Mình đọc xong cuốn sách này trong 3 ngày-một minh chứng thực tế cho sự lôi cuốn của câu chuyện. Lật đến trang cuối cùng và gấp lại bìa sách, đọng lại trong mình ngoài niềm thương cảm và ngưỡng mộ với số phận những người phụ nữ quật cường còn có một nỗi xót xa đến đau lòng cho lịch sử bi đát của Afghanistan.
Một cuốn sách về phụ nữ và chiến tranh, đẹp và buồn.
Một cuốn sách về phụ nữ và chiến tranh, đẹp và buồn.
Afghanistan hiện lên xuyên suốt câu chuyện cuộc đời của 2 nhân vật chính sinh ra cách nhau gần 2 thập kỉ, Mariam và Laila.
Trước 1973, khoảng thời gian Mariam ra đời và sống 15 năm đầu đời yên bình cùng mẹ, Afghanistan là một quốc gia quân chủ có vua đứng đầu. Xã hội luôn coi trọng đàn ông, trong khi cuộc đời những người phụ nữ được cánh đàn ông-những ông bố, người chồng, trao tay và tự do nhào nặn. Một người đàn ông có thể có nhiều vợ, nhưng một phụ nữ như mẹ Nana của Mariam có thể vì sự chối bỏ của người đàn ông khiến bà có bầu mà cả đời sống trong cay đắng và uất hận.
"Chỉ có một điều duy nhất, một điều duy nhất mà những người đàn bà như tao và mày cần có trong cuộc sống thì họ lại không dạy điều đó ở trường...Chỉ cần một kỹ năng. Và đó là: tahamul. Chịu đựng." "Chịu đựng gì hả mẹ?" "Ồ, con không cần phải băn khoăn về chuyện đó," Nana nói. "Sẽ không thiếu một thứ gì hết."
1973, một cuộc đảo chính lật đổ nhà vua diễn ra và một Chính phủ Cộng hòa được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống. 1974, Mariam 15 tuổi và bị ép cưới một người đàn ông hơn cô hơn 20 tuổi mà cô chưa gặp bao giờ.
"...tôi thấy các cô gái chín tuổi được gả cho những người đàn ông lớn hơn hôn phu của cháu hai mươi tuổi cơ, Mariam ạ...Cháu thì sao nhỉ, mười lăm à? Tuổi đó với con gái là thích hợp để lấy chồng rồi." Nhưng Mariam không thể thoát khỏi ý nghĩ rằng không ai đả động gì đến những người chị em cùng cha khác mẹ của cô...đều đang học tại trường Mehri ở Herat và đều đang có dự định theo học trường đại học Kabul.
1978, khi Mariam 19 tuổi, Laila được sinh ra vào đêm diễn ra cuộc đảo chính thứ hai (còn được gọi là Cách mạng Saur). Afghanistan lần đầu trở thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Afghanistan, chủ trương bình đẳng giới và phổ cập giáo dục. Laila được đi học, nghe cô giáo giảng về nam nữ bình đẳng, và "người phụ nữ không việc gì phải che mặt nếu đàn ông không làm thế."
Babi từng là giáo viên trung học trước khi bị những người cộng sản sa thải-chỉ một khoảng thời gian ngắn sau cuộc đảo chính năm 1978, khoảng một năm rưỡi trước khi quân Xô Viết đến xâm chiếm.
Từ 1979, cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm giữa chính quyền Cộng hòa Dân chủ Afghanistan với sự hậu thuẫn của Liên Xô và các phiến quân hồi giáo bắt đầu. Hình ảnh "Cuộc Thánh Chiến" chỉ thi thoảng xuất hiện qua những tin tức trên radio mà chồng Mariam nghe hoặc hình ảnh những người lính Hồng quân giám sát khu vực, do cuộc chiến không ảnh hưởng quá nhiều tới bối cảnh câu chuyện ở thủ đô Kabul.
1989-Laila cùng bố mẹ và Hasina đi xem một trong những đoàn quân Liên Xô cuối cùng rút khỏi thành phố.
Trớ trêu thay, ngày lực lượng quân du kích thành công giải phóng đất nước khỏi quân Liên Xô, thay vì cùng nhau ăn mừng hòa bình, các lãnh đạo, thủ lĩnh nhóm chiến binh thánh chiến quay ra tranh giành quyền lực và xâu xé lẫn nhau.
Mọi thứ thay đổi nhanh đến hoa mắt chóng mặt...Những lời xúc phạm được tuôn ra. Những ngón tay trỏ vào nhau. Những lời buộc tội không chút e dè...Cả thành phố nín thở. Trên núi, những băng đạn cũng đã được nạp vào các khẩu AK. Những chiến binh Hồi giáo vốn đã vũ trang đến tận răng, giờ đây khi không còn kẻ thù chung nữa thì lại quay ra coi nhau là kẻ thù.
1992, phe phái của lực lượng Chiến binh Hồi giáo lên nắm quyền, Afghanistan được đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Afghanistan.
Tòa án tối cao dưới thời Rabbani giờ đây gồm toàn những giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ, những người đã bãi bỏ hoàn toàn các sắc lệnh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ từ thời cộng sản và thay vào đó là những đạo luật được ban ra dựa trên Shari'a, một thứ luật Hồi giáo hà khắc bắt buộc phụ nữ phải trùm mặc áo trùm kín, cấm không cho đi lại tự do mà không có đàn ông bên cạnh và trừng phạt những người phụ nữ ngoại tình bằng cách ném đá vào họ.
