Mình rất hạnh phúc khi được làm việc ở Đan Mạch, vì ở xứ Bắc Âu này, mình được phát triển ở một môi trường tiên tiến và đãi ngộ cực kì hào phóng. Tuy nhiên, mình đến từ Việt Nam, và sự khác biệt văn hóa đã đem lại không ít phiên toái dở khóc dở cười cho mình, hôm nay mình cùng nhìn vào một số khác biệt.


  • “Mày có thôi gửi mail tao được không?”
Khi mình còn làm ở FrieslandCampina Việt Nam, mình luôn để tên sếp mình gần như trong mọi email mình gửi ra. Mình muốn đảm bảo sếp biết mình đang làm gì, từ việc gửi đơn hàng cho nhà cung cấp, xác nhận ngày giao hàng, mình muốn sếp biết tất cả. Và khi sang Đan Mạch mình vẫn giữ thói quen này cho tới một ngày ông sếp hỏi mình “Tao đâu cần biết những thứ chi tiết này, mày có thể thôi gửi Cc và spam mail tao không??”
Điều này thực ra không phải do sếp Việt của mình thích thú với việc micro-management, điều mình nghĩ đến từ trách nhiệm các sếp Việt phải mang. Ở Việt Nam, sếp mình được kì vọng phải chịu trách nhiệm về MỌI THỨ xảy ra trong bộ phận của anh ấy, nếu có một khách hàng phàn nàn về chuyện giao hàng trễ, sếp thường là người phải chịu trách nhiệm trước các phòng ban khác.
Các sếp người Đan luôn mặc định bạn là người làm trực tiếp, do đó, bạn phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm cho công việc. Họ luôn kì vọng nhân viên phải tự chủ công việc của họ và chỉ tìm đến sếp khi có điều gì đó cần thảo luận thôi. Đối với sếp thì tình huống “nếu tao không nghe gì từ mày” sẽ được hiểu “mọi thứ đều ổn”
Phải mất vài tháng mình mới “tự tin” bỏ hẳn sếp ra khỏi Cc list vì thời gian đầu mình cứ nghĩ “chẳng lẽ em chỉ tìm sếp khi em có vấn đề?”
  • Sếp không phải là trung tâm
Các sếp người Việt thường được xem như một người dẫn dắt, truyền động lực để giúp đội nhóm đạt được kết quả công việc tốt nhất. Một người sếp tuyệt vời là người sếp có thể giúp bạn đi một chặng đường dài, đạt đỉnh cao mới trong sự nghiệp. Ở nhóm, sếp là trung tâm và mọi công việc đều xoay quanh sếp, như các hành tinh và mặt trời vậy!
Người Đan sẽ khá nghi ngại khi thấy ai đó chiếm quá nhiều “spotlight”. Các sếp người Đan rất rất hiếm khi nào nói bạn cần làm gì, suy nghĩ của họ là tuyển bạn vào để bạn phải giúp họ giải quyết vấn đề chứ không phải bạn vào để họ chỉ bạn cách giải quyết vấn đề. Trong các cuộc họp, bạn phải là nhân vật chính đề xuất ý tưởng và sếp sẽ thảo luận, hướng dẫn bạn nhiều hơn. Mình thấy sếp Đan giống một người hướng dẫn hơn là một người “chỉ đạo”. Sếp Đan giống một người huấn luyện viên thảo luận cuộc chơi cùng bạn và luôn ủng hộ bạn từ ngoài sân.
Điều này đến từ văn hóa “bạn không bao giờ giỏi hơn tập thể”. Chuyện phân loại học sinh là một điều (gần như) không tồn tại ở Đan Mạch, thậm chí nếu bạn quá giỏi, bạn còn được yêu cầu phải chậm lại để giúp đỡ người khác cùng học với bạn. Và văn hóa này cũng theo các sếp vào tới công ty, sếp muốn thấy sự phát triển xây dựng từ ý kiến tập thể chứ không phải từ một cá nhân.
  • Quá nhiều Out-of-office email!
Bản thân mình ở Việt Nam (và có lẽ Châu Á nói chung) thường có một thời gian làm việc mỗi ngày rất dài. Chuyện mình tới công ty 9h sáng và ra về 7h tối mỗi ngày không hề là chuyện lạ. Do vậy mình cũng rất “bất mãn” khi các đồng nghiệp Châu Âu của mình nghỉ hè tới vài tuần lễ và hầu như họ sẽ luôn rời công ty lúc 16h. Mình từng nghĩ rằng các bạn ở trời Tây của mình gần như chẳng làm việc hay sao mà luôn “out-of-office”
Khi đã đi làm ở Đan Mạch, mình đã thay đổi suy nghĩ về cách làm việc của các đồng nghiệp cũ của mình. Người dân ở Đan Mạch chỉ làm tới 16h, điều này không đồng nghĩa họ làm việc ít hơn mình. Đồng nghiệp mình ở văn phòng thường làm việc với mức độ tập trung rất cao vì đa số mọi người đều muốn hoàn thành công việc sớm để về với gia đình. Bản thân mình hồi xưa dù có tới 10 giờ làm việc mỗi ngày nhưng mình có rất nhiều thời gian “nghỉ” – đôi khi là 20’ đi dạo buổi trưa, 15’ uống café giữa giờ, có khi mình còn tận dụng mạnginternet tân thời của công ty để đặt phòng nghỉ cuối tuần. Nói chung 10 giờ làm việc của mình không hoàn toàn 100% là làm việc.
Một nhân tố quan trọng nữa khiến mình ráng ở lại công ty làm đó là…sếp. Mình nhận thấy ở Việt Nam, sếp có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cá nhân của bạn, chứ không chỉ sự nghiệp. Nếu sếp không đánh cao mình, chắc chắn mình rất khó thăng tiến từ đó khiến việc xoay xở tài chính cho đủ thứ tiền trả ngân hàng, hóa đơn, con cái, tiết kiệm có thể trở thành áp lực khủng khiếp. Mình cảm thấy đôi khi vì áp lực này mình phải cố gắng thể hiện cho sếp thấy mình là một người nhân viên xứng đáng được cất nhắc.
Xã hội Đan Mạch khiến sếp không còn quyền lực này. Bắc Âu, đặc biệt Đan Mạch nổi tiếng nhờ phúc lợi xã hội hào phóng. Một công dân ở đây nếu chẳng may bị mất việc, anh ta vẫn được hưởng 90% lương trong vòng 2 năm tới, các nhu cầu chính của anh ta vẫn được nhà nước đảm bảo, anh ta sẽ không rơi vào cảnh chật vật xoay xở trả tiền học cho con, lo cho cha mẹ hay khám sức khỏe. Điều này khiến người dân ở đây ít có “nhu cầu” phải cạnh tranh để thăng tiến hơn, từ đó chuyện tạo ấn tượng với sếp cũng giảm đi rất nhiều.
Chốt lại, mình nghĩ về văn hóa thì không có văn hóa nào là tốt là xấu cả, người Việt cũng yêu gia đình như người Đan, và người Đan cũng lo lắng cho công việc không thua gì người Việt mình cả - việc mình hiểu điều gì làm họ cư xử khác giúp mình có cái nhìn cởi mở và… “ít phàn nàn” hơn.
Còn nếu bạn hỏi mình thích ở đâu hơn, câu trả lời sẽ là…
Nếu bạn cũng từng có những ức chế văn hóa như trên, chia sẻ cùng mình nhé.