Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tranh vương đoạt quyền giữa chốn kinh kỳ mà Lang Gia Bảng còn là một khúc bi tráng của một đời danh tướng. 
Bạn đã đọc Lang Gia Bảng chưa? 
Bạn đọc rồi thì ắt hẳn bạn không thể nào quên được một Lâm Thù ngạo nghễ, thiếu niên chói sáng nhất kinh đô với nụ cười hào sảng, rạng rỡ và một khí phách hiên ngang đúng không? 
Bạn cũng không thể quên một Mai Trường Tô yếu ớt, bệnh tật quanh năm, luôn cười nhạt và tâm chứa đầy mưu mô, thủ đoạn đúng không? 
Bạn cũng không thể quên một "Mai Lĩnh" đã chôn vùi hàng ngàn anh linh trung dũng trong nỗi oan khuất thấu trời. 
Bạn cũng không thể quên một "Cảnh Diễm" bộc trực, chín chắn, thẳng thắn và mang nặng tình nghĩa, và đôi khi ngu ngốc. 
Bạn có thể sẽ vẫn còn giữ ấn tượng tốt đẹp về một cậu bé "Phi Lưu" hồn nhiên, trong sáng nhưng võ công lại tài hoa bậc nhất bảng xếp hạng Lang Gia. 
Bạn cũng có thể còn nhớ thiếu niên Cảnh Duệ với một tinh thần hào sảng xem trọng tình anh em, suy nghĩ đơn giản và luôn lấy hết tâm can mình để đối đãi bằng hữu. 
Bạn cũng khó có thể không nhớ một "Ngôn Dự Tân" mang đến màu sắc tươi sáng cho mọi nơi mà hắn đi qua, mọi cảnh mà hắn xuất hiện và có một mối "thâm tình" bền chặt với người anh em cùng lớn lên là Cảnh Duệ. 
Bạn cũng sẽ không quên một nữ anh hùng thay cha đánh giặc năm 17 tuổi và thay em gánh vác trọng trách gìn giữ biên cương trong hơn 10 năm. 
Bạn cũng sẽ không quên một nữ huyền kính ty như "Hạ Đông" với sự mạnh mẽ quyết đoán, chung thủy nhưng tâm mang đầy những nỗi đau đớn của một phụ nữ mất phu quân trên sa trường. 
Tôi chắc chắn là bạn sẽ không quên tất cả những điều tôi vừa kể, và rất nhiều điều khác nữa nếu như bạn đọc "Lang Gia Bảng". 
Lang Gia Bảng- Xứng đáng một khúc ca bi tráng của một đời danh tướng
Tôi vẫn coi Mai Trường Tô là một danh tướng cho dù xuyên suốt cả mạch truyện, chàng chỉ hiện lên là một mưu sĩ đầy mưu mô, thủ đoạn và sự tính toán chặt chẽ, thông minh. 
Câu chuyện kể về hành trình tìm lại sự công bằng, chính nghĩa cho 70 ngàn trung hồn cùng rất nhiều anh em tướng lĩnh của chàng sẽ khiến nhiều người cảm động. 
Đâu chỉ là hơn 2 năm ở chốn kinh kỳ, hành trình ấy bắt đầu từ 13 năm trước khi người thúc thúc đẩy chàng xuống hố tuyết với ánh mắt tràn đầy hy vọng "phải sống". Còn sống là còn hy vọng, sống không phải để trả thù những kẻ đã gây ra cái chết tức tưởi, cái chết oan khuất cho tất cả anh em tướng sĩ, mà sống để giúp cái chết của họ không phải một cái chết nhục nhã và oan ức. 
Với niềm hy vọng được gửi trao cuối cùng ấy, chàng trải qua những nỗi đau cực hạn về thể xác và những nỗi thống khổ vì mất người thân, người anh em để trở về. Từ một chàng thiếu niên ngạo nghễ, có thể cưỡi ngựa uống rượu giữa thảo nguyên, có thể cùng tướng sĩ xông pha sa trường, có thể cùng đấu võ, tỷ rượu suốt trời nam đất bắc, chàng chấp nhận sống trong một thân thể yếu đuối, bệnh tật, chỉ lạnh một chút đã sợ để trở về làm một mưu sĩ mang trong mình đầy thủ đoạn, mưu mô và chỉ nghĩ đến danh lợi và cường quyền. 
Mặc dù đứng ở bất kỳ vai trò nào, là một Lâm Thù thiếu soái anh dũng hay một Mai Trường Tô thông minh, thủ đoạn hơn người, chàng vẫn thể hiện được sự "tài hoa" của mình. Nhưng tiếc là, hai hình ảnh đó quá đối lập, một tướng sĩ sử dụng tài hoa của mình trên sa trường chiến đấu với quân địch vì nước đâu thể đứng cùng một con người mưu mô thủ đoạn chỉ làm mưu sĩ trong những vương thất. Sự đối lập ấy không chỉ gây nên những nỗi đau đớn cho chàng mà còn khiến người đọc cảm thấy thương cảm. Sự đối lập ấy cũng làm cho người anh em thân thiết nhất, người anh em chàng coi trọng nhất hiểu lầm và nhiều lần làm tổn thương chàng. 
Chàng đã từ bỏ hình ảnh của một Lâm Thù để quyết làm một Mai Trường Tô trọn vẹn, gửi gắm niềm hy vọng về việc "lật lại án oan năm xưa" vào người anh em thân thiết dưới mục đích của một mưu sĩ thủ đoạn háo danh. Tất cả những nỗi đau, tổn thương và sự chỉ trích chàng đều chấp nhận và chi hy vọng vị quân vương mà mình phò tá mãi giữ được tâm hồn liêm khiết. 
Mình đã khóc rất nhiều lần vì Mai Trường Tô. Không phải vì Lâm Thù. 
Mình khóc khi Mai Trường Tô cố dấu sự đau đớn của mình khi người xung quanh gợi lại hình ảnh thiếu soái Lâm Thù uy dũng năm xưa. 
Mình khóc khi Mai Trường Tô dù tâm hồn mang đầy vết thương lòng nhưng vẫn nhẹ nhàng an ủi và khuyên nhủ "cố nhân" khi bà nhận ra chàng. 
Mình khóc khi trong cơn mê sảng vì bệnh tật của Mai Trường Tô, Lâm Thù trở về và an ủi người anh em của mình "Cảnh Diễm, đừng sợ". 
Mình khóc khi con chó sói "Răng Phật" vẫn có thể nhận ra chàng và vui mừng rối rít. 
Mình khóc, mình khóc rất nhiều cho một Mai Trường Tô hy sinh quá nhiều. 
Mình đọc Lang Gia Bảng đến lần thứ 2 thứ 3 và cảm giác bi tráng cùng cảm xúc xúc động vẫn vẹn nguyên như vậy. 
Mình ngưỡng mộ tình anh em của Dự Tân - Cảnh Duệ 
Mình khâm phục ý chí sắt đá của Mai Trường Tô 
Mình thương tiếc và phẫn huận cho cái chết của 70 ngàn anh linh 
Lang Gia Bảng là một tiểu thuyết có bi tráng, có hào hùng, có khí phách. Cuốn tiểu thuyết không chỉ vạch trần những góc tối của cuộc chiến chinh đoạt vương quyền mà còn mang đến cho người đọc một câu chuyện bi tráng về nỗi oan của một nhà danh tướng lẫy lừng, của một hoàng tử có hùng tâm đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy của sự bê tha, tha hóa.
Tất nhiên, không thể không kể đến một vài nhân vật đã thổi một làn gió khá dễ chịu vào trong tiểu thuyết, đó là Lưu Phi ngây thơ, Lận Thần ca ca lầy lội và chàng công tử Dự Tân hào hoa phong nhã hay làm màu. 
Hãy đọc Lang Gia Bảng, không hiểu sao tôi mong muốn những chàng trai hãy đọc cuốn tiểu thuyết nhuốm 2 phần ngôn tình 8 phần chính trị này. 
Bởi trong đó có tình anh em, tình huynh đệ, có cả khí phách anh hùng, sự kiên cường, ý chí. Nếu sống trong một xã hội như cuốn tiểu thuyết nói đến thì có lẽ nó sẽ có ảnh hưởng lớn hơn. Đọc Lang Gia Bảng ngay và luôn đi rồi chia sẻ.