5/6/2021 - Đọc 4 cuốn sách: (Tổng số sách đã đọc được: 7 quyển)
1/ Không Bao Giờ Là Thất Bại! Tất Cả Là Thử Thách - Chung Ju Yung
2/ Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ” - Anthony B. Chan
3/ Lee Kun Hee - Những Lựa Chọn Chiến Lược Và Kỳ Tích Samsung - Ji Pyeong Gil
4/ Ban Ki Moon - Hãy Học Như Kẻ Ngốc Và Ước Mơ Như Thiên Tài - Shin Woong Jin

Lee Kun Hee - Những Lựa Chọn Chiến Lược Và Kỳ Tích Samsung

    “Có rất nhiều người hỏi tôi kinh doanh là gì. Tôi luôn có một đáp án duy nhất cho câu hỏi này: ‘Kinh doanh là nhìn ra được những thứ chưa được nhìn thấy" và nói thêm rằng, mỗi khi phát sinh một vấn đề nào đó thì dù là trong kinh doanh hay trong cuộc sống thường nhật, cần phải đặt ra ít nhất là năm câu hỏi “tại sao” để phân tích nguyên nhân, sau đó giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Và tôi mong rằng, trước hết các bạn hãy tự xem xét lại một cách sâu sắc ngay chính bản thân mình, dựa vào các giá trị của bản thân để thay đổi thói quen suy nghĩ của mình. Bởi tôi muốn các bạn nhìn nhận cùng một vấn đề ở một góc độ khác, quan tâm hơn nữa tới hoàn cảnh của đối phương để thấy nhận ra mọi chuyện sẽ khác đi như thế nào. Do vậy, tôi cho rằng tất cả chúng ta cần phải rèn luyện cho bản thân thói quen “suy nghĩ đa chiều”. Hay nói theo cách khác chính là nhìn nhận cùng một sự vật dưới nhiều góc độ khác nhau trong hoàn cảnh môi trường thay đổi chóng mặt sánh ngang với tốc độ siêu âm của cuộc sống ngày nay.”
"Có thể thấy được xu hướng dịch chuyển của dòng chảy thời đại từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, do đó tôi nghĩ rằng hướng trọng tâm với dự án bán dẫn là hướng đi hoàn toàn phù hợp với tính đặc thù và tài năng của người dân Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc có văn hóa dùng đũa, từ đó đã tôi luyện nên những đôi tay khéo léo. Và người Hàn Quốc cũng rất coi trọng sự sạch sẽ với thói quen sinh hoạt bỏ giày để đi chân trần. Văn hóa này rất phù hợp với việc sản xuất bán dẫn. Bởi sản xuất bán dẫn yêu cầu những thao tác vô cùng tinh tế, tỉ mỉ, đồng thời nó là công đoạn yêu cầu duy trì môi trường sản xuất tinh sạch cao độ đến mức không cho phép xuất hiện cho dù chỉ là một hạt bụi.”
“Ngày 7/6/1993, trong buổi họp mặt tại khách sạn Frankfurt Kempinski, chủ tịch Lee Kun Hee đưa ra lời giải thích rõ ràng tới toàn thể ban lãnh đạo của Samsung về triết lý kinh doanh ‘Tuyên bố kinh doanh mới’ và ‘Kinh doanh chất lượng’ của ông. Tuyên bố đổi mới trong kinh doanh với mục đích ‘Hãy thay đổi từ chính bản thân mình’, ‘Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con cái bạn.’, ‘Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng’ chính là hồi pháo hiệu mở ra cuộc đại cách mạng đổi mới toàn bộ tổ chức Samsung.
"Tôi đã trò chuyện về niềm tin mãnh liệt của mình: Thay đổi hay là chết?’. Tôi thật sự cảm thấy đau lòng trước hiện thực này, khi mà lợi ích cá nhân được đặt lên trước lợi ích tập thể, và không một ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, cùng với đó là hội chứng vô cảm khiến chúng ta trở nên thờ ơ trước những vấn đề tồn tại. Hội chứng này đã tạo cơ hội cho những quy tắc cứng nhắc và lối suy nghĩ bảo thủ, tâm lý ích kỷ và ngụy biện đen trắng, làn sóng nghi ngờ mặc sức lên ngôi và đi theo chiều hướng xấu hơn."
“Trong đổi mới có đổi mới phương pháp điều hành, đổi mới sản phẩm, đổi mới chiến lược và đổi mới quản trị. Mỗi hình thức đổi mới lại cống hiến một phần nhất định vào thành công của công ty. Tuy nhiên, nếu chúng ta biểu thị những hình thức đổi mới đa dạng này theo lối phân tầng thì đổi mới ở tầm cao sẽ sản sinh ra những giá trị cao hơn một chút và thể hiện được khả năng phòng ngự trong cạnh tranh. Theo đó, đổi mới quản trị sẽ nằm ở vị trí tối cao trong các bước đổi mới. Lý do yêu cầu phải hiểu được cấu trúc này là bởi đây là một khâu rất quan trọng trong những nỗ lực nhằm đổi mới cách quản trị doanh nghiệp của bạn.”
Cách dùng nhân tài : "Dân gian có câu “Nước nổi, thuyền lên”. Nước lên thì sóng lớn, sóng lớn thì hiểm nguy nhiều, nhưng đổi lại thuyền cũng nhờ đó mà được đẩy lên cao. Ngay cả trái hồng chát, nếu biết phơi đúng cách thì cũng thành hồng ngọt. Tuy nhiên, nếu nóng vội và thiếu tận tâm thì không cách nào có thể biến hồng chát xít trở nên ngon ngọt. Bởi vậy, chỉ có cách không ngừng nỗ lực mới có thể tạo ra những trái hồng thơm ngọt.”
“Cách đây 200-300 năm, cần phải có sức lao động của 100-200 nghìn người mới đủ để cung tiến vua chúa cùng hoàng tộc. Nhưng bước sang thế kỷ XXI, chỉ cần một thiên tài cũng có thể nuôi sống 100-200 nghìn người. Bởi vậy, chúng ta mới gọi thế kỷ XXI là thời đại của kinh doanh nhân tài, thời đại của sáng tạo trí tuệ.”
“Tôi đã nghe cha mình nói không biết bao nhiêu lần rằng ‘Doanh nghiệp chính là con người’. Với cương vị là chủ tịch Tập đoàn Samsung, tôi cho rằng việc đào tạo, sử dụng và đánh giá con người là công việc khó khăn nhất. Vai trò của người lãnh đạo là phải đào tạo được đội ngũ nhân viên mà công ty cần và dùng người đúng lúc, đúng chỗ. Như ‘Binh pháp Tôn Tử’ cũng không ít lần nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người: ‘Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa’ (Thời thế thuận không bằng địa thế lợi; địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa). Như vậy, nhân sự cũng chính là vạn sự.”
“Môn tôi học chăm chỉ nhất là Khoa học con người.”
“Con người ai cũng vậy, nếu đã từng bị phạt ắt hẳn sẽ có tâm lý sợ sệt và chùn bước ngay cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Vì lý do này, tôi yêu cầu ban lãnh đạo của Samsung thi hành chính sách ‘công thưởng tội thưởng’ thay vì ‘công thưởng tội phạt’ theo lẽ thường.”
Năm 1924, một học sinh đã đặt ra câu hỏi như thế này cho Thomas Watson, người sáng lập nên IBM. “Làm thế nào để có thể thành công nhanh chóng?” Thomas Watson mỉm cười và giải thích về tầm quan trọng của thất bại như sau: “Nếu muốn nhanh chóng thành công thì hãy tăng tốc độ thất bại lên gấp đôi. Bởi vì thành công là thứ mà cậu sẽ gặp khi bước qua bờ bên kia của thất bại.”
“Hành sự phải quyết đoán. Người có thể đưa ra quyết định trong thời gian đi năm dặm là người sẽ làm vua. Người có thể đưa ra quyết định trong thời gian đi chín dặm thì không thể trở thành vua nhưng vẫn là kẻ mạnh. Hành sự mà thiếu quyết đoán, suy đi tính lại hết ngày này qua ngày khác thì kết cục là chính trị đình trệ, dân tộc thụt lùi.”
“Nhà kinh doanh phải nắm bắt được thị trường trong nửa năm và xây dựng ý tưởng, chiến lược trong nửa năm còn lại. Điều quan trọng là nhà kinh doanh cần phải tìm ra, sau đó xây dựng chiến lược phát triển cho những dự án cây giống có thể thu được thành quả trong vòng ba đến bốn năm và dự án hạt giống sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực sau năm đến mười năm. 
"Khi làm việc, phân biệt được ưu tiên nhanh - chậm, lớn - bé cũng là điều rất quan trọng. Đây chính là việc dựa trên nền tảng bản chất của công việc để phán đoán xem điều gì cần ưu tiên trước. Trong lần đến thăm một công trường, tôi thấy dù việc xây dựng nhà máy còn đang dở dang nhưng việc thi công cảnh quan xung quanh lại sắp hoàn thành. Đáng lẽ phần việc được ưu tiên nhất phải là xây dựng nhà máy chứ không phải trang trí vườn. Cách làm đó thật khó chấp nhận. Đây là một trường hợp tiêu biểu cho việc không phân biệt được nhanh - chậm, lớn - bé.”
“Lee Kun Hee thích một mình làm tất cả mọi việc, đến mức có người nói sở thích của ông là ‘nghiên cứu’ và ‘suy nghĩ’. Môn thể thao yêu thích của ông là những môn có thể tận hưởng một mình như lái xe đua thể thao và cưỡi ngựa. Lee Kun Hee cũng rất thích chơi golf, nhưng 90% là ông chơi một mình. Ông thường chơi golf một mình trong nhà hoặc nếu có chơi ở sân thì ông cũng chỉ ra sân vào buổi sáng sớm và đánh một mình. Phương châm của ông là, chỉ có đánh golf một mình mới có thể hiểu hơn về golf và chơi tốt hơn. Thầy dạy golf của ông cũng chỉ là băng video. Trong lúc xem băng video, ông nghiên cứu, phân tích từng cảnh một, kể cả những động tác swing.”
“Trong chiến tranh, dù là bên giành phần thắng, song nếu ta vẫn cứ cố kéo dài thời gian thì binh khí cũng sẽ cùn và tinh thần chiến đấu của binh sĩ sẽ giảm sút. Vì thế, nếu trận chiến kéo dài sẽ khiến cho binh lính sức lực cạn kiệt, tài chính của đất nước sẽ hao tổn. Do đó, ta chưa thấy một cuộc chiến có kế hoạch tác chiến xuất sắc nào lại cố kéo dài thời gian dù có thể đánh thắng một cách nhanh chóng hay được lệnh phải đánh nhanh thắng nhanh. Cho đến bây giờ, lịch sử cũng chưa từng một lần ghi nhận bất cứ một tiền lệ nào về những lợi ích mà các cuộc chiến tranh kéo dài dai dẳng có thể mang lại cho mỗi quốc gia.”
“Trong tình hình môi trường kinh doanh biến đổi nhanh chóng đến mức có thể so sánh với tốc độ siêu âm, tôi cho rằng ‘tư duy đa chiều’, tức nhìn một sự vật đồng nhất từ nhiều góc độ khác nhau là cần thiết cho chúng ta. Nếu tư duy đa chiều trở thành thói quen thì chúng ta không chỉ bắn ra được một mũi tên trúng hai đích mà có thể bắn một mũi tên trúng năm đích.”
Có thể nói điều khiến Samsung Electronics thêm một lần nữa tạo ra bước đột phá trên thị trường toàn cầu chính là nhờ có năm từ khóa trong kinh doanh của Lee Kun Hee. Đó là “Kinh doanh trù bị”, “Kinh doanh kế hoạch”, “Kinh doanh tấn công”, “Kinh doanh thay đổi” và “Kinh doanh chiến lược”.
Nội dung của năm hình thức kinh doanh đã tạo nên Samsung hiện tại được tóm tắt như sau:
- Kinh doanh trù bị: Không chỉ đặt nền tảng vững chắc của một doanh nghiệp lớn mạnh nhất về marketing như ngày nay bằng việc trù bị từ gần 20 năm trước đó thông qua “Chính sách chuyên gia địa phương” ông còn dự đoán và chuẩn bị cho tương lai khi mà chất lượng và thiết kế trở thành nhân tố quan trọng.
- Kinh doanh kế hoạch: Dự đoán một cách chính xác bằng trí tuệ và tài năng nhìn thấu tương lai nhanh hơn ai hết về trào lưu tương lai mới của bán dẫn và điện thoại di động, ông đã mạnh dạn đi đầu trong công nghệ bán dẫn, đồng thời làm nên huyền thoại của điện thoại di động.
- Kinh doanh tấn công: Xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn chỉ trong vòng sáu tháng mà đáng lẽ phải mất một năm rưỡi, có thể phát triển sản phẩm smartphone thông thường phải mất một năm chỉ trong vòng ba tháng và đã mở rộng hình thức kinh doanh mang tính tấn công không ngừng nghỉ.
- Kinh doanh thay đổi: Ngay sau khi nhậm chức chủ tịch, đã ý thức được nguy cơ và luôn yêu cầu sự thay đổi. Kết quả là mỗi khi đối mặt với nguy cơ lại biến nguy cơ đó thành bệ phóng và cơ hội để tiến xa hơn. Hay nói cách khác, đã không ngừng biến đổi Samsung để trở thành một tổ chức lớn mạnh, một tổ chức trong sạch và công bằng, một tổ chức mang trong mình nét văn hóa của một doanh nghiệp năng động và sáng tạo và cuối cùng là trở thành một doanh nghiệp số 1 mang ý thức tiên phong.
- Kinh doanh chiến lược: Không tự mãn ngay cả khi đã thành công, ngược lại luôn khai thác các lĩnh vực đầu tư mới (mang tính chất hạt giống) và xây dựng chiến lược để nuôi dưỡng khả năng cạnh tranh cho các lĩnh vực này. Nhờ đó mà Samsung đã chiếm lĩnh được thị trường bán dẫn, LCD và tivi, và chiếm lĩnh cả thị trường điện thoại thông minh (smartphone).
"Ông là một nhà cải cách nhỏ tuổi say sưa xem hàng nghìn tập phim nhằm quên đi hoàn cảnh mà bản thân phải đối mặt thời thơ ấu, nuôi dưỡng cho chính mình sức mạnh của lối tư duy đa chiều và tìm tòi sự thay đổi nhằm tạo cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để giải đáp bài toán đó, ông đắm chìm trong những bộ phim, chơi cùng chú chó của mình và tìm hiểu máy móc. Những điều này đã trở thành nền tảng giúp cho Lee Kun Hee có được cái nhìn sâu sắc và khả năng quan sát có thể nhìn xuyên thấu bản chất của kinh doanh cùng với cách tư duy đa chiều – yếu tố cần thiết để trở thành một nhà kinh doanh tài năng đã đưa Samsung trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Nó khiến ông có thể hưởng thụ sự cô độc và buồn tẻ, giúp ông định hình nhiều suy nghĩ đa dạng. Ở Nhật ông bị mọi người trêu đùa gọi là Josenjing – kẻ cô độc. Để xoa dịu nỗi buồn đó, sự lựa chọn của ông là phim ảnh. Với hơn 1.300 bộ phim đã xem, ông tự đặt mình vào lập trường của nhiều nhân vật, khi thì là nhân vật chính, lúc là nhân vật phụ, nhân vật đóng những vai nhỏ, thậm chí là đạo diễn phim, người quay phim... và thưởng thức nó. Bằng cách đó ông đã hình thành thói quen suy nghĩ theo nhiều góc độ và mang tính chất đa chiều. Thói quen suy nghĩ này được tỏa sáng khi ông ở vị trí của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp sau này – vị trí rất cần đến lối tư duy đa chiều. Với việc xem một số lượng phim khổng lồ, ông đã từng mơ ước trở thành đạo diễn phim. Sau này chính ông cũng đã thổ lộ mơ ước đó và sang Mỹ để có cơ hội được gặp trực tiếp Steven Spielberg. Có lẽ việc xem rất nhiều phim điện ảnh và phim tài liệu ngay cả sau khi đã trưởng thành cũng chính là thói quen được hình thành từ khi đó.
"Nhà triết học kinh doanh vĩ đại Yogi Berra từng là cầu thủ bóng chày đã nói rằng: “Chỉ cần theo dõi cũng có thể quan sát được nhiều thứ.” Lee Kun Hee cũng theo dõi hàng nghìn bộ phim bằng nhiều góc độ. Thấy vẫn còn thiếu, ông còn học thêm cả đấu vật, thậm chí cả môn bóng bầu dục và ông đã lớn lên như thế. Vậy những thứ mà ông quan sát, học và cảm nhận được nhiều đến mức nào? Khi ta đem so sánh một người đọc hàng nghìn cuốn sách và nhập chúng vào ý thức của họ với một người không làm được như thế ta sẽ thấy có một sự khác biệt rất lớn trong ý thức cũng như suy nghĩ. Không sai khi nói rằng ông là một người “khổng lồ nhỏ bé”. Thông qua hàng nghìn bộ phim xem hồi nhỏ, mà một khối lượng lớn những kiến thức, kinh nghiệm đã thấm nhuần trong tiềm thức của ông."
Nhà tư tưởng vĩ đại cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh Cố Viêm Võ đã cảnh báo việc chỉ ngồi ở bàn viết hoặc bàn luận những điều vô bổ là việc làm tốn công vô ích, bản thân ông đã đọc 10 nghìn cuốn sách và đi bộ mười nghìn dặm. Đặc biệt ông rời khỏi nhà vào lúc 45 tuổi và đi du ngoạn trong suốt 25 năm. Trước đó ông đã đọc mười nghìn quyển sách và có cách nhìn nhận trên nhiều phương diện như âm vận học, khảo cổ học, chú giải, lịch sử, văn học... và để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Ông đã để lại cho hậu thế câu nói này trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm của bản thân mình.
“Hãy đọc mười nghìn cuốn sách và đi du ngoạn 10 nghìn dặm.”
“Trong tình hình cạnh tranh trên thế giới đang ngày càng khốc liệt thì điều mà tất cả chúng ta phải nhớ rằng con đường để chúng ta tồn tại là những nhân tài và công ty hội tụ nhân tài của chúng ta phải phát triển để trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới mở rộng lĩnh vực hoạt động ra năm châu bốn bể.”
“Nhà sáng tạo có khí chất, cá tính và tâm thế khác biệt hoàn toàn với người khác. Nhà sáng tạo luôn cảm thấy bất mãn với công việc của hiện tại, tiêu chuẩn hiện tại, câu hỏi hiện tại và đáp án hiện tại. Trái lại nhà sáng tạo khai thác ra những con đường lạ lẫm, thừa nhận sự thật rằng bản thân mình khác với tập thể, họ tận hưởng điều đó và tiến lên phía trước. Trong trường hợp phát sinh những việc ngoại lệ (hòa điệu lạ, kết quả thí nghiệm không được dự tính trước, đột ngột tăng hay giảm trong việc bán sản phẩm của khu vực...), nhà sáng tạo không hề ngại ngần trước các hiện tượng năm ngoài dự tính đó mà họ cố để làm rõ vấn đề và kiểm tra xem đó là vấn đề nhỏ nhặt, là may mắn chỉ đến trong một lần hay là yếu tố quan trọng nhưng chưa được làm rõ. Họ là người bền bỉ và mạnh mẽ. Rất nhiều nhà sáng tạo nổi tiếng ghét trường học hay bỏ học giữa chừng là có lý do của nó. Tức là họ không muốn nhảy múa trong nhịp điệu của người khác.” “Nếu bạn muốn những điều tầm thường, bạn không cần công nhận nhân viên của mình. Bạn chỉ cần đối xử với họ như những người lao động.”

Lý Gia Thành – “Ông Chủ Của Những Ông Chủ”

"Lý Gia Thành bộc bạch: “Thú thực, tôi không có nhiều niềm đam mê… Điều hấp dẫn nhất đối với tôi là làm việc chăm chỉ và kiếm thật nhiều tiền”.

Từng là người bán hàng, Lý Gia Thành học được cách nắm bắt tâm lý khách hàng cũng như phân biệt được tâm lý do dự hay sẵn sàng mua hàng của khách. Ông cũng nhận ra rằng, để tăng doanh số bán hàng một cách hiệu quả, một người bán hàng thành công cần phải biết nghe ngóng, nắm bắt thông tin thị trường và những nhu cầu không ngừng thay đổi của người tiêu dùng.

Về công việc hàng ngày (thường bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tận tối muộn), Lý Gia Thành nói: “Mọi người thường làm việc tám tiếng một ngày. Nhưng với tôi, ngày làm việc kéo dài mười sáu tiếng cho dù mức lương không có gì thay đổi. Công việc rất bận và hầu như không ngừng nghỉ. Hàng ngày, tôi đến văn phòng để điều hành việc kinh doanh và bán hàng. Sau giờ làm văn phòng, tôi lại đến nhà máy để xem các đơn đặt hàng có được chuẩn bị chu đáo hoặc thời gian giao hàng có được đảm bảo hay không. Nhờ đó mà khách hàng rất hài lòng và tin tưởng giao cho chúng tôi ngày càng nhiều đơn đặt hàng hơn”.

Có một quãng thời gian, bằng cách đọc và ghi nhớ các đoạn văn trong các cuốn sách mượn được từ một thư viện địa phương, ông đã tự khám phá những giá trị, nét thẩm mỹ trong nền văn học Trung Quốc. Bấy giờ còn là một người bán hàng bận rộn và nghèo túng, Lý Gia Thành không có nhiều thời gian cũng như tiền bạc để đi chọn và mua sách. Người con trai cả của Lý Gia Thành nhớ lại: “Cha tôi không có thư viện sách nào, mà ông có cả một kho kiến thức trong đầu. Khi tôi còn đang học môn văn học Trung Quốc tại trường đại học, một tối ông đến kiểm tra xem tôi ghi nhớ được những gì ở trường. Đó là những tác phẩm mà ông đã học từ 30 năm trước”.

Lý Gia Thành lấy tên công ty là Trường Giang – một cái tên có ý nghĩa sâu sắc với ông bởi ở Trung Quốc, khi nhắc đến Trường Giang người ta nghĩ ngay đến sông Dương Tử có chiều dài hơn 16.000 km và được xem là một biểu tượng của người Trung Quốc. Sông Dương Tử không chỉ có dòng chảy rộng lớn mà nó còn nổi tiếng bởi hiện tượng nước sông dâng cao mà không cần thủy triều. Theo hai người viết tiểu sử về Lý Gia Thành người Trung Quốc thì Trường Giang thể hiện cho tinh thần mạnh mẽ của ông, con sông Dương Tử tượng trưng cho những hoài bão và mơ ước lớn lao và vô cùng của ông. Một lần, Lý Gia Thành đã giải thích về sự chọn lựa này như sau: “Người Trung Quốc chúng tôi có một câu nói: ‘Nếu bạn muốn thành công thì cho dù ở vị trí nào đi chăng nữa, bạn cần phải biết cách lắng nghe ý kiến từ nhiều phía’. Tại sao Dương Tử lại trở thành một con sông lớn như vậy? Đó là bởi vì nó tiếp nhận dòng chảy từ những con sông nhỏ hơn, do đó trở nên rộng lớn. Bên ngoài, tôi lịch sự, nhã nhặn với tất cả mọi người, nhưng bên trong, tôi biết lòng tự cao của mình rất lớn. Vì thế tôi đã tự nhủ rằng cần phải lịch sự nhiều hơn, cởi mở nhiều hơn nữa nếu muốn tự mình làm kinh doanh. Nếu bạn quá tự cao mà bỏ qua những ý kiến khác, bạn sẽ không bao giờ trở thành một con sông lớn được”.

“Một người cần nhiều phẩm chất quan trọng để thành công, như khả năng làm việc chăm chỉ, lòng trung thành đối với những người làm việc cùng mình và với công việc đang làm, khả năng phán đoán tốt và cả một chút may mắn nữa. Tất cả những phẩm chất này phải kết hợp với điều quan trọng nhất là lòng kiên định, bởi nếu bạn không có lòng kiên định, bạn sẽ có thể hết đi sang phía đông theo lời khuyên của người này, rồi lại sang phía tây vì lời khuyên của người khác. Và nếu như bạn nghe theo cả hai, thì dứt khoát là bạn gặp rắc rối rồi đấy.” Ông cũng chia sẻ: “Theo cách nói của người Trung Quốc, tôi phải công nhận mình may mắn. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bao giờ tôi cũng nghiên cứu mọi việc rất kỹ – từ nguồn cung, cầu cho đến tình hình chính trị. Một khi đã quyết định, tôi sẽ tiến hành rất nhanh để thâu tóm thị trường vào đúng thời điểm. Các bạn thấy đấy, tôi luôn đeo đồng hồ bấm giờ. Cho dù một cơ hội trông có vẻ tuyệt vời đến đâu thì tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro có thể gặp phải.”

Chung Ju Yung: ‘Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách

    Cứ mất mùa là nhà nhà vợ chồng cãi nhau. Tính cha tôi rất lành, vậy mà thật kỳ lạ, cứ đến năm mất mùa là cha mẹ tôi lại lục đục. Nguyên nhân không có gì xa lạ, do thiếu tiền, thiếu ăn.

    Tôi nhớ câu chuyện về con ếch xanh mà tôi đã học ở tiểu học. Có một con ếch xanh muốn nhảy lên cành cây liễu, nhưng vì cành cây cao quá nên nó không chạm được và thất bại. Nhưng ếch xanh không nản chí, nó tiếp tục nhảy 10 lần, 20 lần, 30 lần... và cuối cùng cũng thành công. Con ếch còn thành công, mình là con người cơ mà?

    Một hôm, chúng tôi nghĩ ra cách leo lên bàn ăn ngủ để tránh rệp, nhưng chưa được bao lâu thì rệp kéo nhau leo theo chân bàn lên cắn người. Chúng tôi lại tìm cách khác, lấy mấy cái bát đổ nước vào rồi kê vào bốn chân bàn, rệp trèo lên sẽ rơi vào bát nước mà chết đuối. Thế nhưng cũng chỉ ngủ yên được một, hai ngày, rệp ở đâu lại bắt đầu xuất hiện và cắn chúng tôi. Vừa bực mình vừa ngạc nhiên, chúng tôi bật đèn tìm hiểu xem lũ rệp làm cách nào mà có thể tránh được bát nước. Hay là chúng leo lên tường, rồi lên trần nhà và tìm chỗ có người để rơi xuống? Đúng vậy, lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, toàn tâm toàn lực cố gắng và đạt được mục tiêu mình muốn. Tôi học thêm được một bài học quí giá từ những con rệp. Con người khi rơi vào cảnh khốn cùng thường hay nói những lời tuyệt vọng như “không còn con đường nào khác” hoặc “không còn cách nào khác”. Nhưng thật ra không phải vậy. Vì không tìm kiếm nên mới không thấy có đường khác mà thôi. Vì không nỗ lực tối đa như những con rệp nên không thể tìm thấy phương pháp nào khác. Con người thỉnh thoảng vẫn cho người nào đó là may mắn khi làm việc gì thành công, còn khi mình làm việc gì không suôn sẻ thì lại cho rằng mình không may. Nhưng tôi nghĩ rằng một người không tin là có vận xấu thì người đó sẽ không có vận xấu. Chính nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định đến việc thành công hay thất bại mà thôi. Nỗ lực đó thể hiện ở chỗ gặp dịp tốt không bỏ lỡ và gặp lúc khó khăn không xem đó là rủi mà cố gắng vượt qua để tiến bước. Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi gặp cơ hội cũng do lười nhác mà để cơ hội trôi qua, để rồi sống mà suốt đời chẳng có một chút may mắn nào. Với tôi, mỗi khi gặp việc gì khó khăn tôi lại nhớ đến bài học về sự nỗ lực của con rệp. Nhìn thấy những người gặp khó khăn chẳng đáng là bao mà đã thất vọng và thu hẹp mình lại, chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ “người mà cũng không bằng con rệp”.

    Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường nước ngoài đầu tiên chúng tôi vươn tới. Kinh nghiệm thi công ở thị trường nước ngoài này đã giúp chúng tôi giữ vai trò dẫn đầu trong việc nạo vét cảng và xây dựng đường cao tốc trong nước. Đặc biệt kinh nghiệm nạo vét tại Việt Nam là hòn đá đầu tiên để chúng tôi có thể phát triển và trưởng thành thành công ty nạo vét qui mô lớn khi bước vào thị trường Trung Đông những năm 1970.

    Trong ước mong đó của tôi, một trong những việc lớn chính là đóng tàu. Tuy nhiên, có 100 người thì nhất loạt 100 lên tiếng phản đối. Chẳng có lấy một người nào đứng về phía tôi. Họ nghĩ rằng Hàn Quốc chỉ mới làm được những con thuyền gỗ vài trăm tấn. Còn Công ty xây dựng Hyundai chỉ có kinh nghiệm về xây dựng, liệu có thể làm được những con tàu để vượt đại dương hay sao? Nhưng suy nghĩ của tôi lại khác. Chúng ta đã xây dựng được trạm phát điện hạt nhân vốn đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. Nếu ta nhìn nhận sự việc là khó khăn thì nó sẽ vô cùng khó khăn, còn nếu tin rằng nó đơn giản lại thấy dễ vô cùng. Cái gọi là đóng tàu nào có khác việc xây dựng là mấy. Việc cắt thép ra, hàn lại và đặt máy lên “tất cả chẳng phải là những việc chúng ta đã từng làm tại những công trình xây dựng hay sao”. Và đó là cách suy nghĩ của tôi - người làm xây dựng, khác với mọi người.

    Ngày thứ hai, chúng tôi được mời đến một nhà hàng sang trọng dành cho ban giám đốc ngân hàng. Ông Burcule, phó thống đốc ngân hàng và là người phụ trách đối ngoại, vừa ngồi xuống đã hỏi tôi:

- Chuyên môn của anh là gì? Bây giờ anh muốn vay tiền ngân hàng để đóng tàu và sẽ trả nợ sau khi bán được tàu, vậy chuyên môn của anh là kinh doanh hay khoa học kỹ thuật? Nếu trả lời là tôi chỉ học hết tiểu học nhưng trong thời gian qua đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tri thức thông qua công việc thì thật là ngớ ngẩn. Tôi hỏi lại ông ta:

- Thưa ông, ông đã nhìn bản kế hoạch công việc của tôi chưa?

- Đương nhiên là tôi kiểm tra rất kỹ. Rất hoàn thiện và tuyệt vời.

- Bản kế hoạch đó chính là chuyên môn của tôi. Thật ra ngày hôm qua tôi đã đến Trường đại học Oxford và mang theo bản kế hoạch này vì muốn được phong học vị. Họ chỉ nhìn qua và không cần nói thêm lời nào đã phong luôn cho tôi danh hiệu tiến sĩ kinh tế học. Cái bản kế hoạch công việc đó chính là luận văn học vị của tôi đấy

Tất cả mọi người đều cười ồ lên. Trong chốc lát, bầu không khí trở nên thoải mái và vui vẻ.- Người có học vị kinh tế học cũng không thể làm được bản kế hoạch như vậy.
Một lần nữa tiếng cười lại rộ lên, tôi biết mình đã kết thúc cuộc phỏng vấn.

Mảnh đất Hàn Quốc giống như hình con thỏ nằm trong bụng mẹ lại bị cắt ở ngang lưng

    “Không phải anh không có vốn mà vì anh không có uy tín. Tôi không nói người ta xấu mà chỉ vì những người anh xin vay tiền không cảm thấy đủ tin tưởng anh nên chuyện vay tiền mới khó như vậy. Nếu anh tạo cho người ta đủ niềm tin rằng anh sẽ thành công thì tôi tin rằng tiền bao nhiêu cũng có”. Đúng như vậy. Uy tín chính là vốn. Nếu con người đó tạo đủ niềm tin với mọi người rằng anh ta cần cù, trung thực, chính trực thì đó sẽ là nguồn vốn, anh ta có thể phát triển, mở rộng cuộc đời mình bao nhiêu cũng được. Tôi là người đã trực tiếp trải qua điều ấy và biết rằng người làm kinh doanh buôn bán có tiền thì tốt, nếu không có tiền thì với uy tín thôi cũng làm được. Về điều này thì doanh nghiệp hay cá nhân đều như nhau. Cá nhân có thể bắt đầu làm một doanh nghiệp nhỏ với uy tín mình có, rồi từ cái uy tín đó mà có thể phát triển doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn, từ doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn phát triển và trưởng thành thành doanh nghiệp có qui mô toàn cầu. Khi tôi rời quê hương trong tay không có lấy một đồng xu, thế mà bây giờ đã trở thành một doanh nghiệp lớn như thế này. Nếu chỉ gom tiền để trở thành một doanh nghiệp như thế này thì tuyệt đối không thể làm được

Ngày mai phụ thuộc vào cuộc sống ngày hôm nay. Chúng ta tin rằng người nào nhiệt tình làm những việc nhỏ thì những việc lớn họ cũng như vậy. Những người ngay cả chuyện nhỏ không thất hứa, gắng thực hiện thì việc lớn cũng đáng tin cậy. Người nỗ lực hết sức vì việc nhỏ cũng sẽ nỗ lực hết sức vì việc lớn. Đó chính là uy tín. Điều này đúng với tất cả cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước. Mầm mống của nó mọc từ từ và lớn lên trong cuộc sống của chúng ta như một cây xanh. Đồng thời, uy tín cũng chính là danh dự.

Tôi cũng không hút thuốc. Bụng chưa no thì chẳng có lý do gì biến tiền thành khói. Tôi không muốn lãng phí đồng tiền - đã phải bán sức mình mới có được - vào những việc như vậy.

Sự uy tín có được do cần cù và trung thực sẽ giúp chúng ta gặp được người hỗ trợ chẳng khó khăn gì. Tôi không tin vào những người sống mà tiền kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, dùng trên cả mức kiếm được và luôn luôn mang nợ. Con chim cũng cần cù mới tìm được miếng ăn ngon. Cùng một số mệnh, cùng một thời gian sống, có người thì làm được 10 lần, 20 lần người khác, có người thì không làm được dù chỉ là một phần mấy mươi, một phần mấy trăm. Còn người lười nhác, để thời gian trôi đi một cách vô ích thì chẳng thể nào hạnh phúc được. Một ngày làm việc cần cù thì một đêm có thể ngủ ngon giấc; một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên; một năm, hai năm, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ thấy sự phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác.

Nếu không nỗ lực gấp 10 lần, 20 lần so với người giàu để khắc phục hoàn cảnh bất lợi thì không thể giàu được. Nỗ lực để đuổi kịp các nước giàu có mà chẳng có tài nguyên gì chính là hoàn cảnh bất lợi của đất nước chúng tôi.

    Có đất nước phát triển, có đất nước thụt lùi, có đất nước diệt vong. Vậy điều gì đã làm cho nước này phát triển còn nước khác diệt vong? Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là tinh thần và thái độ của chính phủ nước ấy, của doanh nghiệp và người dân nước ấy. Nếu chính phủ không trong sạch thì tiêu cực sẽ lan sang doanh nghiệp và nhân dân trên tất cả lĩnh vực và sự bất chính trở thành một phong trào. Một xã hội như vậy thì không thể kích thích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và cũng không phát huy được năng lực của nhân dân.Hàn Quốc cũng vậy, mỗi lần thay đổi chính quyền đều kèm theo nhiều lời kêu gọi xây dựng một xã hội trong sạch, nhưng rất tiếc tất cả chỉ là những lời kêu gọi trống rỗng. Chúng ta hãy nhìn Nhật Bản, một cường quốc kinh tế của thế giới, đất nước này phát triển phồn vinh và hùng mạnh vì ít tiêu cực.

Một chính phủ trong sạch, nhân dân không biết đến tiêu cực, đó chính là căn bản của động lực phát triển kinh tế Singapore. Hyundai của chúng ta cũng đã từng vào Singapore xây dựng công trình. Những người phụ trách công trình tại đó đều nói rằng không có đất nước nào trên thế giới sạch sẽ như ở đây. Thật là may mắn khi làm việc tại đó. Ở đất nước đó, từ cán bộ quản lý cao cấp làm giám sát công trình cho đến tất cả nhân viên quản lý cấp dưới đều không bao giờ làm khó dễ để kiếm chác, cũng chẳng có chuyện nghiêng về bên nào. Do không ai quấy rầy, không ai chìa tay đòi tiền nên tất cả mọi người chỉ tập trung vào làm việc, chỉ suy nghĩ làm thế nào để theo đúng kế hoạch và làm việc có năng suất mà thôi. Chính vì vậy tất cả công trình tiến hành tại Singapore dù là xây dựng cơ bản, kiến trúc đều có thể làm với giá rẻ nhất thế giới. Như vậy thì đất nước không thể không phát triển.

Mỗi lần có cơ hội, tôi đều nói với nhân viên của mình hãy sống với tấm lòng trong sạch. Tất nhiên, tôi cũng mong mình là “doanh nghiệp lớn nhất” nhưng thật tình tôi muốn được đánh giá là “doanh nghiệp trong sạch” trước. Đất nước, xã hội và cả cá nhân phải trong sạch thì xã hội mới phát triển được. Nếu tất cả đều trong sạch thì ai cũng mong muốn một ước vọng duy nhất là có ích cho đất nước và có thể chuyển cái khát vọng mãnh liệt đó thành hiện thực, sau đó là một sự phát triển chói lọi nối tiếp. Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe một đất nước, một xã hội, doanh nghiệp nào đó không trong sạch mà phát triển được.

Trong cùng một điều kiện, cùng một việc, có người nhăn nhó, có kẻ lại cười. Người có suy nghĩ tiêu cực chỉ nghĩ rằng mình làm việc vất vả dưới ánh nắng mặt trời mà không biết cái hạnh phúc khi đứng dưới bóng râm và tận hưởng làn gió mát thổi qua. Với họ thì mùa nào cũng có khuyết điểm. Có người sinh ra tàn tật nhưng tâm trạng và tấm lòng tươi sáng, trở thành những người có ích và đáng tôn kính. Cũng có những người sinh ra mạnh khỏe nhưng vì suy nghĩ tiêu cực mà sống không ra sao, chẳng khác gì ngược đãi bản thân mình.

Tất cả mọi sự phát triển của nhân loại đều được tạo thành dưới sự chỉ đạo và dẫn đường của những con người có lối suy nghĩ tích cực.

Một quốc gia cũng vậy. Mọi người nghĩ rằng họ có thể thì mới làm cho đất nước mình giàu mạnh, phồn thịnh. Khi gặp việc gì khó khăn, tôi lại nghĩ đến hình ảnh “mấy con rệp bò lên trần nhà rồi buông mình rớt lên bụng người” và như vậy xuất hiện con đường giải quyết ước muốn của mình. Nếu mang suy nghĩ tích cực thì cho dù trời có sập cũng có lỗ chui ra và việc gì cũng có thể làm được.

Tôi đã thấy con của nhiều gia đình giàu có bước lạc lối, lúc đó thì sự phê phán của các giới lại bùng lên. Tôi luôn muốn bảo vệ các con của mình. Ở tuổi đang lớn, nếu trở thành đối tượng phê phán của dư luận người ta sẽ trở nên tự ti, không phát huy được tố chất và năng lực của mình, và sẽ có nguy cơ trở thành những đứa con không có chí khí. Vì thế, tôi luôn lắng nghe lời khuyên của những người xung quanh và giáo dục con cái nghiêm khắc.

Tôi luôn dặn các con mình phải cần kiệm. Xem mình là con nhà giàu có rồi xa lánh người nghèo là điều cấm đầu tiên đối với các con tôi. Cũng như các em tôi, các con tôi không bao giờ đi đến trường bằng xe nhà, khi cần chúng có thể đi taxi. Khi còn trẻ, phải đi bằng cái xe cũ kỹ thì chúng mới hiểu hết cái hạnh phúc khi đi bằng xe riêng do chính mình làm ra.

Thường khi làm việc ở công ty, nếu không có thời gian tập thể dục thì hằng sáng tôi đi bộ đi làm, đến chỗ nào vắng người thì tôi chạy. Tôi cũng hay đi đánh golf cùng cán bộ quản lý trong công ty. Họ cũng như tôi, chẳng có thời gian rảnh rỗi nào mà gặp nhau được. Chơi golf vừa vận động, vừa trò chuyện, có khi còn mang lại kết quả tốt hơn là ngồi họp cải tiến ở công ty Tôi là người rất thích thể thao, tôi thường xuyên chơi tất cả các môn thể thao để rèn luyện cơ thể và ý chí. Muốn cho tinh thần khỏe mạnh thì đầu tiên cơ thể phải khỏe mạnh. Tôi nghĩ rằng nếu một con người có thân thể khỏe mạnh và một tinh thần khỏe mạnh thì có thể mọi ước muốn của mình thành hiện thực.

Suốt cuộc đời mình tôi luôn tìm bạn để có thể giãi bày bất cứ việc gì. Tôi giao lưu từ nhà văn, họa sĩ, diễn viên... cho đến chủ nhân mấy cửa hàng nhậu lưu động hay cả bà chủ cái quán bé tí trong ngõ nhà tôi. Sự giao lưu rộng rãi làm cho tôi không mất đi sự hài hước, không mang định kiến với mọi người, nhìn đời bằng đôi mắt thiện cảm, thông cảm hơn. Và từ việc hiểu hoàn cảnh của họ, tôi có thể tránh được những cạm bẫy mà con người dễ sa vào. Tất cả những điều tôi có được trong việc giao tiếp với mọi người là nguồn năng lượng sáng tạo trong công việc điều hành công ty của tôi.

Tinh thần tiến thủ và niềm tin chính là “chìa khóa để làm nên kỳ tích”. Tôi chỉ là người luôn mang niềm tin vững vàng và phấn đấu một cách bất khuất chứ không phải là một con người đặc biệt. Tôi nghĩ rằng dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội rễ để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào mà thôi.

Tôi rất thích một đoạn văn. Đó là lời nguyện cầu của tướng MacArthur, tôi sửa lại một vài chỗ và dặn dò nhân viên mới vào công ty xem. Đoạn văn ấy như sau:

“Xin Chúa hãy ban cho con sức mạnh để có thể đứng vững và nhìn rõ bản thân mình khi con yếu đuối và mất niềm tin, cho con sức mạnh để con không lùi bước trước thất bại, sức mạnh để con khiêm tốn và ôn hòa mỗi khi chiến thắng.

-Điều con mong muốn là đừng bao giờ dẫn con vào nơi an bình, hãy chỉ cho con cách chống cự với những thử thách và khó khăn.

-Hãy chỉ cho con cách chiến đấu dũng cảm trong bão tố và cách thông cảm với kẻ chiến bại.

-Hãy ban cho con sức mạnh để con biết cười đồng thời không mất đi tiếng khóc, để con nhìn về tương lai mà không quên đi quá khứ.

-Và cuối cùng, hãy cho con biết thế nào là niềm vui trong cuộc sống, thế nào là sống nghiêm túc với bản thân mình.


-Và hãy cho con ghi nhớ rằng điều vĩ đại chính là điều giản dị và sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng”.

Ngày hôm nay nếu chỉ làm những việc mà các nước công nghiệp chưa làm, hay làm những việc mà các nước tiên tiến không đủ khả năng thực hiện, tìm những thị trường mà các nước tiên tiến không đặt chân tới do thiếu nhân lực thì ngành công nghiệp Hàn Quốc chẳng có việc gì mà làm nữa. Các nước tiên tiến luôn mong muốn chúng tôi làm những gì mà họ chưa làm đến. Tuy nhiên nếu chúng tôi chỉ theo đuổi điều ấy thì chẳng những không có việc gì để làm mà còn không thể phát triển và tồn tại được. Nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc thì chúng ta đang tự xếp mình vào nhóm những người theo chủ nghĩa thất bại.

Cái gọi là kỳ tích là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi, sức mạnh tinh thần và niềm tin mãnh liệt vào công việc mình muốn làm. Tôi chỉ là một người nhiệt tình nắm bắt các tiềm năng của mình, biến những khả năng ấy thành hiện thực chứ không phải là con người đặc biệt.  Hiện nay hình như cũng có người đánh giá tôi là một nhà điều hành kinh doanh có tầm cỡ thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà tư bản. Tôi chỉ là một người lao động giàu có, là người làm ra hàng hóa bằng chính sức lao động mà thôi.

Ban Ki Moon - Hãy học như kẻ ngốc và ước mơ như thiên tài

    Ki Moon này, em đã chọn cho mình nghề nghiệp trong tương lai chưa?” Ki Moon không vội vàng trả lời ngay: “Em cũng biết rằng thầy từng theo học ngành ngoại giao chính trị đúng không? Vì thế thầy cũng muốn nói với em rằng nếu em làm một nhà ngoại giao thì rất tuyệt. Em giỏi tiếng Anh, tính tình lại hòa nhã, không ưa tranh cãi với người khác.”

    Lúc Ki Moon học tiểu học, kinh tế gia đình vẫn còn khá giả nên cậu có thể chuyên tâm học hành. Nhưng đến khi lên cấp hai, lúc cần phải tập trung hơn cho việc học, gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ Ki Moon luôn tạo điều kiện để cậu không phải lo lắng mà chuyên tâm học hành. Vốn dĩ là con người nhân hậu và rộng rãi, bố Ki Moon thường xuyên mua rất nhiều sách vở tham khảo cho cậu, trong đó chủ yếu là các cuốn sách vốn rất đắt đỏ viết về các vĩ nhân trên thế giới. Nhờ vậy, lũ trẻ nhà ông luôn được thỏa thích đọc sách.

    Để trở thành nhà ngoại giao giỏi, kỹ năng ghi chép đóng vai trò quan trọng. Bởi chỉ cần lưu lại sai lệch một lời nói cũng đủ làm thay đổi lợi ích của một quốc gia nhưng trái lại một lời nói chuẩn xác cũng đủ làm nên một thỏa hiệp. Vì vậy, nhà ngoại giao phải ghi chép chính xác mọi từ ngữ. Máy ghi âm MP3 vốn phổ biến ngày nay cũng là công cụ cơ bản để ghi chép lại nội dung của mọi cuộc hội nghị hay đàm phán quốc tế nhưng nói như thế không có nghĩa là bỏ qua vai trò của các nhân viên tốc ký. Không chỉ trong các cuộc hội họp mà thường ngày, Ban Ki Moon cũng luôn mang theo bút và sổ tay ghi chép. Mỗi khi tiếp cận thông tin, cậu có thói quen ghi chép và trình bày vấn đề dưới dạng gạch đầu dòng. Năng lực ghi chép của Ki Moon không chỉ phát huy tác dụng trong công việc mà cả trong cuộc sống thường nhật. Thậm chí nếu có ai đó kể một câu chuyện cười, cậu cũng thường yên lặng lắng nghe nhưng sau đó lại âm thầm ghi chép lại.

    Ngay cả Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng công nhận khả năng tiếng Pháp của ông. Trong một bữa tiệc nhỏ, ông đã gặp mặt Tổng thống Pháp Jacques Chirac nhưng bấy giờ ngài Tổng thống không mấy để tâm đến ứng cử viên của vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Nhưng sau đó khi chứng kiến Ban Ki Moon dẫn chương trình bằng tiếng Pháp ngài Tổng thống đã vô cùng ngạc nhiên trước khả năng nói tiếng Pháp vô cùng lưu loát của vị ứng cử viên này. Tổng thống Pháp Jacques Chirac quay sang Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton nói nhỏ: “Người đang dẫn chương trình là ứng cử viên cho vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lần này đấy. Tiếng Pháp của ông ta khá quá.”

    Mọi người cũng hiểu được nỗ lực to lớn của Ban Ki Moon trong việc học tiếng Pháp. Đó là khoảnh khắc khiến tinh thần tự hào dân tộc của người Pháp được đáp lại. Và lẽ đương nhiên, họ cũng dành niềm tin và cảm tình đặc biệt cho Ban Ki Moon.

    Ngoài ra, Ban Ki Moon còn bắt đầu học tiếng Đức vào năm 1998 khi ông giữ vị trí Đại sứ Hàn Quốc tại Áo bởi ông muốn kết giao với Đại sứ của các nước dùng tiếng Đức. Về sau, khi có dịp diễn thuyết bằng tiếng Đức tại cuộc gặp mặt dành cho Đại sứ các nước nói tiếng Đức, ông đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho mọi người.