Sự tự do và các cơ hội dành cho phụ nữ trong thời kì từ năm 1978 đến năm 1992 nay đã kết thúc - Laila vẫn còn nhớ Babi nói đó là thời kỳ của chế độ cộng sản.
1994, Taliban nổi lên với sự góp mặt của lực lượng học sinh từ các trường học Hồi Giáo được hỗ quân sự từ Pakistan.
"Họ có thể chẳng biết gì về thế giới cũng như lịch sử của đất nước này...Nhưng hãy nhìn xung quanh các cô xem. Các cô nhìn thấy cái gì? Những tay chỉ huy lực lượng Chiến binh Hồi giáo tham lam, nhũng nhiễu, được trang bị vũ khí đến tận răng, giàu có nhờ ma túy, tuyên bố thánh chiến với nhau và giết sạch những ai ở giữa hai phe - thế đấy! Ít nhất thì Taliban cũng trong sạch và không có tham nhũng. Ít nhất họ cũng là những thanh niên Hồi giáo tử tế..."
"Hãy gặp những người chủ thực thụ của chúng ta," Rasheed nói nhỏ. "Những người Hồi giáo Pakistan và Ả Rập. Quân Taliban là những con rối. Những người này mới là người chơi chính và Afghanistan là sân chơi của họ."
1996, Taliban giành được quyền kiểm soát đất nước, người dân Afghanistan hào hứng đổ xô ra đường ăn mừng, tung hô những tay súng đã kết thúc cuộc nội chiến và hy vọng cuộc sống yên bình sẽ quay trở lại với họ. Thế nhưng một lần nữa, chiến tranh không tiếp nối bằng hòa bình mà bằng những chuỗi ngày ác mộng.
Mariam dìu Laila gào thét đòi quyền lợi trước tên lính Taliban cầm súng ngăn phụ nữ ở cổng bệnh viện. Bà chen lấn, hét lên giữa hàng trăm người bà, người mẹ khác ngoài phòng bác sĩ, cũng đang cầu xin ai đó cứu lấy con cháu họ. Người nữ bác sĩ già bất lực đeo vào tay đôi găng ố vàng để khám thai, đề xuất mổ lấy thai không gây tê cho Laila do thiếu thuốc và thiết bị y tế cần thiết...
Mariam nghe thấy câu trả lời trong tiếng cười của Rasheed: rằng trong con mắt của Taliban, là một người cộng sản và là thủ lĩnh của KHAD khét tiếng chỉ khiến cho Najibullah đáng khinh hơn một chút so với phụ nữ thôi.
11/9/2001, sự kiện Tòa Tháp Đôi xảy ra. Mỹ nghi ngờ Afghanistan chứa chấp các thành phần khủng bố Hồi Giáo gây ra vụ việc và bắt đầu đưa quân vào Afghanistan.
Taliban tuyên bố họ sẽ không từ chối Bin Laden vì ông là một mehman, một người khách, người đã tìm kiếm một chỗ trú thân tại Afghanistan và sẽ trái với đạo lý Pashiunwali nếu trở mặt với một vị khách. Tariq lặng lẽ cười chua chát và Laila hiểu rằng anh cảm thấy ghê tởm trước cách họ bóp méo tục lệ cao quý của người Pashtun, một sự xuyên tạc bản chất dân tộc anh.
Năm 2001, khi Laila 20 tuổi, Ahmad Shah Massoud tới Pháp nói chuyện vs Nghị viện châu Âu, xin viện trợ Mỹ chống Taliban
Câu chuyện buồn kết thúc với một cái kết có hậu và niềm hy vọng từ từ xuất hiện trong những đống đổ nát mà chiến tranh để lại.
Thành phố đã thay đổi. Hằng ngày cô nhìn thấy người ta đang trồng cây non, sơn lại những ngôi nhà cũ và chở gạch về xây những ngôi nhà mới. Họ đào mương và giếng nước. Trên các bậu cửa sổ, Laila nhìn thấy những bông hoa được trồng trong vỏ đạn rocket của lực lượng Chiến binh Hồi giáo - Những bông hoa rocket - người Kabul gọi chúng như vậy.
Chỉ tiếc là cho tới thời điểm hiện tại, tình hình của Afghanistan và những người phụ nữ tại đấy không tràn đầy hy vọng như thế khi họ vẫn phải sống dưới sự kiểm soát được công nhận của quân Taliban.
Một số thông tin ngoài lề:
- Cuộc chiến 10 năm tại Afghanistan được coi là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991.
- Khi Liên Xô bắt đầu can thiệp tại Afghanistan, Mỹ đã hậu thuẫn phe đối lập hòng hạ bệ Liên Xô và cuối cùng cuộc chiến tranh lạnh từ năm 1947 kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.
- Sau 20 năm kể từ sự kiện tháp đôi, qua 4 đời tổng thống (G. Bush, Obama, Trump, Biden), cuộc chiến kết thúc với việc Mỹ rút quân đội khỏi Afghanistan và lực lượng Taliban giành lại đất nước từ chính quyền Hoa Kỳ hậu thuẫn.