Lịch sử La Mã - Sự kết thúc của những vị vua
Nền văn minh La Mã có một tuổi thọ đáng kinh ngạc, với hơn 1000 năm tồn tại xuyên suốt (từ 753 TCN - 475 SCN). Đó là chưa kể đến đế...
Nền văn minh La Mã có một tuổi thọ đáng kinh ngạc, với hơn 1000 năm tồn tại xuyên suốt (từ 753 TCN - 475 SCN). Đó là chưa kể đến đế chế Byzantine, hay những "dị bản" của hậu thế như Đế chế La mã Thần thánh của người Đức, hay gia tộc Sa hoàng Romanov của Nga. Rõ ràng, với người nắm giữ quyền lực thì việc học tập, hay bắt chước cho "giống như La Mã xưa" là một cách không tồi để lấy lòng dân, và nắm giữ quyền lực về mình.
Mình đã tổng hợp bài thành video cho các bạn. Nếu thấy hay hãy subscribe ủng hộ mình nhé! Many thanks!
Tuy nhiên, La Mã không phải lúc nào cũng là một đế chế hùng mạnh. Trong suốt vài trăm năm đầu tiên, nó chỉ là một thành phố nhỏ bên bờ sông Tiber, được cai trị bởi những vị vua như bao thành bang khác. Sự chấm dứt của các vị vua La Mã cuối cùng cũng đã đến vào cuối thế kỉ VI TCN, khi những người dân của thành phố này quyết định lật đổ vị vua thứ 7, Tarquinius the Proud (Tarquinius Kiêu ngạo) sau một vụ scandal tai tiếng.
Vậy động cơ nào đã thúc đẩy cho một cuộc chuyển biến chế độ sớm đến thế, đặc biệt khi các nền văn minh lân cận vẫn còn giữ mối quan hệ vua-tôi, như nhà Chu đương thời của Trung Quốc? Các bạn hãy cùng mình tìm hiểu nhé.
Trước tiên, hãy cùng làm quen với Lucretia. Giống như những người phụ nữ của thành Rome khác, cuộc sống của cô diễn ra quanh ngôi nhà và đồng ruộng, nơi họ thường làm những công việc chân tay như trồng trọt, chăn nuôi hay dệt sợi. Còn những người chồng thì ở ngoài chiến trường, chiến đấu với những kẻ thù ngoại bang.
Trong một chiến dịch, con trai của vua Tarquin là hoàng tử Sextus chỉ huy đội quân ngoài chiến trường. Nhưng thay vì tập trung chiến đấu, thì vị hoàng tử này đã nghĩ ra một trò để tiêu khiển. Trong màn đêm, anh ta cùng một toán cận vệ đã rời doanh trại, quay trở lại thành Rome để theo dõi những người vợ.
Bất ngờ trở về trong đêm, họ bắt gặp những bà vợ đang cùng nhau tiệc tùng và tán chuyện phiếm. Riêng chỉ có Lucretia, thì đang âm thầm dệt sợi cùng người hầu gái bên ngọn đèn. Sự đứng đắn, đảm đang của Lucretia nhận được những lời tán dương từ mọi người, nhưng cũng vô tình khơi dậy một ham muốn sai trái từ Sextus.
Một ngày nọ, Sextus bí mật quay trở lại Rome một mình, và ghé thăm nhà Lucretia. Là một người hiếu khách, Lucretia đã mời vị hoàng tử ở lại dùng bữa. Đến buổi đêm, khi tất cả những người trong nhà đã yên giấc, Sextus lẻn vào phòng Lucretia hòng thực hiện hành vi dâm dục của mình. Hắn đe dọa rằng nếu Lucretia không chiều hắn, thì hắn sẽ giết nàng, rồi bắt giết một tên nô lệ, và đặt thân thể trần trụi của hai người cạnh nhau để mọi người tin rằng nàng đã ngoại tình với một tên nô lệ trong khi chồng nàng đang ở ngoài chiến trường. Lucretia đành chấp nhận yêu sách để bảo vệ mạng sống, và Sextus đã hãm hiếp nàng.
Sau khi kẻ thủ ác đã rời đi, Lucretia đã gọi cho chồng và cha mình đến, mang theo một người bạn thân tín của họ. Một trong số đó là Lucius Junius Brutus - một chính khách có tiếng ở Rome. Trước sự có mặt của cha và chồng, nàng Lucretia nói rằng:
“Thể xác của ta bị xâm hại, nhưng tâm hồn ta vẫn rất trong sạch, bởi cái chết sẽ là nhân chứng cho ta. Hãy thề bằng bàn tay phải của Người rằng kẻ thủ ác sẽ bị trừng phạt. Tên hắn là Sextus Tarquinius.”
Những người đàn ông thề sẽ trả thù và cố gắng an ủi nàng, nhưng nàng đã trả lời:
“Về phần ta, dù không mang tội lỗi, nhưng ta không thể loại trừ bản thân khỏi những hình phạt. Ta không thể tiếp tục sống với sự nhơ nhuốc vẩn đục này.”
Rồi nàng rút chiếc dao đang giấu trong áo ra và tự sát.
Cầm chiếc dao còn nhuốm máu trên tay, Lucius Junius Brutus thét lên:
“Ta thề, dưới dòng máu này, trong sáng cho tới khi một tên Hoàng tử vấy bẩn, dưới sự chứng giám của các vị thần, rằng ta sẽ truy đuổi Tarquinius, bà vợ độc ác và những đứa con của hắn với lửa, kiếm và tất cả những gì ta có. Ta sẽ không để cho chúng, hay bất cứ kẻ nào, được làm vua của Rome nữa.”
Brutus sau đó đã lãnh đạo người dân thành Rome chống lại gia tộc của Tarquinius. Năm 509 TCN, họ đã hất cẳng tên vua này khỏi thành phố, chính thức lập lên Nhà nước Cộng hòa La Mã. Rome giờ đây được cai trị bởi hai vị quan chấp chính (hay consul). Những người này do Viện nguyên lão (Senate) - một tổ chức giống như Nghị Viện hay Quốc hội chúng ta thấy ngày nay - được bầu ra để quản lý các công việc đối nội và đối ngoại của thành phố trong vòng 1 năm. Hình thức này duy trì cho đến năm 29 TCN, khi Augustus xưng là Hoàng đế, kết thúc thời kì Cộng hòa và đưa Rome chính thức trở thành “đế chế La Mã” như chúng ta thường biết đến.
Sau khi đã thiết lập được sự ổn định trong nội bộ, người La Mã bắt đầu hướng sự chú ý tới các thành bang lân cận. Trong vài trăm năm tiếp theo, thành Rome tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trên bán đảo Italy. Sự lớn mạnh ấy cũng đưa họ vào quá trình tranh chấp với những kẻ thù đáng gờm trong khu vực Địa Trung Hải, như Hy Lạp hay Carthage.
Quá trình La Mã thống nhất bán đảo Italy và chinh phục những kẻ thù lớn mạnh hơn đã diễn ra như thế nào? Các bạn hãy cùng đón chờ phần tiếp theo trong series nhé.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất