Hôm nay là ngày lễ Vu Lan đầu tiên mà con ngồi lại viết thư cho bố mẹ. Hơn 20 năm tuổi, con mới thực sự hiểu về ý nghĩa của Vu Lan báo hiếu, khi lần đầu dự lễ Bông hồng cài áo ở Làng.
Ngồi lắng nghe những bức thư và lời tâm tình của các bạn nhỏ, các anh chị, và cả những cô chú lớn tuổi, con mới thấy dù lớn, những đứa con vẫn luôn bé nhỏ trong lòng cha mẹ. Khi nghe lời chia sẻ của một cô rằng khi bố mẹ cô mất, lúc ấy cô biết "Con đã mồ côi cha mẹ." Con sực nhận ra rằng bố mẹ cũng là con của ông bà, con lại nhớ da diết bà nội, bà ngoại. Con may mắn vì vẫn còn bố mẹ ở bên, nhưng bố mẹ thì đã không còn bố mẹ nữa rồi. Chắc hẳn lúc đó bố mẹ khó khăn lắm, mất mát đó không thể nói thành lời, nhưng con lại quá trẻ và vô tâm để giúp bố mẹ vượt qua nỗi buồn vào khoảng thời gian khó khăn đó. Hồi đó con chỉ mải trách cứ bố mẹ không quan tâm, chiều theo ý con muốn và không thấu hiểu cảm xúc của con.
Ngày hôm đó, khi ngồi thiền tĩnh lặng lúc 5h sáng, bên cạnh những người bạn đồng tu, được ôm ấp trong nguồn năng lượng bình an mà mạnh mẽ, lần đầu tiên con nghe được tiếng trái tim đập trong lồng ngực, một cách yên bình, chứ không phải tiếng đập bất ổn mỗi khi con lo lắng, xáo trộn trong thân tâm. Con nghĩ tới bố mẹ, biết rằng mình đang đập những nhịp đập bình an cho người yêu thương, thở những hơi thở an nhiên cho gia đình và tổ tiên. Con hạnh phúc biết bao!
Lâu lắm rồi, nhiều kỉ niệm chưa tràn về trong con như vậy. Con nhớ về những lần con ốm không yên, mẹ thức cả đêm để lau người và dỗ con ngủ. Những năm tháng đi học xa, con chỉ biết tự đắp khăn lên trán và nhớ biết bao bàn tay mẹ đặt lên đó. Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần con mải xem phim rồi ngủ quên ở phòng khách, bố lại bế con lên phòng ngủ. Chìm vào giấc ngủ thiu thiu ấy, con thấy an toàn trong vòng tay vững chãi của bố, và thỉnh thoảng khó khăn quá, con lại nhớ tới cảm giác đó để tự an ủi mình.
Con nhớ tới những tiếng cười rộn vang khi hồi con bé, gia đình mình cứ dăm ba bữa lại xách xe đi khắp các tỉnh miền Bắc, cùng nhau khám phá thiên nhiên và những vùng đất mới. Bố mẹ ngồi trước nói chuyện, con và các chị ngồi sau cãi cọ, cười đùa rồi lại ngủ gật. Rồi có khi chỉ là những chuyến đi siêu thị cuối tuần, tranh thủ khi bố mẹ không bận công việc và chúng con được nghỉ ở nhà. Nhưng từ lâu lắm rồi, khi chị em con đi học xa, đi cưới chồng, con không nhớ lần cuối nhà mình một xe đông đủ như vậy là khi nào nữa. Lúc nào cũng thiếu 1-2 người, hoặc phải chia 2 xe vì gia đình đã đông đúc hơn, bọn con cũng đủ lớn để thay nhau làm tài xế cho bố mẹ.
Con biết mình từng hư lắm, con đã làm bố mẹ phiền lòng nhiều những năm tháng mới lớn. Suốt những năm đi học, con hay bị bắt nạt và mặc cảm, vậy nên con đã trút nỗi giận đó lên bố mẹ và các chị. Con quá non nớt để nhận thức rằng nỗi khổ của con cũng gây đau khổ cho gia đình, con nghĩ rằng không ai hiểu được nỗi khổ của mình và tất cả những gì mọi người xung quanh làm đều là để bắt bẻ, đánh giá con. Phải tới lúc đi xa vòng tay bố mẹ, trải nghiệm và gặp khó khăn trong cuộc sống, con mới bắt đầu quán chiếu lại những hành động và lời nói gây khổ đau của con hồi đó, để học cách trân quý những điều mà con đang có, là cuộc sống mà bố mẹ đã vất vả cả đời để lo cho chúng con.
Dự lễ Vu Lan về, con kể bố mẹ về niềm biết ơn khi con được cài bông hồng lên ngực và những trải nghiệm xúc động tại Làng. Nhưng con chưa có can đảm để nói lời yêu thương, lời cảm ơn và xin lỗi với bố mẹ khi đó. Con chỉ biết rủ gia đình mình cùng nhau đi dự Lễ Vu Lan ở Làng vào năm sau, nếu có cơ hội, vì con muốn gia đình mình được cùng nhau quay về những ngày tháng quây quần hồi đó, để con lại được trở về làm đứa con bé bỏng, nhưng đã hiểu chuyện và khôn lớn hơn của bố mẹ.