Hôm nọ ngẫu nhiên thấy Fr. Casey Cole từ kênh Breaking the Habit giới thiệu mấy phim công giáo, có phim Doubt, thế là mình xem lại Doubt, vốn trước đó đã xem trên HBO. 
Doubt hiển nhiên nói về một "mối hoài nghi"; đó là mối ngoài nghi của sơ Aloysius (Meryl Streep), hiệu trưởng trường thánh Nicholas, về sự đứng đắn của cha Flynn (Philip Seymour Hoffman). Cụ thể là sơ Aloysius nghi cha Flynn đang lạm dụng tình dục một đứa bé trai da màu, Donald Miller, con trai của một bà do Viola Davis đóng, sau một số dấu hiệu kỳ lạ mà sơ James (Amy Adams) tình cờ quan sát được. 
Bằng một sự quả quyết không cần bằng chứng, sơ Aloysius ép cha Flynn phải rời nhà thờ và trường học đi nơi khác. Cuối phim, nghĩ lại toàn bộ sự việc, sơ Aloysius bật khóc trong vòng tay sơ James, thừa nhận rằng toàn bộ có thể chỉ là một cáo buộc vô căn cứ, và nếu như vậy sơ đã rời xa thiên chúa. Nhiều người xem phim cũng sẽ có ác cảm với sơ Aloysius, không chỉ vì sự mù quáng nói trên, mà còn vì sơ Aloysius đại diện cho một thái độ bảo thủ và khổ hạnh, khiến không khí trường học luôn bức bí, tù túng. Cha Flynn, trái lại, là một người bênh vực cho các cải cách mang tôn giáo gần hơn với thế tục. Sự đối lập đó được thể hiện bằng rất nhiều biểu tượng: Sơ Aloysius ghét bút bi vì nó làm học trò cẩu thả, cha Flynn lại dùng bút bi. Sơ Aloysius không uống trà với đường, cha Flynn lại cho những ba viên đường vào tách trà. Cha Flynn dạy học trò rằng móng tay không cần cắt ngắn, có thể để dài, miễn là chúng sạch sẽ. Và một biểu tượng đáng nói là cha Flynn thường hay mở cửa sổ, trong khi sơ Aloysius lúc nào cũng muốn đóng cửa sổ lại để gió không lùa vào, chi tiết này có thể liên hệ đến một câu nói của giáo hoàng John XXIII, rằng nhà thờ nên “mở cửa sổ và đón những làn gió mới”.
Nhưng cái gây kinh ngạc ở bộ phim này, mà phải đến lần này xem tôi mới nhận ra, đó là doubt ở đây không chỉ là sự ngờ vực của sơ Aloysius, mà còn là sự ngờ vực của những ai để ý các chi tiết xoay quanh một nhân vật phụ là cậu học trò William London. Xuyên suốt bộ phim, William London luôn thể hiện là một thằng nhóc ngỗ nghịch, chán ghét trường học, thường trốn ra ngoài hút thuốc. Nó cảm thấy khó chịu khi cha Flynn chạm vào người, và cảm thấy sợ hãi khi cha Flynn chìa những cái móng tay dài trước mặt. Và khi cha Flynn bảo rằng mình sẽ rời đi, ta lại thấy trên mặt William London hiện ra một nụ cười nhẹ nhõm. Tất cả những chi tiết tinh vi đó dường như đang ám chỉ rằng không phải Donald Miller, mà có lẽ chính William London mới là nạn nhân của cha Flynn.
Vấn đề là, đến lượt mình, chúng ta cũng như sơ Aloysius, không hề có bằng chứng nào cụ thể để kết tội cha Flynn, và nếu cứ tiếp tục kết luận vội vã từ những biểu hiện rời rạc, hời hợt nói trên, chẳng phải chúng ta sẽ đi theo vết xe của sơ Aloysius? Lúc này, người xem cũng lại đứng trước một lựa chọn: hoặc sẽ ngây thơ tin vào điều tốt đẹp như sơ James, hoặc sẽ cynical, dồn ép đối tượng đến cùng để tìm ra chân tướng như sơ Aloysius, tin rằng khi theo dấu quỷ dữ, dù bước xa khỏi chúa, nhưng ta vẫn phụng sự người. Và đó là một kết thúc mở của phim cho người xem, dù có là tín đồ công giáo hay không. 
Đây là một phim đáng xem, nhất là với những ai hâm mộ Meryl Streep. Dù thích hay ghét, vẫn phải thừa nhận Meryl Streep là một diễn viên rất cuốn hút.
sơ Aloysius (Meryl Streep)
sơ Aloysius (Meryl Streep)
cha Flynn (Philip Seymour Hoffman)
cha Flynn (Philip Seymour Hoffman)
sơ James (Amy Adams)
sơ James (Amy Adams)
bà Miller (Viola Davis)
bà Miller (Viola Davis)