Tôi không ủng hộ li hôn, nhưng hãy li hôn nếu thực sự cần...
Trong xã hội hiện nay thì việc li hôn dường như không còn điều gì quá xa lạ và mới mẻ nữa. Nếu cách đây khoảng 20 năm, li hôn là một điều gì đó không hay cho cả hai bên gia đình, được xem là nỗi ê chề về danh dự và nhân phẩm của cả hai, là một cái gì đó to tát mà người đời sẽ nhắc mãi thì ngày nay, người ta đã quen rồi.

Li hôn là gì ?

Nôm na li hôn là chấm dứt mối quan hệ hôn nhân đã được nhà nước công nhận bằng giấy đăng kí hết hôn, người ta sẽ không còn trách nhiệm gì trong hôn nhân với nhau nữa, nhưng vẫn cùng nhau nuôi con, cùng chia gia tài hoặc trả những khoản nợ nếu có.

Khi nào thì nên li hôn ?

Đây dường như là câu hỏi khá khó vì vốn chả ai muốn kết hôn rồi li hôn cả. Nhưng đời mà, ai rồi cũng khác, có hợp thì ắt có tan, nhất là khi nó đã đạt đến tận cùng của sự chịu đựng.
- Khi tiếng nói chung không còn: cả hai không cùng nhìn về một hướng nữa, ai cũng bảo vệ lí lẽ của riêng mình mà không muốn suy nghĩ lại và càng không muốn cùng nhau giải quyết vướng mắc. Tranh cãi xảy ra và đặc biệt thiếu đi sự gần gũi với nhau, lâu dần sự gắn kết bấy lâu bị đứt gãy, và li hôn là điều dễ hiểu. Người ta thường hay bảo, nghệ sĩ thì hay li hôn vì họ làm nghệ thuật, họ sống theo cảm xúc, khi không đạt đến cảm xúc mong muốn thì sẽ chia tay nhau. Thực ra không phải chỉ có nghệ sĩ mới sớm nở tối tàn đâu, vì họ nổi tiếng nên họ chia tay một phát thì báo đài đã biết. Dân thường chúng ta cũng li dị vì không tìm được tiếng nói chung nhiều lắm chứ, nhưng vì ta không nổi tiếng nên người đời cũng ít dèm pha đi thôi.
- Khi có bạo hành: tôi ghét nhất bạo hành gia đình. Bởi tôi đã nếm trải cái cảm giác cha tôi bạo hành mẹ tôi suốt mấy chục năm. Ấy vậy nhưng đến nay cha mẹ tôi vẫn sống cùng với nhau mặc dù chị em tôi đã không dưới chục lần động viên mẹ li dị. Đổi lại nếu sau này tôi có chồng, chỉ cần một lần động tay động chân với tôi, tôi sẽ không tha thứ. Vì đơn giản, tôi không thể tiếp tục đầu gối tay ấp với một người hôm qua vừa đập đánh vào mặt vào bụng tôi không thương tiếc.
- Khi sự lừa dối lặp lại nhiều lần: cho dù là lừa dối gì đi chăng nữa mà đã xảy ra quá nhiều lần thì đừng tha thứ. Tốt hơn hết đừng để được đằng chân lên đằng đầu, nếu đã khuyên ngăn hết lời, khóc cạn nước mắt mà người ta không quay đầu thì thôi nghỉ.
- Khi không được tôn trọng: tôn trọng đối phương là nền tảng của hôn nhân đẹp. Không được để người còn lại không tôn trọng bạn, gia đình bạn, công việc bạn làm và công sức vun vén gia đình của bạn. Nếu như những gì bạn làm không được ghi nhận, năm lần bày lượt có những hành động và lời nói khiếm nhã. Đừng tha thứ... Hãy tôn trọng chính mình bằng cách rời xa kẻ không muốn tôn trọng bạn.

Vậy li hôn có xấu?

- Không xấu
- Thứ nhất, nếu bạn xem đó là cách giải thoát cuối cùng, thì hãy lấy đó làm cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc hơn. Sống tốt hơn là việc bạn cần phải làm cho chính mình, ai cũng chỉ có một đời để sống.
- Thứ hai, đừng vì những lời dị nghị của xóm làng mà chịu đựng một cuộc hôn nhân tồi tệ. Mạnh mẽ bứt ra mà sống cái cuộc đời mà mình được làm chủ, chỉ có bạn mới quyết định bạn đáng được hạnh phúc thế nào thôi.
- Thứ ba, đừng giữ chân hôn nhân vì con cái. Để con trẻ phải chứng kiến bạo hành gia đình là lỗi của bạn. Nó sẽ là điều ám ảnh chúng cả đời đến mức chúng sợ kết hôn, hoặc nó sẽ học cái tính bạo lực từ lúc nào không hay, từ đó chúng sẽ giải quyết vấn đề bằng nắm đấm thay vì bằng cách ngồi lại nói chuyện.
- Cuối cùng, bạn xứng đáng có được hạnh phúc

Kết luận:

Li hôn không ai muốn, nhưng hãy li hôn khi cần. Cuộc sống hiện đại rồi, cách nhìn nhận về li hôn cũng thoải mái đi. Hãy xem li hôn là một cách sửa sai để rồi hãy làm lại cho đúng, bắt đầu một cuộc sống mới mà mình tự tạo, tìm kiếm những cơ hội mới trong đời. Và nếu bạn mạnh mẽ trong hôn nhân thì ít nhiều những đứa trẻ của bạn sẽ học hỏi từ đó mà sống tốt hơn và yêu bạn hơn. Cố lên. Li hôn chả có gì xấu.