Lịch sử cuộc Cách mạng Pháp (phần 1)
Bạn nghĩ nguyên nhân sâu xa của cuộc Cách mạng Pháp là gì? Mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp? Nỗi niềm bất bình của nhân dân trước...
1. Những khó khăn của nước Pháp trước cách mạng
Bạn nghĩ nguyên nhân sâu xa của cuộc Cách mạng Pháp là gì? Mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp? Nỗi niềm bất bình của nhân dân trước ách bóc lột tàn bạo của nền cai trị phong kiến chuyên chế? Nền kinh tế yếu kém, phương thức sản xuất lạc hậu? Tất cả đều đúng, nhưng chưa phải là "gốc rễ" của mọi vấn đề nảy sinh tại Pháp vào Đêm trước của cuộc Cách mạng. Cái "nguồn gốc sâu xa" mà tôi đang đề cập ở đây, thực chất lại là một sự kiện chẳng mấy liên quan, xảy ra tại một hòn đảo hoang vu cách nước Pháp tận hàng nghìn km về phía tây bắc, nhưng hoàn toàn có thể coi nó là "khởi đầu" cho tất cả mớ hỗn độn không chỉ ở Pháp mà còn là cả toàn lục địa châu Âu trong những năm sau đó.
Trước hết, ta cần phải xuyên không về ngày 8 tháng 6 năm 1783, thời điểm mà cánh đồng băng Vatnajökull ở miền nam đảo Iceland vẫn đang ở trong trạng thái hoàn toàn yên bình, các loại rêu và địa y trong khu vực đều phát triển tươi tốt, mặc dù nằm trong Vòng Bắc Cực nhưng cánh đồng vẫn toát lên vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Đột nhiên, một âm thanh bất thường xuất hiện, sự im lặng của các tảng băng đột nhiên bị phá vỡ, và ở rìa tây nam của cánh đồng băng, ngọn núi lửa Laki - vốn đã yên giấc suốt 850 năm - bất ngờ hồi sinh. Tro bụi núi lửa phủ khắp không khí, dòng dung nham nóng bỏng dài tới 32 km nuốt chửng mọi sự sống tồn tại xung quanh nó.
Vụ phun trào núi lửa kinh hoàng này đã phát tán tổng cộng 120 triệu tấn sulfur dioxide và tro núi lửa lên khắp hòn đảo Iceland xinh đẹp. Không những thế, vụ phun trào đã để lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các nước Châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp. Hoạt động của núi lửa Laki làm cho khí hậu tại "lục địa già" những năm này trở nên đặc biệt thất thường, sương mù dày hơn, mùa hè nóng hơn, mùa đông lạnh và kéo dài hơn. Mất mùa trên diện rộng xảy ra khắp nơi, gián tiếp dẫn đến hơn một triệu cái chết chỉ riêng ở châu Âu.
Pháp có lẽ là nước phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Năm 1785, một trận hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở Pháp; đến mùa xuân năm 1788, thêm một trận hạn hán khác; vào ngày 13 tháng 7 năm 1788, nước Pháp hứng chịu trận mưa đá lớn nhất trong lịch sử từng được ghi nhận, với những viên đá được miêu tả là "to bằng quả trứng" ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực sản xuất cây trồng chính của Pháp; mùa đông năm ấy cũng là mùa đông lạnh nhất tại Pháp kể từ đầu thế kỷ 18.
Hạn hán làm cho các loại cây trồng không phát triển được, cây trồng không phát triển được thì vật nuôi cũng không có gì để ăn, không có thức ăn thì phải giết thịt gia súc, gia súc bị làm thịt hết thì lại không còn phân gia súc để bón cho đất hoang, hậu quả là đất đai cằn cỗi => mất mùa.
Thảm họa thiên nhiên kéo dài gần chục năm trời khiến nhân dân ở nhiều vùng của Pháp gặp nhiều khó khăn, lạm phát rất trầm trọng, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như bánh mì tăng vùn vụt. Năm 1788, một nửa thu nhập của các hộ gia đình nghèo ở Pháp được chi cho bánh mì; đến năm 1789, con số này đã tăng lên tới 80%. Năng lực cứu trợ thiên tai của chính phủ Pháp hồi ấy còn rất yếu, giao thông đường bộ bất tiện, thiên tai là hiện tượng chung ở các nước Châu Âu do đó Pháp không thể nhập thêm lương thực từ bên ngoài. Và vấn đề quan trọng nhất đối với chính phủ Pháp lúc bấy giờ, đó là thiếu xiền.
Vậy thì tiền đi đâu hết? Tại sao lại không có tiền? Lại cần phải nói thêm về hai cuộc chiến tranh bi thảm xảy ra trước đó không lâu.
Cuộc chiến đầu tiên được gọi là Chiến tranh Bảy năm.
Từ năm 1754 đến năm 1763, đã xảy ra một cuộc hỗn chiến lớn giữa các nước phương Tây, được gọi là Chiến tranh Bảy năm, mặc dù trên thực tế nó đã kéo dài hơn bảy năm. Nguyên nhân của cuộc chiến phát sinh từ mâu thuẫn giữa Anh và Pháp về thương mại hàng hải và tranh giành thuộc địa.
Tại thời điểm ngay trước khi cuộc chiến tranh Bảy năm nổ ra, Bắc Mỹ về cơ bản là một vùng đất khổng lồ được Anh và Pháp chia nhau chiếm giữ. Vào năm 1754, Pháp đang kiểm soát Quebec của Canada và một vùng rộng lớn thuộc miền trung Hoa Kỳ ngày nay, trong khi Anh kiểm soát phần phía bắc của Canada cùng với mười ba thuộc địa nằm bên bờ biển phía đông nước Mỹ hiện tại. Các thuộc địa của Pháp được liên kết với nhau thành một dải thống nhất, chia các thuộc địa Bắc Mỹ của Anh thành hai phần bắc và nam tách biệt nhau.
Hai bên giao tranh ác liệt để giành giật thuộc địa của nhau.
Đồng thời, trên lục địa Châu Âu lúc bấy giờ, nước Phổ mới trỗi dậy dưới sự cai trị của Frederick Đại Đế và nước Áo của Nữ vương Maria Theresa đang tranh nhau ngôi vị lãnh đạo Đế chế La Mã thần thánh, và mối quan hệ giữa hai bên rõ ràng là không mấy hòa hợp.
Trước tình hình đó, Pháp và Áo xích lại gần nhau, để đáp trả lại, Anh và Phổ cũng bắt tay kết đồng minh, thế là hai bên bắt đầu đánh nhau sứt đầu mẻ trán gần chục năm trời. Chiến tranh Bảy năm bùng nổ.
(Thú vị và trớ trêu thay, phát súng mở màn cuộc chiến tranh Bảy năm lại đến từ một nhân vật vô cùng quen thuộc. Năm 1754, một thiếu tá Anh cùng với 150 binh sĩ tấn công căn cứ của Pháp tại Pháo đài Duquesne. Và tên của người thiếu tá ấy là gì? George Washington, vâng đúng rồi, chính là ông Washington trên đồng đô la đấy các bạn.).
Nước Nga của Catherine Đại đế ban đầu đứng về phía liên minh Pháp-Áo, nhưng sau khi Sa hoàng Peter III lên ngôi năm 1762, ông ngay lập tức đổi phe và bắt đầu đứng về phía Anh-Phổ. Vào thời điểm đó, nhiều tiểu quốc tại Đức cũng lo sợ sự thôn tính của Áo, do đó đã gia nhập phe Anh- Phổ, và cả Bồ Đào Nha cũng đứng về phía Anh-Phổ.
Kết quả cuối cùng cuộc chiến tranh Bảy năm là thắng lợi to lớn của liên minh Anh-Phổ, với Anh là nước được hưởng lợi nhiều nhất, họ đã giành được tất cả các thuộc địa của Pháp ở Bắc Mỹ, cũng như một số đảo Caribe và thuộc địa Senegal thuộc Pháp, đồng thời trục xuất được hoàn toàn người Pháp ra khỏi Ấn Độ.
Sau cuộc chiến này, Pháp đã phải gánh những món nợ chiến tranh nặng nề và đã mất gần như toàn bộ thuộc địa ở nước ngoài vào thời điểm đó vào tay Anh. Cay không? Cay chứ? Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn. Vậy người Pháp đã trả thù bằng cách nào?: bằng cách ủng hộ các thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ giành độc lập.
Trong khoảng thời gian từ năm 1778 đến năm 1782, khi Quân đội Độc lập Hoa Kỳ hết đạn dược và lương thực, bị bao vây từ mọi phía, Pháp đã đứng lên và cung cấp sự giúp đỡ quên mình. Pháp đã viện trợ vô số các loại vật liệu, vũ khí và đạn dược khác nhau, và thậm chí cả quân phục cũng đã được họ gửi cho quân đội Cách mạng Mỹ. Ngoài ra, hải quân Pháp còn đóng vai trò hộ tống trên biển, tham chiến trực tiếp với hạm đội Anh và bảo vệ lực lượng của tướng Washington - chỉ huy cuộc cách mạng - tại Virginia.
Sự giúp đỡ của Pháp có kết quả: Người dân 13 thuộc địa Bắc Mỹ đánh đuổi người Anh, lập nên một quốc gia mới là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, chính là nước Mỹ ngày nay. Nước Anh đã bị một vố đau, thế nhưng đổi lại, người Pháp nhận được gì? Đáng tiếc thay: Không gì cả.
Bởi vì Pháp không giành được thêm thuộc địa, cũng không được bồi thường chiến tranh, cũng không được nhượng đất, thay vào đó, ngân khố của họ gần như cạn kiệt do phải chi viện cho phe Cách mạng. Vào cuối cuộc Chiến tranh giành độc lập Bắc Mỹ, tổng số nợ quốc gia của Pháp đã là 2 tỷ livres. Làm cho người Anh cụt một chân, thì Pháp cũng đã cụt cả hai cánh tay mất rồi.
Trở lại năm 1783, cái năm mà Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ kết thúc, Núi lửa Laki phun trào, kéo theo nhiều thảm họa thiên nhiên khác nhau kéo dài trong bảy năm. Trong hoàn cảnh vô cùng hỗn độn đó, Louis XVI, vị vua xấu số của chúng ta, chính thức trở thành tân vương của nước Pháp. Hãy cùng điểm qua một chút về tiểu sử ông này.
2. Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette
Vào ngày 23 tháng 8 năm 1754, không lâu sau khi ngài Thiếu tá Washington nướng cháy căn cứ quân sự của Pháp ở Bắc Mỹ, tại kinh đô Paris, cậu bé Louis Auguste đã cất tiếng khóc chào đời. Nước Pháp khi ấy đang tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh khác nhau. Tất nhiên, điều này chả mấy ảnh hưởng đến cậu bé. Dù bên ngoài có bao nhiêu người chết, cậu vẫn sống vô tư, vẫn được ăn ngon mặc đẹp, sống một cuộc đời nhung lụa. Ông nội của cậu, Louis X, là một vị vua quyền lực được cả châu Âu kính nể.
Năm 1765, cha của Louis Auguste là Louis Ferdinand qua đời khi còn trẻ, và Louis Auguste, mới 11 tuổi, được lập làm thái tử. Từ khi còn trẻ, Louis Auguste là một đứa "con nhà người ta" điển hình, cậu thông thạo tiếng Anh và tiếng Latinh, học tốt ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, đồng thời rất quan tâm đến lịch sử, địa lý và chính trị. Người ta kỳ vọng cậu có thể trở thành một ông "Vua Mặt trời" thứ hai, sau người ông cố huyền thoại Louis IX.
Tất nhiên, sinh ra trong gia đình hoàng tộc chưa hẳn đã là hạnh phúc, điều dễ nhận thấy nhất là con cái của hoàng tộc không có quyền tự do kết hôn. Các cuộc hôn nhân đa phần là hôn nhân chính trị. Và cuộc hôn nhân giữa Louis Auguste với Marie Antoinette không phải ngoại lệ.
Marie Antoinette sinh ngày 2 tháng 11 năm 1755 tại Cung điện Hofburg, Áo, là con thứ mười lăm của Hoàng đế Áo Franz I với người vợ duy nhất của mình. Không có gì lạ khi một hoàng đế có mười lăm người con, nhưng những đứa trẻ này được sinh ra cùng một mẹ thì quả là từ cổ chí kim hiếm gặp.
Antoinette thời thiếu niên là một cô gái đáng yêu, nhưng lại ít học vấn, trái ngược với Louis. Tiếng Pháp của cô rất kém, chỉ biết nói tiếng Đức. Background này xem chừng không phải là một lựa chọn tốt cho một cuộc hôn nhân chính trị. Tuy vậy vào thời điểm ấy, Áo và Pháp đã ký với nhau một hiệp ước hòa bình mới. Theo điều khoản của hiệp định, người thừa kế của Vua Louis XV của Pháp vào thời điểm đó là cháu trai Louis Auguste của ông, phải kết hôn với một trong những thành viên của gia đình hoàng gia Áo. Vì vậy, Antoinette đã được chọn và gửi đến Pháp để kết hôn với thái tử.
Mặc dù bản chất đây là một cuộc hôn nhân chính trị, lại vướng rào cản bất đồng ngôn ngữ (một người nói tiếng Pháp, một người nói tiếng Đức), mối quan hệ giữa đôi vợ chồng trẻ vẫn rất hòa hợp. Cả hai đều thích khiêu vũ, thời trang, du lịch, săn bắn và tiệc tùng, và họ đã có một khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau. Mãi đến năm 1774, Louis XV qua đời và Louis Auguste chính thức lên ngôi, trở thành Louis XVI (nhưng chưa làm lễ đăng quang).
3. Những cải cách của Jacques Necker
Mặc dù nền tài chính của nước Pháp đang bên bờ sụp đổ, đời sống nhân dân muôn vàn khó khăn, thế nhưng Louis XVI và vợ tiếp tục duy trì lối sống xa xỉ, khiến ngân khố càng trở nên khánh kiệt hơn. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính sâu sắc, đương nhiên triều đình phải tìm một vật tế thần đứng mũi chịu sào để nhận toàn bộ trách nhiệm. Tháng 5 năm 1776, Louis XVI đã cách chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Turgot, nhưng tìm mãi không được người thay thế.
Lúc ấy, có vị cận thần đã cho Louis XVI xem một bài luận thuyết kinh tế được viết bởi một học giả từ năm trước đó, có nội dung phê phán kịch liệt chính sách của Bộ trưởng Turgot, và đề xuất một chính sách thương mại tự do nhằm để giảm bớt cuộc khủng hoảng tài khóa hiện nay thông qua việc cải cách hệ thống thuế. Vua đọc xong, ngẫm nghĩ một lát, rồi gật gù khen hay, cho vời ngay tác giả bài luận thuyết này về kinh, bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Tài chính còn trống.
Tác giả của bài báo nức tiếng ấy là Jacques Necker, sinh ra ở Geneva, Thụy Sĩ, cha là giáo sư luật quốc tế người Đức. Lý lịch của Necker rất tốt, môi trường giáo dục từ nhỏ cũng rất tốt, nhưng cậu bé Necker không bằng lòng, muốn tiến xa hơn nên cha cậu đã gửi cậu đến Paris và để cậu chọn ngành mà cậu thích, là ngành ngân hàng. Năm 1765, anh đã tích luỹ được một khoản tài sản không lồ nhờ đầu cơ thành công và có được vốn để thành lập ngân hàng riêng của mình. Trong thời gian Necker ở Paris, anh đã yêu một góa phụ xinh đẹp, tên là Susan Cursau. Chồng cũ của Cursau là một sĩ quan quân đội Pháp, vì vậy Cursau có một số mối quan hệ trong chính phủ Pháp. Sau khi họ kết hôn, Cursau bắt đầu khuyến khích Necker tham gia chính trị, trong bối cảnh đó, Necker đã xuất bản bài luận làm thay đổi số phận của anh ta.
Sau khi Necker lên nắm quyền, ông quyết tâm kéo nước Pháp khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Biện pháp được ông đưa ra là tiến hành tcải cách thuế.
Giờ thì tôi sẽ nói một chút về hệ thống thuế của Pháp lúc bấy giờ. Có thể tóm gọn bằng ba từ : QUÁ NHIỀU THUẾ!!! Kể sơ ra thì có các loại thuế sau mà dân đen phải nộp:
1. Tiền cống phẩm hàng năm: tương đương với phí tổ chức lễ hội, được nộp cho lãnh chúa.
2. Địa tô: tương đương với thuế thu nhập từ ruộng đất, được nộp cho lãnh chúa;
3. Các loại thuế khác: phí sử dụng cối xay, máy ép và các thiết bị
công nghệ cao khác của lãnh chúa.
4. Thuế ba mươi năm: Nông dân thuê ruộng đất cứ sau 30 năm lại phải nộp loại thuế này cho lãnh chúa để chứng tỏ ruộng đất không phải của mình, và họ cũng phải nộp mỗi khi có sự thay đổi về tước vị lãnh chúa.
5. Thuế thừa kế: Sau khi người nông dân thuê đất chết, nếu con trai muốn thừa kế ruộng đất thì phải nộp thuế thừa kế cho lãnh chúa.
6. Thuế thu nhập cá nhân, nộp cho nhà vua
7. Thuế thập phân, nộp cho nhà vua.
8. Thuế nộp hàng năm cho nhà thờ địa phương
9. Thuế thương mại, buôn bán
Ngoài ra, có một số loại "thuế ngầm" khác. Đi từ lãnh địa này sang lãnh địa khác thì phải nộp lệ phí, rồi buôn bán hàng hoá thì còn phải nộp phí hải quan, sử dụng muối thì phải nộp thuế muối. Khủng khiếp hơn, nếu bạn bị kéo vào quân đội để quyết tử cho đất nước, thì bạn cần phải đóng thuế nghĩa vụ quân sự (!!! không đùa một chút nào nhé).
Khốn nạn hơn, là các loại thuế đó chỉ áp dụng với dân thường. Giới tăng lữ và quý tộc hoàn toàn bị miễn trừ khỏi những khoản thuế nêu trên. Qua đây bạn cũng hiểu tại sao mâu thuẫn giai cấp ở Pháp lúc bấy giờ là ko thể dung hoà nổi rồi chứ?
Necker muốn cải tổ lại hệ thống thuế, giảm bớt các loại thuế vô lí nêu trên, đồng thời cố gắng tăng cường ngân sách nhà nước thông qua các nguồn khác. Với uy tín của mình là một chủ ngân hàng và nhiều năm kinh nghiệm đầu cơ, Necker đã vay được nhiều khoản tiền lớn trong thời gian ngắn, giúp hoàng gia Pháp giải quyết các nhu cầu cấp thiết của họ. Việc này đã làm tăng đáng kể vị thế của Necker trong tâm trí của Louis XVI, thúc đẩy Necker thực hiện những cải cách táo bạo hơn.
Đầu tiên ông cắt giảm nhân sự triều đình, loại bỏ một kẻ nhàn rỗi trong cung điện không làm việc nhưng lại hưởng lương cao, sau đó giảm chi tiêu tài chính của hoàng gia và cắt giảm một số loại thuế vô lí, chẳng hạn như thuế nghĩa vụ quân sự và thuế muối. Những cải cách này đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng chúng lại đụng chạm đến quyền lợi của tầng lớp quý tộc Pháp.
Sau những kết quả ban đầu của những cải cách trên, Necker bắt đầu đi xa hơn, ông dự định bãi bỏ thêm các loại thuế khác, và dùng cho vay nặng lãi để thay thế việc tăng thuế. Những cải cách này đều có hại cho lợi ích của giới quý tộc tăng lữ. Mặc dù vua Louis XVI có thể khoan dung cho ông vì lợi ích quốc gia, nhưng người thân của nhà vua thì không.
Những cải cách của Necker khiến ông có nhiều kẻ thù trong nội bộ triều đình Pháp, đặc biệt là vợ của nhà vua Marie Antoinette. Trong những đêm ân ái mặn nồng, hoàng hậu đã liên tục tác động lên vua Louis XVI để thay thế Necker. Tuy nhiên, xét thấy tình hình tài chính rối ren ở Pháp không dễ tìm được người thu vén, Louis XVI vẫn chưa thể loại bỏ Necker được.
Năm 1781, Jacques Necker xuất bản một bản "Báo cáo tài chính Hoàng gia", trong đó ông tóm tắt các khoản thu và chi của chính phủ, chẳng hạn như các khoản dành cho chiến tranh, hoạt động, nghi lễ, v.v., và cũng tiết lộ mức lương hàng năm của các quý tộc ở mọi cấp độ. Tất nhiên, Necker cũng rất tỉnh, biết là bọn quý tộc đang chống lại mình, nên ông cố gắng làm đẹp số liệu hết mức có thể nhằm che đậy khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, vốn là hệ quả từ lối sống xa xỉ của các thành viên hoàng gia.
Mục đích của Necker thực ra là tốt, muốn cho người dân thấy là chính phủ cũng minh bạch, cũng quyết tâm cùng người dân cải cách để thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Thế nhưng hoá ra đây lại là một pha chơi ngu của ông, đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.
Thứ nhất, hành động tiết lộ chi tiêu của hoàng gia này khiến Louis XVI và Antoinette cực kỳ bất mãn, họ quyết định sa thải Necker ngay lập tức. Thứ hai, nguy hiểm hơn, là bản báo cáo này khiến dân chúng cảm thấy rằng tất cả các loại thuế mà họ è cổ ra nộp cho nhà vua xưa nay hoá ra là chỉ để phung phí vào những thứ xa xỉ như tiệc tùng thôi sao? Tới đây thì họ đã bắt đầu giác ngộ tư tưởng cách mạng rồi đó.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất