, và quan trọng hơn, việc hoàn thành Reconquista khiến Ferdinand và Isabella đồng ý tài trợ cho chuyến thám hiểm của Columbus vào năm 1492 và cung cấp cho ông ba con tàu: Nina, Pinta và Santa Maria. Các quốc vương Tây Ban Nha biết rằng người Bồ Đào Nha đã đến mũi phía nam của châu Phi và đi thuyền đến Ấn Độ Dương và họ cũng hiểu rằng người Bồ Đào Nha sẽ sớm đến được châu Á nên trong cuộc đua cạnh tranh đến vùng Viễn Đông này, các quân chủ Tây Ban Nha đã quyết định hành động.
Columbus đã có những quan điểm sai lầm về phía tây bên kia đại dương . Ông tin rằng trái đất nhỏ hơn nhiều so với kích thước thực của nó và vì ông không biết về sự tồn tại của châu Mỹ nên ông mong đợi sẽ đặt chân tới châu Á. Tuy nhiên, vào ngày 12 tháng 10 năm 1492, các con thuyền đã đổ bộ lên một hòn đảo ở Bahamas. Sau đó, ông đi thuyền đến một hòn đảo mà ông đặt tên là Hispaniola (Cộng hòa Dominica và Haiti ngày nay) . Tin rằng mình đã đặt chân đến Đông Ấn, Columbus gọi những người Taínos bản địa mà ông tìm thấy ở đó là “Indios”, tạo ra thuật ngữ “Indian” cho bất kỳ người bản địa nào của Tân Thế giới. Khi Columbus trở về Tây Ban Nha, các quân chủ Tây Ban Nha đã ban tặng cho ông danh hiệu Admiral of the Ocean Sea và phong ông là thống đốc và phó vương của những vùng đất mà ông đã khám phá ra. Là một người theo Công giáo, Columbus đã đồng ý với Ferdinand và Isabella trước khi đi thuyền về phía Tây rằng một phần của cải từ chuyến đi của ông sẽ được sử dụng để tiếp tục cuộc chiến chống Hồi giáo.
Bức thư được viết năm 1493 của Columbus — hay probanza de mérito — đã mô tả sự khám phá của ông về Tân Thế giới và khơi dậy sự phấn khích của người châu Âu. Probanzas de méritos là các báo cáo và bức thư do người Tây Ban Nha ở Tân Thế giới viết cho nhà vua Tây Ban Nha nhằm giành được sự bảo trợ của hoàng gia. Dù cho chứa đựng những thông tin sai lệch do thành kiến chủ quan của người viết , probanzas de méritos vẫn các tài liệu hữu ích trong việc minh họa những kỳ vọng về sự giàu có của các nhà thám hiểm cũng như quan điểm của họ rằng các dân tộc bản địa sẽ không gây trở ngại nghiêm trọng cho việc thực dân hóa.
Năm 1493, Columbus gửi hai bản sao của một bức probanza de mérito cho vua và hoàng hậu Tây Ban Nha và bộ trưởng tài chính của họ, Luis de Santángel. Santángel đã hỗ trợ chuyến đi của Columbus, giúp ông nhận được tài trợ từ Ferdinand và Isabella. Các bản sao của bức thư đã sớm được lưu hành khắp châu Âu, lan truyền tin tức về vùng đất mới kỳ diệu mà Columbus đã “khám phá ra”. Columbus sẽ thực hiện ba chuyến đi nữa trong thập kỷ tới, thiết lập khu định cư đầu tiên của Tây Ban Nha ở Tân Thế giới trên đảo Hispaniola. Nhiều người châu Âu khác, bị thu hút bởi giấc mơ về sự giàu sang bằng cách thám hiểm về phía tây, đã theo bước chân của Columbus, Một người Ý khác, Amerigo Vespucci, nhân danh hoàng gia Bồ Đào Nha, đã khám phá đường bờ biển Nam Mỹ từ năm 1499 đến năm 1502. Không giống như Columbus, ông nhận ra rằng châu Mỹ không phải là một phần của châu Á mà là những vùng đất mà người châu Âu chưa biết đến. Các báo cáo của Vespucci về các chuyến đi của ông đã thúc đẩy sự quan tâm mãnh liệt của người châu Âu đối với Tân Thế giới. Trong số những người đó có nhà vẽ bản đồ người Đức Martin Waldseemuller. Sử dụng cái tên "Amerigo" của nhà thám hiểm làm tên cho vùng đất mới, Waldseemuller đã gắn cái tên “America” vào bản đồ Tân Thế giới của mình vào năm 1507 và cái tên này vẫn được giữ nguyên.
Cuộc đổ bộ lên Châu Mỹ vào năm 1492 của Columbus đã đẩy nhanh sự cạnh tranh giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và hai cường quốc tranh giành quyền thống trị thông qua việc thâu tóm các vùng đất mới. Vào những năm 1480, Giáo hoàng Sixtus IV đã ban cho Bồ Đào Nha quyền đối với tất cả các vùng đất phía nam quần đảo Cape Verde, khiến vua Bồ Đào Nha tuyên bố rằng những vùng đất mà Columbus khám phá ra thuộc về Bồ Đào Nha, không phải Tây Ban Nha. Để đảm bảo rằng những phát hiện của Columbus sẽ vẫn là của người Tây Ban Nha, các quốc vương của Tây Ban Nha đã quay sang ủng hộ Giáo hoàng Alexander VI sinh ra ở Tây Ban Nha, người đã ban hành hai sắc lệnh của Giáo hoàng vào năm 1493 mang lại tính hợp pháp cho các vùng đất ở Đại Tây Dương của Tây Ban Nha. Với hy vọng cứu vãn sự nắm giữ Đại Tây Dương của Bồ Đào Nha, vua João II bắt đầu đàm phán với Tây Ban Nha. Kết quả là Hiệp ước Tordesillas ra đời vào năm 1494 về một tuyến đường phân chia Nam Mỹ trải dài từ Bắc xuống Nam. Qua đó, Tây Ban Nha giành được lãnh thổ ở phía tây của tuyến, trong khi Bồ Đào Nha giữ lại các vùng đất ở phía đông của chiến tuyến, bao gồm cả bờ biển phía đông Brazil.
Cuộc khám phá của Columbus đã mở ra một cánh cổng cho thời đại thám hiểm của người Tây Ban Nha. Bị hấp dẫn bởi những câu chuyện về các con sông vàng và những người bản địa nhút nhát, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha sau này đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm của cải ở Châu Mỹ. Và Hernán Cortés là một trong số đó. Ông hy vọng có được đặc quyền cho gia đình mình, các khoản tiền cống nạp và nguồn lao động từ người bản xứ, và một khoản tiền trợ cấp hàng năm từ sự phụng sự hoàng gia của ông. Cortés đến Hispaniola vào năm 1504 và tham gia vào cuộc chinh phục hòn đảo đó. Với mong muốn giành được vinh dự và sự giàu có, Cortés sau đó đã khám phá ra Bán đảo Yucatán. Năm 1519, ông tiến đến Tenochtitlán, thủ đô của Đế chế Aztec (Mexica). Ông và thuộc hạ của ông đã rất ngạc nhiên trước những con đường đắp cao, những khu vườn và đền thờ vô cùng phức tạp trong thành phố, nhưng họ lại kinh hãi trước phong tục hiến tế người là một phần của tôn giáo Aztec. Và đặc biệt, sự giàu có bằng vàng của người Aztec đã mê hoặc các nhà thám hiểm Tây Ban Nha.
Với tham vọng giành được quyền lực thống trị thành phố, Cortés đã bắt Moctezuma, người cai trị Aztec, làm con tin. Người Tây Ban Nha sau đó đã sát hại hàng trăm quý tộc Mexico trong một lễ hội để kỷ niệm Huitzilopochtli, vị thần chiến tranh. Điều này khiến người dân Tenochtitlán tức giận, họ đã vùng lên chống lại những kẻ xâm lược trong thành phố của họ. Cortés và thuộc hạ của ông đã bỏ chạy xuống một trong những con đường đắp cao của Tenochtitlán . Sau thất bại dưới tay của người Aztec, Cortés từ từ tạo ra liên minh với những người bản địa với sự cai trị của người Aztec. Phải mất gần một năm, người Tây Ban Nha và hàng chục nghìn đồng minh bản địa đã tham gia cùng họ để đánh bại người Mexica ở Tenochtitlán, mà họ đã thực hiện bằng cách bao vây thành phố. Dựa vào sự mất đoàn kết giữa các tộc người trong Đế chế Aztec, người Tây Ban Nha đã chiếm được thành phố vĩ đại Tenochtitlán. Vào tháng 8 năm 1521, sau khi thành công trong cuộc nội chiến cũng như chống lại các nhà thám hiểm Tây Ban Nha khác, Cortés đã tuyên bố Tenochtitlán thuộc về Tây Ban Nha và đổi tên thành Mexico City.
Các tác phẩm của châu Âu thường miêu tả chiến thắng của người Tây Ban Nha trước người Aztec như một ví dụ về sự vượt trội của người châu Âu so với "thổ dân da đỏ man rợ". Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Khi Cortés khám phá miền trung Mexico, ông may mắn gặp được một khu vực đang sôi sục xung đột khi nhiều dân tộc ở Mexico đã phẫn nộ và sẵn sàng nổi dậy. Ví dụ như người Tlaxcalan cung cấp tới 200.000 chiến binh trong cuộc bao vây Tenochtitlán. Người Tây Ban Nha cũng là thủ phạm mang bệnh đậu mùa vào thung lũng Mexico. Căn bệnh này đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân ở Tenochtitlán, đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong sự sụp đổ của thành phố so với lực lượng vũ trang của người Tây Ban Nha.
