Lễ hội đâm trâu, chém lợn - Cấm hay không?
Bài có nhiều nội dung máu me, cân nhắc trước khi đọc. Đây là bài đầu tiên tôi viết trên spiderum về quan điểm cá nhân của mình. Trước...
Bài có nhiều nội dung máu me, cân nhắc trước khi đọc.
Đây là bài đầu tiên tôi viết trên spiderum về quan điểm cá nhân của mình. Trước hết thì tôi xin giới thiệu về góc nhìn cá nhân. Với bất cứ sự kiện nào, để tránh mắc lỗi ngụy biện và suy diễn thì tôi luôn nhìn nhận mọi việc theo quy luật "Nhân - Quả". Một "Nhân" dẫn đến nhiều "Quả". Và một "Quả" đến từ nhiều "Nhân". Và thái độ của tôi khi tiếp cận bất cứ thông tin nào luôn là "Suy đoán chân thật" tức là "Mọi thông tin đều là đúng và thật cho đến khi nó được chứng là sai hoặc giả" (giống suy đoán vô tội ấy).
Lan man về bản thân tôi thế là đủ rồi. Xin quay lại với chủ đề. Từ Tết Nguyên Đán trước tôi đã nghe về các lễ hội "Đâm trâu, chém lợn". Mùa Tết Nguyên Đán năm Kỷ Hợi này, lễ hội "Đâm trâu, chém lợn" càng nổi hơn với rất nhiều bài viết yêu cầu cấm lễ hội được share khắp Facebook. Gói gọn trong bài viết này, tôi chỉ nói về việc cấm hay không lễ hội này. Gồm 2 phần chính là "CÓ NÊN" cấm hay không và "CÓ THỂ" cấm hay không.
1) Có nên cấm hay không
Để biết một thứ có nên hay không nên làm. Hãy đặt nó vào quy luật nhân quả nào. Những lễ hội này từ đâu mà có và nó dẫn đến những điều gì.
a) Tại sao nó có
Chém lợn, đâm trâu vốn là một truyền thống. Tổ tiên ta giết súc vật để tế thần nhằm cầu một năm mưa thuận gió hòa. Không thiếu những câu chuyện cổ kể về việc hiến tế cũng như chuyện kể về việc phải hiến tế mà không làm và hậu quả của nó. Nổi tiếng trong đó là chuyện vua Minos và con bò của Poseidon từ đó tạo ra Minotaurus (search google để biết thêm chi tiết). Việc hiến tế yêu cầu phải giết sống con vật để dâng không chỉ thể xác mà còn cả linh hồn của vật tế. Nhiều nơi còn phải thiêu xác thậm chí là thiêu sống vật tế.
Nhưng dần thì việc hiến tế này không còn phổ biến nữa. Lý giải cho điều này là việc dân trí được nâng lên và nhiều người thấy lễ hội kiểu này khá là máu me, man rợ và lạc hậu nên họ không làm nữa. Cũng có lý giải là vì loài người hiện nay ít làm nông hơn nên các hoạt động cúng bái cầu thời tiết thuận lợi này đã ít đi. Và một điều nữa là loài người hiện tại ít tin vào thần linh hơn nhiều.
Vậy, tại sao những lễ hội đâm trâu, chém lợn như trên vẫn còn tồn tại. Tôi không biết. Tôi không nghiên cứu về nó. Tôi thật sự không biết tại sao vậy nên tôi sẽ dùng những lý do đã được liệt kê trong những bài viết trên mạng:
1) Truyền thống (đã kể trên)
2) Sự vô văn hóa (trên mạng dùng là man di, mọi rợ, bạo lực, văn hóa lùn,...)
Sau khi xét hai cái này thì tôi nhớ đến lệnh cấm rượu ở Mỹ (search google để biết thêm, again). Năm 1919, Mỹ cấm buôn bán rượu. Nhưng nhu cầu uống rượu vẫn còn đó đã dẫn đến nạn buôn lậu rượu. Bởi vì người ta chỉ cấm được hành động chứ không cấm được động cơ. Động cơ còn đó thì hành động vẫn còn. Chỉ là làm theo các khác mà thôi.
Từ đó, tôi thấy được nguyên nhân sâu hơn một tí. Lễ hội đâm trâu, chém lợn này gồm hai phần là đâm trâu, chém lợn và cầu may (quệt tiền vào máu hay cúng các kiểu). Nó cho thấy hai điều là sự bạo lực và mong muốn được may mắn thái quá của người dân. Cả hai đều là thế hiện của vô văn hóa nên tôi xin tách 2 lý do tồn tại của lễ hội kể trên thành 3 lý do là:
1) Truyền thống
2) Sự bạo lực/khát máu của người dân
3) Khao khát may mắn thái quá bằng mọi cách của người dân
b) Nó dẫn đến điều gì
Thấy nguyên nhân rồi, tôi đi tiếp đến phần kết quả. Những lễ hội này dẫn đến hậu quả gì. Một lần nữa tôi không biết và lại phải viện dẫn những kết quả từ những "nhà nghiên cứu trên mạng":
1) Gây suy đồi đạo đức chung của xã hội
2) Làm tăng tính bạo lực của người dân nên tăng khả năng xảy ra các vụ giết chóc, hiếp dâm, phạm tội,...
Đây là cái quả, tôi tạm cho là nó có thật, thì lễ hội chỉ là cầu nối. Nguyên nhân của hậu quả này là nguyên nhân (2) và (3) kể trên. Hành động cấm đoán lễ hội chỉ giải quyết được phần ngọn chứ phần gốc vẫn còn nguyên. Cái nhân là sự bạo lực và mong muốn cầu may không biến mất đi thì nó chỉ hiển hiện ở nơi khác, theo một cách khác. Nơi mà chúng ta không thấy với cái cách mà chúng ta không kiểm soát được. Thay vì đâm trâu, chém lợn, họ chuyển sang đâm người, chém người thì sao?
Đừng vội nói nó là không thể. Nói tiếp về cái việc cấm rượu ở Mỹ nhé. Chính phủ cấm vì thấy việc uống rượu là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều tai nạn và tội phạm. Họ cấm với hy vọng làm giảm tỉ lệ này. Nhưng nhu cầu giải tỏa stress vẫn còn đó và với lệnh cấm nên giá rượu tăng khiến nhiều người chuyển sang dùng chất kích thích khác mạnh hơn lại cùng mức tiền đó là ma túy. Vậy là tỉ lệ tội phạm chỉ có tăng mà không có giảm. Đến mức vài năm sau chính phủ phải gỡ bỏ lệnh cấm này.
Vậy nên, nếu bạn không có cách nào giải tỏa được sự bạo lực, khát máu và mong muốn cầu may của người dân thì không nên cấm lễ hội này. Giáo dục có thể thay đổi những đặc tính đó, như những nước phương Tây đã làm, nhưng cần thời gian. Không phải là hôm nay. Ngay lúc này, hãy để họ giải tỏa các nhu cầu trên ở nơi mà ta nhìn thấy với cái cách không gây thiệt hại nặng nề thì tốt hơn.
2) Có thể cấm hay không
Rất nhiều người yêu cầu chính phủ cấm mấy lễ hội này. Vậy hãy cũng nhìn nhận dưới tinh thần pháp luật xem CÓ THỂ hay KHÔNG THỂ cấm.
Đầu tiên, nó có vi phạm luật pháp hiện hành để cấm hay không. Theo kiến thức luật pháp của tôi, là KHÔNG.
+ Lễ hội này không hề được quảng cáo, quảng bá gì cả. Người đến xem chỉ vì nghe tiếng nên đến xem và đó là tự nguyện. Giống như bạn cắt tiết gà tự nhiên có một đống người chạy đến xem. Chính quyền chỉ có thể khuyên bạn vào nhà cắt tiết gà chứ không thể phạt hay cấm bạn vì hành động tự ý của người khác được. Phạt như thế là vô lý.
+ Và người trong lễ hội giết heo, bò nhà mình chứ không phải của người khác. Heo, bò cũng không phải là động vật trong sách đỏ. Không thể trách phạt được hay cấm đoán được.
Từ đó, ta thấy là không thể cấm lễ hội nếu dựa vào luật hiện hành. Vậy có thể ban một luật mới để cấm nó không? Ví dụ như là luật "Cấm các hành vi mang tính chất máu me, bạo lực nơi công cộng" chẳng hạn. Để ban hành luật này, cần chứng minh sự tai hại của hành động hiện tại với cơ quan chính phủ. Ví dụ, uống rượu rồi lái xe dễ gây ra tai nạn nên cấm. Hay không đội mũ bảo hiểm dễ chấn thương sọ não khi gặp tai nạn nên bắt buộc phải đội khi đi xe máy. Các hành động đó đều có số liệu rõ ràng để chứng mình sự tai hại của nó. Thì lễ hội này đem đến cái hại gì? Như đã nói ở trên, theo "giang cư mận" đó là:
1) Gây suy đồi đạo đức chung của xã hội
2) Làm tăng tính bạo lực của người dân nên tăng khả năng xảy ra các vụ giết chóc, hiếp dâm, phạm tội,...
Câu hỏi tiếp, lấy gì chúng minh những điều đó? Đừng nói kiểu như "tui cảm thấy" hay "tui biết". Đó là niềm tin chủ quan cá nhân và không chính phủ nào ban hành luật theo cái niềm tin chủ quan đó cả. Hãy chứng minh cái hại của lễ hội này một cách rõ ràng và đầy đủ. Bao nhiêu người xem lễ hội này trở về làm một sát nhân/kẻ bạo lực/trộm cướp/ấu dâm/hay bất cứ loại tội phạm nào khác. Không có số liệu chính xác thì những cáo buộc trên chỉ là vu khống vô căn cứ. Từ đó, không có luật nào được ban ra đâu.
Tóm bài, cá nhân tôi không tìm được lý do để "nên" và "có thể" cấm lễ hội này. Thật tình thì tôi cũng không thích các lễ hội này giống như không thích rượu hay thuốc lá vậy. Nhưng tôi thấy cách để ngăn chặn nó không phải là cấm đoán mà là nâng cao nhận thức và đạo đức của cộng đồng rồi họ sẽ tự động từ bỏ nó thôi. Chưa được như vậy, thì dù không thích các lễ hội này cỡ nào vẫn phải nói là "Có chúng vẫn hơn không". Vì như đã phân tích ở trên: "Bạn nghĩ mọi chuyện như vậy đã là tệ lắm rồi ư? Đó là bởi vì bạn không biết là nó hoàn toàn có thể tệ hơn rất nhiều."
p/s: chấp nhận mọi tranh luận và phản biện.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất