Thứ sáu ngày 26 tháng 05 năm 2023
Sáng sớm hôm nay, âm thanh ting ting của tin nhắn Zalo làm tôi giật mình. Mới hơn sáu giờ sáng, tôi còn đang say giấc. Chụp vội lấy chiếc điện thoại để xem tin nhắn trong nhóm, hóa ra chị T phòng Nhân sự gửi hình con gái đang dự lễ tổng kết ở trường mầm non. Bỗng nhớ lại những ngày tổng kết trước đây, học sinh chúng tôi cũng phải lên trường sớm như thế, nhưng không phải với tâm trạng bực bội vì bị bắt ép. Ai nấy đều hân hoan vì một năm học đã kết thúc, chờ đón một năm học mới, một biến chuyển mới, một sự thay đổi mới.
Nhớ lại ba năm cấp ba, tôi không tham dự lễ tổng kết nào ngoại trừ lễ của năm lớp mười hai. Vào năm lớp mười, tôi không khỏe trong người nên tôi không dự tổng kết được. Vả lại, tôi chỉ là một học sinh bình thường trong lớp, trong trường. Tôi không nhận một phần thưởng nào trên sân khấu vào lễ tổng kết. Buổi lễ ấy chỉ dành cho những học sinh xuất sắc của trường thôi. Vào ngày tổng kết lớp, cô giáo đã phát thưởng cho từng bạn trước rồi. Đến một cái giấy khen học sinh giỏi trường cũng không phát, hoặc là trường có phát nhưng tôi không nhớ, không còn giữ lại. “Đi tổng kết làm gì chứ?” - tôi thầm nghĩ như vậy và quyết định không dự lễ tổng kết năm lớp mười.
Vào ngày tổng kết năm lớp mười một, tôi cũng lên trường nhưng không phải là để dự lễ, mà để đi chơi cùng bạn trai (cũng học chung trường). Hai đứa học sinh mặc đồng phục, đứa mặc quần tây áo sơ mi, đứa mặc áo dài, ngồi trên xe máy vi vu quận một, ghé vào nhà sách Nguyễn Huệ trong một buổi sáng tinh khôi và mát mẻ của Sài Gòn vào những ngày đầu hạ. Cảm giác tự do lúc ấy, tôi không thể nào quên được.
Sáng hôm nay, các chị trong công ty đồng loạt nghỉ phép. Hóa ra là để dự lễ tổng kết của con. Chín giờ sáng, chị T phòng Kế toán gửi ảnh chụp con gái trong bộ đồ tốt nghiệp. Em ấy học lớp mười hai, sắp tới sẽ thi đại học. Nhìn bức ảnh học sinh xếp hàng, các phụ huynh ngồi cạnh sân khấu, tôi không khỏi bồi hồi nhớ về lễ tổng kết năm lớp mười hai.
Buổi lễ tổng kết cuối cùng của đời học sinh, hẳn là ai cũng sẽ đi dự nhỉ. Tôi cũng không ngoại lệ. Không những vậy, tôi còn rất háo hức đến ngày hôm ấy. Tôi sẽ được gọi lên sân khấu để nhận thưởng (Năm lớp mười hai, tôi nằm trong danh sách dự bị của đội tuyển học sinh giỏi TP.HCM đi thi quốc gia. Dù chỉ là dự bị và không bao giờ được chọn để thi quốc gia, nhưng tôi đã được đặc cách giải nhất học sinh giỏi thành phố mà không cần thi nữa). Bên cạnh đó, tôi và các bạn sẽ nhảy flashmob trong lễ tổng kết, sau khi trải qua chuỗi ngày tập luyện cũng như biết bao câu chuyện bên lề để có được bài đồng diễn đó.
Năm ấy hình như cũng là năm đầu tiên nhà trường tổ chức lễ trưởng thành và mời cha mẹ học sinh đến tham dự. Tôi suy nghĩ rất lung về chuyện đó. Bố tôi làm ở công ty nước ngoài. Xin nghỉ phép một buổi sáng hoặc là cả một ngày, đó là chuyện không dễ (Năm tôi học lớp mười một, bố tôi còn bị mời vào để hỏi chuyện vì sao tan làm sớm. Gọi là hỏi chuyện, chứ thực chất là “dằn mặt” bố tôi không được về sớm để đón con. Cũng chỉ vì bố chở tôi đi học thêm vào buổi chiều lúc 17 giờ 30. Sau này, lúc 18 giờ bố mới có thể đến trường đón tôi được). Còn mẹ tôi, mười bốn năm trước mẹ tôi bị bệnh nặng. Hiện tại mẹ tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng không thể nào bắt mẹ tôi chạy xe máy, đi xe buýt, hoặc đi xe ôm, hoặc nhờ người thân chở từ nhà đến trường tôi với quãng đường hơn 10 cây số. Mẹ tôi không đủ sức khỏe để làm điều đó. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rất nhiều về ngày ra trường sắp tới. Tôi chỉ lên sân khấu nhận thưởng trong vài giây. Tôi chỉ đứng hát bè ở khuất sau các bạn hát chính trong tiết mục tập thể của lớp. Tiết mục flashmob chưa hẳn quá công phu và biết đâu còn vỡ chương trình. Và tôi đã quyết định, không để bố mẹ đến dự lễ tổng kết - trưởng thành vào năm lớp mười hai của tôi.
Tôi luôn tin rằng đó là quyết định sáng suốt. Ngày hôm ấy, mặc dù đã có bạt che nhưng làm sao có thể che hết ánh nắng chói chang của mùa hè. Tôi không muốn bố tôi ngồi dưới trời nắng như thế. Vẫn là những lời phát biểu, vẫn là những tiết mục văn nghệ thường thấy, từng tốp học sinh lên nhận thưởng trong vài giây, và đặc biệt, tiết mục flashmob không như kì vọng. Ít ra flashmob đã được tổ chức và tạo tiền đề cho những năm sau công phu hơn, hoành tráng hơn. Tôi thông cảm cho trường, âu cũng là lần đầu tiên tổ chức nên còn nhiều thiếu sót. Ngoài kia nghề làm sự kiện còn cực khổ trăm bề, còn đây chỉ là những thầy cô giáo, những học sinh tổ chức chương trình theo yêu cầu của ban lãnh đạo. Tổng kết xong, học sinh lũ lượt ra về, bạn bè tôi chụp ảnh lưu niệm cùng bố mẹ. Tôi có chút bâng khuâng khi nhìn thấy cảnh đó. Nhưng đó là lựa chọn của tôi. Tôi không muốn bố phải mất một buổi làm để dự buổi lễ thế này. Tôi không muốn mẹ chạy từ nhà lên trường trong khi tình trạng sức khỏe không cho phép, chỉ để dự một buổi lễ mà còn chẳng được ngồi gần tôi. Theo như quan điểm của cô giáo tôi năm ấy, “buổi lễ quá nhạt nhẽo, không có điểm nhấn gì”, tôi chỉ biết nhủ thầm, bố mẹ tôi không cần tham dự một buổi lễ để chứng kiến con trưởng thành. Con sẽ thể hiện sự trưởng thành của mình bằng những cách khác, không phải bây giờ, thì chắc chắn là sau này.
Trời đang mưa. Những cơn mưa mùa hè ở Sài Gòn luôn nhắc nhớ tôi những kỉ niệm khó quên. Không biết chị T kế toán dự lễ ở trường con gái xong chưa. Hai mẹ con chị có bị mắc mưa không. Sau buổi lễ, em ấy và các bạn có đi chơi, ăn liên hoan không, hay là để dành đến buổi tối, như chúng tôi vào tám năm trước đây, buổi chiều quay lại trường để tham dự đêm trưởng thành dành riêng cho khối mười hai.
Nhìn bức ảnh con gái chị T trong bộ đồ tốt nghiệp, bên cạnh là thầy cô, bạn bè, phụ huynh thì được sắp xếp ngồi ở vị trí riêng bên cạnh sân khấu, tôi nhớ về buổi lễ tổng kết năm nào mà tôi đã không để bố mẹ tham dự. Tôi sẽ trưởng thành, chỉ là tôi không muốn bắt bố mẹ phải lặn lội đến tham dự buổi lễ năm ấy, khi tôi chưa kịp hiểu thế giới ngoài kia rộng lớn như thế nào.


Photo by <a href="https://unsplash.com/@gadingihsan?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Gading Ihsan</a> on <a href="https://unsplash.com/photos/FU21Q_cAeM0?utm_source=unsplash&amp;utm_medium=referral&amp;utm_content=creditCopyText">Unsplash</a>
Photo by Gading Ihsan on Unsplash