Cortés cũng được hỗ trợ bởi một phụ nữ Nahua tên là Malintzin (còn được gọi là La Malinche hoặc Doña Marina, tên tiếng Tây Ban Nha của cô), người mà bộ tộc bản địa Tabasco đã tặng ông như một món quà. Malintzin đã phiên dịch cho Cortés trong các giao dịch của ông với Moctezuma và, dù tự nguyện hay bị cưỡng ép, đã có mối quan hệ thể xác với Cortés. Con trai của họ, Martín, có thể là mestizo đầu tiên (người lai giữa người Mỹ bản địa và người gốc Âu). Malintzin vẫn là một nhân vật gây tranh cãi; một số người xem cô như một kẻ phản bội vì cô đã giúp Cortés chinh phục người Aztec, trong khi những người khác coi cô là nạn nhân của sự bành trướng của châu Âu. Nếu không có cô ấy, Cortés sẽ không thể giao tiếp, và nếu không có cầu nối ngôn ngữ, ông chắc chắn sẽ khó có thể gây bất ổn cho Đế chế Aztec. Qua đó, có thể thấy bằng cách này và hay cách khác, người bản địa đã đóng góp một phần cho cuộc chinh phục châu Mỹ của người châu Âu
Khả năng bành trường của Tây Ban Nha dường như không có giới hạn khi các nhóm thám hiểm của họ tìm kiếm tiếp tục tìm kiếm cho các vùng đất giàu có mới. Một nhà thám hiểm như vậy, Francisco Pizarro, đã đến vùng biển Caribê Tây Ban Nha vào năm 1509, được thu hút bởi lời hứa về sự giàu có và danh hiệu. Ông đã tham gia vào các cuộc thám hiểm thành công ở Panama trước khi nghe thấy tin đồn về sự giàu có của người Inca ở phía nam. Mặc dù những nỗ lực đầu tiên của ông chống lại Đế chế Inca vào những năm 1520 không thành công, Pizarro đã bắt được hoàng đế Inca Atahualpa vào năm 1532 và xử tử ông ta một năm sau đó. Năm 1533, Pizarro thành lập Lima, Peru. Giống như Cortés, Pizarro không phải chỉ phải chiến đấu với những người bản địa của Tân Thế giới mà còn cả những đối thủ từ chính đất nước của anh ta; sau đó một kẻ thù người Tây Ban Nha đã ám sát ông vào năm 1541.
Những thành quả đã khiến những kẻ chinh phục khác tiến sâu hơn vào châu Mỹ, với hy vọng có thể lặp lại thành công của Cortés và Pizarro. Hernando de Soto đã tham gia vào cuộc chinh phục Inca của Pizarro, và từ năm 1539 đến năm 1542, ông đã dẫn đầu các cuộc thám hiểm đến vùng ngày nay là miền đông nam Hoa Kỳ để tìm kiếm vàng. Ông và thuộc hà đã khám phá ra những vùng ngày nay là Florida, Georgia, Carolinas, Tennessee, Alabama, Mississippi, Arkansas, Oklahoma, Louisiana và Texas. Đi đến đâu họ cũng mang theo những căn bệnh châu Âu, đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người bản xứ cũng như sinh mạng của những người thám hiểm. Năm 1542, chính de Soto chết trong chuyến thám hiểm. Những người Tây Ban Nha sống sót, khoảng hơn ba trăm người, quay trở lại Mexico City mà không tìm thấy những núi vàng bạc như hy vọng.
Francisco Vásquez de Coronado sinh ra trong một gia đình quý tộc và đến Mexico, nơi sau đó được gọi là Tân Tây Ban Nha, vào năm 1535. Ông làm thống đốc tỉnh Nueva Galicia, nơi ông nghe đồn về sự giàu có ở phía bắc: một thành phố vàng có tên là Quivira. Từ năm 1540 đến năm 1542, Coronado dẫn đầu một đoàn thám hiểm lớn của người Tây Ban Nha và các đồng minh bản địa đến vùng đất phía bắc Mexico City, và trong vài năm tiếp theo, họ khám phá khu vực ngày nay là tây nam Hoa Kỳ (Hình 2.6). Trong mùa đông năm 1540–41, các nhà thám hiểm đã tiến hành cuộc chiến tranh chống lại người Tiwa ở nơi New Mexico ngày nay. Tuy nhiên, thay vì phát hiện ra vàng và bạc, cuộc thám hiểm thậm chí khiến Coronado phá sản.
Dịch từ nguồn tiếng Anh:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất