'Các người sẽ thấy Messi; còn Cúp sẽ về tay bọn ta, và Maradona thì vĩ đại hơn cả Pele ...' 
Đó là khúc khải hoàn ca không bao giờ dứt trên môi từng cổ động viên Argentina mỗi khi đội tuyển của họ thi đấu. 
Nếu nói bóng đá là một thứ tôn giáo ở Brazil, thì ở quốc gia láng giềng Argentina cũng vậy. Bóng đá ở đây là linh hồn, là lẽ sống, là niềm vui lan tỏa, là nỗi buồn rười rượi, là giọt nước mắt của cả một đất nước. 
Người Argentina, họ ăn mừng cuồng nhiệt mọi lúc như thể họ là nhà vô địch thế giới. Họ ôm nhau nhảy múa. Họ hát vang như thể muốn cho cả thế giới thấy tình yêu bóng đá của người Argentina mãnh liệt đến thế nào. Họ biến đêm trắng nước Nga thành đêm của vũ điệu tango sôi động không biết mệt mỏi. Họ mặc những chiếc áo sọc xanh trắng mang số 10 in tên Messi hay Maradona, chúng phấp phới dưới ánh sáng ráng mỡ gà của hoàng hôn trộn với bình minh mùa hè nơi đây. 
Những chàng trai cởi trần miệng ca vang "Ole, ole, ole Messi" rồi "Vamos Argentina". Một hình ảnh không lẫn vào đâu được của đất nước Nam Mỹ yêu trái bóng tròn hơn hết thảy mọi điều. 
Ở đây, họ tôn sùng Maradona như một vị thánh, họ coi Messi như là vĩ nhân ngàn năm có một. Họ đưa những con người kiệt xuất nhất của nền bóng đá nước này vào trong từng lời ca. Họ kéo nhau đi hết từng góc phố khi miệng vẫn hát vang "Chúng tôi có Messi và Maradona…". 
Bóng đá kết nối hi vọng và ước mơ của người Argentina.

Cách bóng đá du nhập vào Argentina

Là một tín đồ túc cầu giáo, liệu bạn có thích vẻ đẹp đầy tính bạo lực của bóng đá Argentina? Câu trả lời không chỉ nằm ở chữ “yes” hay “no” mà đơn giản là không dễ để trả lời. 
Sự tàn bạo đầy tính nghệ thuật từ đâu đã là một phần tự nhiên của đội bóng. Ngay cả đội Paralympic cũng từng có một cuộc ẩu đả trực tiếp trên truyền hình quốc gia vào năm 2004. 
Giống như phần lớn các quốc gia nam mỹ, niềm đam mê bóng đá của Argentina được sinh ra từ hai chữ nghèo khó. 
Bóng đá được du nhập vào đất nước này thông qua các thủy thủ Anh Quốc và trò chơi nhanh chóng lan rộng từ khắp các bến cảng, cho tới những khu ổ chuột. Các nhà máy và trên đường phố. Người lao động nghèo họ học cách rê dắt bóng như là một thú vui, họ đẩy quả bóng đi như thế nó là một cây đàn guitar, gảy khúc nhạc vui vẻ giữa một cảnh sống cơ cực xung quanh. 
“Nếu phải mô tả tâm hồn của bóng đá Argentina, nó sẽ giống một con nhím mặt xấu xí, tóc bờm nổi loạn, đôi mắt tinh ranh, ánh nhìn sắc sảo, nụ cười giang hồ, lộ ra hàm răng nhỏ xíu bị mài mòn vì ăn một ổ bánh mì hôm trước. Quần có vài mảnh vá, áo sọc Argentina, cổ thấp với nhiều vết rách. Đầu gối phủ kín vết thương đã đóng vẩy, đi chân trần hoặc giày thủng ngón vì đã phải trốn chạy khỏi những làn đạn, rê bóng cuộn từ những chiếc giẻ lau. Dáng đứng phải thật đặc biệt!”
Bóng đá ở đây vượt qua những ý nghĩa ban sơ, được nâng tầm thành một công cụ phản ánh xã hội, một thứ tôn giáo với cả triệu tín đồ cuồng tín. Chính cái nghèo khó nuôi dạy ý nghĩa cuộc sống trong từng cậu bé, chàng trai nơi đây rằng, để tồn tại phải khôn ngoan, ranh mãnh. Giữ gìn phẩm hạnh cao đẹp trong bần cùng chỉ khiến ta thêm khốn khổ. Để giành lấy vinh quang từ bóng đá, phải chấp nhận đánh đổi mình. 
Một cách rõ ràng, nếu muốn biết Argentina như thế nào hãy xem Maradona chơi bóng. Bạn có thể ghét Maradona vì ông ấy tiểu xảo, ranh ma, nhưng bạn không thể kiềm lòng thán phục trước mỗi bước chân của Cậu Bé Vàng. Ông là hiện thân của chúa trời, là nhân vật tiêu biểu cho dân tộc Argentina, cho tính cách dân Á Căn Đình. Là thiên thần và cũng là ác quỷ. 
Vì sao lại nói như vậy?
Theo dòng lịch sử, có 2 trường phái bóng đá được hình thành trong xuyên suốt lịch sử. Một là La Nuestra, xuất hiện vào khoảng những năm 20 của thế kỉ XX, và phát triển tới giai đoạn thập niên 50. Lối chơi này tôn thờ tính ngẫu hứng, ban bật nhỏ và rê dắt bóng vốn đậm chất Nam Mỹ xưa giờ.  
Nhưng sau thất bại ê chề trước Nam Tư ở World Cup 1958, một dòng chảy mới được hình thành và khiến La Nuestra bị bỏ quên. 
Cho tới khi Victorio Spinetto xuất hiện. Chất lãng mạn vẫn còn đó, nhưng đã nhuốm màu toan tính chiến thuật và thực dụng hơn. Các trò múa may ư, hãy dẹp chúng đi nếu không thể ghi bàn. Chiến thắng sau cùng là mục tiêu tối thượng. 
Những năm sau 1950, đội tuyển sọc xanh trắng nổi lên với biệt danh “Những thiên thần có khuôn mặt bẩn thỉu”, làm bất cứ điều gì để giành chiến thắng cuối cùng. Họ vô địch vô địch World Cup 1978 lần đầu tiên trên sân nhà một cách mờ ám. Chút ma mãnh của Maradona để mang về chức vô địch thứ năm 1986 và tai tiếng nhất là trận đấu năm 1990 với đối thủ truyền kiếp Brazil. Huấn luyện viên Argentina đánh thuốc mê hậu vệ Branco của Brazil bằng cách đưa cho anh ta một chai nước bằng một cử chỉ thân thiện trong giờ nghỉ. 
Vì thế trận gặp Anh ở World Cup 2002, Argentina đã bị đối thủ chơi khăm lại. Cựu thần đồng Michael Owen ngã vờ rất đẹp kiếm phạt đền, góp phần tiễn Argentina về nước trong nhục nhã. Sau trận thua đó, nhiều người đều đồng ý với nhận định: Argentina vừa bị dạy cho một bài học. 

SỐ 10 VÀ SỐ 5

Sự ngẫu hứng sản sinh ra những số 10 vĩ đại của lịch sử bóng đá Argentina. "số 10" Maradona, Riquelme, Messi… Nhưng đặc sản của bóng đá Argentina còn có một danh sách dài những tài năng chơi ở vị trí "số 5". Sẽ thế nào nếu sau những số 10 tài năng trên không có Sergio Batista, Diego Simeone hay Javier Mascherano.
Số 5” sẽ là trung tâm của hàng tiền vệ, án ngữ trước hàng phòng ngự, tổ chức lối chơi, kiểm soát bóng, là mỏ neo để “số 10” thoải mái phát tiết tinh hoa. Nếu “Số 6” của người châu Âu được đánh giá qua tỷ lệ tranh chấp hay số pha tắc bóng, thì “số 5” của người Argentina còn đẳng cấp hơn nhiều bởi họ biết cầm bóng, rê bóng, chuyền bóng và thậm chí giật gót qua người như Redondo tại Old Trafford.
Số 10 thăng hoa còn số 5 cộc tính. Antonio Rattin vẫn nổi tiếng vì sự hung hăng tại World Cup 1966. Simeone là một gã “võ sĩ giác đấu” Argentina thực thụ, sẵn sàng lao vào cản đối thủ bằng đủ mọi chiêu trò: Chọc mắt, đánh lén, thúc chỏ, triệt bộ hạ,
Họ là những minh chứng cho câu nói: Đừng để quốc tịch Argentina khiến bạn lầm tưởng rằng mọi cầu thủ đều chơi bóng theo phong cách bay nhảy như những điệu Tango”. 
Còn truyền thống tốt đẹp về những số 10 huyền thoại của Argentina vẫn luôn là niềm tự hào của đất nước này. Tháng 2 năm 2009, khi con gái của Maradona sinh bé trai Benjamin, khi đó cô muốn con trai mình trở thành một vũ công ba lê.
Diego phản bác ngay.
“Tôi thề rằng tôi sẽ thiêu rụi mọi học viện khiêu vũ trên cả nước! Tôi thực sự nghiêm túc. Thằng bé phải có cái chân trái tuyệt vời như ông ngoại của nó vậy”. 

ARGENTINA - ÁC MỘNG CỦA BRAZIL

World Cup 2014, cổ động viên Argentina hả hê trêu chọc những anh bạn hàng xóm Brazil bằng 7 ngón tay, ám chỉ nỗi nhục quốc thể mà đất nước phải chịu sau trận thua 1-7 trước Đức. Họ nghêu ngao hát vang rằng "One - Seven, Lo Siento!".
Nghĩa là 1 - 7, ôi tôi xin lỗi.
Với người Brazil, đội tuyển của họ bị loại ở bán kết thì đó chưa phải là điều tồi tệ nhất nếu “kẻ thù truyền kiếp” Argentina nâng cúp vô địch thế giới ngay trên chính thánh địa Maracana.
“Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là cơn ác mộng ám ảnh nhất của người dân Brazil. “Ai vô địch cũng được, miễn là không phải Argentina”.
Newton Cesar Santos, tác giả của 600 trang lịch sử bóng đá giữa hai đối thủ truyền kiếp Brazil và Argentina đã viết như thế. Thế nên, xứ sở samba lại có ngày phải đi muối mặt cổ vũ ngược cho đối thủ Đức ở trận chung kết - đội bóng vừa tạo nên chiến tích kinh hoàng 1-7 nhớ đời. 
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, có nhiều cặp đấu được xếp vào hàng kinh điển như Hà Lan – Đức, Anh – Scotland…, nhưng không có cặp đấu nào “ác liệt” như cặp Brazil – Argentina.
Brazil có Pele, Argentina có Maradona và cuộc tranh cãi ai giỏi hơn ai đến bây giờ vẫn chưa kết thúc. 
Thủ môn Andrada của Argentina đã tỏ ra vô cùng giận dữ, tay đấm liên tục lên trời, thậm chí đã tự dằn vặt bản thân suốt năm trời chỉ vì để Pele ghi bàn thắng thứ 1000. 
Người Brazil coi mình là cái nôi của bóng đá, là siêu cường duy nhất chiếm giữ 5 chiếc cúp Jules Rimet. Đội tuyển duy nhất chưa từng vắng mặt tại bất kỳ vòng chung kết World Cup nào. Họ tạo nên tiêu chuẩn mới cho bóng đá thế giới, và Pele ở tuổi 73 vẫn là Vua bóng đá không thể thay thế. 
Nhưng, đôi khi những điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Nhưng ngược dòng lịch sử, Argentina mới là thế lực lớn nhất Nam Mỹ thời kỳ đầu. Họ chơi bóng trước người Brazil. Vũ điệu tango chào sân bóng đá thế giới vào năm 1902 sớm hơn xứ sở Samba những 12 năm. Tuyển Argentina góp mặt trong trận chung kết đầu tiên năm 1930, thất bại với tỷ số 2-4 trước tuyển Uruguay.
Để lý giải, tác giả Santos từng viết rằng:
“Bóng đá Argentina luôn phát triển mạnh hơn Brazil. Argentina không có chế độ nô lệ, còn chúng ta có. Họ có ngành công nghiệp, họ có mọi thứ trước Brazil. Với danh nghĩa quốc gia, chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta là hạng hai so với họ”.
Điều này chỉ thay đổi khi Brazil vô địch thế giới năm 1958, danh hiệu đầu tiên mà mãi 20 năm sau, người Argentina mới có được. 
Năm 1978 Argentina giành chiến thắng trong trận chung kết tổ chức ngay trên quê nhà khi đánh bại Hà Lan với tỷ 3–1. Có thể chức vô địch đầu tiên vẫn luôn ám ảnh các thế hệ yêu mến trái bóng tròn bởi tính minh bạch của nó. Thì 8 năm sau Diego Maradona dẫn dắt đoàn quân Argentina nhảy điệu Tango huyền thoại, mang về chiếc cúp thứ 2 bằng một hành trình vừa vinh quang vừa đầy tranh cãi. 
AI MỚI LÀ VUA COPA AMERICA?
Có thể thua thiệt Brazil ở World Cup, nhưng Argentina là một cái gì đó rất khác ở Copa America. Tính đến năm 2019, đội tuyển Argentina đã 14 lần vô địch, 15 lần đứng thứ 2 và 5 lần đứng thứ 3. Trong đó có 3 lần liên tiếp lên ngôi vô địch vào các năm 1941, 1945 và 1946. 
Ra đời vào năm 1916, trước cả World Cup và Euro, có thể coi Copa America là giải đấu quốc tế lâu đời và uy tín bậc nhất còn tồn tại đến ngày nay. 
Tôn giáo là phương tiện để gắn kết những cộng đồng lớn với nhau. Ở Nam Mỹ, tôn giáo ấy mang tên bóng đá. Với mong muốn sơ khai là giao lưu văn hóa và thúc đẩy hợp tác, Copa America, dù có nhiều luật lệ và cách tổ chức khác thường, dần trở thành nơi thi tài số một của những quốc gia Nam Mỹ. 
Thậm chí hai ông lớn Argentina và Brazil còn không coi trọng World Cup bằng Copa. Họ từ chối tham dự để tranh nhau ngôi đầu Nam Mỹ với Uruguay. 
Năm 1925, Argentina và Brazil chạm trán nhau ở chung kết Copa America. Trận đấu diễn ra vào khoảnh khắc oái oăm bậc nhất lịch sử: Ngày Giáng sinh. Bất chấp mọi trở ngại, 30.000 khán giả vẫn kéo tới chật kín sân vận động Sportivo Barracas để chứng kiến đội chủ nhà lên ngôi. 

MARADINA MẤT - QUỐC TANG ARGENTINA

Nhưng trong tất cả những nỗi đau mà bóng đá Argentina đã trải qua, Ngày buồn nhất chẳng phải là khoảnh khắc Messi vung chân đá quả Penalty bay vút lên trời chung kết Copa. Cũng Ngày buồn nhất cũng không phải là Higuain vô duyên đến đáng trách trong chung kết World Cup 2014. 
Mà ngày buồn nhất là ngày Maradona chia tay trần thế. 
Cái chết là điều không ai có thể tránh khỏi. Và trong một ngày trước Lễ tạ ơn, cả thế giới bàng hoàng không tin vào mắt mình. Chỉ khi ông không còn thở nữa, con người mới nhận ra một phần ký ức trong ta bỗng nhiên giật mình tỉnh giấc.
Maradona nhảy lên, vung tay trái lên trên đầu và đẩy quả bóng vào lưới. Cũng chính Maradona sau đó đi bóng qua một nửa đội hình tuyển Anh, bao gồm cả thủ thành Peter Shilton trước khi dứt điểm vào lưới trống ghi bàn thắng đẹp nhất thế kỷ. 
Là cái ôm đầu "choáng váng" khi Maradona không vượt qua được sự cám dỗ của doping ở mùa World Cup 1994. Hàng triệu cổ động viên yêu mến Maradona bật khóc. Đất nước Argentina khóc. Nhưng kỳ lạ thay, chẳng một ai trên cõi đời này hờn giận hay quở mắng cậu bé vàng lắm tài nhiều tật ấy. 
Và rồi ngày 25/11/2020, cả tỷ người trên thế giới này lại thêm một lần khóc vì ông. Lần cuối cùng họ được khóc vì Maradona. Maradona không phải là người trần mắt thịt. Maradona là thần là thánh. Là biểu tượng, là linh hồn của đất nước Argentina. 
Cuối cùng thì, tất cả đều xuất phát từ tình yêu. Tình yêu của Argentina với Maradona, tình yêu của Maradona với bóng đá, tình yêu của Argentina với bóng đá. 
Hết.